Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phía bàn tay vẫy

Đỗ Bích Thúy
Thứ sáu ngày 23 tháng 1 năm 2009 12:31 PM

Sáng mùng một cái tết đầu tiên tôi ở lại nhà chồng, ở thành phố, tôi chứng kiến một cái chết có lẽ cũng thường tình thôi, nhưng vì nó xảy ra vào đúng ngày mùng một tết nên cái sự thường tình bỗng trở nên chẳng thường tình nữa. Ông hàng xóm ở đối diện nhà mẹ chồng tôi, được vợ con trói chân trói tay rồi khiêng lên tầng hai, buộc vào chân cầu thang, vì ông này nghiện rượu, quanh năm suốt tháng say xỉn, đúng chiều 30 ông ta lại say và nằm ượt ra giữa đường khiến xe cộ ùn tắc cả tiếng đồng hồ. Cáu tiết, vợ và con trai mới trói ông ta lại, xích vào chân cầu thang tầng hai. Cái cầu thang này nằm ngoài trời nên hàng xóm ai cũng nhìn thấy. Vừa thương, vừa giận, nhưng cũng thông cảm với bà vợ và thằng con. Có người còn bảo, phải tay tôi, tôi dìm vào thùng nước cho tỉnh.
Sáng mùng một thì ông ấy ra đi. Vì cảm lạnh hay tai biến mạch máu não, hay gì gì đó cũng không rõ nữa. Không kèn trống, không tiếng khóc, không người vào ra, trừ họ hàng thân thiết. Gia đình phải gửi ông vào kho lạnh trong nhà xác, ra Giêng mới đem chôn, cũng chưa tổ chức tang lễ gì.
Suốt cái tết đó tôi nghĩ đến ông hàng xóm ấy. Từ ngày về làm dâu ở phố này tôi chưa bao giờ nói chuyện với ông. Thực ra cũng chưa có lúc nào ông tỉnh táo để nói chuyện với bất kì ai. Sáng sớm đã thấy ông ngồi ở vỉa hè, một cốc rượu chừng 200ml đặt bên cạnh, trưa, lại một cốc rượu, chập tối, lại cốc rượu nữa… Người nào quan tâm thì bảo tại vì ông chán đời, con cái một thằng nghiện đã bị nhiễm HIV, một thằng buôn herôin đang ngồi tù, đứa con gái duy nhất mới 15 đã vác cái bụng to, bỏ học, lấy chồng, rồi lại bỏ chồng về bán hàng cơm giúp bà cô. Vì chán nên tìm vui trong rượu, lâu rồi nghiện, đến nỗi không có rượu là ốm. Tôi thì nghĩ, nếu mình rơi vào hoàn cảnh ấy thì mình cũng chán đời, chả hơn gì ông ấy.
Ông ấy chết, sau tết sẽ vắng một người ngày mưa cũng như ngày nắng, thường trực ở cái quán vỉa hè của bà Bách béo. Con phố này cũng không bao giờ còn ùn tắc vì có một người đàn ông nằm thẳng đơ ngang đường nữa. Hàng xóm bớt nghe những trận cãi vã, chửi rủa, khóc lóc… Nhưng tất cả những điều đó e chẳng ảnh hưởng gì mấy đến nhịp sống hối hả của những người ở phố. Ngay cả cái chết của ông, cũng chỉ được nhắc đến một vài lần rồi thôi, tranh thủ ăn tết, tranh thủ ngủ bù, tranh thủ đi chơi, để đến ngày mở hàng, khai xuân lại cắm đầu cắm cổ lo toan.
Mùng tám tết thì vợ con ông phát tang. Lúc này mới kiếm được xuất đất ở quê để đưa ông về. Bà vợ thanh minh thế. Lúc đến viếng ông ở nhà tang lễ, tôi không dám nhìn vào cái ô kính phía đầu áo quan. Không biết gương mặt ông sau khi đã được tô son điểm phấn thì nó ra làm sao? Nhưng tôi không trốn được cảm giác ớn lạnh khi nghĩ đến việc một con người, không thở nữa, không suy nghĩ nữa, hồn vía đã phiêu bạt chốn nào mà vẫn không được về với đất cát cho ấm áp, mà phải nằm trong cái tủ lạnh suốt hơn một tuần lễ.
Rằm tháng Giêng thì vợ chồng tôi về thăm bố mẹ đẻ. Nhà tôi, đúng ra là nhà bố mẹ tôi, nằm gọn trong một cái thung lũng. Bốn phía là núi. Một con đường và một dòng sông chạy xuyên qua thung lũng, chúng tôi sống bên cạnh con đường và dòng sông ấy. Ở đây, người Tày trồng ngô, lúa sát triền sông, trên ruộng bậc thang; người Dao trồng sắn, lúa nương trên mấy sườn đồi đất đỏ như gấc; người Kinh từ Nam Định, Thái Bình lên trồng hoa màu, cam quýt ở những mảnh vườn sát chân núi. Cạnh nhà tôi là một khu rừng mả - nơi người ta dành riêng để chôn người chết. Mỗi dòng họ có một khu rừng mả như vậy. Rừng mả là nơi cấm kị, chỉ dành riêng cho người đã chết. Trâu bò không được vào, trẻ con người lớn không tới, cấm mọi hành vi chặt cây, hái quả, đào măng… nên khu rừng mả nào cũng rất nhiều cây cổ thụ, xanh mướt, rậm rịt. Chỉ nhìn từ xa đã biết đó là rừng mả vì hoàn toàn không có dấu hiệu ra vào của con người cũng như vật nuôi. Khi có một người trong họ ra đi, ông trưởng họ dẫn đám thanh niên vào trong rừng mả, chọn chỗ thích hợp cho người đó. Và đặc biệt, khi đã được đặt xuống nơi nào trong lòng đất thì người chết vĩnh viễn ở đó, không tảo mộ, không cải mả. Người quê tôi quan niệm, nếu động chạm đến mồ mả thì người chết sẽ không được yên, sẽ về quấy rối khiến người sống không được yên ổn, hay ốm đau. Và khi ai đó nằm xuống, trên mộ của họ sẽ có một cái nhà mồ lợp lá cọ. Nhà mồ rất kiên cố. Thưng vách xung quanh. Trong nhà mồ có đầy đủ đồ dùng thường ngày như rổ rá giần sàng thúng mủng, lại có cả lương thực, muối, thêm một con gà trống choai nữa. Lâu ngày, đồ dùng thì mục ruỗng, nhà mồ cũng sập mái, nhưng riêng chú gà thì lớn lên, ăn hết chỗ gạo dành cho người chết ấy thì chui ra ngoài, bới giun dế mà sống. Vì nhà tôi ở ngay kề rừng mả nên thi thoảng lại có một con nhảy qua hàng rào vào vườn, tối chui vào chuồng gà nhà tôi ngủ cùng, đuổi đi không được, mổ thịt không đành, nên con gà cứ ở đó, đến già. Tất cả những con gà từ rừng mả nhảy vào vườn nhà tôi đều mang lại cảm giác rất lạ. Hình như chúng cũng biết thân phận nên không hỗn láo như đám gà nhà. Và đều là những con gà được chọn kĩ lưỡng nên con nào cũng cao lớn, rực rỡ. Nhưng cũng có khi gà từ rừng mả vào nhà tôi ở vài ngày rồi lại nhảy qua hàng rào ra lại rừng mả. Ranh giới giữa người sống và người chết chỉ có một cái hàng rào mỏng manh, đôi khi cam trong vườn nhà tôi chín vàng, cành trĩu qua hàng rào, đậu cả lên nóc nhà mồ.
Ở quê tôi, người chết được giữ ở lại nhà rất lâu trước khi đưa ra rừng mả. Có khi người ta để một tuần, thậm chí chục ngày. Nên nhà nào có tang cũng phải rang hàng yến bỏng nếp, bỏng ngô để rải dưới quan tài. Có nhà ngày nào cũng vừa khóc vừa bón cơm cho người chết. Người chết không ăn được, con cháu càng khóc lóc. Sự níu giữ được thể hiện bằng mọi cách, mặc dù ai cũng biết người đã ra đi thì không bao giờ trở lại. Người chết được mang đi tất cả mọi thứ mà khi sống họ cần đến. Quần áo mới, chăn màn mới, đồ dùng thường ngày, dụng cụ lao động… Nhà nghèo mấy thì cũng phải chuẩn bị đủ, có thể con cháu sau đó không còn cái để dùng thì cũng nhất thiết phải có đủ cho người chết mang đi.
Tôi đứng trong vườn nhà, nhìn qua hàng rào bằng cây sắn, nhớ đến bà lão trong cái nhà mồ mới lá cọ còn chưa héo hết, mẹ tôi nói, bà cũng mới đi trước tết nửa tháng. Tôi nghĩ tới những cái bánh gù bà hay để phần cho anh em tôi vào dịp tết rằm tháng Bảy. Đôi bàn tay nhăn nheo của bà gói bánh rất nhanh, rất đều, trăm cái như một, cái bánh nào cũng có một cái sống lưng gù lên rất lạ. Sau khi bỏ quê ra đi, tôi không được ăn bánh của bà nữa. Bây giờ thì dù có về hẳn cũng không có cơ hội ăn nữa. Rất nhớ bà. Lại nhìn sang cái nhà mồ bé nhỏ. Tự hỏi, liệu bà ở đó một mình có buồn không?
Cái tết ấy, tôi chia tay vĩnh viễn với hai con người. Và chợt nghĩ, đúng là khi tạm biệt cõi đời này, người ta có những lối đi riêng.