Trang chủ » Tản văn

MỘT BUỔI TRƯA HÀ NỘI VỚI ANH

Trần Nhương
Thứ năm ngày 11 tháng 6 năm 2020 3:12 PM


Nhà văn Trần Hoà i Dương: Văn thơ mộng, đời khổ tâm | TTVH Online

TNc: Sáng thứ Bảy, 13-6-2020 tại Thư viện Hà Nội sẽ có buổi gặp mặt kỉ niệm 20 năm tác phẩm MIỀN XANH THẲM của cố nhà văn TRẦN HOÀI DƯƠNG. Kính mời bạn bầu và các bạn yêu sách đến dự. Nhân sự kiện này, xin đưa lại bài viết về lần gặp cuối cùng với anh Trần Hoài Dương.

Trưa ngày 22-12-2010, đúng ngày thành lập Quân đội, chúng tôi gồm bốn nhà văn Trần Hoài Dương, Trần Nhương, Trần Huy Quang, Hoàng Cát ngồi với nhau tại quán cà phê bên chùa Quán Sứ. Người tổ chức cuộc họp mặt này là anh Trần Hoài Dương. Anh từ Sài Gòn bay ra và phôn cho chúng tôi. Tuần trước tôi vào Sài Gòn, khi ở nhà anh Lê Phú Khải cùng Phạm Đình Trong, Nguyễn Vĩnh, chúng tôi phôn cho anh Trần Hoài Dương mời anh đến ăn bữa cơm tại nhà anh Lê Phú Khải nhưng anh bận không đến được. Không ngờ hôm nay lại gặp nhau giữa Hà Nội cuối đông.
Thật tình cờ có ba anh họ Trần: Trần Hoài Dương, Trần Nhương, Trần Huy Quang,. Có ba anh cựu chiến binh: Trần Nhương, Hoàng Cát, Trần Huy Quang. Có ba người khốn khổ vì văn chương là Trần Hoài Dương vì mê văn chương mà xin đi khỏi Tạp chí Cộng sản để về báo Văn nghệ, xin ra khỏi Đảng rồi gánh bao nhiêu hệ lụy. Nếu anh cứ ở Tạp chí ấy thì chắc gì ngồi với chúng tôi hôm nay. Trần Huy Quang thì treo bút cả chục năm vì Linh nghiệm. Hoàng Cát lên bờ xuống bùn vì Cây táo ông Lành...Có điều thú vị bây giờ tôi mới biết là chính anh Trần Hoài Dương đã biên tập Cây táo ông Lành và cho in trên báo Văn nghệ.(Hồi âý anh Dương là trưởng ban Văn xuôi báo Văn nghệ), Anh Trần Hoài Dương nhắc lại rằng truyện của thằng Cát cứ lay lắt trên bàn chẳng anh nào dám in, tao đọc thấy khoái, thế là kí roạt một cái, in luôn…

 


Bốn chúng tôi chơi hai chai vang và kể bao nhiêu chuyện. Anh Trần Hoài Dương đã từng làm thư kí TBT Tạp chí Cộng sản đến 9 năm, người như thế đâu phải loại loàng xoàng. Chỉn chu và an phận ở nơi ấy thì đâu đến nỗi vất vả. Anh kể hồi ở Tạp chí chính anh cùng các đảng viên đã bỏ phiếu thuận để công nhận ông Nguyễn Phú Trọng là đảng viên chính thức. Văn chương như bùa mê thuốc lú đã dẫn dụ Trần Hoài Dương rẽ sang con đường vật vã với con chữ. Anh bảo nhưng mà thỏa chí ít bị khuôn phép. Sau này anh xin ra Đảng, chia tay vợ vào Sài Gòn sinh sống và làm ở văn phòng phía Nam báo Văn nghệ. Anh kể ngày ấy nghèo khổ lắm mình đã phải bán máu nhiều năm để lấy tiền lo cho cuộc sống và nuôi con. Kiếp người bầm dập như anh mà lòng không hề vẩn đục, không thù oán ai, tử tế đến chi li mọi nhẽ. Người như thế mới viết nên những trang văn óng ánh như pha lê...


Hết buổi trưa bên nhau. Gần lúc chia tay thì Hoàng Cát khóc hu hu. Anh thương cho cái kiếp nhà văn vắt từng con chữ dâng đời mà đời thì nghèo khổ, lao đao, anh thương bao đồng đội đã nằm lại chiến trường góp thịt xương mình cho chiến thắng để bọn tham quan bây giờ phè phỡn, hợm đời. Thấy Hoàng Cát khóc mãi, anh Trần Hoài Dương ôm lấy vai Cát và nói Cát ơi thôi đừng khóc nữa mày…


Anh Trần Hoài Dương tặng tôi mấy CD nhạc của con trai anh Trần Lê Quỳnh, một nhạc sĩ trẻ đang được hâm mộ...

Chuyến trở về Bắc ấy không ngờ là chuyến đi cuối cùng của anh. Sáu tháng sau vào ngày 6 tháng 5 năm 2011 anh rời cõi tạm làm cuộc phiêu lưu của các con chữ…đến MIỀN XANH THẲM (*)


------

(*)- Tên tác phẩm của Trần Hoài Dương