Trang chủ » Truyện

TRƯỚC BỐ KHÁC, BÂY GIỜ BỐ KHÁC !

Nghiêm Lương Thành
Thứ ba ngày 7 tháng 9 năm 2010 4:18 PM
Truyện ngắn
 Huỵch, huỵch … cộc … chát … bốp, hự …
 Bức tường con kiến không có móng ngăn giữa buồng của Hồng với buồng vợ chồng nhà chủ rung lên; lại thêm cái giọng khê đặc, lè nhè bết nhựa của thằng chồng say rượu làm Hồng lại tỉnh giấc:
- Mẹ goá, con côi mà lấy được tao là phúc tổ nhà mày rồi, còn ì èo cái nỗi gì ?
 - Suốt ngày chỉ biết có nốc với gắp, chẳng chịu làm ăn gì, rồi hàng xóm, khách thuê nhà người ta cười cho … tôi xấu mặt lắm.
 - Há ! Quý ông không rượu như cờ … đếch có gió. Tao đây rất bình dân, đâu có kén chọn gì; gió nồm, gió bấc, gió lào … gió chó gì cũng được, miễn là làm cho cờ tung bay phấp phới. Tao là cái trụ cho mẹ con chúng mày nương dựa vào, không lo mà cung phụng cho nó phải lại còn chơi kiểu phụ nữ vùng lên. Cứ lèo nhèo phản ông, thế này còn nhẹ; làm quá, tức máu, ông cứ xỉa cho mỗi đứa một nhát thì, “ô voa a lê hấp”, xuống âm tào địa phủ mà vùng lên, mà lý sự phải quấy với Diêm vương !
 Đấy là việc nội bộ của gia đình nhà chủ, là cái cách họ giao lưu với nhau mà hầu như ít đêm Hồng không phải chịu đựng trong một tâm trạng vừa bất bình vừa đau xót. Đã bao phen gã toan đi tìm chỗ ở khác cho rảnh, nhưng rồi cứ dùng dà dùng giằng, không thể nào mà quyết cho dứt được. Cứ nghĩ đến chuyện dọn đi, ngày ngày không được trông thấy chị chủ nhà là, y như rằng, gã đã có cảm giác người như bị tụt xuống hố; một cái hố hẹp, sâu hút, lạnh lẽo, không âm thanh, chẳng sắc màu và tràn ngập một nỗi cô quạnh đến tái tê.
*
 Hồng xuất thân dân làm ruộng, vào thành phố theo học chương trình cao đẳng hệ cử tuyển và quyết định ở lại lập nghiệp sau khi tốt nghiệp. Vốn không có tham vọng gì nhiều; đơn giản, gã chỉ nghĩ cốt sao để đổi đời, để thoát khỏi cái cực của những kẻ bán mặt cho đất, để tránh được cái nhục của những kẻ bán lưng cho đủ loại các ông giời.
 Gần như bao giờ cũng vậy, khởi đầu của quá trình lập nghiệp là trạng thái tay trắng. Tay trắng có nghĩa là chưa có gì để sở hữu và do đó: vô sản; cái nghèo sẽ còn kéo dài và khó có thể biết bao giờ sẽ kết thúc. Vì tay trắng nên gã phải đi thuê nhà, tự làm lấy mọi việc lớn bé; từ đi chợ, nấu ăn cho đến giặt rũ, vệ sinh chỗ ở.
 Dù không có một văn bản quy định nào, song các cụm dân cư ở thành phố này, một cách tự nhiên, hầu như được phân bố, quy tọa theo một quy luật nào đó; việc này dẫn đến sự hình thành các đặc khu như phố Sếp, khu “Quý tộc”, xóm Bụi, … Tuy vậy, dân cư ở cái khu gã thuê nhà lại gần như không theo một quy luật nào, hạng nào cũng có; cao thì quý tộc như quan chức thành phố lưng thẳng ngực ưỡn, nhơ nhỡ thì nhà giàu hay công chức cấp sở mỡ màng phương phi … thấp tè thì viên chức quèn lưng còng má hóp, công nhân “mậu dịch” quần xanh tích kê mông, cu ly tự do bán lẻ sức lực … cho đến hạng buôn thúng bán mẹt vơ bèo gạt tép, đĩ điếm lưu động son phấn đong đưa, tiêm chích vật vờ hút hít lơ mơ và phường đảng lưu manh đầy mình ný nuận.
 Căn buồng nhỏ gã đang thuê chính là của người thiếu phụ khốn khổ ấy. Thị có hai đứa con; nghe nói đứa lớn là con với người chồng cũ đã mất, đứa nhỏ là con với người chồng sau. Người sau, nói là chồng, nhưng thực ra chỉ là một thứ chồng hờ, chồng không có chứng chỉ pháp luật; để thì khổ, mà dứt bỏ cũng không được. Không được, không phải thị không muốn; thực tình, thị lúng túng không tìm ra lối thoát nên cứ bức bối lùng bùng như khóm cúc tần gặp phải loài tằm gửi tơ vàng bám lằng nhằng khắp cành cùng ngọn mà không biết làm sao rũ ra được. Người đó, lúc đầu là một kẻ kiếm ăn lang thang phiêu bạt, áo xống phong phanh, mặt mũi xám ngắt, răng gõ vào nhau cành cạch, đến xin ngủ nhờ trong một đêm mùa đông mưa phùn gió bấc. Cám cảnh, thương tình, sau một hồi do dự, thị mở cửa cho hắn vào. Rồi, như một kẻ khôn ngoan thạo đời, hắn tìm cách lần lữa và đặt nốt chân kia vào nhà bằng cách tự động săm sắn làm hết các công việc nặng nhọc trong nhà; kiên nhẫn chiều chuộng, làm vui thằng con của bà chủ. Thị là người đàn bà tham công tiếc việc, lại có tật hay mủi lòng và yêu con nhiều khi đến si muội. Khi thấy hắn ngắm nhìn đứa con của mình đang cười như nắc nẻ (điều này thật hiếm thấy, kể từ khi bố nó qua đời) rồi lắc đầu, chép miệng thương cảm: “Khổ thân đứa bé sống thiếu bố !” thị lấy làm ấm lòng và, dần dà, chấp thuận sự tồn tại của hắn, tự nhiên như tiết ngày hết sáng thì sang chiều vậy.
 Sự đời vẫn vậy, chẳng có gì giả vờ được mãi. Từ khi đứa bé thứ hai được đầy năm, khi rễ của cái cây tằm gửi mập mạp ấy bám chắc được vào cây chủ, thằng chồng hờ bắt đầu thấy mệt mỏi vì luôn phải vận hết công lực để trình ra những cái vốn không có trong bản ngã. Tuy thế, dần dà, uyển chuyển như một thợ vẽ cổ điển thể hiện mảng màu chuyển tiếp, hắn đã thành công trong việc trở về với chính mình, hiện nguyên hình một con sói bên bầy thỏ khi đã thực sự chẳng còn chân nào để phía ngoài cửa nhà.
 Cái số kiếp của thị nó thế, biết làm sao.
 *
 Với ngôi nhà nhỏ của người chồng xấu số để lại, thị mở một cửa hàng buôn bán gạo ở ngay gian mặt tiền. Vốn chân chỉ hạt bột, bán buôn tử tế nên thị không những nuôi được thằng chồng hờ rậm râu sâu mắt, vô công rồi nghề, trốn việc như ranh, suốt ngày lướt khướt như cò bợ; cho ba đứa con ăn học bình thường như bất cứ gia đình tử tế nào mà còn có tiền chu cấp cho nhà chồng và chút vốn giắt lưng phòng khi có sự.
 Thế gian, lệ thường, lấy chồng là cái phận bồ liễu tòng phu, là cái kiếp giầu không bám vịn vào thân cau cao thẳng mà sống. Nhưng đây lại là nhà của thị, cửa hàng gạo của thị, mối hàng của thị và khách hàng cũng của thị nốt nên, dù muốn hay không, phải cái thằng chồng như vậy, thị đã - mặc nhiên và bất đắc dĩ - trở thành một cái thân cau. Chu cấp cho nhà chồng, chẳng qua cũng là cái việc cực chẳng đã; bởi nếu không thì thằng chồng nó kiếm cớ chửi mắng, sách nhiễu và đánh cho đến thâm tím cả mặt mũi mình mẩy. Mà nếu chẳng may bị đánh mà ốm ra đấy thì cái thân mình lo cũng chẳng cứu nổi, lấy gì mà nuôi con ăn học cho ra người?
 Người như thị, gái đã hai con, không thể nói là hương sắc. Nhưng cái dáng tần tảo, đôi tay thoăn thoắt luôn việc, cặp mắt to đen thẳm trên khuôn mặt đầy đặn đến cổ điển, nụ cười nhẫn nhịn và thật như hạt gạo mùa, cặp môi hồng thẫm đậm đà và rành rẽ, cái eo lưng thon chắc và cặp mông nở nang, những dấu hiệu của một năng lực sinh sôi dồi dào và lành mạnh, đã khiến cho khối bậc tu mi nam tử, không kể quen lạ, chẳng cứ gần xa, một lần trông thấy là đã cảm thấy dùng dằng thẩn thơ, tưởng tơ ngơ ngẩn. Trong cõi đàn bà, thị là một bông hoa có nhị; thứ nhị thắm sắc đượm hương và bền tươi đến lạ lùng.
 Ở chung dưới một mái nhà, ngày ngày nhìn thấy nhau, ngày ngày ra đụng vào chạm, cái nhị của bông hoa ấy cứ vô tình lặng lẽ toả ngát khiến hai người đàn ông, kẻ thì luôn cảm thấy cháy khát đến phát rồ phát dại; người thì ngơ ngác, ngậm ngùi, xót xa cho một kiếp hồng quần sao cứ mãi phong trần lận đận.
 Kẻ cháy tình, khát tiền thì ngày càng thấy cháy khát. Khi cái cháy khát của thằng lưu manh không được thoả mãn thì sinh ra gian giảo trí trá, mưu mô và bạo lực, bất chấp phải trái sự đời. Kẻ ngơ ngác thì đầu óc ngày càng tưởng tơ lãng nhãng, tâm trí ngày càng ngẩn ngơ vơ vẩn và, sâu tít tận trong lòng, niềm mến thương, đau xót ngày càng mênh mang khắc khoải.
 Vẫn biết ngắm nhìn một phụ nữ đã có chồng là thiếu đứng đắn; dầu trong lòng tự nhủ là không được phép làm thế, nhưng, không hiểu làm sao, như một thứ sắt đã nhiễm từ, mỗi khi có dịp, y như rằng, đôi mắt hắn đã hướng về phía thị rồi. Có lẽ thị cũng biết điều đó. Mỗi khi thấy nóng ran bên má, thị thường khẽ cúi đầu và tìm cớ đi ra chỗ khác. Điều đó đã nhiều lần khiến hắn buồn bã, đau khổ. Buồn đến gần như phát ốm. Đau khổ đến độ tự ty ám thị. Tự ty đến nỗi đã lại nghĩ tới việc chuyển nhà. Nhưng, lại vẫn cứ dùng giằng; cái giống phải lòng mặt nó vẫn thế; mối tơ mành này đố ai gỡ cho xong. Một lần, đi làm về, hắn vô cùng ngạc nhiên khi thấy một bát canh cua và một đĩa cà muối để trên cái bàn nhỏ kê trong căn buồng của hắn. Hắn đem nguyên vẹn bộ mặt thắc mắc ngác ngơ đó ra ngoài nhà tìm thị. Đang hý húi buộc lại cái miệng một bao tải gạo, không nhìn lên, không đợi hắn mở miệng, thị thong thả nói:
- Mùa nực ăn bát canh cua cho mát. Tôi nấu nhiều, anh đừng ngại.  
Hắn đứng ngây người, rồi lắp bắp:
- Vâng, cảm ơn chị.
Không biết nói gì, hắn quay trở lại và chỉ thiếu chút nữa là nhẩy cẫng chân sáo mà reo lên những lời của một trái tim đang héo hon, côi cút bỗng nhiên không hẹn mà đến được chốn đào nguyên ấm áp tươi lành.
 Rồi, vào một ngày mát mẻ, khi cái cháy khát của kẻ cháy khát kia không sao thoả mãn được, giữa lúc Hồng đang đứng trong mảnh sân sau, đang ngước mắt ngạc nhiên vì vẻ đẹp xanh thẳm đến mê hồn của sắc trời mùa thu, thì trong nhà lại vọng ra tiếng huỳnh huỵch bốp chát, tiếng đổ vỡ chát chúa, tiếng chửi rủa tục tĩu của thằng lưu manh, tiếng kêu khóc rên xiết của hai mẹ con nhà chủ. Không nghĩ ngợi gì, lòng bừng bừng lửa hận, hắn chạy xộc vào, một tay chống nơi cạnh sườn, lồng lộng hiên ngang đứng giữa nhà, đôi mắt trừng trừng giận dữ, một tay trỏ thẳng vào cái bộ mặt lưu manh khấp khểnh đang cháy khát kia mà hùng tráng:
- Thằng kia, dừng lại !
Thằng rậm râu dừng tay, nhìn gã. Qua đi cái khoảnh khắc ngơ ngác lúc đầu, rất nhanh, hắn chợt hiểu ra và trề môi khinh bỉ:
- Thì ra là mày ! – Cái đầu gật gù trịch thượng, thằng rậm râu nhếch mép, cười xỏ lá – Không nhiều, nhưng dù sao cũng có tý chữ trong đầu, thiết tưởng mày phải biết mày là ai chứ?!
Gã không đáp, vẫn đứng đó, lồng lộng, trừng trừng nhìn thằng rậm râu. Đột nhiên, rậm râu giậm chân xuống nền nhà đánh bạch, tay vẫn lăm lăm cái chai rượu uống dở,  rít lên:
- Gói gém đồ đạc, khăn gói quả mướp xéo ngay khỏi nhà tao!
Tức thì, chẳng dài dòng, gã tiến đến bên thằng kia, gạt phăng chai rượu đang dứ dứ về phía mình, thuận tay túm luôn lấy cổ áo của hắn mà xoắn, tay kia giơ lên và, giản dị, thoi thẳng một quả vào giữa cái sống mũi diều hâu, khiến hắn - vốn lúc nào cũng rũ như tàu lá chuối nướng - bay vèo ra khỏi cửa, đáp xuống vỉa hè, nằm sóng xoài bên một rãnh nước đang khăm khẳm bốc mùi; từ lỗ mũi, theo những sợi lông vàng sác xơ, một giòng máu đen thẫm bắt đầu rỉ ra. Hàng xóm đổ sang xem, khách đi đường cũng có một số dừng lại. Hồng dõng rạc bước ra, tay trỏ về hướng mặt trời lặn:
- Tao tha cho. Cút hẳn ! Từ rày, chớ có dại dột mà lảng vảng đến đây, để tao trông thấy. Biết chưa ?! 
Thằng rậm râu lồm cồm bò dậy, mắt không rời Hồng, lùi dần lùi dần rồi, cuối cùng,  chất chưởng bỏ chạy và mất tăm ở một ngã ba cuối phố. Hồng quay vào nhà, đắm mình trong những ánh mắt cảm phục và đồng tình của bà con hàng phố. Đứa bé đã thôi không khóc. Ba mẹ con vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi vì tất cả những gì vừa xảy ra. Trong cái ngây ngất vì hành động trượng nghĩa của chính mình, phần tâm tư bi tráng và tấm tình lãng mạn sáng trong bị dồn nén lâu nay bấy giờ mới túa ra; gã bế đứa bé lên, vỗ về:
- Nín đi, từ nay các con sẽ có sách học và áo đẹp.
Thằng lớn đứng bên mẹ, mắt ánh lên những tia thán phục, nhưng khi nghe lời nói đó, bất giác, nó bỗng níu chặt lấy cánh tay mẹ, nhớn nhác như thể sợ thị đột nhiên biến mất khỏi cõi đời này.
Hắn lại quay sang thị :
- Từ lâu, tôi đã thương mình … thương lắm ấy ! – Gã dừng lại, rưng rưng, rồi lôi từ trong túi áo ra một chiếc mùi xoa nhầu nhĩ màu cháo lòng, thấm nhẹ nơi khoé mắt đỏ hoe, giọng chân thành, khiêm ái – Tôi thề đấy, sẽ không bao giờ đánh mình, hành hạ mình và các con. Tôi nguyện suốt đời làm người vệ sỹ, làm kẻ nô bộc trung thành cho mẹ con mình. Có tôi ở đây, mình sẽ được ngẩng cao đầu, sẽ được sống một cuộc đời cho ra hồn con người ! Rồi tôi sẽ bảo cho mình cách làm ăn. Sau này, phá căn nhà này đi, chúng ta sẽ xây một toà nhà khác hoành tráng hơn, mỹ miều hơn, chẳng kém cạnh gì những toà nhà hàng xóm kia !
Mặt nhợt đi vì cảm động, nhưng dường như nỗi lo vẫn còn đó:
- Lão quay lại thì làm sao ?
- Có tôi ở đây, còn dám ư ? Lại có bà con hàng xóm đồng tình ủng hộ, mình còn lo sợ nỗi gì ?
- Được thế thì còn gì bằng !
- Mình tin tôi chứ ?
- Ừ … tin ! - Thị có vẻ vẫn chưa yên lòng.
- Thế thôi sao ?
- Còn thế nào nữa ?
Hồng nghiêm mặt, ưỡn ngực, bàn tay nắm lại, ngón cái chìa ra, tỳ vào cái nắp túi áo phía dưới, nói rành rẽ:
- Mình phải tin tưởng tuyệt đối mới được !
- Vâng … tuyệt đối …
- Tôi là người có chút ít chữ nghĩa trong đầu, cũng đã quan sát cách làm ăn của nhiều gia đình, biết được cách nào là tốt, là đáng học theo. Từ nay, mình phải để tôi điều quyết tất thảy mọi việc làm ăn trong nhà mới được. Dứt khoát, chắc như đinh đóng cột, mình và các con sẽ được sung sướng, sẽ được sống cho ra hồn con người, sẽ được mở mặt mở mày với thiên hạ.
- Đời tôi cũng chỉ mong có thế. Vâng, từ nay, mọi việc trong cái nhà này trông cả vào mình. Mình bảo sao, mẹ con tôi làm vậy.
Thở phào một cái, rồi thị dắt lũ con bước ra mảnh sân sau. Đến khoảng giữa sân, không hiểu sao, mấy mẹ con cùng dừng lại, ngẩng đầu, ngước mắt nhìn bầu trời xanh trong sõng, không một gợn mây, chẳng một sợi gió.
Thì ra cái số kiếp của thị cũng chưa đến nỗi nào.
*
Sinh ra làm kiếp người, ai không ngán truân chiên ? Trước đây số phận trớ trêu, quen thói đùa nhả với thị, chẳng nói làm gì. Phận gái bồ liễu mỏng tang, chỉ mong tìm được nơi tử tế mà gửi phận mình vào đó; phải làm cái trụ cái cột, chẳng qua cũng là bần cùng bất đắc dĩ; lâu ngày, thiết tưởng đã mỏi lắm rồi. Mà thị cũng đâu phải là thứ đồ điếu tam toạng. Giờ đây đã có người tự nguyện làm cái thân cau cho mà nương mà tựa thì không phải là phúc thời đã đến rồi ư ? Cuộc đời thị và các con của thị, quả thực nhãn tiền, đã sang trang. Cảm ơn ông giời có mắt đã nhón tay bù trì cho mẹ con thị.
Một gia đình với những thành viên cũ và một ông chủ mới đã, mặc nhiên, hình thành. Hàng xóm láng giềng cũng không cho điều ấy là lạ; thậm chí, họ còn mừng cho mấy mẹ con thị. Trong nhà, đã thấy có tiếng cười, tiếng trẻ con hát ngêu ngao. Mấy mẹ con, đi lại không còn phải rón rén, nói năng không cần phải thì thầm nữa.
Được ít lâu, gã nói với thị:
- Buôn bán là việc làm không lương thiện.
- Sao lại thế ? - Thị trố mắt, ngạc nhiên - Từ thuở bé, tôi thấy thiên hạ đã có việc này rồi mà !
- Mua mười, bán thành mười một, chẳng phải lừa người để lấy tiền sao ?
- Phải có lời chứ. Nếu không, lấy gì mà sống.
- Nên làm cái gì đấy cho có lao động. Đồng tiền có được bằng lao động mới là chính đáng. Có lao động nhà mình sẽ có tất cả.
- Thế làm gì bây giờ ?
- Tôi đã nghĩ kỹ rồi, mình sẽ chuyển sang sản xuất.
- Sản xuất gì ?
- Hàng mã !
- Có được không ? - Thị lo lắng.
- Được !
- Có chắc không ?
- Tuyệt đối chắc !
Ngước mắt nhìn lên, thấy cặp môi thâm sì của chồng đã mím lại từ bao giờ; đôi mắt hắn, lúc ngày thường phơi phới, thị chẳng để ý, sao lúc này lại có nhiều lòng trắng thế. Thị thấy gai gai, sờ sợ. Lúc sau, mới mấp máy được đôi môi: 
- Mình nghĩ cũng phải. Thôi, mình bảo gì, tôi cũng xin vâng.
Thế là hắn bỏ việc làm hợp đồng, rút hẳn về nhà vợ, chuyên tâm vào việc chế tác ra những thứ áo quần, mũ mãng, voi ngựa, hình nhân, tiền nong, vàng bạc, nhà cửa, đồ điện tử và những phương tiện đi lại cao cấp … bằng giấy. Ngoài mặt tiền, cửa hàng bán gạo đã chuyển đổi thành cửa hàng bán vàng mã. Cái đơn điệu, nghèo nàn của những cái bao tải đựng gạo nay được thay bằng những thứ đủ loại sắc màu rực rỡ, lóng lánh mà những người sống bình thường không thể có cơ sở hữu ngay tại nơi dương thế tươi đẹp và chan chan tình người này. Cái tẻ nhạt tầm thường của lúa gạo, chỉ phục vụ cho mỗi cái dạ dày thô tục, nay đã được thay bằng những quý vật thiêng liêng, chuyên phụng sự cho những việc tâm linh huy hoàng và cao quý.
Tuy vậy, sức tiêu thụ của xã hội về loại hàng này cũng không cao và doanh thu cũng chỉ nhỉnh nhót vào đôi kỳ trong năm như tháng lễ Vu Lan, tết Nguyên Đán, tết Thanh minh ... Người mới chết cũng là một loại đối tượng thụ hưởng đặc biệt. Nhưng ác thay, khoa học cứ lừ lừ tiến về phía trước, như một cỗ thiên sa cục mịch và cổ lỗ, không gì ngăn nổi. Dược phẩm tốt ngày càng nhiều, càng lắm loại; công nghệ y học ngày càng hay càng giỏi, khiến cho tỷ lệ người chết cứ giảm dần theo năm tháng.
Hàng hoá ế ẩm, vốn liếng cụt dần, trong nhà lại có thêm một thành viên mới chào đời. Tay bế đứa bé út, nhìn hai đứa lớn tranh nhau vét cơm trong nồi quèn quẹt, hai hàng nước mắt thị tự nhiên cứ ứa ra. Thấy vậy, Hồng cười lớn, sang sảng động viên: “Trong thời kỳ này, cần lấy hai chữ hạt tiện làm đầu. Tương lai tươi sáng của cả nhà ta tất cả đang ở phía trước!”.
*
Gia đình nào cũng vậy, thể diện của nó là ở những bộ áo quần đẹp đẽ, những nụ cười trong trẻo rạng rỡ trên mỗi khuôn mặt bừng sáng của các thành viên. Nếu không hoặc chưa được như thế mà vẫn muốn có thể diện thì phải nhờ đến cái thuật “Tốt đẹp phô ra”; nghĩa là, như thiên hạ bảo, nếu ta bị hỏng một mắt thì nên chỉ chụp ảnh chân dung nhìn nghiêng. Nhưng cái giống trẻ con, mới tí tuổi đầu, tư duy non nớt, lập trường bấp bênh, chẳng thể nghĩ ngợi sâu sắc được như người nhớn, cứ hồn nhiên bô bô phô ra với lũ trẻ hàng xóm về cái sự ăn đói mặc rách của chúng khiến cái thể diện của hắn bị tổn thương. Hắn thấy đau đớn ghê gớm. Đau đớn không phải vì lũ trẻ, trong đó có đứa con của chính hắn, mới tí tuổi đầu đã phải nếm mùi khổ cực; hắn đau là đau ở cái chỗ bị hàng xóm láng giềng coi thường. Thậm chí, độ này, mấy cha nhà giàu còn không thèm đáp lại lời chào của hắn mỗi khi giáp mặt. Lại mấy cha khác, chỉ vào loại thường thường bậc trung, cũng bắt đầu bắt chước cái lối ngạo nghễ trịch thượng của mấy cha nhà giàu kia.
Quốc gia có quốc thể, gia đình cũng phải có gia thể. Làm người liền ông, làm cái trụ cái cột trong gia đình mà gặp hoàn cảnh này thì nghiêm trọng lắm, mất mặt lắm; vậy thì, bằng giá nào cũng quyết phải đưa chúng vào khuôn khổ. Thế là, mặc cho thiên hạ cứ lải nhải vào tai nhau rằng thời gian là vàng là bạc, rằng đó là cái thứ một đi không trở lại, hắn vẫn, thây kệ công việc, bỏ ra cả núi thời gian để giảng đi giảng lại cho lũ trẻ hiểu về ích lợi của tình yêu gia thể và cái ngu dại của những thói khôn nhà dại chợ ấy. Nhưng, có trời mới hiểu được, cái bài học thuộc lòng Hịch Tướng Sỹ do cái ông Trần (gì) Đạo nào đó nghĩ ra, chữ nghĩa đặc nghịt cả mấy trang giấy in ti pô, chúng vẫn nhớ ngon lành; vậy mà vỏn vẹn có mấy chữ “yêu quý và bảo vệ gia thể” được vài ngày đã quên phéng và thế là, nước đổ đầu vịt, đâu lại vào đấy. Thậm chí, không biết học cái lối ở đâu, chúng còn bắt đầu quan sát hàng phố, phát hiện ra bọn trẻ con các nhà khác chưa bao giờ phải đòn và cứ thắc mắc hoài với mẹ rằng tại sao chúng lại thấp bé nhẹ cân hơn bọn trẻ cùng lứa kia.
Hắn buồn bực. Hắn âm thầm đau đớn. Hắn âm ỉ cay cú. Cặp mắt hắn gườm gườm như người nhà đoan mỗi khi vợ hắn chót dại vô tình thả ra một cái thở dài ngao ngán. Lác đác, trong những lúc thảng thốt, không kiềm chế được, đã có những trận đòn thực sự giáng xuống lũ trẻ. Rồi tần xuất của những trận đòn ngày càng dày dần, tỷ lệ theo sự trưởng thành của cái thói tự do nghĩ ngợi của chúng; thứ mà - thề có ông giời chưa thua, chưa hoà với ai bao giờ, thề có gia phong bản địa nhà hắn - hắn tuyệt đối không bao giờ khuyến khích.
 Trong nhà, tiếng cười tắt dần, tiếng thì thào tăng dần. Trong ý nghĩ của những thành viên gia đình, bắt đầu đã có sự coi thường về cái sự bất tài và cái thói huyênh lác đến loè loẹt của hắn. Hắn cũng nhận ra điều đó, nhưng bất lực, không biết làm cách nào để có thể kiểm soát cho được. Hắn đóng chặt cửa, nghiến răng, âm thầm đánh đập lũ trẻ mà không cho phép bất cứ đứa nào được khóc. Khóc càng to đòn càng no, càng dữ. Thành thử, để giảm bớt cái sự đau đớn thể xác, bọn trẻ cũng chỉ còn cách, cũng nghiến răng, mà âm thầm rên xiết. Nhìn đôi mắt đỏ ngầu như trâu đực tranh nái, cái bắp vai bóng nhẫy, u cuộn lên của hắn, thị cũng chỉ đành đau sót chúi đầu vào một góc buồng mà âm thầm tức tưởi.
Và, sau biết bao lao tâm khổ tứ cùng những nỗ lực thuộc dòng cơ học cổ điển, cuối cùng, hắn đã phải cay đắng mà thừa nhận rằng ý nghĩ là cái thứ bừa phứa nhất, tự do nhất, khó bảo nhất và cũng là thứ tệ hại nhất trên đời; dỗ dành và ngon ngọt, đòn roi và doạ dẫm, dù khốc hại đến đâu, cũng chẳng thể uốn nắn.
*
Thiên hạ, chẳng hiểu ra làm sao, bỗng nhiên ngày càng đam mê, càng tâm đắc, tâm huyết với sự học và sự nghiệp; chẳng ai còn thiết tưởng đến việc làm công nhân hay nông dân nữa; nếu phải cầm lấy cái cán búa, phải nắm lấy cái chuôi cầy suốt đời, chẳng qua cũng bởi tại cái lực không chịu tương thích với cái tâm.
Giống đời, chẳng ai thích cái khó. Nhưng trớ trêu thay, cái khó lại thường làm mẹ cái khôn. Nhận ra cái tình cảm ngày càng say đắm nồng nàn với việc học tập, với lý tưởng vươn lên của vô số người khôn ngoan và thừa biết rằng cũng chỉ một bộ phận rất nhỏ trong số đó là có thể đạt được cao vọng này ngay trong quãng thời gian tại thế trời cho, hắn liền khẩn trương vẽ mẫu, đưa vào sản xuất và, trong có mấy ngày giời, cửa hàng của hắn đã bày bán la liệt các loại bằng cấp từ tốt nghiệp phổ thông đến thạc sỹ, tiến sỹ, văn sỹ, nghệ sỹ … cùng đủ thứ chứng chỉ về sự tiến bộ -  giấy bổ nhiệm từ chức dịch hàng xã đến các phẩm hàm quan tuần quan phủ - tất cả đều được in song ngữ bằng hai thứ tiếng Anh và Việt, có đóng hình con dấu của Bộ giáo dục và Nhà nước Địa phủ. Phưởng tính, thấy việc sản xuất và bán loại hàng này đem lại một mức lãi suất không có nhà sản xuất nào có thể mơ tưởng, hắn mỉm cười ranh mãnh: Nếu cảm hoá được nền tâm linh thế giới, hắn sẽ xúc tiến cả việc xuất khẩu. Và trong danh mục các loại hàng mã của hắn sẽ có thêm cả tàu bay, xe tăng, …thậm chí cả bom nguyên tử, tàu vũ trụ và giấy bổ nhiệm các loại quốc vương, tổng thống. Rồi, biết đâu, đến một ngày nào đấy, hắn lại chẳng trở thành chủ một công ty toàn cầu, một chính khách liên quốc xuyên châu lục, huy hoàng tỏa sáng như một siêu sao lý tài chính ngạch vậy.
Nhưng, sự thực, mỗi khách hàng chỉ mua có vài ba tờ. Lãi suất của một tờ, tuy là cao đến phát chóng mặt nhưng, về bản chất, xem ra cũng không khác gì giá trị tăng trưởng GDP hàng năm 9,9% của một quốc gia nhược tiểu. Đối với những người làm tính nhẩm không nhanh, con số đó không phải là không lấp lánh. Hơn nữa, những mẫu mã của hắn lại quá đơn giản, lại không đăng ký bản quyền tác giả với Cục Bản quyền nên cái bọn ăn theo - đã tối dạ lại lười động não - mới nhanh chóng bắt chiếc dập theo, khiến thị trường vàng mã nhanh chóng tràn ngập y trang những loại bằng cấp, giấy bổ nhiệm mà mới vài tháng trước hắn còn xênh xang độc quyền.
Cái lợi của mặt hàng mới này xem ra cũng mới chỉ đủ để cải thiện dung lượng chai rượu và nâng cấp chất lượng thực phẩm trong cái đĩa thức nhắm của riêng hắn bên cái mâm chung của cả nhà. Vợ hắn, chẳng cần bàn bạc với hắn như trước đây, lầm lũi lấy số vốn liếng để dành phòng thân, góp với chị em bạn mở một công ty trách nhiệm hữu hạn về môi giới thương mại. Mức sống trong nhà đã khá dần. Nét mặt lũ trẻ dường như cũng hồng dần lên. Thỉnh thoảng đã thấy chúng nô đùa với nhau. Điều này, khiến hắn, từ sâu trong khoang bụng, dâng lên một nỗi niềm gì đấy, na ná như sự đau đớn ê chề; cái ê chề của kẻ vẫn lẽo đẽo trên vòng đua trong khi kẻ áp chót cũng đã bỏ xa mình mà cái đích vẫn còn mịt mờ chưa thấy. 
Điều an ủi đối với hắn lúc này là mọi việc dường như chưa đi quá xa; cái gia phong mà hắn lập nên dường như vẫn trụ được, ít nhất là trong con mắt của những người hàng phố. Hắn vẫn có một cái mái để che mưa che nắng. Dưới cái mái ấy, hắn vẫn có một cái giường để ngủ. Dưới cái mái ấy, vẫn có một mâm cơm; trong mâm cơm, hắn vẫn còn một chiếc bát, một đôi đũa, một chai rượu, một đĩa thức nhắm cho riêng mình. Cái gì hắn cũng còn, trừ những nụ cười ấm áp, những lời nói thân ái và những cử chỉ thân thiết đã từng có lúc hắn được đắm mình trong đó.
Mấy tháng trước, hắn mới chỉ cảm thấy mình là người thừa trong nhà. Gần đây, điều ấy đã có thể sờ thấy phần nào. Cứ nghĩ đến cái vị thế vàng mã thèo đảnh của mình, lắm lúc hắn thảng thốt hốt hoảng, giật mình đến vã cả mồ hôi hột. Nhưng, từ từ nâng cánh tay lên ngắm nghía, hắn thấy gân cốt hình như vẫn chưa đến nỗi như kẻ bán thân bất toại; cơ bắp của hắn tuy cũng đã rão nhoẹt nhưng, bề ngoài, chưa hẳn đã cạn kiệt hiệu năng. Điều đó, dường như, cũng làm hắn yên lòng ít nhiều. Vả lại, quanh quẩn bên mình, hắn vẫn còn có chú vện xù nhọ mõm mà hắn vừa yêu quý như một thứ bảo bối, vừa nghi ngại như một thứ kháng sinh rất có thể đưa lại những phản ứng phụ bất trắc khó lường.
Khắp trong thiên hạ: Kỳ là một trong bốn thú chơi tao nhã  . Người thua cờ chẳng đợi đến lúc bị đối phương ăn tướng mà vẫn thấy vui sướng bởi đã nhận ra được cái dở của mình, lại học thêm được những cái hay, cái cao của bạn. Vậy mà, ngày nay, trên bàn cờ ở các đầu đường, góc phố vẫn thường thấy kẻ sắp bị mất tướng - khách bộ hành đi qua dừng lại, thoáng qua, cũng thấy ngay là chỉ còn một nước dúi tốt nữa là xong - vẫn ý chí ngút giời, vẫn sang sảng quyết liệt như hổ tướng gặp giặc cỏ: Cờ vịt. Chưa là cái gì nhá ! Chờ đấy !
*
Hôm ấy là một ngày cuối đông. Một ngày tràn ngập nắng vàng ấm áp.
Thằng lớn, mặt mày hớn hở, hai tay ôm khư khư pho tượng Nguyễn Thái Học - phần thưởng của riêng thày chủ nhiệm dành cho nó vì thành tích học tập môn lịch sử - chạy ào vào nhà để khoe với mẹ. Trong tâm trạng mừng vui cuống quýt, chỉ mong sao chóng gặp được mẹ, chiếc cặp sách của nó đã vô tình va vào mấy chồng hàng ngay sát lối đi, khiến hàng họ đổ xuống tung toé. Nhìn những xấp tiền in hình tổng thống Mỹ, những bó chứng chỉ các loại lấm lem, ngổn ngang đầy mặt đất, mắt hắn vằn lên và lấy tay vả liên tiếp mấy cái vào mặt thằng bé, khiến nó ngã dúi dụi vào một chồng hàng khác. Con chó xồm ở đâu chạy về, đứng bên chân hắn, nhe bộ nanh, hướng về thằng bé mà gừ gừ dữ tợn. Thằng bé nghiến răng, đứng dậy, đặt lên bàn pho tượng vẫn còn nguyên vẹn vì trong lúc ngã nó vẫn cố giơ lên cao, từ từ mở nắp cặp sách, lấy ra một xấp giấy mỏng, đĩnh đạc đưa cho gã bố dượng.
Hắn liếc qua và lập tức ngẩng lên:
 - A ! Mày đem cái Công ước quốc tế về Quyền trẻ em ra để dọa ông hả ?!
Thằng bé lại đưa tiếp cho hắn một tờ giấy khác. Hắn liếc qua và nhận ra đó là Bản cam kết xây dựng gia đình văn hoá do chính hắn ký.
 - Nói cho mày biết, nhà nào có nếp của nhà nấy; ông ký là ký cho nó yên chuyện, làm theo thì cái nhà này có hoạ loạn !
Thằng bé uất ức quá, lấy tay trỏ vào mặt hắn, hét lên:
- Đồ nói dối !
- Xuỵt ! - Hắn nhìn con xồm, bấy giờ vẫn đứng bên hắn nhe răng với cậu chủ và lấy tay trỏ về phía thằng bé.
Tức thì con xồm nhảy bổ theo hướng tay chỉ của ông chủ và đớp liền hai miếng vào cẳng chân thằng bé. Đau quá, thằng bé gào lên trong nước mắt:
- Ông cút đi ! Mẹ con tôi không cần ông ! Đồ ăn bám ! Đồ dối trá ! Đồ phá hoại ! Đồ … Cút đi … !
Nghe tiếng con kêu khóc, thị hốt hoảng chạy ra thì trông thấy cảnh tượng tung toé, chân con trai máu me bắt đầu rỉ ra thì thấy xót quá. Trong lúc cuống cuồng tìm lọ cồn và băng, thị không nén được thổn thức, uất ức thét lên:
- Đồ vô ơn, đồ hèn !
Thấy mất mặt quá, hắn lại càng nổi xung, nhảy bổ vào, thụi vào mặt thị một quả như trời giáng. Thị lảo đảo, ngã dúi dụi vào góc nhà, bật khóc:
- Ngày trước, anh bảo anh nguyện suốt đời làm người vệ sỹ, làm kẻ nô bộc trung thành cho mẹ con tôi. Có anh, mẹ con tôi sẽ được ngẩng cao đầu, sẽ được sống một cuộc đời cho ra hồn con người; thế mà sao bây giờ anh đối xử với mẹ con tôi như quân hằn quân thù như vậy?!
Mặt bầm lại, môi mím chặt, mắt phô ra toàn lòng trắng, hắn gằn giọng, thả ra từng chữ, bặm nhụa:
- Trước bố khác, bây giờ bố khác !
NLT