Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG VÀ THÂN PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG “CỎ MÃ LINH”

Đặng Văn Sinh
Thứ bẩy ngày 20 tháng 6 năm 2020 7:10 AM




Truyện ngắn Nguyễn Thị Mai Phương thì tôi đã được đọc đâu đó trên tuần báo Văn nghệ và tạp chí Nhà văn, nhưng để có một cái nhìn hệ thống về bút pháp của nhà văn nữ xứ Kinh Bắc này thì phải đợi đến tập “Cỏ mã linh” xuất bản vào đầu năm 2019 chị vừa gửi tặng. Sách do NXB Phụ Nữ cấp giấy phép, khổ 13.5 x 20.5cm, số lượng phát hành 1500 cuốn.

“Cỏ mã linh” dày 234 trang, gồm 20 truyện ngắn, bìa gập, trình bày trang nhã kèm theo lời giới thiệu của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Nếu tính cả tản văn và truyện thiếu nhi thì đây là tập sách thứ sáu được xuất bản, chứng tỏ một năng lực sáng tạo dồi dào và sự kiên trì, nhẫn nại của nữ tác giả ở vào thời kỳ công chúng thờ ơ với văn chương và chỉ số văn hóa đọc của người Việt ta ở vào mức thấp nhất châu lục.

Có thể nói, với “Cỏ mã linh”, Mai Phương đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn mới về thân phận người phụ nữ với đủ các cung bậc cảm xúc trong mối quan hệ gia đình, xã hội bằng hình tượng văn học giầu tính khám phá. Nói cách khác, “Cỏ mã linh” là chuyện về những người phụ nữ, hầu hết đều gặp cảnh ngộ éo le, những người lao động chân lấm tay bùn, hiền lành chăm chỉ nhưng thấp cổ bé họng. Họ phải chịu nhiều áp lực, từ những tập tục cổ hủ lạc hậu ở làng quê đến sự hào nhoáng giả tạo chốn thị thành, nếu không có bản lĩnh và sự khôn ngoan từng trải, rất có thể rơi vào “cạm bẫy người” chỉ vì miếng cơm manh áo.

Là tập hợp của nhiều truyện ngắn, tuy bố cục khác nhau, diễn biến cốt truyện khác nhau, nhưng người đọc không khó nhận ra, hình tượng trung tâm của Mai Phương trong “Cỏ mã linh” chính là người phụ nữ.

Vì là truyện ngắn nên trước hết người đọc có nhu cầu theo dõi cốt truyện. Bởi lẽ, cốt truyện chính là xương sống của văn bản, là tiêu chuẩn để khẳng định “thương hiệu” tác giả. Khi đọc, chúng tôi đã khảo sát tương đối kỹ, truyện của Mai Phương có nội dung rất đa dạng. Chị tìm được khá nhiều nguyên mẫu hoàn cảnh đặc biệt, từ người đàn bà suốt hai mươi năm ngồi đợi những chuyến tàu qua cửa nhà mình đến ma nữ trong ngôi biệt thự bỏ hoang cứ đêm đêm lại hiện ra ám ảnh giấc ngủ người khách trọ. Rồi người phụ nữ khiếm thị chủ tiệm hoa Chico cùng tiếng dương cầm thánh thót trong đêm làm mê mẩn tâm hồn người khách đa cảm, và cả câu chuyện kỳ lạ, cây bạch đào đã chết sau khi con trai bà Táo hy sinh ở chiến trường bỗng nhiên sống lại, nở hoa rực rỡ vào sáng mồng một tết...

Cốt truyện của Mai Phương phong phú nhưng không thoát ly cuộc sống. Nó là một mảng hiện thực với vô số biến thái, phức tạp giống ma trận, được người viết chọn lọc, thông qua biện pháp điển hình hóa, cá biệt hóa như một hình thức tái tạo cuộc sống ở cấp độ văn chương.

Trong hệ thống “chuyện kể” của “Cỏ mã linh”, những cảnh đời, những phận người dang dở, không nơi nương tựa hoặc bị gia đình, cộng đồng hắt hủi chiếm tỷ lệ khá cao. Trong số ấy có thể kể đến “Giấc trưa”, “Gió thổi về đâu”, Gió đồng”, “Lạc lối”, “Mưa ở bến sông”, “Nắng chiều day dứt”..., chứng tỏ tác giả có tâm hồn nhạy cảm, tấm lòng nhân hậu và thái độ yêu ghét rõ ràng, dám phanh phui sự vô cảm, bất công và tàn nhẫn trong một xã hội mà mọi giá trị cốt lõi đang dần băng hoại. Chỉ cần lướt qua vài câu chuyện kể là người đọc có thể hiểu được những thiết chế văn hóa giáo điều, cũ kỹ và bảo thủ không thể là tấm lá chắn đủ mạnh để ngăn chặn sự công phá của cái ác trong hình hài những kẻ đạo mạo lúc nào cũng lên giọng rao giảng thiên kinh địa nghĩa. Một khi văn hóa suy thoái thì con người trở thành dã thú tàn sát lẫn nhau, mạnh thắng, yếu thua, và người phụ nữ bao giờ cũng là đối tượng thiệt thòi.

Cho nên, phải xem, chuyện kể của Mai Phương là chuyện về phái yếu, vì phái yếu và bênh vực phái yếu. “Nắng chiều day dứt” là một trong số đó. Nhà văn có cách nhìn hiện thực trần trụi nhưng con tim thổn thức bởi lòng trắc ẩn và cái đầu nóng bỏng căm thù bởi sự dã man, ngu muội của một cộng đồng vô văn hóa.

Khi đã tìm được cốt truyện của riêng mình, Mai Phương mới chuyển sang công đoạn “kể”. Phải nói thế này. Cách kể của Mai Phương mang đậm tinh thần cổ điển, nghĩa là sự sáng tạo không nhiều, nhưng vì được kể bằng cảm xúc chân thành qua thứ ngôn ngữ đặc trưng “nhà quê” nhuần nhuyễn, nên văn bản có sức truyền cảm hứng sang ngừời đọc, khiến cho ta quên đi câu chữ, chẳng để ý đến các biện pháp tu từ, mà luôn bị cuốn vào dòng xoáy về số phận ba chìm bảy nổi của nhân vật, cùng khóc cười với nhân vật như chính mình cũng là một thành tố tham gia vào câu chuyện.

Nhưng cách kể của Mai Phương không đơn điệu. “Kể” chỉ là một dạng thức trong phức hợp các biện pháp tham gia vào tiến trình diễn ngôn. Bởi vì ngoài “kể” còn có “tả” cảnh vật và diễn biến tâm trạng. Chỉ riêng việc tả trăng, tả núi, tả sông cũng đã tạo nên phong cách riêng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng hình tượng truyện ngắn, khu biệt hẳn với những tác giả khác. Sở trường của Mai Phương là những trang viết về người nông dân và khung cảnh sinh hoạt đồng quê từ những cô gái ít học quá lứa nhỡ thì, hay có chút nhan sắc mà nhẹ dạ cả tin, bị bọn Sở Khanh thời hiện đại lừa lọc bằng đủ thứ chiêu trò, đến khi tỉnh ra thì thân tàn ma dại, không có nẻo về, đành nhắm mắt đưa chân. Cô Biển trong “Gió đồng”, Cúc trong “Lạc lối”, Chanh trong “Xem bói” đều là những nạn nhân ở thời mạt pháp khi mà mọi thứ trên đời đều có thể bán mua trừ sự trung thực và niềm tin. Một xã hội từ chối sự trung thực, chìm ngập trong cơn thủy triều tham nhũng, đương nhiên sẽ đẻ ra sự dối trá. Con người sống trong môi trường ô nhiễm dối trá, hít thở nó, sẽ đến lúc thích nghi với hoàn cảnh và không còn cảm thấy xấu hổ khi làm việc trái với lương tâm, lương tri. Cô Cúc chỉ tỉnh cơn mê kim tiền khi người bạn thân kể lại giấc mơ về cái bào thai bảy tháng tuổi bị chính người mẹ vứt bỏ. Lão Lục về cuối đời phải lên quét chùa sám hối vì tội vũ phu, đối xử tàn nhẫn với vợ con và tàn sát quá nhiều gà vịt...

Viết về nông thôn nhưng không phải là nông thôn ngày xưa với cây đa, giếng nước, sân đình, lũy tre làng rợp bóng mát trưa hè hay cánh cò bay lả bay la trong không gian đồng chiều thoáng đãng. Chuyên ấy xưa rồi, giờ chỉ còn là ký ức trong những vần thơ hoài niệm về một thời đã xa. Nông thôn của Mai Phương là một thứ không gian ô nhiễm, bế tắc, cứ mỗi ngày lại thu hẹp dần bởi những dự án công nghiệp tùy hứng chẳng cần quy hoạch lại càng không bao giờ đếm xỉa đến việc dành quỹ đất cho thế hệ tương lai. Làng giờ hóa phổ. Nhà cửa và đường sá bê tông hóa. Người ta tự hào vì được sống trong những chiếc hộp bê tông và thái độ dửng dưng trước căn bệnh ung thư mỗi ngày một gia tăng bởi hàng hóa và thực phẩm giá rẻ của Tàu nhập vô tội vạ nhưng không có chế tài kiểm soát. Thì đây, ngay ở truyện ngắn đầu tiên “Giấc trưa”, nhân vật chính là một cô gái đã dằn lòng phải trần tình về thảm cảnh quê hương mình: “Giờ không còn nhiều ruộng, thu nhập chẳng là bao nên chỉ mong rau nhanh được bán, lợn gà nhanh được thịt. Rau phun thuốc kích thích một đêm là được hái, lá rau được tưới dầu nhớt non mỡ. Lợn gà cá thì được nuôi cám ăn thẳng có chất tạo nạc lớn vù vù. Mỗi ngày ở cái làng vốn làm ra thóc gạo, cua cá này cũng chất chứa thuốc độc vào người. Làng có bảy mươi hộ thì có đến ba mươi hộ có người ung thư. Đủ thứ ung thư nào vòm họng, dạ dày, đại tràng, phổi, tuyến giáp... Có một thứ ung thư nguy hại, ung thư nhân cách âm thầm lan khắp nơi. Cụ cố tôi ngày nào chẳng chống gậy kêu trời như vậy. Cụ bảo, gì mà ai ai cũng biết nói dối, dối trá đủ thứ. Cụ sống ngần này tuổi chưa khi nào thấy ai bảo đổi đất để có bao thứ khốn khổ” (“Giấc trưa”, tr.15). Còn đây là bức tranh toàn cảnh của một gia đình nghèo nhưng người chồng “khát” con trai vì mỗi khi gặp đám cỗ bàn lại bị xếp ngồi mâm dưới. Cách kể của tác giả khiến người đọc liên tưởng ngay đến những phong tục lạc hậu thời phong kiến vẫn còn dai dẳng đến ngày hôm nay khi mà thế giới đã bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0: “Anh vỡ đồi trồng sắn, chị mò cua bắt ốc bán kiếm thêm tiền đong gạo. Bốn đưa con gái lần lượt ra đời, còi cọc lớn lên rồi đi học. Anh chi quắt dần đi. Khuôn mặt ai cũng sạm đen, da xám xịt, già nua, khắc khổ” (“Gió thổi về đâu”, tr.65).

Có một cái gì đó ẩn phía sau những câu chữ ngỡ như rất bình thường khi Mai Phương viết về làng quê. Đó là những con người sinh ra trên mảnh đất quê hương nhưng lại chẳng khác gì dân ngụ cư sống tạm bợ một thời gian rồi rũ áo ra đi bởi cái “hồn làng” đã mất. Văn hóa làng xưa kia vốn là chất kết dính cộng đồng, lưu giữ mọi giá trị bền vững thì nay chỉ còn lại cái vỏ rỗng tuếch cho dù người ta trương ra đủ thứ băng rôn, khẩu hiệu lòe loẹt. Có lẽ vì thế, mà đọc “Giấc trưa”, Gió thổi về đâu” hay “Mùa hoa nở” ta bắt gặp những trang viết buồn miên man vì làng quê hưu quạnh chỉ còn những ông bà già. Đám thanh niên bỏ ruộng hoang, đầu quân cho các doanh nghiệp kiếm vài triệu đồng một tháng hay cắm “sổ đỏ”, vay khoản tiền ở ngân hàng xuất khẩu lao động, mong nhanh chóng đổi đời. Và, điều này chẳng biết vui hay buồn, từ mấy chục năm qua, chúng ta đã trở thành một “đất nước làm thuê vĩ đại”.

Tuy nhiên, Cỏ mã linh” không chỉ có bức tranh quê với gam màu xám. Truyện ngắn Mai Phương khá linh hoạt, chẳng những đề tài phong phú, mà ngòi bút của chị còn len lỏi đến mọi ngóc ngách cuộc sống, đặc biệt là khai thác chiều sâu tâm hồn người phụ nữ, làm hiển lộ vẻ đẹp, trí thông minh, lòng nhân ái, sự bao dung và đức hy sinh vì gia đình của chị em.

Ở loạt truyện này, cách kể của Mai Phương thường thiên về yếu tố trữ tình với lớp từ mềm mại, giầu sắc thái biểu cảm. Cũng không ít trường hợp, xen lẫn với mạch truyện đang vận hành theo trục thời gian, tác giả dẫn dụ người đọc vào những đoạn hồi tưởng về quá khứ như là một thủ pháp nghệ thuật làm gián cách không gian, khiến cho câu chuyện càng trở nên sinh động. Mà sinh động hơn cả vẫn là ở lĩnh vực tình yêu. Bởi lẽ, tình yêu xưa nay vốn là một đặc ân thượng đế ban cho con người. “Cỏ mã linh”, “Hương khuynh diệp” và “Tiệm hoa Chico” là những thiên tình sử vừa hiện thực vừa lãng mạn thấm đượm tinh thần nhân văn làm rung động lòng người.

Cũng vì mối tình sâu nặng với một người con lai Pháp -Việt, mà cô Khế sống âm thầm, hai mươi năm đếm các chuyến tàu chạy qua nhà chỉ để chờ giỏ cỏ mã linh. Ngôi nhà cô Khế tuy cách đường tàu chỉ mấy chục bước chân, nhưng qua ngòi bút Mai Phương, nó hiện ra như chốn bồng lai tiên cảnh: “Nếu ngồi trên tàu, từ xa nhìn lại, căn nhà của bà rực lên màu vàng trong nắng chiều thật lộng lẫy. Mấy chậu hoa treo lơ lửng như những đốm nắng lấp lóa. Ngay dưới kia là sông nước...(...) Mùa đông, hoa lau phơ phất quét qua quét lại ngay trên nóc nhà. Vẻ hoang hoải, liêu trai càng rõ khi mỗi đêm mưa phùn, những bóng sáng lập lòe từ nghĩa địa bay qua, tiếng mèo kêu như tiếng trẻ con khóc găm vào bóng tối” (“Cỏ mã linh”, tr.26, 27). Đúng là mối tình đẹp mang màu sắc lãng mạn nhưng cái kết lại là một bi kịch khiến người đọc mủi lòng.

Ở “Hương khuynh diệp”, tác giả xây dựng một bố cục nhiều lớp như là kiểu truyện trong truyện. Bắt đầu từ việc Trâm đi tìm người đàn bà trong ảnh, rồi dẫn bạn đọc đến vùng cao nguyên có rừng thông bên hồ nước và mối tình thầm lặng giữa người kiến trúc sư kiêm nhiếp ảnh gia với cô chủ nhà trọ. Đương nhiên, đây là tình cảm đẹp, sang trọng, lịch lãm của người trí thức không bị những thứ tầm thường chi phối. Cô Yên từng là học sinh trường nghệ thuật, chiều chiều, những lúc rảnh rỗi lại chơi đàn dương cầm, còn người đàn ông ở trọ luôn mang chiếc máy ảnh bên mình. Hai người yêu nhau nhưng không làm lễ cưới, sau đó người phụ nữ sang Pháp sống với con trai. Cho đến khi qua đời, cả hai ông bà đều chứng tỏ tấm lòng cao thượng, một tình yêu cổ điển vô cùng lãng mạn: “Ông khẳng định điều ấy khi luôn bắt gặp cái dáng vẻ chịu đựng, đôi mắt buồn vời vợi của Yên nhìn qua cửa sổ xuống phía hồ nước (...) Ông đã nghẹt thở khi nhìn thấy Yên chơi đùa với thằng bé ở khoảng sân trước nhà. Mái tóc Yên xổ tràn trên vai, khuôn mặt có vẻ đẹp sâu thẳm, khác lạ” (“Hương khuynh diệp”, tr.87).

“Tiệm hoa Chico” cũng là câu chuyện tình đáng nhớ. Người chủ tiệm đã từng du học Nhật Bản nhưng sau bị bạo bệnh trở thành khiếm thị. Chị mở lớp học âm nhạc, bồi dưỡng kiến thức cho các cháu chuẩn bị sang xứ sở hoa anh đào giao lưu. Chính cô bé Hoài An, con gái người phụ huynh lại làm cầu nối cho mối tình cũng không kém lãng mạn của hai người. Truyện có một cái kết đẹp, giống như cổ tích nhưng là cổ tích thời hiện đại.

Nhưng không chỉ có thế. Trí tưởng tượng của Mai Phương còn đi xa hơn trong những câu chuyện có xu hướng thần bí, không thể giải thích bằng cách hiểu thông thường của người trần mắt thịt. Chẳng hạn như “Bóng nước xa xăm” mà nhân vật chính là một doanh nhân trẻ, từ thành phố lên cao nguyên, thuê ngôi biệt thự nhỏ trên đồi thông để tìm sự yên tĩnh vì những bất ổn trong quan hệ vợ chồng. Tín hiệu đầu tiên làm người đọc tò mò chính là cuộc gặp gỡ giữa Khánh với một người đẹp như đã từng quen biết nơi phi cảng. Nút thắt thiên truyện được đẩy lên cao khi mà ba đêm liền, “ma nữ” xuất hiện trong tòa biệt thự kín cổng cao tường đồng thời để lại một tín vật là chiếc lá khô cong. Chẳng những thế, vào đêm cuối cùng, chàng khách trọ còn nhận ra người phụ nữ đột nhập vào phòng mình toàn thân đầy máu. Cô nói về nỗi cô đơn vì từ rất lâu rồi không có ai đến thăm. Chỉ khi nghe người quản lý khách sạn kể, Khánh mới biết đó là một phụ nữ làm công bị tên chủ Tây sát hại, hồn oan không nơi nương tựa nên thỉnh thoảng hiện về. Chuyện có mùi ma quỷ nhưng phía sau nó lại là bi kịch của người phụ nữ được tác giả sắp đặt trong một không gian liêu trai bằng thứ ngôn ngữ huyền hoặc, khiến không ít độc giả nửa tin nửa ngờ, những hầu như ai cũng tỏ lòng cảm thương người phụ nữ bất hạnh.

“Cỏ mã linh” là truyện về người phụ nữ, nhất là những phụ nữ bất hạnh. Họ là sản phẩm của bạo lực gia đình hay những phong tục tập quán lạc hậu được di truyền lại từ thời xa xưa. Tuy bị vùi dập, chà đạp nhưng nhân vật của Mai Phương luôn có nhân cách đáng trọng và tâm hồn đẹp. Tuy thuộc thành phần dễ bị tổn thương nhưng chính chị em, bằng vào sự nhẫn nại và lòng bao dung, họ đã hóa giải mâu thuẫn, giữ gìn hạnh phúc gia trong những hoàn cảnh có nguy cơ rạn nứt.

“Cỏ mã linh” là tiếng nói dung dị, chân thành của một trái tim đồng điệu với thân phận những người phụ nữ chiếm một nửa nhân loại. Là truyện cho mọi người nhưng cũng lại là số phận cho mỗi người. Đọc Mai Phương, tuy được viết bằng lối văn cổ điển nhẹ nhàng, trầm tĩnh nhưng tôi biết, phía sau nó là cả một đại dương sóng gió. Bởi lẽ, hơn ai hết, trong sâu thẳm tâm hồn, thân phận người phụ nữ vẫn luôn ám ảnh chị.

Chí Linh, 12/6/2020

Đ.V.S.