Trang chủ » Truyện

CHÙM TRUYỆN MINI CỦA HOÀNG NGỌC TRÚC

Hoàng Ngọc Trúc
Thứ tư ngày 8 tháng 9 năm 2010 7:16 PM
XIN NGHỈ PHÉP
 
 Một buổi chiều, Thân lên gặp thủ trưởng xin phép được nghỉ một ngày về lo việc xây mộ cho ông cụ. Cánh cửa phòng khép hờ. Thân cầm quả đấm cửa đẩy vào bỗng anh giật mình khi thấy thủ trưởng đang âu yếm một cô gái. Hai cặp mắt một của nam một của nữ nhìn thẳng vào anh. Thân lúng túng, lí nhí một câu chào không rõ tiếng rồi đóng cửa ra về.
 Tối hôm đó, anh trằn trọc không sao ngủ được. Biết được "chuyện này" của thủ trưởng thì sớm muộn sẽ phải chuyển công tác là cái chắc rồi. Nghĩ cách, sáng hôm sau, quần áo chỉnh tề anh lại lên gõ cửa phòng thủ trưởng một lần nữa.
 Cửa mở, anh bước vào, mặc dầu thủ trưởng mời ngồi, song anh vẫn đứng  và chủ động đặt vấn đề.
 Thưa anh! Ngày mai vợ chồng em lo xây mộ cho ông cụ. Chiều qua em lên gặp anh để xin phép nghỉ nhưng anh mắc họp bên tỉnh, sáng nay em lên sớm xin anh cho em nghỉ phép một ngày. Thủ trưởng bắt tay Thân và nói với một giọng đầy thông cảm:
 - Xin nghỉ phép xây mộ cho cụ à? Mình hoàn toàn đồng ý. Mà sao lại xin nghỉ có một ngày, cứ nghỉ dăm ngày cho thoải mái thời gian. Thế đã có ngân khố về quê chưa? Tí nữa mình viết mấy chữ qua phòng tài vụ tạm ứng lương để có tiền mà lo việc. Xây mộ vào dịp thời tiết hanh khô này là tốt lắm. Các cậu hiếu nghĩa chu đáo thật. Sang năm mình cũng phải bắt chước cậu xây "nhà mới" cho hai cụ. À này, hình như sáng mai có xe của cơ quan đi công tác qua quê cậu, mình sẽ bảo xế nó chở cậu chở cậu về luôn thể. Tiện đây cho mình gửi thêm một chút gọi là lòng thành cậu mua hương hoa về viếng cụ, nhớ bảo với cô ấy là của thủ trưởng Ba gửi viếng nhé.
 Thủ trưởng Ba nói một thôi dài rồi giục Thân về để để chuẩn bị công việc. Thân xúc động chỉ biết nắm chặt tay thủ trưởng và cám ơn lia lịa.
 Bước ra khỏi phòng thủ trưởng, Thân thực sự yên tâm và nghĩ bụng: Như vậy là "ông ấy" cho mình không biết "chuyện hôm qua" và dẫu có biết mà mình không nhận là biết thì cũng coi là không biết. Anh vui mừng vừa đi vừa nhảy chân sáo trên đường; miệng lẩm bẩm câu hát "Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay...".

CHẤM BÀI
 
Tham gia trong nhóm luyện thi vào Đại học nước rút, thời gian vô cùng quý hiếm thì thầy Khang lại bị đồng chí Trưởng phòng đào tạo giao chấm gần một trăm bài thi môn lịch sử. Thầy Khang nghĩ: Chấm thi thử không phải là việc quan trọng lắm như thi thật nên bèn định ra một kiểu chấm riêng cho nhanh.
Bài viết nào chỉ được hai, ba trang cho điểm 3 đến điểm 4.
Bài viết bốn đến năm trang cho 5 hoặc 6 điểm.
Bài sáu đến bẩy trang cho 7 hoặc 8 điểm. Không cho điểm 9 và 10.
Anh quẹt không đầy nửa tiếng xong tập bài thi. Chuẩn bị đi nộp kết quả thì anh Trưởng phòng đào tạo chạy xuống. Thầy Khang vui vẻ nói: Chất lượng môn Sử thi thử kỳ này khá. Chốc nữa cậu khớp phách xem học sinh lớp nào mà cả tập bài này không có điểm dưới trung bình. Trưởng phòng đào tạo mặt tái nhợt nói không ra tiếng: Chúng mình phải đi tù rồi anh ơi! Thầy Khang cau mặt nói: Cậu nói sao? Mình không hiểu.
Trưởng phòng đào tạo nói bằng giọng đứt hơi: Tổ văn họ đang kêu thiếu một tập bài, hay là em đưa nhầm tập bài văn sang cho anh chấm. Thầy Khang chột dạ mở xem thấy đề ra là" "Cách mạng tháng Tám thành công, văn học Việt Nam bước sang chặng đường mới...". Sắc mặt thầy Khang cũng từ từ tái nhợt, anh nói với Trưởng phòng đào tao: Tại sao chú lại có sự nhầm lẫn chết người này? Trưởng phòng đào tạo nói: Em đọc lướt thấy có từ "Cách mạng tháng Tám"... tưởng là môn sử của anh, ai ngờ lại là đề văn. Mà các ông văn thiếu gì ngôn từ mà phải vay mượn từ bên lịch sử của các anh cơ chứ? Em là giáo viên sinh vật chấm lẫn đã đành, anh là giáo viên Sử chấm bài mà lại cũng nhầm thì cực kỳ lạ lùng. Bây giờ biết tính sao đây.
Thầy Khang mồ hôi vã ra như tắm, nói thều thào: Còn tính với toán gì nữa. Cả chú và tôi (và nhất là tôi) sẽ đợi đấy, lãnh án "về vườn là điều khó tránh khỏi rồi.

NHÀ VĂN
 
 Anh mệt, muốn đi nằm viện.
 Tôi nói:
 - Anh ở nhà để em chạy sang cậu Nỡi đem xe chở đi. Anh rể nằm viện mà không báo cho cậu biết, e cậu ấy giận.
 Tôi đến nhà cậu Nỡi, đứa con gái cậu ấy bảo:
 - Bác chờ một lát, sáng nay bố cháu mắc sang ngoại có chút việc, có lẽ sắp về. Hơn một tiếng sau, cậu Nỡi mới về, hai chị em tranh thủ lên xe luôn. Về tới nhà thì anh đã gọi xe ôm đi viện rồi.
 Hai chị em tất tưởi đến Viện. Hỏi thăm hết các nhà ở của bệnh nhân, đến đâu họ cũng trả lời: "Không có ai tên là Vũ Viết Vành cả". Hai chị em đang ngơ ngác lang thang ở sân bệnh viện thì may quá, tôi gặp cô bạn học cùng phổ thông trước đây, hiện đang làm y tá. Tôi hỏi vu vơ: "Cậu có biết ông xã mình nằm ở phòng nào không?". Hỏi vậy thôi, chứ tôi không hy vọng là bạn sẽ biết. Không ngờ bạn tôi lại biết rất rõ và nhanh nhẩu nói: "Anh Vành mới được chuyển lên khu A cách đây chưa đầy 15 phút. Phòng 211. Sướng nhé! Khu dành riêng cho cán bộ cấp cao đấy".
 Mình anh một phòng rộng 24 mét vuông khép kín, sạch sẽ thoáng mát có đầy đủ cả ti vi tủ lạnh, máy điều hoà, bàn ghế để tiếp khách không kém gì phòng ở khách sạn. Thấy cửa mở, hai chị em tôi bước vào. Anh đang nằm bật dậy vui vẻ hỏi:
 - Ôi! Sao hai chị em biết anh nằm đây mà đến? Rồi anh kể chuyện liên tằng:
 - Sáng nay đến khám xong, họ nhét anh vào khu nhà E cấp bốn. Mỗi phòng 4 giường, mỗi giường 2 bệnh nhân ngột ngạt đến nghẹt thở. Anh đang đứng ngoài hiên thì bác sỹ viện trưởng đến, anh tranh thủ lấy trong cặp ra tập thơ của anh mới xuất bản tặng ông ta và tự giới thiệu là hội viên Hội nhà văn, với hy vọng là họ sẽ tôn trọng nhà văn mà điều đến phòng khác (một mình một giường). Bác sỹ viện trưởng mặt lạnh tanh nhìn anh nói:
 - Thơ với chả thẩn, ai rỗi hơi mà đọc. Nhà văn chứ nhà giời vào đây cũng 2 bệnh nhân 1 giường. Có giường còn nằm 3 kia. Hay không thích nằm 2, tôi điều đến giường nằm 3 cho vui.
 Anh thất vọng vào giường ghé bên bệnh nhân khoảng ngoài 50 tuổi đang lên cơn sốt li bì.
 Nằm khoảng 15 phút, y tá Hoà (bạn mà hai chị em gặp ban nãy) nhận lệnh của bác sỹ viện trưởng xuống báo anh thu xếp hành lý lên phong 211 khu A này. Bác sỹ viện trưởng cũng vừa đến thăm anh về xong. Ông ta rất ca ngợi tập thơ của anh. Ông nói: "Tôi quyết định chuyển "nhà thơ" lên khu A này nằm điều trị. Cơ quan viện chắc không ai dám thắc mắc, vì tôi làm đúng đường lối "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Phải biết tôn trọng chất xám và tài năng".
 Anh cười rất tươi và nói tiếp:
 - Đấy! Hai chị em thấy giá trị thơ của anh chưa? Rồi anh liếc yêu tôi nói: "Từ nay hai mẹ con em hết giễu anh là thơ với thẩn hâm với chập nhé".
 Tạm biệt anh, về nhà tôi định nhờ cậu em chở đến cơ quan con bạn tặng nó tập thơ với ý nghĩa là "đứa con tinh thần" mới ra đời của chồng mình, đồng thời trả nó 1 triệu đồng mượn tháng trước. Rút ngăn kéo lấy tập thơ và tiền đã kẹp sẵn bên trong (hai tờ năm trăm ngàn loại giấy pôlyme), tôi giật mình không thấy tập thơ đâu, bèn nghĩ: Ở nhà chỉ có hai vợ chồng, con đi học xa, ai vào đây mà lấy được? Chắc chắn là anh mang đi rồi. Tôi lại nhờ cậu Nỡi chở gấp vào viện. Đến phòng anh tôi hỏi luôn:
 - Anh cầm tập thơ em để ngăn kéo à?
 Anh nói:
 - Có! Có! Rồi anh trách nhẹ: Thơ trong nhà mà mấy tháng nay không chịu đọc. Bên ngoài người ta khen hay mới cuống lên tìm đọc? Còn một bọc dựng ở góc nhà, em bóc ra mà lấy một cuốn, rồi buộc kỹ lại cho anh nhé.
 Tôi biết ngay lý do vì sao bác sỹ viện trưởng lại nhiệt tình với anh như vậy. Song giấu bặt không nói vội cho anh biết về cái sự thật chua chát  sặc mùi kim ngân này, nhất là ở thời điểm anh đang yếu phải nằm viện.