Trang chủ » Truyện

SỐNG GỬI THÁC VỀ

Nguyễn Thị Thu Huệ
Thứ sáu ngày 3 tháng 9 năm 2010 9:00 PM

  Truyện ngắn 
 
 Luyến sinh thằng Thái Dương vào một chiều mưa. Mưa đá. Sau những ngày nắng, trời trong vắt. Ngẩng nhìn, thấy xanh. Cúi xuống chân mặt đường loang khói vì nóng nung đốt. Đến chiều, mây đen hiện ra, và sau những hạt mưa tròn bằng đồng xu dán trên đất là những viên đá. Rơi như nhà giời cầm thúng đá mà hắt xuống trần gian. Lúc đầu, thấy mưa, trẻ con người lớn hỉ hả cười. Sướng quá, tự nhiên được tắm mát, đến cái cây con con còn vẫy tít. Nhưng rồi, khi những viên đá to, trắng lạnh rơi bồm bộp, vỡ kính xe ô tô, thủng cửa kính và tan nát hết tất cả đám lá cây... thì mọi người chạy hết. Mưa dứt. Mặt đất tan hoang. Xác lá, cành cây trải dày mặt đất. Hoang tàn, nước ngập những ngõ nhỏ, lềnh bềnh xác chuột, chết nhanh quá, chưa kịp hiểu là chuyện gì nên hai mắt mở tròn đen nháy. Cá chết nổi đầy mặt hồ, có con bụng còn phập phồng nhưng không thể vẫy đuôi mà bơi, ngáp vặt chờ chết. Đúng lúc đó, Luyến trở dạ. Thằng cu Dương phọt ra. Chị bác sĩ dốc nó lên, phát mấy cái vào cái mông tím đen, nó cũng không buồn chóe lên một tiếng cho mọi người xong việc. Luyến hét: Chị đánh con em nhẹ thôi. Chị bác sĩ quay lại, gắt: Không phát cho nó khóc lên, ngạt thở, tôi không đẻ đền cô được.
   Ông ngoại Dương là nhà ngoại giao. Khuôn mặt phẳng lặng, mắt to nhìn thẳng, mũi cao không lộ, nhân trung dài, miệng rộng, trán phẳng. Một khuôn mặt sẽ hoàn hảo, đáng tin cậy nếu không bất ngờ ánh mắt chợt nhọn hoắt sáng khi ông thích chí hoặc khó chịu điều gì, sau đó tắt ngấm. Thật thích hay thật ghét, tia mắt như mũi dao, lấp lánh trong tích tắc rồi biến mất. Cộng thời gian sống ở quê nhà chỉ bằng một phần tám tuổi sống. Ông hướng ngoại từ nhỏ, lấy vợ - bà Mây - cũng phải hướng ngoại. Chẳng may bà bị điếc đột xuất, ở nước mình với dân mình, nói tiếng cha sinh mẹ đẻ còn khó nghe nữa là chu du hết nước này sang khối Đông Âu khác, bà ngày càng điếc. Thế là một mình quay về, không hề lưu luyến ông chồng thơm tho mùi bơ sữa Tây lẫn thời tiết trong lành, không hạt bụi hay khói xe máy. Họ có hai con, Luyến là chị, Tuấn là em. Tuấn cũng hướng ngoại, nhưng trình độ có hạn, chưa vượt ra khỏi biên giới vì không tự giao tiếp với bất cứ ai. Hết phổ thông, không ngoại ngữ, không thể tiến xa như bố, cậu đành tiến gần. Cứ Sài Gòn hoa lệ mà ở. Thế cũng tốt rồi.
   Nhà nằm giữa một xóm ven hồ. Dân tứ chiếng mua đất từ khi chúng là những ruộng rau muống. Nghề chính của họ là trồng và bán rau. Phương tiện hoạt động là những chiếc thuyền thúng con con, hai mái chèo to hơn hai cái đũa cả xới cơm, gạt gạt như đùa mà thuyền vẫn chạy. Hôm nào gió to, sóng nổi thuyền quay tít, người trên thuyền cố chèo tới một cái gốc cây, túm vào đó, cười, buôn chuyện một lát cho qua cơn, hai mái chèo xinh xinh vung lên, dìu dặt trôi. Duy nhất có một đầm rau to không biến thành đất xây nhà vì dưới đó cơ man cốt người, tương truyền thế, vì đầm rất sâu, nên sau toàn dân cùng chính quyền nhất tâm cải tạo thành hồ. Thỉnh thoảng, buổi sáng, khi trên đầm rau lác đác những thuyền thúng lững lờ trôi, bà Mây cắp rổ đi chợ làng. Qua đầm rau, bà rướn người lên hò ra giữa đầm: Bác hái rau muống đấy phỏng? Trên chiếc thuyền thúng gần nhất, một người đàn bà, đang thoăn thoắt hái những cọng rau hồ óng xanh, đều tăm tắp xếp vào khoang thuyền, nghe hỏi, tháo nón ra, nghênh nghênh mặt về phía bà Mây, lắc đầu lia lịa: Không, tôi đang hái rau muống. Trên bờ, bà Mây phẩy mạnh cái rổ nan, sõng sượt: Thế mà tôi cứ tưởng bác đang hái rau muống. Rồi tong tong men theo con đường rợp hoa bằng lăng ngăn ngắt, đủ màu tím sẫm tím nhạt, bà ra chợ. Sau này, mỗi khi ông cán bộ ngoại giao gọi điện thoại đường dài về, khi thì ở Anh, lúc ở Canada… câu đầu tiên là: Bà đang hái rau muống đấy phỏng? Bà Mây cười bẽn lẽn, duyên dáng cái má lúm đồng tiền nuôi lâu, sâu hoắm: Ông cứ trêu em. Tốn tiền điện thoại chết!
     Dương gia nhập hộ khẩu, ngôi nhà nhỏ thành luôn một thế giới. Cậu hay hét. Mẹ cậu nựng ngay. Khi cho ăn thì: Ngoan ngoan nào, cục vàng cục bạc của mẹ. Con trai mẹ ăn một miếng là mẹ no mười ngày nào. Mẹ xin mẹ xin, đừng có phun ra mà mẹ chết ngay đấy. Chết tươi giẫy đành đạch giống con gà bị cắt tiết đấy. Sợ không. Dương gắt ngủ, cả xóm gật gù lim dim nghe Luyến hát. Tất tật các loại ru con đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ, dân ca vọng cổ Bắc Trung Nam... Chơi hết. Hát ru nhiều, Luyến thuộc như hát karaôkê, chính xác như có màn hình chạy chữ trước mặt, cũng luyến láy, nấc lên nấc xuống nghẹn ngào. Cả xóm nghe mãi thành thuộc, rồi thấy nhạc dân tộc nước mình thực ra rất hay và nhiều ý nghĩa. Ai cũng đã từng nghe, từng nhớ vài câu nhưng một bộ tổng phổ đầy đủ thế này thì chưa. Trong mắt hàng xóm láng giềng, Luyến đâm ra thành có văn hóa, ai nói việc lấy chàng đồ tể là vô văn hóa đâu. Tân, chồng Luyến, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giết lợn, làm giò chả. Nói cái nghề của Tân ra có vẻ kinh, nhưng anh lành hiền, chân chất hiếm thanh niên cùng tuổi bằng. Ngày yêu Luyến, biết thanh thế nhà người yêu, Tân cấm không nói ra nguồn gốc mấy đời nhà mình. Sau bao nhiêu khó khăn, Tân hôn được Luyến một cái. Chính xác cũng chẳng phải hôn, mà cắn trộm được một cái vào môi. Cũng chẳng định cắn, mà hôn như xem ti vi, nhưng Luyến vùng vằng quá, cứ vừa kéo vào lại vừa đẩy ra, không biết thế nào mà chiều, cơn lại lên, dứt khoát môi phải chạm môi. Dí cái môi mình vào môi Luyến, hai cái môi dầy, ướt nhẹp, loang mùi húng lìu thịt rán ăn hồi chiều, lắc phải lắc trái như con lắc đồng hồ, thế là phải nhờ đến răng. Cắn cho một cái. Nguyên miếng thịt mỡ tẩm húng lìu. Thế là Luyến ngoan ngoãn, ấm mềm trong tay. Sau lần hôn thành cắn, Luyến đâm nghiện Tân cắn. Nghiện rồi, cô dắt Tân về nhà. Ông bố ngoại giao bận chu du xa xứ, còn bà mẹ luôn hỏi một câu a và tự trả lời bằng câu b lại thích ăn giò lụa, chả quế. Thế là xong.
 Nhoắt một cái, Dương lên mười. Nó cao bằng thằng mười bốn, mười lăm. Kết quả học tập toàn trên 8 phẩy. Tối nào hai bố con cũng chong đèn truy bài. Xào qua, xáo lại làu làu tất cả các môn mới nghỉ. Trong lúc đó, Luyến tay cầm cốc nước cam, tay kia là miếng thịt rán (nhà làm giò chả, thịt lợn lúc nào cũng tuơi ngon) nhét vào miệng thằng bé. Dương thuỗn dài cái mặt, hai mắt sụp xuống, nhai thịt rán vào 11 giờ đêm, chiêu bằng nước cam đường ngọt lự. Hai thứ đó, không hiểu sao kết hợp về đêm lại gây khó chịu. Thằng Dương ngục ngoặc, rồi cũng nuốt trôi. Trong lúc nhai thịt rán và uống nước cam, nó được ra đường. Đấy là nơi duy nhất được thư giãn, với điều kiện là có mẹ đứng cạnh. Cậu đu người lên cây trứng cá cao ngang mặt, ánh mắt sáng lấp lánh nhìn sâu vào vòm lá cây xanh mướt. Nhấc hai chân lên khỏi mặt đất, ngoáy ngáy hai bàn chân to mà trắng, quay quay. Tự do. Đúng lúc đó, bao giờ Luyến cũng quát: Dương. Ngã bây giờ. Gẫy chân đấy, què đấy. Nhẹ cái tay đu thôi, cành non, gẫy một cái là chồng xương sống lên nhau, người ngắn lại một khúc. Vào nhà ngay, mẹ lau người cho. Dương nhăn mặt, mắt tối sầm. Tuân lệnh mẹ, Dương đi trước, cúi cúi mặt chán đời. Mẹ tuy nhỏ bé nhưng ưỡn ngực đi sau, rất uy quyền. Thấy ngay phiên bản photocopy, phàm là người Việt Nam và một số người Mỹ dính dáng đến Việt Nam đều biết, là ảnh cô dân quân bắt được tù binh Mỹ, kèm một câu thơ: O du kích nhỏ gương cao súng. Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu .
O du kích nhỏ mẹ và thằng Mỹ con chui vào buồng tắm. Quần áo lột dần. O du kích mẹ kiễng chân tháo được áo của thằng Mỹ con tới giờ chán đời, không thể cúi thấp hơn nữa mà ngây thộn. Nó đứng. Trần truồng. O du kích mẹ lấy khăn mặt, ngâm vào chậu nước nóng có đập củ gừng, chăm chú lau từng xăngtimet. Bao giờ đến con chim thằng Mĩ, mặt o du kích cũng nhăn lại đau khổ: Mẹ bảo con kéo chim ra, không nghe, giờ nó không chịu lột, sao lấy vợ đẻ con được. Đúng tháng sau, mẹ cho đi cắt. Thằng Dương mếu máo: Ngày nào con chả kéo, nhưng nó không ra. Mẹ thích thì cắt đi, không kéo nữa. ừ, mai mẹ mời bác sĩ đến. Nhẹ lắm, không đau đâu. Dương im lặng, mặt chảy thượt đợi cái khăn mặt chà ngang lưng, xuống mông, rồi khoeo chân. Nước ấm, lại có gừng tươi, khăn đi tới đâu, da mát tới đó. Lau người xong, đánh răng. Đánh răng xong, hết quy trình một ngày. Ngủ.
     Nhà rộng, nhưng ba người nằm chung. Dương nằm trong, sát tường. Đến Luyến. Tân chặn ngoài cùng. Khi ngủ. Tự động có luật bất thành văn, người ngoài úp mặt vào lưng người trong. Gọi là thế úp thìa. Không biết từ lúc nào, thằng Dương nằm cong mà chân còn dài hơn bố mẹ nằm thẳng. Một đêm, thấy Luyến giật lên đùng đùng, túm cổ Tân kéo dậy. Gì thế? Lại mơ à? Luyến mếu máo, lè nhè: Mai phải gọi người cắt chim cho thằng Dương. Càng để lâu, càng hại. Thì em gọi bác sĩ đi. Có gì mà ầm lên. Lo quá. Không biết cắt xong có sao không? Nó mà làm sao, em chết. Khổ lắm. Ngủ đi. Chuyện vặt. Ba người lại úp thìa. Tân ôm chặt Luyến. Luyến ôm chặt Dương. Đêm nào ngủ cũng trong tình trạng 3 người chết đuối vớ được nhau, phải có nhau chống lại sóng cao gió lớn, cuộc đời ngoài kia không tin ai được.
     Thằng Dương được cắt bao quy đầu. Hôm ấy, cả làng một phen kinh hãi. Đương sự hét. Mẹ đương sự hét. Bố đương sự hét. Cuối cùng là bác sĩ chốt hạ hét to nhất: Tất cả có im đi không, cắt cho thằng bé chứ có cắt của bà đâu mà bà gào lên. Tôi ong đầu quá, sao mà khâu cho nó đây. Luyến hét đúng như tiếng lợn bị lôi ra khỏi chuồng, trói bốn chân, móc hàm vào cái lưỡi cân, rồi ném lên xe tải chở đi. Hét một đoạn đường dài, tới khi mũi dao nhọn ngắn xoáy một xoáy vào họng. Thì câm. Bác sĩ mặt đỏ huyết áp cao căng thẳng, kì cạch nơi con chim thằng Dương một lúc, rồi thở phào. Nó sẽ là một thằng đàn ông hoàn hảo. Thanh toán nhanh, tôi phải về trực. Tối nay còn hai ca như thế này. Ba hôm sau. Thằng Mỹ con lom khom hơn, hai chân dạng rộng thiếu cái váy cháo lòng ố đỏ thành gái đẻ, đi trước. O du kích mẹ đi sau, mặt tái ngắt không hột máu. Điểm đến của hai mẹ con vẫn là cây trứng cá không cao lên được vì Dương ngày nào cũng vít, nhất là những đêm nhai thịt rán già, dai nhách. Lần này là chai thuốc bổ 14 vitamin và xiên thịt lợn nướng. Mẹ với với đưa thịt vào miệng con, kèm thìa thuốc bổ, chiêu bằng nước cà rốt ép đỏ lịm.
Dương sinh nhật tuổi 16, cao 1,72m, nặng 57 kg, nhìn từ sau đúng chàng trai hoàn hảo. Nhưng đấy là nhìn từ đằng sau. Đằng trước thì khác. Gặp mặt Dương một lần, sẽ ám ảnh. Mặt nó ngày càng dài, thuôn thuôn nhạt màu, hai mắt dài, đuôi mắt sụp xuống, mũi cũng dài, miệng lại rộng. Giống những trái bầu bằng thủy tinh đặt cạnh nhau ngang dọc hay bán ở quầy lưu niệm người ta mua làm móc khóa. Dương hiền. Không nói không hét như bọn bạn cùng tuổi, mỗi khi tới lớp, hay chơi ngoài sân trường. Nó luôn đứng nhìn. Chỉ nhìn. Rồi cười. Đến cười cũng hiền lành, kìm nén. Nó chưa bao giờ được ra đường cách nhà mười mét nếu không có mẹ hoặc bố đi kèm. Cũng chỉ được chơi trò ném ống bơ với lũ trẻ con nếu hôm đó nó lớn nhất hội. Không thể chơi khi có đứa lớn hơn, chả may nện vào thằng bé thì Luyến đau lòng đứt ruột chết mất. Trò ném ống bơ được truyền từ đời này sang đời khác, bất kể đứa trẻ nào lớn lên ở khu phố ấy đều có những ngày tháng mê không dứt ra được. Chúng đặt ba hay bốn lon bia hay côca-côla ở cuối sân, đứng cạnh nhau đầu sân bên này, cách khoảng 10 mét, mỗi đứa cầm một chiếc dép của mình, nhằm thẳng ống bơ mà ném. Ai ném trúng thì nhẩy cẫng lên, được ăn nắm trun vòng hay gói bimbim của thằng khác. Mẹ thằng Dương trước khi cho con tham gia, cũng đặt ống bơ vào vị trí ấy, cũng cầm dép nhún lên nhún xuống lia thẳng vào mục tiêu, cốt để xem trò này có tốn sức của con trai mình không, có nguy hiểm cho cái tay vung ra quá đà, chẳng may sái thì sao. Thấy sau vài lần lia thật lực, mồ hôi toát ra, tay có vẻ khỏe hơn. Thế là đồng ý cho Dương tham gia, nhưng có sự giám sát của chính mình.
Vào một ngày không báo trước, ông ngoại ở nước ngoài về. Một chiếc xe đen trũi biển xanh nhà nước đỗ xịch, rì rì tiếng động cơ xe xịn, cửa mở cũng không tiếng động, ông ngoại bước ra, vẻn vẹn chỉ ông và chiếc cặp mỏng. Hoàn toàn không tin được là ông từ bên kia trái đất trở về. Bộ dạng đó, chỉ là vừa đi họp ở Hội trường Ba Đình hay Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Cả nhà Luyến đang ngồi quanh mâm cơm. Vẫn đĩa dồi tràng lợn, ít tiết luộc ăn cho giải độc, bát mắm tôm sủi bọt vì pha thêm rượu quốc lủi cho thơm, đĩa thịt luộc, chén rượu thuốc của Tân sau một ngày nâng lên hạ xuống cả nghìn nhát giã giò. Luyến thì có miếng thăn lợn rán, quả dưa chuột ăn tươi cho có Vitamin. Dương thì mấy xiên thịt, bát canh rau thập cẩm... Mỗi người một góc mâm, một nhu cầu, một khẩu vị. Đúng lúc cao trào, rượu cạn, bát mắm tôm vơi sạt và đĩa lòng chỉ còn mấy miếng tiết luộc vụn thì ông ngoại tay xách cặp mỏng hiện ra. Cả nhà chết sững, không biết bày tỏ tình cảm kiểu gì vì trí tưởng tượng đã ít mà nếu có cũng cao không hơn cây trứng cá trước cửa. Cuối cùng thì ông cũng phải tự tìm đường mà len mình vào cái thế giới chật cứng, khép kín hoàn hảo, bằng cách, ném cái cặp mỏng vào góc nhà, vồ lấy thằng cháu ngồi cao gần bằng ông đứng. Trời ơi, cháu của ông lớn thế này rồi sao?. Thốt lên một câu cảm thán đến chính ông cũng ngượng. Ai lại nói thế, hả nhà ngoại giao? Biết là sến quá, nhưng trong hoàn cảnh này, những con người mà ông mỗi lần nhớ đến là lạnh tê tái, rét run từ trong rét ra, cảm giác chán nản bế tắc nhưng không bao giờ từ bỏ được. Biết là giả dối, nhưng chẳng lẽ lại quay sang thằng con rể quanh năm ôm cối giã giò nướng chả mà hỏi, giá giò có lên không? Biết là hỏi một câu rất thừa, nếu có rỗi việc, ngồi xem phim truyền hình của ta phát trên kênh VTV4 dành riêng cho kiều bào yêu quê hương xa tổ quốc, nhân vật nào đó như ông, hỏi thằng cháu ngoại một câu như ông, chính ông sẽ nhăn mặt, lầm bầm: Vô duyên, hỏi chả để làm gì. Mà nhạt, sến thật.
Thằng cháu cao to như thằng Mỹ lai của ông cười cười im lặng. Mẹ nó, cũng cười, sau một lúc thì hỏi: Ông ở đâu về thế? Ông ngoại bị câu hỏi không ra thật lòng, không ra hỏi đểu, chưa biết trả lời thế nào thì thằng con rể nhiệt tình, tốt bụng, chân chất thật thà, với ngay cái chén hạt mít, rót luôn chén rượu thuốc cho ông, nhân thể rót thêm cho mình. Đưa vào tay ông một chén, cười kha kha: Ông ở đâu về mà chả được. Đi xa hay đi gần đều là đi. Miễn là ông về – Giơ cốc rượu lên ngang mặt, rồi tự chạm đánh cạch, cười nhe những cái răng rất to, dính cục tiết luộc – Chúc mừng ông về. Cạn đi ông, rượu thuốc tự tay con ngâm, không ngộ độc đâu. Ông cố nhe răng cười, không nhe rộng được vì xót như xát muối. May mà có chén rượu cho qua cơn nhạt, qua những câu chưa nói đã biết sến, giả dối, vô cảm.
Ông ngoại cho con gái 10 nghìn USD để làm vốn. Ông nói, ai cũng cần phải có vốn vào đời. Nhất là đàn bà như mày. Đủ các loại vốn, từ vô hình như học thức, nhan sắc, duyên dáng. Ba cái đó, chẳng may mày hơi bị khiêm tốn. Bố mẹ muốn cho mày lắm nhưng ông trời không hào phóng cứ thò ra một thì lấy lại ba. Bố cũng không sung sướng gì. Bố cũng bất lực giống như việc cưới mẹ mày làm vợ, mắt tinh tai thính hẳn hoi, có ai đoán được lại điếc và dở hơi dần theo năm tháng vậy đâu. Ba cái thứ trời cho kia, con đã khó khăn. Bố đành bù lại cho con cái hữu hình trông thấy, sờ thấy, tác dụng tức thì, đấy là tiền. Bố cho mày làm cái vốn giắt lưng. Đời người, đa phần ai cũng vật vã hô hét lên là ngắn. Nhưng vô phúc đôi khi nó cũng rất dài. Dùng cái đời mình triệt để thì bao nhiêu cũng thiếu. Vật vờ, ra ra vào vào loanh quanh bán kính năm mét như mày, đời không ngắn lắm đâu. Luyến không nghe, mà có nghe cũng không hiểu lắm cái lối ví von vòng vèo vắt vẻo của bố. Bố đúng là già, phức tạp, đi khắp thế giới không dọa được ai, quay về khó khăn ngôn từ với con gái. Con gái thì học hết lớp 10, không trung cấp, đại học. Mẹ nghễnh ngãng có mụn con gái nhìn đâu cũng thấy kẻ gian lừa đảo, hiếp con bà đến nơi, chửa hoang ra đấy thì nhục. Bà quyết làm rào chắn tai ương bằng cách mở ngay quầy hàng xén bán hầm bà làng đủ thứ theo mùa. Dưa muối, cà muối, vừng đen, gạo nếp, lạc rang cho tới bột giặt, dầu rán... Con cứ ở nhà trông quầy tạp hóa, theo thời gian nâng cấp thành Siêu thị Mini. Bỗng dưng, sau bao nhiêu năm bố đi đường bố, văn minh trời Tây bố nhiễm, bố hưởng, chợt một lúc, giật mình bố xót mụn con gái. Xót nhất là khi thấy con người ta sao biết sống cho cái đời mình thế, biết hưởng những thứ văn minh thế, mà con mình lại tăm tối thế? Sao cũng giọt máu mình, hít thở chung bầu không khí với mình, ăn cơm một mâm, ngủ một giường mà nó không theo mình bước ra khỏi cái đời u mê? Bao đêm ngồi dưới trăng suông, trong vắt không khí Âu châu, vắt óc tự hỏi nó u mê thế từ đâu? Nó luôn cố thủ trong mái nhà đó, trôi đi cái thời gian đẹp đẽ nhất của đời người với thằng chồng không chỉ quanh năm giã giò mà còn ăn nguyên liệu làm giò một cách khoái cảm, rồi đẻ tọt ra một thằng con và đeo ngay cho nó một cái rọ vô hình tăm tối, ngu độn của sự cố thủ, không dấn thân, bứt phá. Không cần biết đến ngoài kia người ta đi tới đâu, hưởng thế nào. Nát óc, thắt ruột xót, tự xỉ vả hay tại mình mà con nó ra nông nỗi này. Mình sai từ đâu nhỉ? Thế là đành dấn từng bước. Tao đành khai hóa văn minh cho mày bằng cách mua cho mày cái tivi, cho mày tiền mắc cáp, 34 kênh mày xem trong lúc chồng mày giã giò, mày vừa với lên cho cao bằng thằng con để đút cơm cho nó, vừa nghe tí tin thời sự trong nước và quốc tế cho nó bớt u mê. Lâu sau, đâu lại vào đấy. Bắt đầu thời đại bùng nổ thông tin, thế giới đang cào phẳng dần, bố thương chúng mày lầm than, gửi tiền cho sắm cái vi tính đời chót, nối mạng nhanh, chỉ cần bấm vào con chuột, là mày đã buôn chuyện với bố tận đẩu tận đâu. Đợi hơn bốn tháng. Ngày nào bố cũng yahoo.com. Ngóng con mà tịnh chẳng thấy con yahoo.com lại một lần. Gọi về hỏi, hai vợ chồng tranh nhau kể tội cái máy tính của bố. Từ ngày có nó, hai bố con thằng Dương xung khắc như quân thù quân hằn. Tranh nhau chơi điện tử, mua bán máu ảo bằng tiền thật bắn nhau đến hết máu thì mua tiếp. Luyến tự ái, trích lãi tiết kiệm từ tiền bán giò chả, làm thêm bộ vi tính nữa, nối mạng tại nhà, thông hai máy, bố con xơi nhau chí chết, thằng nào khỏe thằng đó thắng. Bố già nghe xong thông tin, cấm khẩu. Tức điên lên, đập điện thoại, nước mắt ứa ra, rên rỉ: Con làm ác với ai đâu, sao Trời phạt nặng thế! Ai ra đi mà chẳng để lại bóng. Chẳng lẽ, bóng của con lại là một lũ ngu độn đó? Cùn quá, ông tặc lưỡi. Coi như không có. Một là, ông coi như không hề có con. Con là thứ cần cho một đời, là nhãn mác cho một người mà còn không cần, nghĩa là hết. Nhưng rồi, không cần không được. Không ổn. Nó lù lù ra đấy, sao lại nói không có. Thế là cùn hơn. Bớt ích kỉ hơn. Tự coi như mình chết rồi. Đâm tàu đâm xe, bệnh trọng, lăn đùng chết tươi, chôn xuống đất hay hỏa táng, nắm tro tàn thả xuống sông. Xong. Khỏi nghĩ cho nát ruột. Xong được vài ngày. Lại không xong. Mình mới gần 60, ra đường gái chạy theo anh ơi anh hời, trước khi vào hội nghị thì điện thoại lưu 180 số, kết thúc hội nghị kiểu gì cũng thêm thành 186, 190 số của các bà cô bà đầm mắt xăm xanh tím ngắt. Chết cũng khó lắm. Không chết được. Nói tóm lại, không phải cứ muốn mà có con, có cháu, có vợ ngày càng điếc. Cũng không phải muốn mà tự nhiên, thành người không vợ, không con, không cháu. Không phải cái gì cứ muốn là được. Kể cả việc tự mình coi mình chết rồi. Kết thúc vấn đề. Mày chết. Con mày chết. Chồng mày chết. Hay tao chết. Tất cả đều không ai chết. Chỉ còn một cách duy nhất, hèn nhất, là cho tí tiền. Cho mày làm vốn. Rồi mày và tao chia tay. Kết quả của chuyện không ai được chết mà phải tất cả cùng sống, là 10 nghìn USD.
Bỗng dưng có 10 nghìn USD, vị chi là 160 triệu tiền Việt Nam đồng. Hơi kinh đây. Làm gì nhỉ? Mua sắm đồ. Khỏi cần, vì cái gì bố cũng cho lắt nhắt mưa dầm thấm lâu. Mỗi lần chu du đâu đó về, tình thương của một người đi nhiều, biết nhiều, hưởng nhiều thấy xót quá cái lũ người thân ít ỏi của mình quanh năm tăm tối, thế là bù đắp ngay. Thay cái tủ lạnh, lên đời cái xe máy tay ga cho đỡ mỏi chân vào số. Nâng thêm tầng hai đi, chúng mày ba đứa lồng ngồng đi một dàn, nhìn đằng sau không biết thằng nào là bố, đứa nào là con, cứ quanh năm úp thìa trên một cái đệm mút quá đát, lún sâu như chìm xuống hố mãi sao được. Thế là lên tầng, nhưng vẫn úp thìa. Đời nhiều tai ương lắm bố ơi, nhà con rặt đọc báo công an, an ninh, pháp luật. Cứ sểnh nhà ra là chết toi. Không rời nhau được đâu bố ơi.
Vợ chồng Luyến thức mấy đêm bàn cách tiêu tiền. Đúng lúc cam go đó, thì ông anh chuyên chọc tiết lợn cho thằng em có thịt tươi ngon dẻo dính giã giò theo mụ chủ chứa sang Campuchia buôn hàng cấm. Vừa kết hợp du lịch loanh quanh mấy nước châu á anh em, vừa thoát thai nghề đồ tể. Vận may tới, phải chớp thời cơ. Tân lấy của Luyến 1 nghìn USD, thuê một nhà giết mổ mới, tự cung tự cấp, từ A tới Z. Làm ăn lớn phải thế. Nàng Luyến OK, khoái chí đầu tư chiều sâu luôn 20 triệu Việt Nam đồng. Thế là nâng đời thằng Dương. Từ ngày thằng bố chuyển cấp lên chọc tiết lợn, nghề giã giò gia truyền truyền thẳng sang thằng con học lớp 11. Đúng là một quyết định sáng suốt. Cha truyền, con nối. Tất cả những tập đoàn lớn trên thế giới đều là anh em cha con chiếm lĩnh. Cấm không có người ngoài làm chủ. Công cuộc cải tổ lên đời tốn 20 triệu, người thỏa mãn nhất là Luyến. Thế là yên tâm tới chót đời thằng Thái Dương của mẹ. Con sẽ không phải bước ra ngoài đường kia, không phải ôn thi đại học, trượt thì sang trung cấp, không phải đi thử việc chạy lon ton hầu ông đi qua, hầu bà đi lại để may ra ba năm sau được thi tuyển công chức nhà nước. Đời người, suy cho đến cùng, có là ai đi chăng nữa thì cũng cơm ăn ba bữa, quần áo thay hai bộ một ngày, ngủ quá tám tiếng thành u mê. Việc gì mà phải học lòi mắt ra, rồi ngoại ngữ A. B. C. D bon chen khốn nạn. Cuối cùng thì cũng là có tí tiền. Thái Dương khỏi cần đi đâu, cũng có tiền. Có tất. Mẹ Thái Dương thì yên tâm vì con mình vẫn trong nách mình, không ai đến mà cướp được.
Từ ngày sang chuyên môn mới chọc tiết lợn, Tân nhoắt một cái mọc ở đâu ra cái tính bạo liệt. Mẹ Luyến nghễnh ngãng, dở hơi cũng bắt đầu biết hãi thằng con rể lành hiền, ngồi nhậu gật gù đụn thịt hàng ngày. Bà thì thầm với con gái nhưng vì bản năng người điếc, nên khi thì thầm cũng vang như đang nói trong phòng 60 mét vuông: Sao tao thấy cái thằng Tân này nó không giống cái thằng Tân hôm nọ. Nhìn mặt nó kinh kinh. Con gái hơ hơ cười, đập tay đánh bốp vào vai gầy của mẹ, mắng yêu: Mẹ, càng già càng duyên. Chả anh Tân đấy thì Tân nào vào đây? Bà mẹ thở dài, tư tưởng hái rau muống trỗi dậy: ừ thì đúng là thằng Tân. Nhưng không phải thằng Tân kia! Ông bố ngoại giao mắt mũi cân đối như lai người Hy Lạp sau khi chi 10 nghìn USD, tâm thế thanh nhàn. Giải quyết được biết bao day dứt, ân hận trong lòng. Đúng là không gì xoa dịu vết thương tinh thần nhanh bằng bỏ ra một nắm tiền. Ông quên phắt ngay lũ người thân ít ỏi lâu nay làm nặng lòng, tay trong tay nhân tình trẻ người Pháp, chu du khắp đó đây. Hóa ra, coi như tao chết rồi hay lũ chúng mày chết rồi không ổn, mà tao nợ chúng mày một tội, là hồn nhiên cho chúng mày có mặt trên đời mà không kiểm soát. Giờ, tao trả lại tí tiền, mày tự giải quyết cái đời mày theo cách mày thích. Thế là tao hết nợ
Lâu lắm rồi cả nhà mới ra đường ăn tươi một bữa. Ngày lễ, cả nước nghỉ. Mình phải tự thưởng mình chứ, lầm than mãi, u mê quá. Không biết từ hồi nào, Luyến chưa soi gương. Khỏi soi, chỉ cần chải cái tóc sợi to và cứng cho thẳng rồi kẹp lại. Chiếc quần bò may đo màu đen viền chỉ đỏ tết ở mép, móc cái túi gọi là túi cho vui chứ bên trong đựng độc gói giấy ăn cốt chấm mồ hôi cho chồng hễ cứ ăn là đổ ra như suối. Lâu lắm rồi, cả nhà mới xúng xính, dáng úp thìa ngồi, xe máy ống bô vỡ nổ bạch bạch phụt khói đặc quánh. Người đã đi rất xa mà khói thì vương vấn mãi. Người ra đi đầu không ngoảnh lại. Sau lưng mình khói đã phun đầy  – một cô bé ngồi lê vỉa hè chơi chuyền ho sặc sụa vì khói thốc vào mặt, ứng tác ngay.
Cả nhà xúng xính quán vườn Tri Âm. Quán chạy quanh Hồ Tây lộng gió. Ba bề bốn bên không tường bao, không phòng máy lạnh. Trên đầu trời xanh bao la, mây trắng trên cao, nắng vàng ở dưới. Luyến cuống cuồng tháo khăn voan hồng nơi cổ mình, trùm thẳng lên đầu thằng Dương, như một cái lồng bàn úp, rồi bốn đầu khăn túm lại làm hai túm, cho khỏi bay. Thằng Dương vằn mắt tia máu đỏ, hóa dại, giật như điên chiếc khăn như muốn xé rách để chui ra, sùi bọt mép: Mẹ làm cái trò gì thế? Điên à. Luyến tỉnh bơ: Che cho bớt gió. Có cái gì mà điên? Dương đứng vụt dậy, hung hãn, giật mạnh chiếc khăn, vo viên ném xuống đất, lấy chân di lên, khóc nức, uất nghẹn: Điên à? Có phải trẻ con đâu mà chụp khăn?
Luyến ngây độn nhìn con, bất lực. Nhưng không cáu, vì cô đang mải tính xem chui vào đâu cho bớt gió bây giờ. Tân vào sau, ngồi xuống, chưa kịp hiểu chuyện gì giữa hai mẹ con, chợt nhìn vợ thảng thốt: Em bôi cái gì lên mặt kinh thế? Luyến ngơ ngác, lấy tay chùi chùi rồi xòe ra xem. Không thấy gì. Em có bôi cái gì đâu? Nhọ nồi à? Không, kinh lắm. Vào trong kia xem có gương không, soi đi. Kinh gì thì cũng nói đi? Bẩn là cùng chứ có gì mà anh làm em như hủi ấy. Tân im lặng, mắt trợn lồi, khua khua tay như đuổi Luyến kiếm chỗ tự nhìn mình đi, ngôn ngữ không đủ diễn tả. Cô vội đứng lên, giận dữ nguýt chồng, thấy sao tự nhiên dở hơi tha nhau ra chốn đông người để lắm tai ương thế này. Vào phòng vệ sinh, cái gương bẩn nhem, đen đen trắng trắng có dí sát mặt cũng không thấy vết nhọ nào. Mãi, có mấy người đợi đi tè, hai chân xoắn vào nhau, mắt nảy lửa nhìn cái con điên, chỗ người ta giải quyết nỗi buồn thì mày đứng chĩa thẳng mặt sát vào gương, tìm cái gì thế không biết. Một cô phục vụ lịch sự: Chị có cần gương, ra ngoài này, em cho mượn. Gương trong đó không thật mặt đâu, treo cho có thôi. Luyến cuống quýt mừng theo cô bé thanh tú đi ra. Một cái gương, giữa giời, Luyến ngó trước ngó sau cái mặt quen thân, tịnh không thấy có vết nhọ nào, tớn tớn cầm gương về ngồi cạnh chồng đang nâng lên đặt xuống chai Hà Nội lạnh, nói như hét: Có cái gì trên mặt đâu mà ông cứ cuống lên? Tân tu nốt hụm bia lạnh mát tê tái lòng, trợn ngược mắt: Mở cái mắt to ra, tự nhiên đi bôi cái phấn gì mà vàng ươm thế? Kinh quá, như bôi cứt trẻ con lên mặt ấy, có đi rửa mặt ngay không? Luyến ngơ ngác: Anh này lạ, ở với nhau ngần ấy năm, có bao giờ em bôi phấn bôi son đâu? Tân khó chịu, quay ra tu bia. Thằng Dương chạy biến ra đứng đếm sóng mặt hồ. Lần đầu tiên, mười lăm tuổi biết thế nào là có một cái biển rất gần nhà mình. Biển ngay trong lòng thủ đô mà không thấy ai nói. Biển rộng, sóng đập tới đập lui, không chán mắt. Với Dương, đứng đếm sóng vào bờ rồi sóng lại chạy đi là quá đủ cho một ngày, khỏi cần ăn. Luyến ngơ ngác, mang gương ra đứng giữa giời, ngửa mặt soi. Một màu vàng như nghệ phủ đều như nhúng cả mặt mình vào chậu nước nghệ vậy. Sao lại thế nhỉ? Hai cái mắt cũng vàng, đôi môi có một viền đen đậm thẫm làm nó gọn lại, hơi vều ra. ấn tay vào hai má, phồng phồng... Sao thế nhỉ? Sao bỗng nhiên mọi thứ trên mặt mình như không còn là của mình thế này? Cái mà mình tưởng mình thuộc nhất, quen nhất, hôm nay bỗng lạ. Luyến quay vào, đùng đùng: Anh uống xong chưa, không ăn nữa, đi về. Em cũng chẳng biết tại sao mặt em lại vàng ươm ra thế. Không biết có ai bôi nghệ vào cái khăn mặt của em không? Tân uống hết chai bia, đứng dậy, kiệm lời, đến bên thằng Dương đang bị những con sóng nhỏ đập vào mạn hồ mà ngỡ cơn sóng to táp lên triền cát ở biển, giống những phim tuyền hình nó xem, giật mạnh tay con đang bám rất chắc vào rào chắn: Về thôi Dương, mẹ mày không chịu ăn nữa. Thằng Dương quay ra, mắt lóe những tia ác sắc nhọn: Không về, con thích đứng đây. ánh mắt nó nhọn đến nỗi, Tân chùng người lại.
Sau ngày đi ăn tươi ngắm biển giữa thành phố, Luyến mới biết, mặt cô vàng suộm là biểu hiện cuối cùng của bệnh ung thư gan. Chả trách, lâu nay bụng cô mỗi khi nằm ngửa, cứ có một cục tròn tròn như quả cam, rồi lúc giống quả bưởi ngọt Đoan Hùng chạy qua chạy lại. Lúc nào ho, nó nổi trồi lên, rồi biến đi. Luyến có sụt cân, nhưng cô không nghĩ đấy là do ung thư di căn, người bệnh bao giờ cũng sụt cân mà tưởng do mình ăn kiêng, mỡ bụng tiêu bớt, nên gầy. Ung thư là cái quái gì nhỉ? Chỉ biết ai bị ung thư là chết nhanh. Lâu nay, khái niệm về bệnh tật hay cái chết chưa bao giờ có trong Luyến. Cô không tin là một cái gì đó có thể phá mất đời sống lâu nay yên ấm của mình. Chiến tranh qua lâu rồi. Đói nghèo càng không. Tai nạn thì có đi đâu ra khỏi nhà mà sợ xe máy, ô tô đâm chết? Tự nhiên, đang ấm êm tốt đẹp thế này, lại mọc ra cái ung thư? Ai nói Luyến đi viện xét nghiệm, chữa chạy, cũng không. Dứt khoát không. Điên à, vào viện cho bọn bác sĩ dọa khôn dọa dại lấy tiền. Có ai vào viện mà không moi ra cả đống bệnh? Không vào cũng dễ mà chết chắc? Luyến một tấc không đi, một ly không rời cái tổ chim câu của mình. Vào viện. Ai đút cơm mỗi tối cho thằng Dương. Ai bơm nước, tắt điện... Chao ôi, trông một cái gia đình bé nhỏ xinh xắn thế thôi, chứ lắm việc không tên lắm.
Sau chuyến ăn tươi không thành rồi Luyến phát hiện da vàng toàn thân đến khi chết, không đủ một trăm ngày. Cứ từ từ mà đời mình tuột khỏi tay. Giọng nói lào khào yếu dần. Rồi lào khào cũng khó. ánh mắt dại dần. Rồi hết dại... Nhắm lại. Không bao giờ mở nữa.
Luyến chết.
Mâm cơm không còn đủ bốn bát ba đĩa: bốn bát canh chua thịt cho mình, canh rau ngót thịt cho Dương, canh trứng thịt cho Tân, canh mướp đắng cho bà ngoại. Ba đĩa là: lòng lợn luộc, thịt rán và thịt kho. Khi còn hai bố con chỉ một đĩa tổng hợp mọi bộ phận của lợn luộc, nước luộc nấu cà chua. Cũng xong. Hấp dẫn không kém xưa. Bà ngoại dọn sang ngách bên, kiếm cái tràng hạt dài, nâu bóng, ngồi trước bàn thờ con gái, gõ cốc cốc cái mõ mua trước cổng Phủ Tây Hồ, mắt lim dim tâm sự với con. Luyến chết, hai bố con thằng Dương quan hệ với bà ngoại như hàng xóm thân. Vợ mình là con người ta, con mình do vợ đẻ ra, suy đi tính lại chẳng bà con chi. Từ lâu, mối quan hệ mẹ con bà cháu chằng chịt thân thiết là thế, như một mắt xích chặt chẽ. Bỗng một ngày, một mắt xích bị gỉ, đứt phựt, thế là tan cả cái dây. Bà đẻ ra Luyến chứ có quen biết gì thằng Tân? Nếu nó không ở với con gái bà mà là ở với bất kì đứa nào khác thì nó sẽ mẹ mẹ con con với một bà già khác. Vì con gái bà thích nó, thì bà thích nó. Bây giờ, con gái bà biến mất. Luyến như không hề tồn tại trên đời nếu thỉnh thoảng không nhặt được cái cặp tóc nó quên nơi buồng tắm, vài bộ quần áo lửng thằng Tân ôm sang đưa, nói bà mặc đi cho đỡ phí, để thì chật tủ, vứt đi thì còn mới, làm giẻ lau không đắt vì rặt nilông, lau không thấm nước... Thằng Dương đúng là do con gái bà đẻ ra, về luật thì là cháu ngoại của bà, nhưng từ nhỏ đến giờ, bà có được gần nó đâu để mà hình thành quan hệ thân thiết? Có bao giờ con Luyến nghĩ nó sẽ biến mất, để bà ở lại với hai người chỉ quen thở chung không khí, đêm nằm úp thìa với nó mà không liên quan gì đến ngày tháng của bà. Tình cảm không thể có khi người ta cứ xưng xưng hô lên là: Đây là bố của mẹ, tức là ông ngoại con. Đây là mẹ của mẹ, tức là bà ngoại con. Nói xong rồi đợi ngay sau đó là tình cảm ào ạt ùa tới. Không thể được. Tình cảm lớn dần theo thời gian sống, với những thói quen, cảm xúc yêu ghét, cả sự chịu đựng lẫn nhau. Không là bà ngoại, ông ngoại mà gắn cái ngày tháng sống ba chìm bảy nổi vào nhau, còn thân hơn ruột thịt đấy mà xa cách. Đột nhiên con Luyến biến mất, trơ ra bà. Gần 70 tuổi với hai thằng đàn ông lù lù thế kia, bảo bà quay lại từ đầu, bới lại trong tiềm thức xa xôi của mình cái gọi là tình cảm, không bao giờ được. Thôi thì không dưng lại không nhận đây vẫn là con rể tôi, đây vẫn nguyên si cháu ngoại tôi. Nhưng khó thế, mỗi bữa ăn chung, mâm cơm bày ra vội vàng, lúc nào cũng thiếu, lúc thì quả ớt, lúc bát nước mắm. Để rồi khi người ngồi đủ, đủ hết các thức, chợt trống hoác một góc. Luyến. Chỗ nó hay ngồi, giữa chồng và con. Tay gắp cho chồng miếng dồi hôm nay mỡ thơm, lại ấn vào bát cơm đầy vật vã của thằng Dương miếng thịt nướng, ăn cố đi con, thông minh lắm đấy, rồi ngó sang bà, cười, con nấu canh cho mẹ với mấy con tôm khô....
Nhiều tháng sau.
Mọi người thành tâm thu xếp ngồi vào mâm cùng nhau, nhưng tan ngay. Tân tống tất cả cơm, lòng, tiết, thịt vào một bát to, chan nước mắm cốt lên, cắt ba quả ớt chỉ thiên, rượu rót hẳn vào cốc hàng ngày dùng uống nước chanh, bưng ra cửa nhai, tu rượu, hai mắt nhìn đường cho rượu đỡ nhạt, lòng đỡ tanh. Thằng Dương cũng một bát. Giống bố, nhưng cốc uống nước chanh ngày mẹ còn sống nay là bia. Cũng bưng ghế ra một nơi nhưng không phải ngoài đường mà ra trước ti vi, bật kênh HBO xem phim Mỹ. Còn bà ngoại. Lóc cóc gõ mõ, lâu lâu dừng gõ, húp thìa cháo mát tận đáy ruột, gõ tiếp. Sáng nào cũng đặt nồi cháo, đậu xanh, đậu đen. Bát đầu tiên cho con gái. Lúc sống, con chẳng ngó ngàng đến mẹ. Bao tâm sức con dồn hết cho hai thằng đàn ông của đời con, mẹ có muốn chăm con cũng khó. Nay con lang thang đi mây về gió, hai thằng đàn ông lo thân không xong, sao biết cúng cho con bát cháo. Còn sống ngày nào thì nước mắt còn chảy xuôi ngày đấy. Mẹ sáng nào cũng mời con bát cháo thơm. Thôi thì bao năm xơi thịt, giờ húp cháo cho sạch ruột, nhẹ vía, đi đây đi đó cho đỡ tù túng.
Hai bố con từ ngày Luyến chết, mất luôn quan hệ cha con kính trọng lễ nghĩa, chuyển thành hai thằng đàn ông trong một nhà. Bố đứng bấm máy giặt, gọi ra: Ông còn cái gì thì ném hết vào đây, tôi quay luôn một thể. Con dọn bát ăn cơm, cầm chai rượu làng Vân sóng sánh cặn bên dưới, hỏi không ngẩng mặt: Ông uống rượu hay bia đây? Nếu bia thì còn, rượu thì hết, đưa tiền tôi đi mua. Hai người, lưng to phè, vai vuông, tóc dài trùm ngang dọc hiếm dùng lược chải, nhanh gọn mười tay cào cho xong, nhìn sau lưng, nghe đối thoại ông ông tôi tôi, cấm không biết thằng nào là bố, đứa nào là con. 
Luyến chết.
Tân được thẳng lưng ngồi hút thuốc. Ngày trước, khi thèm, anh phải vờ đi đây đi đó, miễn là thoát ra khỏi ngôi nhà, rít như nuốt chửng khói thuốc vào bụng cho nhạt cơn ghiền. Giờ thì Tân ngồi đâu, khói mịt mù quanh đó, không kém gì Lam Trường Đan Trường, hát càng hăng khói xịt từ đuôi càng mịt mù. Dương cũng tự do đắm mặt trong những đụn khói, thấy thơm thế này, sao ngày xưa mẹ hay hét lên như cháy nhà phát khói. Mấy lần rình ăn cắp một điếu, nhưng thấy bố bất ly thân bao Vina, cậu tập hút bằng cách nhặt lại những điếu Tân ném đi, cậu châm lại, hút gỡ. Mấy lần đầu, đắng nghét. Bao nhiêu cái thơm tho bố rít hết rồi, cái còn lại Dương hít khét lẹt mùi lông lợn cháy thui. Đến khi tự tay mua một bao, lại được đưa từ bàn tay mịn màng, những chiếc móng tay bé xíu sơn đỏ bầm của cô bé bán rong bên hồ, thì Dương thấy không gì ngon hơn nuốt khói vào bụng. Cô bé không biết từ đâu tới, cứ tối tối ngồi bày bán vặt xoài xanh, củ đậu, cá chỉ vàng, mực nướng. Toàn những thứ vặt vãnh, nhưng ấn tượng. Mùi ra mùi, vị ra vị, khách đông vòng trong vòng ngoài. Người ăn xoài xanh chấm muối ớt chua chảy nước mắt nhưng mũi lại hít hà hương cá chỉ vàng nướng. Mực một nắng, con nào cũng xinh xinh như mấy ngón tay cô chủ, quăn lại trong đĩa sắt đổ ít cồn 90 độ, bé lại bằng cái lá khô. Xé tơi ra, kéo phắt luôn nửa lít rượu. Từ ngày biết mua bao thuốc Vina đầu tiên trong đời, đích đến của Dương không còn là cây trứng cá trước nhà nữa, mà là góc nhỏ xíu của cô bé bên hồ. Chưa bao giờ Dương nói một câu với cô, nhưng ngồi bên cô hàng giờ, vẫn không đủ. Cô bé cũng hồn nhiên sai vặt mỗi khi khách đông, hai bàn tay xinh xắn như hai quả phật thủ bày biện, xếp sắp như múa. Rót giúp em cốc trà đá cho anh kia, cho bác kia cái bật lửa hộ em, ôi thôi chết, hết mất cồn nướng mực rồi, chạy ù ra bà bán thuốc tây đầu đường mua hộ em ba lọ... Dương làm hết, nhanh nhẹn như cậu và cô đã cùng làm những việc này từ rất lâu. Trời mưa, cậu ôm tất của nả chạy vào mái hiên, che chắn. Tạnh lại lốc thốc bưng ra. Cho tới ngày, một chiếc xe SH xanh biếc, từ đầu tới cuối xe rồng bay phượng múa, cưỡi trên đó là một chàng trai cao, gầy, tóc phần trên vàng, phần dưới xanh, những mụn trứng cá đỏ đỏ vàng vàng phủ đầy mặt làm hai con mắt chàng thêm phần biêng biếc xanh, hai cái ria hai bên mép tỉa kĩ, giật giật hiện ra, cô gái đang ngồi sau cái bàn gỗ con, tay cầm con dao Liên Xô nhỏ nhưng dài và nhọn, phi dao cắm phập xuống đất, nhảy qua mặt bàn ôm chầm lấy chàng trứng cá:
Anh được về rồi à? Lúc nào thế? Mất bao nhiêu cho nó?
Dương thẫn khuôn mặt trái bầu. Nhìn mãi. Đầu không nghĩ ra cái gì, lặng đi về. Tối hôm đó. Bố Tân đi Bắc Giang, đánh một mẻ về phục vụ bảy cái đám cưới vì năm Đinh Hợi, cưới nhiều đẻ lắm còn giành lộc trời, Dương làm hết chai Lúa Mới và hai gói Vina. Ruột nóng, cổ cháy, bụng cậu quặn lên từng cơn. Bên kia. Bà ngoại điếc gõ mõ to như đánh trống làm bên này thêm nung đốt. Cậu vùng dậy. Chạy ra hồ. Đang cuối xuân, đúng tiết nồm. Sương mù hay mưa bụi như nhau, tất cả chìm trong màn khói như trong phim cổ trang Trung Quốc. Không thấy thằng SH trứng cá bên cạnh. Cô bé vẫn tay phải tay trái bán hàng như múa. Không có đồ ăn đồ uống nào mới nhưng nhìn vẫn thèm. Dương ngồi phịch trước mặt cô, mắt lồi ra. Cô bé lâu ngày gặp người yêu bị giam chín tháng tội đánh người, ngộ sát tận Hải Phòng, nhờ ông chú làm to, biết đi đúng cửa nào cửa đó mở nên thoát án, phóng 80km/ giờ, về thăm em phúng phính thơm. Nàng không cười nhưng cái bụng đang sướng nên miệng toét rộng, không sao co lại. Dương ruột càng quặn, cổ càng đắng. Gầm gừ ngồi, nàng lại: Anh ơi gọt cho em quả xoài, rồi thái to to hơn hôm qua một tí nhé. Xong cái đấy, anh đổ hộ em ấm trà loãng ra cái gốc cây hoa sữa kia cho cây nó mát... Hai bàn tay cậu gọt, xoài xanh vỏ mỏng dao sắc sao vỏ không đi mà dao cứ bập vào thịt? Nghiêng cái ấm đổ trà, trà không ra mà rơi nguyên cái ấm, vỡ làm sáu mảnh... Cô gái không những không kêu, phá ra cười, hai mắt lóng lánh đen làm mấy cái răng thêm trắng, cái lưỡi hồng nhỏ xíu đưa ra thụt vào, chỉ muốn nắm giật tung ra cho rồi. Dương vùng phắt người, ôm choàng lấy cô bé, vật ngửa ra bãi đất trơn lì, hai chân cô chới với giơ lên vẫy chào mời gọi người đi qua. Dương ngoạm thẳng vào môi cô bé, cắn mạnh, rồi dí chặt miệng cô xuống, nhằm lôi bằng được ra cái lưỡi bé xíu, xem nó ra sao. Bố nó ngày xưa cũng nhờ có cắn mà lấy được mẹ nó làm vợ. Nó thì chẳng nghĩ xa, chỉ thấy cái bụng muốn cắn là làm. Cô bé giơ chân lên trời, rên ư ư rồi thè lưỡi mèo nhọn xinh cho Dương ăn. Bụng cậu quặn thắt, như ai nắm cái xương sống nằm giữa hai hàng xương sườn mà rút một cái như giật cái dây chỉ khâu của hai mảnh áo, rời tung ra.
Sau hai ngày cô bé về nhà Dương ở, bố Tân lừ lừ, đặt kịch chai rượu Lúa Mới đời mới loại to, kèm một cái tai lợn luộc cong cong như chiếc lá đa già xuống mâm, nhìn cô bé đang chổng mông chui vào lau gầm tủ dễ đến mấy tháng không ai ngó vào: Dọn cơm ăn đi rồi làm. Mâm cơm ngay lập tức chềnh ềnh giữa nhà. Lại bài ca bốn bát ba đĩa thủa nào. Gan xào, thịt luộc, nước dùng xáo măng, đĩa xoài xanh ngâm nước mắm ớt ngày xưa chưa có... Bố ngồi bên cốc rượu trắng trong đầy như nước lọc. Con cũng cốc vại, không rượu mà bia. Bà ngoại góp vui tiếng mõ cốc cốc bên kia tường vọng sang chát chúa như muốn phá tung, đập tan xem bên trong cái cục gỗ tròn ấy có cái gì. Cô bé ngồi chỗ Luyến ngày xưa, nghiêng bên phải ngày xưa: Tai lợn hôm nay dầy, cắn sần sật sướng cả răng, nhỉ anh Dương nhỉ? ngả bên trái ngày xưa, nhe răng xinh: Chú ăn ớt thế không sợ mù mắt bục dạ dầy à? Mai cháu ngâm cho chú lọ dấm, ít tỏi. Mỗi ngày nuốt vài nhánh, ung thư chỉ có mà tắt điện! Đêm xuống, thay vì ngồi mực nướng xoài xanh bờ hồ thủa hàn vi, giờ ấm êm trong nhà, sành điệu. Sau bao tháng ngày hai máy tính không bắn nhau chát chúa, máu giả tiền thật, giờ được lau trắng phau. Anh một. Em một. Bên em thì Mĩ Tâm tóc nâu môi trầm thời xưa hát sùng sục lửa. Bên anh Duy Mạnh thất tình, não nề đau thương trước nhà người yêu xúng xính đồ cưới về với chồng giàu, không cờ bạc, nghiện hút. Cô gái quay sang, ngậm ngùi: Thấy chưa, nghiện là khổ thế đấy. Đã mất nhà, khốn nạn, mất cả người yêu. Anh đừng nghiện, mất em đấy. Mấy thằng trước yêu lắm cũng vì nghiện mà em dứt áo ra đi.
Đêm xuống.
Tân một mình ôm gối tầng hai. Dương còng queo dưới đất. Cái giường chứng nhân lịch sử bộ ba úp thìa thủa nào, giờ cô gái dang thẳng chân tay, hồn nhiên khuôn mặt non tơ, miệng xinh bĩu bĩu, thỉnh thoảng cái lưỡi rắn nhọn nhọn hồng hồng đưa đẩy ú ớ mê. Hôm nào thằng SH nhiều trứng cá từ Hải Phòng phi nước đại về, cô bé cơm canh cẩn thận, bầy biện như thể hồn Luyến hiện ra sắp đặt: Xin phép chú, phép anh Dương, em biến mấy ngày. Xong việc, về ngay. Quần áo mọi người thay ra tống hết vào cái chậu, đừng đổ nước chóng bốc mùi, kinh lắm. Để nguyên đấy, về em giặt.
Thường những lúc đó, Dương chĩa khuôn mặt treo mấy trái bầu của mình về phía cô gái, không gật không lắc. Ngây nhìn.
Chỉ có Tân ậm ừ: Đi đâu thì đi, rồi nhanh nhanh mà về!
Tháng 3 năm 2007
N.T.T.H