Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI THƠ HOA CỎ MAY QUA LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ HỒNG

Nguyễn Thị Hồng
Thứ ba ngày 21 tháng 8 năm 2018 8:52 AM


HOA CỎ MAY
Kết quả hình ảnh cho Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh

Cát vắng, sông đầy cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Tên mình ai gọi sau vòm lá
Lối cũ em về nay đã thu

Mây trắng bay đi cùng với gió
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
Thơ viết đôi dòng theo gió xa

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm dày
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?

LỜI BÌNH của Nguyễn Thị Hồng

Đã qua rồi mùa xuân tươi thắm, mùa hè nồng nhiệt. Mùa thu đến với đất trời bảng lảng, phảng phất, mong manh với nắng hơi hơi nắng mây bồng bềnh mây.
Bài thơ HOA CỎ MAY của nhà thơ Xuân Quỳnh ra đời trong một không gian và thời gian như vậy. Đất trời cũng qua sự từng trải : Xanh tươi, nắng hồng mùa xuân, đơm hoa kết trái, nắng vàng rực rỡ mùa hè, giờ đây dường như tĩnh lại sau cơn bồng bột muôn thuở.
“Cát vắng, sông đầy cây ngẩn ngơ” cái cô đơn của đất trời vào một ngày trời xao xác trở thu đã gặp cái cô đơn của con người, nhất là người-đàn-bà-yêu khi tình yêu đã qua lúc nồng nàn bốc lửa, chỉ còn lại dư âm như một hoài niệm, như một kỷ niệm.
“Tên mình ai gọi sau vòm lá”. Đó là một tiếng gọi thoảng, đã bị khuất lấp rất nhiều. Đó chỉ còn là một “lối cũ”, lối của kỷ niệm cũng đã chớm màu thu, màu của sự tàn phai được báo trước.
Bài thơ có ba khổ được cấu tứ giống nhau, đẩy dần, đẩy dần tư tưởng của toàn bài lên khổ kết.
Câu đầu của ba khổ đều tả cảnh, cảnh thu, một không gian vắng vẻ buồn đến ngơ ngẩn cả đất trời và lòng người :
“Cát vắng, sông đầy cây ngẩn ngơ”
“Mây trắng bay đi cùng với gió”
“Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may”
Không gian chỉ thấy cát (vắng ), mây trắng và hoa cỏ may- một loài hoa không sắc, không hương.
Câu thứ hai của cả ba khổ là sự giao thoa giữa cảnh và tình hay nói cách khác là “đối cảnh sinh tình”:
“Không gian xao xuyến chuyển sang mùa”
“Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ”
“Áo em sơ ý cỏ găm dày”
Cái tình của người con gái ở đây thật vô tư, chân thật và dễ thương. Những từ “nguyên sơ, sơ ý” đã nói lên điều đó. Và chính vì thế mà nó không có sức đề kháng. Nhưng tình yêu, từ muôn thuở, sở dĩ nó bất tử là vì không có một loại thuốc tiêm phòng nào, một loại thuốc đề kháng nào dành cho nó…
Những câu cuối của cả ba khổ thơ thể hiện tình yêu không còn sự nồng thắm của mùa xuân, sự nồng nhiệt của mùa hè, không còn cái “thuở ban đầu” nữa. Chỉ còn lại một tình yêu đã nếm đủ cay đắng ngọt bùi và thấu hiểu cái vô thường của lẽ đời, biết rằng tình yêu nay có mai không, vậy ai dám chắc lòng anh không thay đổi, không còn yêu em nữa.
Một sự bùi ngùi, đành chấp nhận quy luật của thiên nhiên và lòng người.
HOA CỎ MAY không chỉ là một bài thơ hay mà còn là một bài thơ “lạ” của Xuân Quỳnh. Bởi lẽ Xuân Quỳnh là nồng nhiệt, là rốt ráo, là thắt buộc, là hết mình. Chị yêu chồng đến nỗi yêu cả mẹ chồng và nhận tất cả về mình :
“Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”
Hoặc :
“Sóng không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Hay :
“Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố”
Trong bài HOA CỎ MAY , dù tình yêu của người con gái vẫn thủy chung như nhất và trong trẻo.
“Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ”
Thì ngay câu thơ ấy cũng cho ta thấy cái tĩnh của lòng người, của đất trời, đã không còn bão tố, đã qua cơn bão tố hay mới dự cảm bão tố ?
Và hai câu cuối của khổ kết bài thơ cho ta một nỗi niềm trắc ẩn trước nhân tình thế thái :
“Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay ?”
Nếu có đổi thay thì cũng đành chấp nhận thôi vì lời yêu vốn rất mỏng mảnh- khói đã dễ tan rồi, đây lại chỉ là màu của khói, của sương.
Trong tiết trời thu này, đọc lại HOA CỎ MAY của Xuân Quỳnh, nữ sĩ rời xa chúng ta đã chẵn ba mươi mùa thu, ta cảm thấy hồn của bài thơ như giăng mắc đâu đây, trong cái gió heo may se se, trong cái nắng vàng hơi hơi, trong làn mây trắng xô dạt cuối trời, như một nỗi niềm trắc ẩn của tình người, như cái dấu hỏi ưu tư cuối bài thơ cũng là dấu chấm hỏi muôn đời cho thân phận có tên gọi TÌNH YÊU.
Hà Nội Thu 2018
NTH