Lợi thế lớn nhất của nhà báo họ Trương, hẳn ai cũng thèm muốn, thậm chí chỉ xin được có được một mảnh lưng vốn ngoại ngữ và kiến thức uyên bác của Trương Vĩnh Ký thôi, cũng lấy làm thỏa lắm rồi. Vì chăng, Trương Vĩnh Ký biết tới 26 ngoại ngữ khác nhau, trong đó bao gồm nhiều sinh ngữ và cả tử ngữ, nên ông từng được gọi là “nhà bác ngữ” là vì thế. Với vốn kiến thức uẩn súc, học giả họ Trương còn được vinh dự nằm trong danh sách 18 nhà bác học thế giới của thế kỷ XIX. Vốn ngoại ngữ siêu phàm cùng vốn văn hóa uyên thâm như thế, nên cái sự làm người xây nền cho báo chí nước Việt, thật xứng lắm thay.


Trước khi góp công lớn cho sự ra đời, phát triển của báo chí Việt ngữ, thì Trương Vĩnh Ký cộng tác viết bài cho một tờ báo Pháp ngữ, mà theo Lược sử báo chí Việt Nam, đó là tờ Bulletin du Comité Agricole et Industriel de la Conchinchine, một tờ báo có “mục đích để nghiên cứu về nông nghiệp và công nghệ xứ này và mở rộng công cuộc đấu xảo hàng năm để khuyến khích hai nghề đó”. Nhờ việc viết bài cho tờ báo ấy, mà “ta đã được thấy người Việt Nam viết báo bằng Pháp ngữ đầu tiên là Trương Vĩnh Ký”.

Con đường công danh, sự nghiệp của học giả họ Trương, kể ra thiên hạ bàn luận, mổ xẻ đã nhiều. Thôi thì ở đây, xin miễn bàn việc ấy, chỉ xin xét về ông ở lĩnh vực báo chí, sách vở, với vai trò là người tiên phong, khai mở cho báo chí Việt ngữ của người Nam ta buổi sơ kỳ báo chí đất Việt.

Trước nhất, là sự dự phần to lớn của Trương Vĩnh Ký đối với tờ báo Việt ngữ đầu tiên: Gia Định báo. Sau khi ra đời và được quản lý bởi thông ngôn người Pháp Ernest Potteaux, đến ngày 16.9.1869, báo nằm dưới quyền quản lý của Trương Vĩnh Ký. Và theo biên khảo Sài Gòn năm xưa, cụ Sển phát hiện điều thú vị rằng “Ngộ hơn hết là trong cái ô chừa đợi chữ ký của người quản lý, thuở ấy không dịch “gérant” mà viết là kẻ làm nhựt trình”. Dưới bàn tay điều khiển của học giả Trương, Gia Định báo trở nên có hồn hơn, đa dạng về thể loại, đề tài hơn, đúng như nhận định của Nguyễn Việt Chước là “Từ khi được Trương Vĩnh Ký trông nom, với sự cộng tác của Tôn Thọ Tường, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, nội dung tờ báo bớt khô khan và thêm phần phong phú: có bài khảo cứu, nghị luận, có mục sưu tầm tục ngữ ca dao, thi ca và cổ tích”.

Sau khi kết thúc vai trò tổ chức, quản lý với tờ báo quốc ngữ đầu tiên này, mặc dù đảm nhận nhiều vị trí khác nhau theo thời gian trong bộ máy chính quyền bảo hộ, hoặc tham gia chính quyền nhà Nguyễn, nhưng nghiệp báo của Trương Vĩnh Ký không vì thế mà dừng. Ngược lại, ông vẫn dành tâm huyết cho báo chí nước Việt buổi ban đầu mới được phôi thai.


Theo cụ Sển cho hay, trong thời gian 1888 – 1889, Trương Vĩnh Ký đã chủ trương một tờ báo khác, được biết đến với tên gọi Thông loại khóa trình (miscellanées), sau này đổi tên là Sự loại thông khảo. Theo quan điểm của GS Nguyễn Văn Trung (trong tác phẩm Hồ sơ về Lục châu học), cũng như Thuần Phong (trong Đồng Nai văn tập số 3, tháng 1.1969) cho rằng Thông loại khóa trình “là tạp chí văn học hay học báo đầu tiên bằng Quốc ngữ ở miền Nam” (lời GS Nguyễn Văn Trung). Báo này xoay quanh các mục về thơ văn cổ, thơ văn đương thời, phong tục văn hóa… Theo Báo chí quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19 thì Thông loại khóa trình là tờ nguyệt san có nhiều cái đầu tiên như: báo tư nhân đầu tiên, báo do người Việt làm chủ đầu tiên, báo đầu tiên dành cho học sinh, báo tự đình bản đầu tiên…

Thông loại khóa trình in từ 12 – 16 trang mỗi kỳ, được Trương Vĩnh Ký bỏ tiền túi ra thực hiện. Theo nhà nghiên cứu báo chí Việt Nam Huỳnh Văn Tòng, thì báo “được trình bày như một quyển sách, khổ 16x23,5 có trang bìa và cả trang nhan đề”. Báo bán được 300 – 400 số. Tuy nhiên, do không đủ vốn nên sau khi ra được 18 số, ông phải dừng in. Trong tác phẩm Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa, GS Nguyễn Văn Trung sau khi thống kê cho hay trong 18 số báo thì có 12 số năm đầu và 6 số năm thứ hai. Số cuối cùng đề tháng 10.1889. Mục đích của Thông loại khóa trình được thể hiện ngay trong lời nói đầu số 1.1888 của báo là: “nói chuyện sang đàng, chuyện tam hoàng quốc chí, phá phách lộn lạo xài bẩn để cho học trò coi chơi cho vui. Mà chẳng phải là vô ích đâu; cũng là những chuyện con người ta ở đời nên biết cả. Có ý, có chí thì lâu nó cũng thấm, nhứt là trí con trẻ còn đang sáng láng, sạch sẽ, tinh thần còn minh mẫn, tươi tốt, như tờ giấy bạch, như sáp mềm, vẽ vời, uốn sửa sắc nào thế nào cũng còn đặng; tre còn măng để uốn, con trẻ nhỏ dễ dạy” (Chúng tôi trích nguyên văn ngôn ngữ thời bấy giờ).


Không chỉ là người làm chủ tờ báo tư nhân đầu tiên, là chủ bút báo tiếng Việt đầu tiên, Trương Vĩnh Ký với sở học của mình, còn cộng tác với nhiều tờ báo Pháp ngữ, Việt ngữ khác nhau. Ngoài nghiệp làm báo, học giả họ Trương còn có công lớn trong việc xuất bản sách báo tiếng Việt. Trong Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 có cho biết một điểm đáng lưu ý, rằng: “Ông bắt đầu có sách xuất bản từ năm 26 tuổi (1862) và theo nghiệp viết văn cho đến lúc từ trần (1898)”. Điểm này, Nguyễn Liên Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập có đề cập đến “thường khi dạy các quan Langsa học chữ nho, và lại phiên dịch các truyện sách chữ nho ra chữ quốc ngữ cũng nhiều thứ”. Sách này khen ông là:

Phong tư nết dịu dàng,
Chữ nghĩa hơi thâm thúy.
Thường dạy quan Langsa,
Sảo thông tiếng u Mỹ.
Sách vở dọn nhiều pho,
Thẻ biên không mỏi chí.
Cờ dựng chốn Hàn lâm,
Bia truyền nhà Sử thị.

Bên cạnh việc chủ trương báo chí, để phổ biến văn hóa rộng rãi, Trương Vĩnh Ký đã cho in nhiều thơ văn Việt như Lục Vân Tiên, Thúy Kiều, Phan Trần… Căn cứ vào biên khảo Trương Vĩnh Ký, nhà văn hóa của GS Nguyễn Văn Trung, và thống kê này chưa hẳn đã đủ hết, ta thấy được sự nghiệp sáng tác, sưu tầm, in ấn đồ sộ của Trương Vĩnh Ký. Theo đó ông đã sưu tầm văn thơ đủ loại như văn, vãn, vè, văn tế, văn xuôi… gồm 52 tài liệu khác nhau. Có thể kể ra đơn cử như: Nữ tắc, Thơ dạy con, Huấn nữ ca, Thương dụ huấn điều, Phan Thanh Giản tự thuật thế sự, Bài hịch Nguyễn Tri Phương, Nhựt trình đi sứ Lang sa (1863)… Xem thế đủ thấy, không chỉ là người tiên phong cho báo chí Việt ngữ, sự đóng góp của Trương Vĩnh Ký cho sự phát triển, phổ biến văn hóa trong lĩnh vực sưu tầm, sáng tác, in ấn, xuất bản cũng thật đáng nể. Thế nên sau khi ông mất, từng có cuộc lạc quyên để dựng tượng nhà bác ngữ, nhà báo nổi tiếng nước Nam ngay nơi đất Sài Gòn. Còn thời điểm học giả họ Trương lìa xa dương thế, bao lời tiếc thương gửi đến, đều ngợi ca những đóng góp trên lĩnh vực văn hóa của ông. Tỉ như:
…Dốc chí mở mang giáo hóa,
Đêm sách đèn đợi sáng thức khuya;
No lòng gói ghém văn chương,
Ngày cơm nước quên xơi biếng khát,
Sắp cuốn này, chua cuốn khác, phí lương tiền phó tử;
Nào Annam lễ tiết, nào Huấn nữ cách ngôn,
Nào Địa dư danh hiệu; dạy người đường chẳng mỏi,
Nhắm nay làm ít kẻ ra công.
Tiếng nước nọ, chử nước kia, rộng kiến thức lập thành:
Nào Tự vị giải âm, nào Học qui thông khảo,
Nào Văn tự nguyên lưu; trí nhớ rất lạ thường…

(Trích bài Khóc điếu của Nguyễn Khắc Huề đăng lại trong Trương Vỉnh Ký hành trạng (lưu ý những chữ trích chúng tôi tôn trọng nguyên văn ngôn ngữ, dấu câu thời xưa không đổi).
Trần Đình Ba