Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TỪ MỘT HƯỚNG SÁNG TÁC

Trần Nhuận Minh
Thứ tư ngày 22 tháng 8 năm 2018 9:20 AM


Ghi lại từ băng ghi âm bài phát biểu của nhà thơ Trần Nhuận Minh (tác giả tập thơ “Đi ngang thế gian” - Tuyển tập thơ Trần Nhuận Minh ) vừa được NXB Truyền thông Quốc tế Asian ở Đài Loan ấn hành, tại cuộc giao lưu văn học giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Đài Loan ở Hà Nội sáng 13/ 8/ 2018

Thưa các quí vị,

Tôi thực sự vui mừng và rất cảm động có mặt tại Hội trường này, được gặp các tên tuổi quen thuộc của văn học Đài Loan và Việt Nam, để cùng trao đổi đôi điều về văn chương nghệ thuật, trong đó có việc ra mắt tuyển tập thơ của tôi vừa được xuất bản bằng tiếng Đài ở Đài Loan. Tôi xin phép để thưa rằng, từ ngày VN bước vào công cuộc đổi mới, sáng tác của tôi dường như chỉ tập trung vào một hướng, là viết về số phận của nhân dân và nỗi bất hạnh của con người, xu hướng sáng tác này, thời bao cấp không thể có được, vì thế, sáng tác của tôi, chính là kết quả cụ thể của chủ trương Đổi mới ở VN, trong ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, mà các nhà phê bình gọi là thơ thế sự, vốn có truyền thống lâu đời trong văn học VN, văn học phương Đông và văn học thế giới. Bởi chưa bao giờ nhân dân VN và nhân dân nhiều nước trên thế giới, chịu đựng và vượt qua những thử thách có thể nói là kinh hoàng, tính từ chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay, mới trong khoảng 80 năm, những thử thách đó, đã va đập không thương tiếc vào biết bao số phận người, khiến những ngòi bút có lương tri buộc phải lên tiếng trong các tác phẩm. Đấy là nói chung.

Còn cá nhân tôi, nếu kể cả tập đang trong nhà in, thì tôi có 46 tác phẩm, trong đó, thơ có 24 tập. Riêng tập Nhà thơ và hoa cỏ đã được tái bản đến 22 lần, tập Bản Xônat hoang dã tái bản 13 lần, tập 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh và tập Miền dân gian mây trắng được tái bản 5 lần. Chưa kể 2 tập văn xuôi là Trước mùa mưa bão tái bản lần thứ 8, và tập Hòn đảo phía chân trời tái bản lần thứ 7. Như thế, nghĩa là tôi có nhiều bạn đọc, và tôi hiểu rằng, ở một mức độ nào đó, tôi có cùng cảm nghĩ với nhân dân, có cùng xương thịt với nhân dân ( tôi dùng lại chữ “xương thịt” của nhà thơ Xuân Diệu).

Viết về số phận của nhân dân và nỗi bất hạnh của con người, là viết về hiện thực tốt đẹp của đất nước và hạnh phúc của con người, nhưng được nhìn từ góc độ khác, đôi khi nhìn từ góc khuất, và hình như như thế, vấn đề được đề cập, sẽ trở nên sâu sắc hơn, đậm đà tình người hơn, để làm nổi bật lên vẻ đẹp chính diện của nó, như mọi cố gắng của phía chìm của tấm huân chương, để làm nổi bật lên phía nổi của tấm huân chương mà thôi.

Nhà thơ nhà phê bình văn học Canada, Nguyễn Đức Tùng, trong một bài viết về tôi đăng trên tạp chí Da Màu ở Hoa Kì, có một ý rằng: Chừng nào trên thế giới này, vẫn còn có người bất hạnh, chừng nào những người bất hạnh, vẫn còn cần chia sẻ nỗi bất hạnh cho nhau, với niềm tin rằng, sự tốt đẹp và hạnh phúc sẽ đến, chừng đó người ta còn tìm đến Trần Nhuận Minh mà đọc. Nếu đúng là như thế, thì tôi rất yên lòng và coi đó là lời động viên sâu sắc, đối với chặng đường cầm bút đã đến non 60 năm của tôi, với rất nhiều nhọc nhằn, rất nhiều day dứt và cũng rất ít may mắn.

Có lẽ đồng cảm với điều ấy chăng, mà năm 2014, tuyển tập thơ của tôi đã được ra đời bằng tiếng Hoa ở Bắc Kinh, với bản dịch 163 bài, in rất sang trọng theo kiểu hàn lâm và GS Phùng Trọng Bình đã viết về tôi đến 35 trang in. Chữ Hoa hẹp chiều ngang, nếu dịch đầy đủ ra tiếng Việt phải in đến non 100 trang. Đó là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, tâm huyết và công phu của ông, trong đó mở đầu, ông viết rằng: Đọc thơ TNM, ông bàng hoàng, ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên giấc, buộc ông phải làm một việc gì đó mới khuây khỏa được. Ý kiến này của ông, tạp chí Nhà văn và tác phẩm của Hội Nhà văn VN đã đăng. Nếu đúng là như thế, thì tôi lại thêm một lần yên lòng thứ hai, là mình đã đi đúng đường, để hi vọng con đường đó, ngày càng dẫn mình đến được với đông đảo bạn đọc không chỉ ở VN. Cũng có thể vì thế chăng, mà GS, nhà thơ Tưởng Vi Văn, nhà thơ Lù Việt Hùng, dịch giả Thái Thị Thanh Thủy, đã bỏ ra đến hơn 3 năm, đọc lại chọn lựa và chuyển ngữ, với rất nhiều tâm huyết và công phu, để sáng nay, với Lời giới thiệu của GS Tưởng Vi Văn, đồng thời là dịch giả, và sự đóng góp quan trọng của bà Trần Lý Dương, Tổng biên tập Công ty Truyền thông Á Châu, hai vị đang ngồi bên cạnh tôi đây, tuyển tập thơ xinh xắn này, đã đến tay các quí vị , sau khi đã đến với bạn viết, với bạn đọc Đài Loan và với nhân dân Đài Loan.

Có được niềm vui này, tôi rất biết ơn Hội Nhà văn Đài Loan, Hiệp Hội Văn hóa Việt – Đài, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Đại học Quốc gia Thành Công, Hiệp Hội chữ La tinh Đài Loan, cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh và ban Chấp hành, ban Đối ngoại Hội Nhà văn VN, cảm ơn các nhà thơ nhà văn, nhà báo và các quí vị đại biểu, các bạn đọc, đã có mặt tại đây. Tôi có vinh dự là tác giả đầu tiên của nền văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Đài và được xuất bản phát hành ở Đài Loan, bằng cả 3 thứ tiếng ( tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Đài), tôi rất mong, nhiều tác phẩm văn học khác, sau đây, sẽ được ra đời tiếp từ các bản dịch tiếng Đài và tiếng Việt, để chúng ta cùng hiểu thêm nhau và cùng tôn vinh các giá trị tinh thần mà chúng ta đã có được. Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe các quí vị.

P.V