Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHẢ NĂNG THÀNH CÔNG CỦA ĐẶC KHU LÀ RẤT THẤP

Lê Nguyễn
Thứ bẩy ngày 23 tháng 6 năm 2018 6:38 PM


(VNF) – TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt chắc chắn sẽ được thông qua nhưng khả năng thành công của mô hình đặc khu theo luật này sẽ là rất thấp.

TS Vũ Thành Tự Anh: Khả năng thành công của đặc khu là rất thấp

TS Vũ Thành Tự Anh



Theo TS Tự Anh, có 5 lý do khiến mô hình đặc khu của Việt Nam khó thành công.

Thứ nhất là chính sách nằm sau Luật đặc khu thiếu cơ sở thực tiễn. Một cách chính thống, Luật đặc khu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.

Nếu mục tiêu là “tạo cực tăng trưởng” thì với quy mô và tiềm năng của Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn thì cả ba địa phương này đều không thể tạo ra đột biến lớn đến mức trở thành một cực tăng trưởng của đất nước trong 10 - 20 năm tới, trừ phi phần còn lại của đất nước dậm chân tại chỗ. Mà nếu phần còn lại của quốc gia quả thực không phát triển thì cũng chẳng có cơ sở để các đặc khu thành công.

Nếu mục tiêu là tạo “thể chế vượt trội” để “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy” thì bài học từ mô hình khu kinh tế mở (bắt đầu với Chu Lai) từ 2003 cho thấy nếu không có sự thay đổi đồng bộ ở phạm vi quốc gia thì những sáng kiến của địa phương chắn sẽ sẽ bị bóp nghẹt bởi một mạng lưới chằng chịt các thể chế và quy định hiện hành vốn hoàn toàn không tương thích với “thể chế vượt trội”.

Toàn văn dự thảo Luật đặc khu gây tranh cãi dù sắp được thông qua

Hơn nữa, khả năng nhân rộng các “thử nghiệm đổi mới” này sẽ rất thấp, đơn giản là vì khoảng cách giữa những ưu đãi và thể chế của 3 đặc khu vô cùng “vượt trội” với phần còn lại của đất nước.

“Nếu như sau 15 năm, ngay cả những ưu đãi và thử nghiệm thể chế khiêm tốn hơn nhiều của các khu kinh tế mở vẫn chưa thành hình và tới được phần còn lại của đất nước, thì hy vọng về một sự lan tỏa thể chế và chính sách từ ba đặc khu sẽ chỉ là những ước vọng xa vời”, TS Tự Anh bình luận.

Nguyên nhân thứ hai là trong khi mục tiêu của cả ba đặc khu đều hướng tới thu hút các ngành công nghệ cao 4.0 thì tư duy chính sách chủ yếu vẫn chỉ là 1.0 – tức là cố thu hút thêm FDI bằng lợi thế so sánh tryền thống cùng những ưu đãi kịch trần và vượt khung, thậm chí không ngần ngại mở casino cho cả người Việt Nam vào chơi.

“Những ưu đãi quá mức này một mặt tạo nên một ‘cuộc đua xuống đáy’ ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam, mặt khác không đảm bảo sự thành công cho các đặc khu vì theo kinh nghiệm thế giới, ưu đãi không đi cùng với chất lượng thể chế, quản trị, điều hành và cơ sở hạ tầng thì cũng trở nên vô nghĩa”, TS Tự Anh cho biết.

Một nguyên nhân khác là với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng.

TS Tự Anh cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ tiếp tục phụ thuộc sâu hơn vào khu vực FDI. Trong khi đó, đang tồn tại một sự đứt gẫy, thậm chí là một vực sâu khoảng cách giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước.

***

TOÀN CẢNH CÁC ĐẶC KHU TẠI VIỆT NAM - TRANH CÃI VIỆC CHO THUÊ ĐẤT 99 NĂM

Với thiết kế hiện nay, ba đặc khu này tương đối biệt lập với phần còn lại của nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, khi chúng đi vào hoạt động thì sự phụ thuộc vào FDI cũng như khoảng cách giữa FDI và kinh tế trong nước sẽ còn trở nên sâu sắc hơn. Hệ quả là ngoại lực không những không giúp kích thích mà sẽ còn tiếp tục lấn át nội lực. Điều này đi ngược với kinh nghiệm quốc tế, trong đó chìa khóa thành công nằm ở hệ thống thể chế và chính sách giúp phát huy vai trò của các doanh nghiệp địa phương năng động, đóng vai trò làm cầu nối và chất xúc tác cho đầu tư nước ngoài.

TS Tự Anh cũng cho rằng đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho đặc khu mới chỉ là một bước khởi đầu. Việc triển khai mô hình đặc khu trên thực tế chắc chắn sẽ còn lắm gian truân. Bên cạnh nguy cơ bị trói chân trói tay bởi một ma trận thể chế và quy định hiện hành, nguy cơ nhìn thấy trước là chính quyền đặc khu bị thiếu nguồn lực, năng lực, và thẩm quyền (cả thẩm quyền theo luật định và thẩm quyền trên thực tế) cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình. Về những phương diện này, ngay cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh loay hoay mãi mà vẫn chưa thoát ra được thì liệu ba đặc khu có khắc phục được hay không hoàn toàn là một câu hỏi ngỏ.

Cuối cùng là với vị trí xung yếu và nhạy cảm của mình, liệu Phú Quốc, Bắc Vân Phong, và Vân Đồn có phải là những địa điểm thích hợp để thử nghiệm chính sách trong bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị hiện nay hay không?

“Lấy đơn cử Vân Đồn chẳng hạn. Một trong những mục tiêu quan trọng của đặc khu Vân Đồn là thu hút các ngành công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao. Thử hỏi ở sát biên giới với Trung Quốc thì những công ty công nghệ cao của các cường quốc khoa học và công nghệ ở châu Á (như Nhật Bản và Hàn Quốc) và phương tây có sẵn sàng và yên tâm đầu tư hay không?”, TS Tự Anh đặt vấn đề.

Nguồn: http://vietnamfinance.vn/