Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN TẠ KIM HÙNG GỬI ĐƠN LÊN CHỦ TỊCH NƯỚC XIN GIẢM ÁN CHO MỘT TỬ TÙ

BTV
Thứ ba ngày 21 tháng 8 năm 2018 4:30 PM


Kết quả hình ảnh cho nHÀ VĂN tẠ kIM hÙNG




Đó là nhà văn Tạ Kim Hùng, 85 tuổi - Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại phường Hồng Gai, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Nhà văn Tạ Kim Hùng là người đã có hơn 50 năm làm báo, chuyên viết về đề tài chống tiêu cực, có 30 năm công tác với Cơ quan điều tra, phòng chống tội phạm ma túy (Phòng PC47) của Công an Quảng Ninh. Trong thời gian này ông đã viết nhiều phóng sự, phản ánh và lên án tội ác của bọn tội phạm ma túy, đồng thời biểu dương những chiến công to lớn của cán bộ, chiến sỹ phòng PC47, qua nhiều chuyên án lớn…

Hơn bốn năm trước, tại chuyên án 006-N, chỉ giai đoạn I, cơ quan điều tra Công an Quảng Ninh đã khởi tố 147 bị cáo, đưa ra xét xử 89 tên, có 29 tên trong số đó đã lĩnh án tử hình, 14 tên lĩnh án chung thân. Chuyên án 006-N đã phá tan một đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, từ Miến Điện qua Lào, vào Việt Nam, thông sang Trung Quốc…

Là người theo dõi vụ án này, Tạ Kim Hùng đã có mặt tham dự cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, xét xử bọn tội phạm thuộc chuyên án 006-N. Theo đánh giá của ông được phản ánh trong đơn gửi Chủ tịch nước, thì: Mức xử phạt cho bọn chúng là khá chính xác. Song, chỉ duy nhất có mức án tử hình đối với Hoàng Trường Giang, khiến ông băn khoăn day dứt.

Theo thông tin Tạ Kim Hùng cung cấp từ hồ sơ vụ án, thì Hoàng Trường Giang, người dân tộc Tày, sinh năm 1984, tại thành phố Bắc Giang, chưa có vợ, chưa có tiền án, tiền sự. Cũng ở thành phố Bắc Giang, có Đào Thị Loan làm nghề mua bán ma túy đang bị cơ quan điều tra bí mật theo dõi. Biết Giang có bằng lái xe, không có việc làm, Đào Thị Loan tìm đến, gạ gẫm: “Hôm nào không thuê được lái xe, cần đi chơi đâu, em muốn nhờ anh Giang làm tài xế. Em sẽ trả tiền công xứng đáng. Khi nào anh cưới vợ hay có việc gì cần giúp, em vô tư”. Nghe Loan ngọt ngào hứa hẹn, Giang nhận lời ngay. Chở Loan “đi chơi” đến chuyến thứ 4, Giang mới biết mình chở ả đi giao ma túy. Giang bảo với Loan xin thôi việc, Loan trả lời vẫn giọng ngọt ngào, nhưng bóng gió đe: - Anh Giang biết đấy, anh bỏ việc sẽ không yên với bọn “anh chị” trong đương dây này đâu… Toàn những đứa coi mạng người như ngóe. Sợ anh ra đầu thú, chúng sẽ bị bắt. Vì vậy chúng sẽ “thịt” anh. Gia đình anh cũng liên lụy nữa!

Giang sợ mình bị thủ tiêu, gia đình liên lụy… nên nhắm mắt chở thuê cho Đào Thị Loan 8 chuyến nữa, rồi bỏ trốn. Đào Thị Loan cho người đi thăm dò, nhưng không tìm ra nơi Giang trốn ở đâu. Bố mẹ Giang cũng đi tìm nhưng không thấy con. Thâm tâm ông bà chỉ còn mong công an bắt được Giang để không bị bọn tội phạm ma túy thủ tiêu…

Tám tháng sau, bằng biện pháp nghiệp vụ, công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt được Hoàng Trường Giang đang trốn ở Hà Nội. Lý do Giang bị bắt là bởi 6 tháng trước đó Đào Thị Loan bị bắt và đã khai ra những người từng chở thuê ma túy cho ả.

Bức thư của nhà văn Tạ Kim Hùng gửi Chủ tịch nước Trần Đại Quang có đoạn viết:

“… Kính thưa ông Chủ tịch nước: Cả hai bản án của hai phiên toa sơ thẩm và phúc thẩm, tại phần nhận thấyxét thấy đều ghi: Hoàng Trường Giang phạm tội chở thuê ma túy. Ở phần trách nhiệm dân sự, cũng ghi: Hoàng Trường Giang phải nộp xung công quỹ số tiền chở thuê ma túy là: 12 chuyến x 5.000.000đ/chuyến = 60.000.000đ. Trong khi đó những tên mua bán ma túy khác phải nộp, đứa gần 11tỷ đồng, đứa gần 8 tỷ đồng…

… Trong phần luận tội của phiên tòa sơ thẩm, thì Giang phạm tội danh Chở thuê ma túy. Nhưng khi tuyên án, tòa lại sử Giang tội danh Mua bán chất ma túy, để rồi tuyên phạt Giang mức án tử hình. Và đến phiên phúc thẩm, Tòa cũng tuyên y án…

Trước những lý do như vậy, và bằng những thông tin về nhân thân bị cáo Hoàng Trường Giang mà ông thu thaaph được nhà văn Tạ Kim Hùng viết tiếp:

“… Thưa ông Chủ tịch nước, theo tôi và các luật sư hiện diện cả hai phiên tòa, đều cho là: Xét xử Hoàng Trường Giang như thế là Đúng người, nhưng chưa đúng tội… Ấy là chưa kể, Giang có đến sáu tình tiết giảm nhẹ quan trọng, không được Tòa áp dụng:

1. Sợ bọn mua bán ma túy thủ tiêu khi tự bỏ việc, nên chở thuê sau chuyến thứ 12, Giang đã bỏ trốn, không chở Đào Thị Loan đi giao hàng nữa. Trong khi, Loan vẫn hành nghề, đến chuyến thứ 49 mới bị bắt.

2. Cơ quan CSĐT vụ án này là Công an tỉnh Quảng Ninh có văn bản xác nhận: Giang “… Thành khẩn khai báo, tố cáo kẻ phạm tội, tích cực giúp đỡ CSĐT khám phá vụ án…” (trang 65, án phúc thẩm).

3. Gia đình Giang đã vay mượn, nộp 50% trách nhiệm dân sự cho Giang để khắc phục hậu quả (30 triệu đồng). Cuối trang 64, bản án phúc thẩm cũng khẳng định Giang: “… tham gia với vai trò đồng phạm, giúp sức cho các bị cáo Mua bán ma túy, nên tính chất nguy hiểm thấp..”

4. Viện kiểm sát Tối cao (tại phiên tòa phúc thẩm) cũng đề nghị Tòa giảm án cho Hoàng Trường Giang.

5. Đào Thị Loan, kẻ đã mua bán 1234 bánh Heroin và gần 20kg ma túy tổng hợp (viên và đá), lĩnh án tù chung thân – vì có con chưa đủ 36 tháng tuổi, khi được nói lời cuối cùng, cũng chỉ tha thiết xin Tòa: Tha tội chết cho Giang.

6. Huyện ủy Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn), Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang và chính quyền địa phương cũng xác nhận: “Gia tộc Hoàng Trường Giang có công với nước”. Cụ thể: Ông nội của Giang, Hoàng Văn Nình, là một trong 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, thành lập ngày 22/12 năm 1944, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Ông Nình được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt bí danh là Thái Sơn. Riêng ông Nình và vợ là bà Tống Thị Dần (bà nội của Giang), được Nhà nước và Chính phủ tặng 14 bằng khen, Huy chương, Huân chương các loại, từ hạng nhất đến hạng ba, do các Chủ tịch nước, từ Cụ Hồ đến các ông Trường Chinh, Võ Chí Công… Thủ tướng Phạm Văn Đồng… ký. Hai ông bà Nình và Dần còn được nhà nước Lào tặng 2 Huân chương Hữu nghị hạng nhất, vì đã có công giúp đỡ cách mạng Lào từ 1945 đến 1975. Bố của Hoàng Trường Giang, Trung úy Hoàng Thái Bình, bị nhiễm Chất độc màu da cam, cũng được tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước và Bằng khen của Bộ quốc phòng. Mẹ của Giang là Đoàn Thị Loan giáo viên (đã nghỉ hưu), được Bộ Giáo dục tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Bố mẹ Giang đều là đảng viên. Ông bà nội và bố mẹ của Giang được tặng 21 huân, huy chương, bằng khen các loại..

Kính thưa ông Chủ tịch nước: Bố và mẹ của Giang chỉ có một cô con gái và một con trai duy nhất là Giang. Giang là cháu đích tôn của ông Hoàng Văn Nình. Xử tội chết một tội phạm do vô tình rồi do bị cưỡng bức phải chở thuê ma túy rồi bỏ trốn, cắt đứt quan hệ với bọn tội phạm ma tuý lại có đến sáu tình tiết giảm nhẹ và là cháu đích tôn của một vị Công thần… có tâm phục, khẩu phục không?...”

Trong quá trình đị điều tra, gặp gỡ gia đình bị can Hoàng Trường Giang, nhà văn Tạ Kim Hùng đã ghi nhận được những tâm tư rất đáng lưu tâm từ bà Đoàn Thị Loan, mẹ của bị can khi bà vừa tấm tức khóc, vừa nói: “Đau lòng vợ chồng con lắm ông ơi! Con con bị xử tội chết, đau rồi, nhưng thiên hạ, có kẻ độc miệng xì xèo “Nhân nào thì quả ấy. Ngày xưa, ông Nình theo Việt Minh, giết khá nhiều người bị tổ chức bí mật của ta kết tội là phản động. Chắc có người bị giết oan nên bây giờ, cháu đích tôn của ông ấy mới gánh tội, oan oan tương báo. Rồi gia đình nhà ấy sẽ tuyệt tự..”. Lời phỉ báng ấy khiến vợ chồng con đau từng khúc ruột. Trước đây, gia đình con tự hào về ông nội bao nhiêu, thì giờ lại thấy xấu hổ, lo nỗi đau tuyệt tự bấy nhiêu…”

Ngay sau hai phiên tòa trên, Tạ Kim Hùng đã viết phóng sự đăng hai kỳ trên báo Tiền Phong, số ra ngày 18 và 19 tháng 8 năm 2014 với tiêu đề: Những con thiêu thân và 29 án tử. Sau đó năm trang báo điện tử khác đã phát lại trên mạng bài báo đó. Rất tiếc là đã 4 năm trôi qua vẫn không một tiếng hồi âm. Đó là lý do mà đến năm 2018 này, ông buộc phải viết đơn gửi lên Chủ tịch nước. Đoạn cuối của lá đơn mang màu sắc của một tâm thư này, nhà văn viết:

“… Kính thưa ông Chủ tịch nước: Ngày xưa, chế độ phong kiến hà khắc, có cả luật tru di cửu tộc, nhưng không có đấng minh quân nhân ái nào nỡ xử tội chết đối với đứa cháu đích tôn (chưa đáng tội chết) của một vị Công thần lập quốc. Tôi nghĩ thế nên giờ đã vào tuổi 85, gần đất xa trời, tôi vẫn viết đơn này, báo cáo để ông Chủ tịch nước biết, may ra đơn của tôi đến được với ông, được ông quan tâm, xem xét Cứu nhất nhân đắc kỳ vạn phúc. Cứu một người chưa đáng tội chết là Phúc đẳng hà sa!...”

Việc xét xử, tuyên án nghiêm khắc các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm về ma túy, với mức án cao nhất là tử hình lâu nay không còn là chuyện lạ trong đời sống pháp luật ở nước ta và luôn được toàn thể nhân dân ủng hộ. Việc xin và chấp nhận đơn xin ân xá của một số đố tượng được xem là chưa thực sự buộc phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội cũng là việc làm thể hiện sự nhân đạo của luật pháp chúng ta. Song việc một nhà văn, với tấm lòng và trách nhiệm công dân của mình, đứng ra viết tâm thư xin ân xá cho một phạm nhân mà mình thấy chưa đáng tội chết thì có lẽ xưa nay chưa hề có. Những nội dung mà nhà văn Tạ Kim Hùng đưa ra như những lý do để xin ân xá cho tử tù Hoàng Trường Giang từ góc độ phân tích của một nhà báo, đúng sai đến đâu cần được xem xét nghiêm túc và khách quan. Nhưng tấm lòng và trách nhiệm của ông thì thực sự đáng được ghi nhận. Rất mong ý kiến này sẽ được các cơ quan chức năng lưu tâm xem xét

BTV
Bài đã in báo Văn nghệ

Ảnh: 1- Nhà văn Tạ Kim Hùng
2- Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cụ Hoàng Văn Nình (ông nội tử tù Hoàng trường Giang)