Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

86 NĂM HAY BẢN SAO CỦA MỘT TÂM HỒN

Phạm Khang
Thứ bẩy ngày 11 tháng 8 năm 2018 5:45 AM






 

Tôi thật sự xúc động khi đọc tập thơ “86 năm – thơ tuyển” của Phạm Phú Thang. Đây là tập thơ được soạn lại dựa trên các bài đã đăng trên báo Văn Nghệ và các tập thơ đã xuất bản của ông. Nhìn lại cả một đời người là một chuyện không mấy dễ dàng…huống chi ông lại đem buộc đời mình vào thơ bằng đúng cái tuổi mà ông hiện có lại là câu chuyện hiếm mấy ai. Phạm Phú Thang buổi trai trẻ làm nghề thầy giáo, sau theo nghề nhiếp ảnh, làm thơ viết báo. Ông cầm tinh con Gà tuổi Qúy Dậu. Cuối đời Phạm Phú Thang làm Phó Văn phòng đại diện Báo Văn Nghệ bắc miền Trung. Người ta còn biết đến ông qua thương hiệu Nhà ảnh Phú Thang – một doanh nghiệp có uy tín trong làng ảnh ở xứ Thanh.

Tôi phải nói ngay rằng, cứ như khẩu khí và tinh thần của tập thơ mà tác giả gửi tới bạn đọc thì nói không ngoa nó đích thị là bản sao của tâm hồn Phạm Phú Thang qua dấu ấn sâu đậm của thời gian và lịch sử. Thật đáng quý và trân trọng khi ông can đảm trải lòng mình trên những con chữ của thơ để nói về mình, về đời, về quê hương đất nước, về dân tộc và thời đại cùng những thao thức không yên về lẽ sống, tình yêu, nhân thế. Dù được đến đâu thì thơ ông cũng đã là một minh chứng cho lao động nghệ thuật nghiêm túc, cầu thị và luôn đầy ắp khát vọng để vươn lên trong suốt 86 năm ông có mặt ở đời này.

86 năm như một văn bản không dài không ngắn, ở đó Phạm Phú Thang tập hợp lại bên mình những văn bản thơ đa sắc, đa thanh và cũng sôi động những cảm xúc không quên của một đời làm thơ cay đắng ngọt bùi. Dễ nhận ra trong đó có 3 mảng lớn của nội dung và thể tài: Thơ thời chống Mỹ - Thơ thế sự và Thơ cho mình.

Như một công dân đất Việt, Phạm Phú Thang không thể đứng ngoài cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc trong những năm chống Mỹ. Ông có nhiều bài viết về chiến tranh nhân dân, lay động, bề bộn hiện thực đời sống, đó luôn là những trang thơ giàu sức sống và sáng tạo. Thơ Phạm Phú Thang thời kỳ này rất sắc nét, có thể nói là khá hay và khởi sắc khi ông gửi tới bạn đọc qua các bài thơ đăng báo phản ánh và lay thức tinh thần bất khuất, chịu đựng hy sinh gian khó, anh hùng của quân dân cả nước: Thù nàynuôi mạch đất/ Chuyển vào rễ vào cành/ Khoanh lên từng vân gỗ/ Dựng cao những rừng xanh (Gửi cháu). Thù đây là thù thằng Mỹ…tinh thần ấy rất đặc biệt và bất tử khi nó hoá những rừng xanh…Một cách nói chỉ có thơ mới có, một hình tượng đẹp nhân văn của một đất nước tươi đẹp, anh hùng. Một vùng bom đạn của Quảng Bình quê ta ơi…bão nổi lên rồi…những Nhật Lệ, La Hà,Xuân Bồ, Tuyên Hoá…bên dải Trường Sơn thẳm xanh đá núi như dáng đứng tự hào quê hương. Cả Quảng Bình quê hương ông và đất nước này biến thành luỹ thép như cách nói độc đáo của Văn Đắc trong Làng sơ tán “giặc bỏ bom ngang/ ta xây làng dọc/ giặc bỏ bom dọc/ ta dựng làng ngang”… đánh quân thù. Qua cầu phao là bài thơ hay và rộn ràng hối hả tình yêu đất nước, bởi đơn giản chưa lúc nào người ta thấy lòng yêu nước của nhân dân ta lại vĩ đại hơn lúc này, đó là lúc chủ nghĩa yêu nước đã hoá lời ca lạc quan phơi phới trong tâm hồn những người đi diệt Mỹ: Trên cầu phao/ Người đi ra/ Trong lời ca…/ Anh ra…tôi vào/ Kín đường diệt Mỹ. Hay như: Gọi nhau đi trực chiến/ Đèn bấm dọi đường sang/ Hoa bưởi theo đến cổng/ Thơm ngát đường dân quân (Hai nhà). Con đường dân quân thì thế giới chắc là có soi thấu lịch sử cũng không có, còn hương bưởi thì đắm mê lắm…cái hương bưởi đậm mùi đàn bà con gái thời chiến tranh xao xuyến, bâng khuâng và quyến rũ lắm.

Tôi thấy ánh sáng không lụi tắt trong thơ Phạm Phú Thang cái nhân văn rất Việt khi ông viết: Những người giáo viên năm đánh Mỹ/ Tình thầy trò thành tình đồng chí/ Phút hiểm nguy đạn réo bom rền/ Thầy xả thân che đàn em. Thời ấy thì phải có thơ ấy. Người thơ nếu đứng được trong thơ thì cũng là chiến sỹ. Ôi văn học và những con đường máu…lịch sử không thể lãng quên và lịch sử sẽ nhớ mãi.

Thời thế tạo anh hùng, con người không thể đứng ngoài thời thế. Phạm Phú Thang cũng không thể chạy trốn được nó, đó là sinh mệnh của thời, của thế, của người như một lẽ đương nhiên. Cảm thán là không tránh khỏi. Nhà thơ là đương sự của sự hành xác và tất nhiên anh ta phải thể hiện bản năng sống sót trước những đổi thay to lớn của thời đại như một đòi hỏi thống thiết của sinh mệnh văn chương. Kỹ thuật số, intenets, blog, truyền thông số…văn hoá số …văn học số…và con người số…mỗi ngày như đội quân hừng hực khí thế xung trận đánh vào sự trễ nãi và do dự rụt rè của nhà thơ…Thơ muốn sống không thể có con đường nào khác là phải đổi mới…đổi mới để tiến lên trên con tàu tốc hành mỗi ngày 24 h của thời đại. Thơ thế sự và thời cuộc của Phạm Phú Thang không nhiều, dù ít nhưng nó để lại nhiều cách nhìn sâu sắc và bình tĩnh, gợi nhiều hơn là khẳng định, quả quyết dứt khoát trắng đen, thiện ác cho những vấn đề mà thơ ông nêu lên: Tiếng khóc trên lục địa/ Dẫu khác màu da/ Đều ra nước mắt. (Nước mắt) . Tầm gửi là một cảm thán trần trụi của hiện thực, khi sự suy đồi và tha hoá của đạo đức đã đến mức lộng hành, một căn bệnh di căn, nổi trôi của nhân thế: Cái đời tầm gửi bơ vơ/ Thân không bám đất, lọng ô hết thời/.

Tôi nhớ có lần ông phàn nàn với tôi rằng làm ảnh nhiều khi giết chết thơ. Nhưng mà không, khi tôi đọc bài Người thợ ảnh thì tôi giật mình và có cảm giác sợ hãi ngay cả chính mình vì một cái gì đó không thể lý giải nổi: Người thợ ảnh chụp hình/ Theo đặt hàng của khách/ Mặt bầu thành trái xoan/ Người cao nén xuống thấp/ Mắt lé tròn con ngươi/ Da rỗ trơn bóng mượt/ Có điều cần xin phép/ Chụp dáng vẻ ngoài thôi/ Khi nhập quan mới chụp/ Những rủi may kiếp người. Thì ra là thế. Nghiệp ảnh, duyên ảnh đã đi vào thơ ông một cách tự nhiên hệt như một kẻ tình nhân đẳng cấp có số má. À thì ra cái giả nhiều khi thiên hạ vẫn thích bôi vẽ lên khuôn mặt của mình để làm dáng và cười duyên với đời?! Viết được như thế cũng là ghê gớm lắm, cao tay chứ chẳng chơi…dù cho lời thơ giễu nhại một nỗi buồn khôn tả tưởng như đau đời đến không dứt không tan.

Thơ 86 năm in đậm những đổi thay của đất nước và nhân dân. Ở đó Phạm Phú Thang luôn thấy những niềm vui của đổi mới, những chân trời mới, những ý tưởng mới…tung cánh bay lên trong rộn ràng nhịp thơ, câu từ của ông. Đó là một tâm hồn thơ không chịu già, khiêm tốn và cần mẫn trên những dòng thơ hôi hổi tính thời sự cao đẹp ân tình. Ông viết nhiều về những vùng quê, thắng tích, những công trình dựng xây mọc lên trên quê hương đất nước, những Sầm Sơn, Vũng Tàu vỗ sóng, những Toronto, Pari hoa lệ…và nổi lên như một điểm sáng chói lói vẫn là tình người nơi tâm hồn ông hòa điệu để yêu thương và để nhớ.

Người ta đi qua đời mình bằng các kỷ niệm. Văn học phần nhiều cũng có khởi xuất từ kỷ niệm. Thơ 86 năm của Phạm Phú Thang cũng có nhiều kỷ niệm như thế. Ông có nhiều bài tâm huyết viết về bạn bè, các nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Duy, Tố Hữu, Mạnh Lê…về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt…đọc thấy có tình thật và cảm động. Đây là một nét đẹp của tâm hồn ông…nét đẹp của thơ ông.

Như một người từng trải và ân tình, cẩn trọng…Phạm Phú Thang có nhiều trang viết cho gia đình, giòng tộc, vợ con…Hiện lên rất rõ một con người khả kính biết yêu thương và nâng niu gìn giữ những giá trị căn bản của nếp nhà mà một đời ông gian lao đã tạo dựng nên.

Phạm Phú Thang là người Quảng Bình nhưng ông lập nghiệp và lấy vợ ở Thanh Hóa. Một chốn đôi quê luôn canh cánh bên lòng. Đến tuổi 86, ông có thể tự cười với mình là ông đã biết sống xứng đáng với đôi quê này. Hãy nghe ông tự bạch: Tôi sinh năm Qúy Dậu/…Siêng nhặt thì chặt bị/ (Về cùng thơ…thơ ơi!) . Hoặc trong một bài khác ông viết:Tôi sinh ra ở miếng đất đồng chua/ Đường công danh loanh quanh núi Chẹt. Đồng chua và núi Chẹt thì cũng kiếp như nhau cả thôi…dân đen tự đứng lên bùn mà đi…thương cảm lắm! Chẳng thế mà trong Quê ngoại ta thấy hồn thơ ông thao thiết trữ tình da diết và đẹp đến nao lòng: Tạt về quê ngoại thu đầy nắng/ Sông rộng cầu tre dây cáp treo/ Đường làng ngút giữa triền khoai sắn/ Xuống mạ mùa năm tấn đang gieo. Đó là cái kỳ vĩ của hồn quê xóm mạc, những gì nhân bản nhất, hồn hậu nhất vẫn luôn được lưu giữ ngay cả khi đất nước có chiến tranh.

Phạm Phú Thang một đời gắn bó và đến với thơ như duyên kiếp của định mệnh. Một đời làm thơ in ấn nhiều nơi, lang thang cùng trời cuối đất, cuối đời nhặt lại thơ mình, nhặt lại văn mình thấy chẳng mấy ưng lòng. Ôi lạ chưa! Một đời thơ chỉ thấy được là thế…mà đau…mà nát tan…mà cười…mà khóc…mà tự yêu lấy mình. Đời thật đa đoan, khắt khe với chính mình lắm thay. Nhưng quan trọng là ông thấy hài lòng với những gì mà mình gom nhặt được. Bạn bè văn chương vui vì ông tuổi đã cao mà còn nặng lòng với nghiệp văn. Xin mượn bài thơ Xế chiều của ông để khép lại bài viết tưởng như cũng đã dài này:

Xế chiều xem thơ bạn

Thôi hãy khoan ngậm ngùi

Những gì có đã có

Những gì qua đã qua

Những gì mất đã mất

Thôi rồi đừng xót xa

Bỏ qua được bỏ qua

Những điều còn bỏ ngỏ.

PK…Đêm hè 2018