Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÂN LOẠI CẦN CHỈNH ĐỐN CÁCH SỐNG SAU ĐẠI DỊCH COVID VŨ HÁN

Nguyễn Khắc Phê
Thứ bẩy ngày 4 tháng 4 năm 2020 9:47 AM





Đại dịch Covid-19 (ĐCV) đang hoành hành làm thế giới đảo điên, bàn chuyện “sau đại dịch” liệu có sớm quá không? Chắc là không, vì vấn đề đặt ra không dễ thực hiện như thay một khẩu hiệu mà cần quỹ thời gian có khi cả thập kỷ, thậm chí cả đời người mới có thể thay đổi được cách sống. Mặt khác, ĐCV ngày từ đầu, đã cho nhân loại bài học rằng sự cảnh báo muộn (hay là không dám nhìn thẳng sự thật) đã phải trả giá bằng hàng vạn sinh mạng. Và đại dịch hay thiên tai dữ dội mấy rồi cũng qua. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục; vấn đề là nhân loại có chịu nhận ra những khiếm khuyết, những thói quen sai lầm (do không hiểu biết hoặc vì tính kiêu ngạo) để chỉnh đốn hay không?

Điều mà nhiều kênh thông tin đã báo động ngay từ đầu ĐCV là vi rút khởi nguồn từ con dơi ở chợ Vũ Hán - do đó hệ quả tất yếu là con người muốn tránh thảm họa phải từ bỏ thói quen sát hại và ăn thịt động vật hoang dã. Cho dù thông tin “con dơi tải vi rút” là không chính xác thì cảnh báo vừa nêu vẫn hoàn toàn đúng đắn. Điều này không mới; nhiều nước và tổ chức quốc tế - từ nhận thức tầm quan trọng của môi trường, sinh thái - đã cấm và có hình phạt tù những kẻ phạm tội sát hại động vật hoang dã, nhưng tê giác, hổ, voi… và nhiều loại khác vẫn bị săn đuổi và có nguy cơ tuyệt chủng; ở Việt Nam, không ít nhà hàng vẫn ngang nhiên bán đặc sản thú rừng …. Những cơn lũ ống kinh hoàng xóa sạch cả một làng, bản mấy năm qua do nạn phá rừng, đào núi vụ lợi, bất chấp hậu quả là bằng chứng hiển nhiên rằng, khi cân bằng sinh thái bị phá vỡ thì thiên nhiên, tạo hóa nhất định sẽ “báo thù” - bằng cách này hay cách khác. Khoa học chưa chứng minh được ĐCV có phải là sự “báo thù” của tự nhiên hay không (cũng như vô số sự kiện của tạo hóa còn là điều bí ẩn), nhưng sự hoành hành của loại vi-rút mới hiện nay, ít ra cũng là dịp nhân loại thêm một lần được nhắc nhở cần phải biết e sợ trước sức mạnh siêu nhiên, chứ không thể cứ ngạo nghễ tưởng mình là chúa tể muôn loài, muốn làm gì cũng được!

Sự ngưng trệ nhiều hoạt động trong ĐCV rõ ràng là gây tác hại về nhiều phương diện - nhất là về kinh tế; nhưng sự đời luôn có hai mặt, nên trong sự “ngưng trệ” hiện nay, chúng ta có thể nhận ra những điều cần phải “chỉnh đốn”, nhất là trong lối sống chạy đua theo hưởng thụ vật chất đang làm tha hóa những giá trị nhân bản và hư hỏng môi trường-sinh thái. Nếu theo đúng tinh thần “Nhìn thẳng sự thật – Nói rõ sự thật” được khởi phát từ Đại hội Đổi mới 1986, chúng ta có thể thấy ngay không ít hoạt động phải “tạm ngưng” hiện nay vì ĐCV là công việc vô bổ - nếu không muốn nói là có hại. Ví như từ việc Chính phủ vừa chỉ thị tạm ngưng cử cán bộ đi nước ngoài, chúng ta vô “Google” sẽ thấy hàng loạt vụ đi công tác nước ngoài trước đó, tiêu tốn nhiều tỷ ngân sách, thực chất là du lịch trá hình đã bị báo chí lên án (như “Đất Việt” ngày 11/4/2019, nêu vụ 4 cán bộ Thanh tra sắp nghỉ hưu đi học kinh nghiệm nước ngoài…; báo “Giáo dục” tháng 6/2019, nêu vụ Hội đồng nhân dân Hải Phòng cũng cử cán bộ sắp nghỉ hưu đi học tập kinh nghiệm ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha!...) Cũng nên nói thẳng là có không ít cuộc họp hoặc người đi họp không cần thiết, chỉ thêm tốn công tốn của vì kết luận cuộc họp đã được quyết định trước khi họp rồi! Ví như ở Tỉnh N. vừa phải họp Hội đồng nhân dân tập trung đông người giữa ĐCV để cử Chủ tịch, trong khi chức danh này theo “quy chế” của Việt Nam hiện tại thì đã được “cấp cao” quyết định trước rồi!...

Có loại “ngưng trệ” nhìn qua như là “chuyện vặt”, ngay lập tức được đại đa số vỗ tay - đó là việc cấm tụ họp các quán Karaoke - vì hàng xóm đỡ nhức tai bởi thứ âm nhạc hạ cấp (chỉ chủ quán và số ít dân nghiện “Kara” là buồn). Xin đừng coi là việc nhỏ; đã có án mạng vì hàng xóm không chịu nổi tiếng ồn “Kara”; đó là chưa nói đến tác hại phá hỏng thẩm mỹ âm nhạc của nhiều thế hệ, vì thế mà thính giả đến nghe nhạc cổ điển, giao hưởng trở nên kẻ “lạc loài”! Và người mê kiểu nhạc rú rống qua loa phóng đại, hát chẳng cần đúng sai sẽ dễ thành kẻ ưa bạo lực, bất cháp luật pháp!...

Một “chuyện vặt” nữa là thói quen mua sắm, đổi “mốt” chứ không phải do nhu cầu sử dụng. Liệu sau đợt “ngưng trệ” do hạn chế đi lại mua sắm cũng như khuyến nghị đóng cửa các “dịch vụ không cần thiết” vì ĐCV có giúp con người chỉnh đốn cách sống đua đòi tiêu xài hưởng thụ không? Đây cũng không hề chuyện nhỏ. Một lần nữa, xin dẫn bài phát biểu của Mạc Ngôn (nhà văn đoạt giải Nobel) tại Diễn đàn văn học Đông Á (tháng 12/2010 tại Nhật Bản) với chủ đề “Ai là người có tội”:

“… Trái đất bốc khói khắp nơi, toàn thân run rẩy, biển lớn gào thét, bão cát mù trời, hạn hán lũ lụt cũng như các triệu chứng ác liệt khác đều có liên quan chặt chẽ với phát triển khoa học kỹ thuật dưới sự thúc đẩy bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển. Trong thời đại như vậy, văn học của chúng ta kỳ thực gánh vác trách nhiệm to lớn, chính là trách nhiệm cứu lấy trái đất, cứu lấy nhân loại…”

…Chúng ta cần dùng tác phẩm của mình để nói với những người phụ nữ có hàng nghìn chiếc váy, hàng vạn chiếc giày, rằng họ có có tội…”

Tất nhiên là nhà văn còn “kể tội” nhiều loại người nữa - từ các ông chủ có nhiều xe sang trọng và máy bay riêng… đến những kẻ đầu cơ, những tên tham quan… để rồi nhắc nhở: “Họ đều cùng ở trên một con thuyền, nếu như chiếc thuyền đó chìm rồi, bất kể là người mặc đồ hiệu, khắp người đầy châu báu, hay áo quần lam lũ, không có lấy một đồng, thì kết cục vẫn như nhau.” Và ông kết luận như một tín hiệu cấp cứu: “Những ngày tháng tốt đẹp của nhân loại đã không còn nhiều nữa!”

Ông cũng tự nhận đây là kết luận bi quan. Điều đó càng chứng tỏ vấn đề quả là cấp bách, là trách nhiệm của mọi người, chứ không chỉ nhà văn.”

(Trích từ bài “Thêm một sự cảnh tỉnh về trái đất mong manh” trong sách “Những cột mốc trên đường vô tận” – NXB Hội Nhà văn, 2018. Đoạn dẫn ý kiến Mạc Ngôn được rút từ sách “Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương” - chuyên luận Phê bình sinh thái của T.S. Nguyễn Thị Tịnh Thy, NXB Khoa học xã hội, 2017)

Vậy đó! Tất nhiên là còn những điều hệ trọng hơn mà nhân loại cần “chỉnh đốn” sau ĐCV. Hãy nói ngay đến “sát thủ” giấu mặt mà Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác đang phải chịu đựng lâu dài - đó là thứ “bụi mịn” khiến không khí trở nên độc hại, gây tổn thương sức khỏe và là nguồn gốc nhiều căn bệnh nguy hiểm cho tính mạng con người, có khi còn hơn cả ĐCV. Ba tháng chống chọi với ĐCV, Việt Nam chưa có người tử vong, nhưng theo báo “Dân trí” (dẫn số liệu tại Hội nghị về ung thư tại T.P. Hồ Chí Minh ngày 18/11/2018) thì mỗi ngày Việt Nam có 300 người chết vì ung thư! Cho dù chưa có kết luận khoa học cụ thể nguyên nhân gây ung thư nhưng chắc chắn “bụi mịn” là một trong những “sát thủ” nguy hiểm; lại còn bệnh ho lao, viêm phổi… tăng lên hẳn cũng do vi-rút “bụi mịn”, mà đây là loại “bệnh nền” khiến người nhiễm covid-19 dễ tử vong. Điều đáng… buồn hơn là thứ “vi-rút” này đã được báo động từ nhiều thập kỷ trước. Bản thân tôi cũng đã viết bài đăng trên “Văn nghệ” cảnh báo về sự tắc nghẽn ở các thành phố lớn sẽ đưa đến những hậu quả xấu về nhiều mặt. Tiếc rằng, vấn nạn ngày càng trầm trọng hơn. Chiều theo “nhóm lợi ích”, các tòa nhà cao tầng, cứ liên tiếp cắm dày đặc hết trong đến ngoại vi thành phố, kèm theo hàng triệu ô tô xe máy xả khí độc càng nhiều mỗi khi tắc đường thì con người ngộp thở là tất yếu. Cả những thành phố khí hậu, cảnh quan vốn “ngon lành” như Nha Trang, Đà Lạt, cũng đã “suy thoái” do phát triển “nóng” nhà cao tầng ven biển và ồ ạt thay mảng xanh thực vật tự nhiên bằng nhà kính trồng rau…

Nhìn rộng ra và nghĩ sâu hơn, xin đừng tưởng mặt đất ta ở “vững như bàn thạch”; trong vũ trụ bao la, con người ta không bằng hạt bụi, bám vào “quả bóng” cũng mong manh dễ vỡ, nếu bị thiên thạch đâm vào. Tạo hóa có lẽ đã thiết lập “quy luật” vận hành an toàn cho các hành tinh, nhưng ai dám đảm bảo sức nặng của tầng tầng lớp lớp các tòa nhà cao tầng, cùng những hố khoan bạt cả dãy núi và sự khai thác mọi thứ trong lòng đất bởi lòng tham vô tận của con người không làm thay đổi hành trình của địa cầu? Đó là chưa nói đến những cuộc chiến tranh, những vụ thảm sát hàng ngàn, hàng triệu người cùng mưu mô dùng vũ khí sinh học và nguyên tử để khống chế hay thống trị đồng loại – cả khi chưa gây đaị họa, khối lượng vũ khí khổng lồ ấy đã bắt trái đất “đeo” một gánh nặng thực thể và tâm lý, ít nhiều cũng khiến hành tinh xanh chấn động…Không phải ngẫu nhiên, đêm giao thừa năm Canh Tý, Hà Nội bỗng giật mình vì sấm sét rung chuyển cả bầu trời!...

Ngạo nghễ, chạy theo hưởng thụ vật chất, coi thường tự nhiên với sự cân bằng sinh thái mà tạo hóa đã thiết lập bao đời, sớm muộn gì nhân loại cũng phải trả giá, bằng cách này hoặc cách khác… Vấn đề là con người, nếu biết thức tỉnh và sớm chỉnh đốn lại cách sống thì “sau cơn bão trời sẽ tươi sáng”!

(Báo “Văn nghệ” số ra đầu tháng 4/2020)