Trang chủ » Truyện

CHUYỆN NĂM NGƯỜI ĐÀN BÀ

Dương Phương Toại
Thứ tư ngày 25 tháng 8 năm 2010 10:39 PM
Truyện ngắn

Trời hửng nắng. Gió bấc thổi vuốt ve khắp cánh đồng. Năm người đàn bà đang hí húi cấy. Bóng họ lung linh trên mặt nước lăn tăn những vòng sóng nhỏ. Vừa xỉa mạ thoăn thoắt vừa nói chuyện râm ran, thỉnh thoảng họ lại hát mấy điệu dân ca, những câu hát cổ từ những ngày xa lắc. Liệu chừng, chuyện của họ tự dưng chuyển sang hướng khác, như những làn gió lúc nhẹ nhàng, lúc cồn lên, lắng xuống. Thửa ruộng xanh dần dưới những bàn tay.
 Kéo mảnh khăn bịt kín đôi má ra cho thoáng, bá Miên thong thả nói, giọng âm ẩm:
- Bọn trẻ đi học buổi sáng cả lũ. Đến trưa có lẽ tôi phải ù về đổ cám cho đám lợn con đang dãu ăn. Ông ấy đi đám giỗ bên kia sông, hai, ba ngày vẫn chưa về. Khéo lại say vật vạ ở đâu, không biết chừng phải có người khiêng về! Hôm nọ say khướt ở đám giỗ cụ Là, về tới đầu xóm ngã xuống ao nhà chú Thoát, toàn chửi “nhà nào có cái ao không đạy vung lại để bố nó ngã thế này!”... Bá ước vô tư trong những chuỗi cười của cả ruộng: Kể cứ đi vắng mãi cho vợ con được nhờ!
-Ây chết! Sao bá lại nói vậy? Ông ấy đi vắng cũng buồn chứ? Chị Giếng cấy bên cạnh phản ứng.
-Buồn gì cái của nợ ấy! Suốt ngày say xỉn. Suốt ngày khật khưỡng như con hình nhân thế mạng!
 Vẫn chị Giếng, nhưng giọng tỏ vẻ giễu cợt:
-Nhưng tôi là tôi vẫn nhớ cái giọng rượu của các ông ấy lắm! Như nhà tôi đấy, mồm cứ dai như đỉa, nghe nhiều nó cũng hoá quen! Đi xa có khi lại nhớ như nhớ “dân ca và chèo”.
-Lão nhà tôi thì lại ít dai mồm, chỉ tội hở miệng là tục tằn, bốc xốc. Bà Hạnh nhổ bã trầu, đủng đỉnh gióng một: Nhưng uống rượu cũng thuộc hạng “thùng bất chi chứa”! Ngày nào lão ấy cũng “giáng thần” một chai sáu nhăm. Uống xong, xụp mắt, ngủ khoèo luôn. Rượu nó đè bẹp rúm, nhũn như con chi chi…Phải một lèo tới nửa đêm mới tỉnh. Cô Luận nhanh nhảu cắt ngang:
        -Thế là tốt!
-Tốt gì? Lắm hôm say mèm, gà gáy hết hơi rượu, lão mò sang, sột soạt như chuột chù, làm mất cả giấc ngủ đang ngon!
-Còn hơn nhà em! Cô Luận bắt lấy mạch, lái sang chuyện của chính mình, không hề ý tứ: -Bình thường thì chẳng cạy miệng được câu nào. Nhưng uống vào là tự nhiên lời lẽ ở đâu nó bốc lên, nói cứ như đài, còn hơn cả đài, thao thao bất tuyệt, lảm nhảm như cái đĩa “xê đê” hát vấp. Cứ đi khỏi nhà là y như mẹ con em được “giã bạn”. Để rồi “đến hẹn lại lên”! Người ngoài không biết, nghe tưởng cỡ tài ba, giỏi giang lắm! Ai biết được ngồi… dài chấm gio!…
 Như chạm phải nỗi niềm, ai cũng mỗi người một câu, ai cũng muốn chuyện mình được thổ lộ trước, xôn xao cả mặt ruộng. Thì ra chuyện của họ xoay quanh việc uống rượu, nghiện rượu của các đức ông chồng! Mà cũng đến khéo. Năm bà có năm ông chồng nghiện rượu, tuy cùng làng, khác xóm, khác ngõ, nhưng hôm nay họ lại cấy đổi công cho nhau trên ruộng nhà bá Miên. Họ được dịp bên nhau than thở cho nguôi ngoai nỗi buồn, cho xả nỗi uất ức của những trận phong ba hoặc những cơn mưa xối xả do rượu ngưng tụ trong nhà. Bà Hạnh giành vị trí câu chuyện dở dang:
-Trên đời có lẽ chẳng ai khổ như tôi! Ngày trước ông ta có đến nỗi thế đâu. Hồi ấy đã bảnh trai lại làm khoẻ, tháo vát, tán gái cứ như rót mật vào lòng. Tôi bỏ toàn những chỗ giàu có để theo anh ta. Lấy nhau, vợ chồng phải buông dầm cầm chèo, chân sào tay lái đầu sông cuối bãi mới nuôi được cả nhà qua bao đận đói kém… Mỗi từ khi con cái nhớn nhao, dựng vợ gả chồng cho chúng ra riêng tây, ông ta đâm nghiện rượu rồi đổ đốn thế này. Rượu vào là  tục tĩu, ăn nói ngang như cua, một mình một ý chẳng nghe ai. Quần áo hàng tháng trời hôi như cú cũng không thèm giặt. Ra đường, người đời không hiểu, họ cho là mình không quan tâm đến sự mặc của chồng. Có nằm chăn mới biết chăn có rận. Hôm nọ giáp ngày hỏi vợ cho thằng con thứ hai, tôi mua một bộ quần áo mới toanh mang về đưa cho để mặc, lão giội luôn một gáo nước lạnh: “Tao đã chết đâu mà mẹ con chúng mày sắm áo?” Thế có tức không? Lôi thôi, lão còn giơ nọ giơ kia thô tục trước cả mặt ông bà thông gia. Khách đến nhà, người ta thì trịnh trọng chè nước; đằng này lão bê hũ rượu ra múc như múc cháo khao quân! Tôi cứ cháy cả mặt mũi… Khuyên mãi vẫn không chịu cai, cáu tiết tôi bỏ ra ngủ riêng. Lão cũng tức, lắm đêm cứ đập cửa phình phình. Mặc. Hễ bỏ rượu thì tôi làm lành. Không thì còn khuya! Vậy mà vẫn tính nào tật ấy. Vẫn nốc rượu như nốc nước lã. Nằm bên, mồm lão xộc mùi chua sặc sụa. Hơi thuốc lào, hơi rượu, nó lờm lợm, thum thủm chẳng khác gì miệng hùm về sáng…Cứ thế mà dúi lấy dúi để vào miệng người ta, ai chịu nổi?
-Thím biết miệng hùm ư, mà ví ghê thế? Bá Miên cười ngặt nghẽo hỏi.
-Là người ta ví thế, chứ ai biết hùm nó làm sao! Các bà biết không? Có lần lão say quá về đến bờ mương đầu xóm, thấy mấy đứa trẻ đi học mặc áo trắng ngồi chơi, lão lại tưởng mấy bao thóc ngang đường. Mẹ cha nó! Đứa nào lại đem bao thóc ra đây để chắn lối ông? Thế là lão bê luôn một “bao” đặt xuống vạ mương, định dìm xuống. Đám trẻ sợ hãi hét lên. Dân xóm chạy ra cứu chúng, mắng cho một trận mà lão vẫn nhể nhả chửi người ta. Suýt nữa bị họ nện. Hôm sau họ đến mắng vốn mà tôi chua hết cả người.           
-Chưa bằng nhà em! Cô Luận cắt ngang: Thuở đời nhà ai, vợ đẻ, chồng đi đánh lưới ngoài sông. Chờ đến đoạn cữ vẫn không thấy con tép nào mang về. Trong nhà không còn một thứ gì ăn sống người. Em bỏ cháu cho bà ngoại trông, rồi lặn lội ra sông tìm. Lần khắp các bến không gặp. Có người trỏ lại đằng phía Bến Do-Cẩm Phả. Em lội bãi xuống tận nơi. Thì ôi thôi, anh ta đang nằm cò khoăm ngủ trong sạp thuyền. Đống bát đũa với đám bã vỏ cua, vỏ ghẹ luộc sau bữa rượu quăng chổng chơ. Tức quá, em vụt cho túi bụi. Thân gái đẻ, giơ tay mấy cái đã rụng rời đổ nốt. Hắn sững người ra chẳng bảo làm sao, mới càng lộn ruột chứ các bá!
-“Đức vua” nhà em còn tệ hơn chồng các bá nhiều! Cô Sen, có lẽ là người ít tuổi nhất nhóm, đứng thẳng dậy vặn lưng một hồi, rồi góp chuyện: Cứ mỗi ngày em phải dành ít nhất năm nghìn đồng cho con mua rượu. Không có cũng phải chạy. Những hôm vội quá, em không kịp lo, hắn bắt con ra tận ngoài đồng tìm em lấy tiền mua bằng được. Không có là y rằng về bị no đòn và chửi mắng thậm tệ. Vết thương hắn đánh em ngã sấp vào cửa giại hãy còn đây này! Cô Sen vạch khăn hở một vết sẹo ngang chỗ thái dương: Những ngày tháng khó khăn, vãn việc đồng, em phải vào rừng Yên Lập vác gỗ về chợ Đông đong gạo. Người ta trích tiền ra nuôi lợn chứ em lại chắt tiền ra nuôi ông “Phật sống”. Bây giờ càng ngày hắn càng khốn nạn. Rượu về, một mình một cỗ rinh rinh. Mẹ con em phải ăn thui thủi dưới bếp. Đã không chịu làm ăn, hắn còn hành hạ em đủ điều. Tháng trước, đánh bạc thua, hắn ra đồng lôi bằng được em về. Tới nhà, trỏ cái chai cạn khô: “Rắn ráo đẻ thế này à?”, hắn cầm lên định giáng em. May mà em chặn được tay hắn lại rồi giật cái chai, té đi mua rượu cho yên chuyện. Nhưng nào có yên! Bữa ấy say bí tỉ, hắn rủa em là đồ vợ hèn, không biết chiều chồng! Có mà giời chiều cái loại người chỉ biết nốc say, các bá ạ. Uống rượu, người ta uống gọi là cho dẫn máu, cho khoẻ để ăn ngon, để làm việc, chứ ai lại uống để lú lẫn, cuồng điên đánh đập vợ con? Có lần hắn còn bắt em cởi hết quần áo, trần như nhộng bưng đồ nhắm đứng hầu bên cạnh như cung nữ hầu vua chúa ngày xưa. Các bá xem có tệ không? Vậy mà em phải ngậm đắng nuốt cay phục dịch. Nếu chống lại là hắn thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Hắn đi vắng, căn nhà tạnh hẳn những cơn mưa lê thê sặc mùi rượu tưới xuống đầu vợ con bất cứ lúc nào!…Bỗng dưng không ngăn nổi tủi hờn, Sen bật khóc nức nở: Giời ơi, có ai khổ như tôi?
 -Thôi! Em ơi! Nín đi, cố mà nhịn. Nếu thay được như thay cái áo, thì chị đây đã vứt cả lão ấy nhà chị đi rồi!
-Tôi cũng vậy. Chẳng qua vì đám con dằng díu mà chị em mình phải thân lươn chẳng quản lấm đầu!
- Đã trót chịu được cả ngày từ sáng đến chiều, còn một quãng từ chiều về tối, cố mà chịu dại! Chứ như đám trẻ bây giờ lôi thôi nó phăng teo luôn! Xóm tôi có vợ chồng thằng cu Sam con ông phó Sãi có nghề thợ mộc hẳn hoi, sáng giơ rìu, chiều kéo cưa là có gạo có tiền... Vậy mà thằng chồng nghiện nặng, lấy rượu thay nước, mê man chẳng chịu làm gì. Con vợ nó cáu sườn cắt béng liền. Nó bỏ theo thằng khác, giờ nghe đâu lại nhà cao cửa rộng, trông y Việt kiều về nước!
-Cảnh em cũng đâu kém các chị. Đúng là “cá chuối đắm đuối vì con” mà chị em mình phải chịu nhục vì chồng nát rượu! Chị Giếng vào cấy luống mé bờ, quay lại nhặt mấy chiếc mạ quăng sang bên này cho bá Miên và bảo: Các bá, các cô lặng yên, em kể cảnh nhà em cho mà nghe xem có giống cảnh các bá, các cô không?
-Chồng cô cũng vậy cơ à?
-Ma men nó chẳng tha ai!
-Để em kể đã! Trước đây chúng em sống cũng hạnh phúc lắm! Đầu mày cuối mắt nồng nàn tấm yêu. Đi đâu cũng sóng đôi loan phượng. Anh ta cũng thuộc hạng ăn chơi “cổ cứng” hàng xã chứ kém cỏi chi ai. Kính cơn đeo. Bút máy gài túi. Mũ phớt đội lệch. Xe đạp Favôrit lượn vi vu. Thuở trẻ có biết uống đâu. Chỉ vài hớp đã quay lô quay lốc như con gà động kinh. Vậy mà nay đám cưới mai đám cheo, theo bạn theo bè, chú một chén, anh một chén, rồi sinh nghiện nặng, khề khà ông cụ non, không có không chịu được. Hai hàm răng trắng tinh như ngọc, mà rượu nó cưa mất lúc nào không hay. Em bắt cai mấy lần, xong lại đâu đóng đấy. Thế mới biết bác Nguyên bác trưởng nhà em bác ấy giỏi thật, giao tiếp xã hội rộng rãi hàng huyện hàng tỉnh, mà thuốc không hút, rượu không ham, cờ bạc không màng…Còn nhà này “chuột không hay, lại hay ỉa bếp”, quá đà thành “Chí Phèo đời mới”. Càng ngày càng quá thể. Có lần, em đang bán mớ cá đồng ngoài chợ. Hắn mò đến xin tiền. Em tức quá không cho, vì mới sáng ra chưa ai mở hàng, chưa được đồng nào. Không ngờ hắn lấy cả bàn chân dép day nát đám cá của em. Cả chợ ai cũng phát khiếp… Rồi say, chửi đổng toàn thằng tây thằng tàu; chán ra lại chửi vợ con, chửi tuốt cả mẹ vợ, anh em, chú bác. Đám giỗ, đám ma nhà nào cũng thuộc, cũng vờ vịt mò vào. Tiếng đem đến tai, em phát xấu hổ. Ngày xưa có anh chàng nướng khoai ăn vụng vợ, thì bây giờ chồng em vác hẳn thóc bán trộm trừ rượu uống dần. Thuở đời nhà ai có bao thóc giống, hắn cũng đem bán mất từ bao giờ, đến lúc ngâm mạ mới hỡi ôi thóc bay đằng nào! Có khổ tôi không? Đến nỗi đám con nhà em chúng phải trói bố vào thành giường, không cho lộng hành. Đến nỗi nhà cửa vắng hoe, họ hàng, bạn bè không ai dám tới. Ngay cạnh nhà em, tay Vựng “ Thần Lưu Ly” vừa mới chết vì vỡ gan. Gương tày liếp mà hắn đâu có chừa!…
Nghe mọi người giã nả chuyện đời riêng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, thật chẳng ai giống ai; có chăng giống ở chỗ chung một bệnh ma men di căn mãn tính… bá Miên càng tủi chạnh cảnh nhà mình. Bá nghĩ bụng: Các cô các thím chưa thấm vào đâu so với tôi. Tôi có chồng mà cũng như không! Rượu đã làm tê liệt hạnh phúc nhà này từ hai chục năm nay. Hai chục năm, ông Kha, chồng bá lặng lẽ như chiếc bóng để rượu gậm nhấm cuộc đời. Hai chục năm, đôi má bồ quân cùng vòm ngực căng đầy sức xuân của bá tái dần, lép dần trong đêm đông lạnh lẽo.
Ngày ấy, Miên là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng nhất trong nhóm nữ sinh. Nhiều bạn trai cùng lớp, khác lớp để ý thương vụng nhớ thầm, rồi ngỏ lời. Miên bâng khuâng chưa kịp chọn ai thì Kha xuất hiện trong bộ quân phục từ quân ngũ trở về. Kha điển trai, cao ráo, nói năng nhẹ nhàng, phong cách. Ngay hôm đầu đến nhà Miên, cha mẹ cô đã tấm tắc khen và đồng ý cho Kha đi lại tìm hiểu con gái. Thậm chí mẹ cô còn bảo: Con lấy được thằng này có thể sướng cả đời vì trông nó hiền lành, phúc hậu…
Những năm tháng thanh xuân quả là vợ chồng đôi trẻ Miên Kha hạnh phúc thật sự. Đi đâu người ta cũng nhìn theo tắc tỏm cái cặp uyên ương này vừa đôi phải lứa, trông khít khao như đôi đũa ngọc đặt trên mâm vàng! Vợ chồng làm ăn tần tảo, sắm được một con thuyền đánh chã tôm ra khơi vào lộng. Chẳng mấy khi cửa nhà phát tài phát lộc, dư ăn dư để. Hằng đêm kéo lưới, Miên mua rượu và ngâm cả rắn, tắc kè, mã kích, táo tàu… mang theo ra biển cho Kha nhấp giọng để ấm bụng. Mùa gió bấc tông tông, nhấp ngụm rượu, người nóng rực lạ thường. Kha kéo lưới rất khoẻ, rất được việc và tỉnh táo lướt thuyền băng băng trên những ngọn sóng bạc đầu.
Lâu rồi thành quen. Bữa nào Kha cũng uống. Lỡ bữa là nhớ. Nhớ ghê gớm. Anh từng thốt lên nhớ rượu như nhớ người yêu đang độ nồng nàn! Từ uống bằng chén, tiến tới Kha tu bằng cốc, ừng ực nuốt như tu nước lã. Rượu vào đến đâu biết đến đấy, râm ran và cháy bỏng, lan toả và thèm khát. Từ một “dũng sĩ diệt Mỹ” xông pha nơi chiến trường, gạt mọi hòn tên mũi đạn trở về hậu phương nguyên lành; từ một chàng ngư phủ oai phong trước biển cả…Kha gục ngã, hoá một con ma men nhũn nhèo, lười biếng và phó thác, kệ đời! Lạ thay, rượu ngấm vào ruột như một ma lực kỳ quái. Rượu có sức công phá cả một toà thành xuân sắc! Kha từng bê bết lăn lóc ngoài đường, người ta phải xốc nách bế về trả cho Miên. Miên cũng từng bị gọi giật trong đêm khuya ra đón chồng về như đón một xác chết. Nhiều đêm Miên chỉ biết khóc, trách cứ số phận trớ trêu. Chỉ tại mình quá ư chiều chồng nên mới sa vào cảnh ngộ này? Uất quá, cô từng viết đơn ly dị và bỏ về nhà mẹ đẻ nhằm dụng ý cho Kha biết lễ độ. Dễ đến cả năm trời Miên không đoái hoài. Nhiều kẻ còn vương vấn với Miên tranh thủ gặp Miên tán tỉnh. Nhưng cô còn bụng dạ nào! Còn Kha, một mình lang thang hết nhà anh em này đến chị em kia, bỏ mặc mấy đứa con nheo nhóc. Mọi người thấy vậy đều khuyên can Kha cai rượu, giữ lấy hạnh phúc gia đình, nếu không vàng sẽ tuột khỏi tay! Tỉnh rượu, Kha đến quì lạy bố mẹ vợ và van xin vợ tha lỗi. Kha phục xuống ôm chân Miên và xin hứa từ nay…Đàn bà thường nhẹ dạ và cả nể. Nghĩ thương hại Kha, Miên mủi lòng xách khăn gói về lại nhà chồng. Nhưng chỉ năm sau, con sâu rượu lại bò khắp người Kha quyến rũ và hành hạ. Một đêm, đang ngủ, Miên nghe một tiếng “rầm” ngoài cửa. Cô giật mình nhào ra. Chao ôi! Kha ngã nằm sóng soài ngay trên thềm, ằng ặc giãy đạp, mặt úp xuống rãnh nước, đầy máu. Cô hốt hoảng gọi con dìu chồng vào nhà. Dặt dẹo đến được giường thì Kha bất tỉnh. Vừa xát muối đánh cảm, vừa xoa bóp cứu chồng, Miên nghẹn sững nơi cổ họng: Sao lại vô phúc thế này? Chồng ơi là chồng!
Hôm sau thức dậy, Kha ngơ ngác như người trong mộng. Miên thuật lại sự tình. Kha cười ngớ ngẩn, không ra tiếng. Đến bữa cơm, Miên đem chai rượu còn lưng nửa ra để cạnh mâm, đối diện với mình và Kha ở giữa. Miên cởi áo, giằng xé, bóc cả lần áo lót, để lộ đôi bầu vú còn trắng hồng, mâng mâng, chín mọng. Nắng chiều sáng rực trên da thịt. Từ nơi ấy tưởng hắt ra một ma lực diệu kỳ! Miên cố nén khỏi bật khóc thành tiếng và nghẹn ngào nói:
-Đây! Một bên là vợ, một bên là chai rượu. Rượu và vợ, cả hai đều là vợ. Bây giờ, anh chọn vợ nào? Tuỳ anh, cho tôi biết đường!
Kha giương đôi mắt nhìn trô trố hết bên này sang bên kia. Đôi mắt đen láy tinh anh một thuở đang chuyển màu trắng dã. Miên hồi hộp nhìn vào đôi mắt ấy, vừa thương vừa giận đến cháy lòng. Đã lâu lắm, đôi mắt ấy không nhìn Miên âu yếm, ngây dại trong đêm như những tháng năm sôi sục buổi xuân thì. Miên hy vọng đôi mắt ấy sẽ dán vào bầu ngực ưng ức đầy xúc cảm. Nhưng bất ngờ, vói tay nhanh tắp cầm chặt lấy cổ chai giấu vào nách như sợ ai cướp mất, Kha đứng phắt dậy tuyên bố xanh rờn: Ta chọn vợ này! Rồi đủng đỉnh bước vào nhà tu từng ngụm ừng ực trong ánh nhìn tuyệt vọng của Miên…
-Đấy! Chồng tôi thế đấy các bà các cô ạ! Tôi hy vọng bao nhiêu, lại càng thất vọng bấy nhiêu. Bây giờ không thể chữa được nữa rồi! Bây giờ quá mù ra mưa, hắn cố uống để chết cho nhanh mà không chết được. Em cũng đành quên… Có chồng mà cũng như không! Việc nặng việc nhẹ, một mình, một tay em kéo hết!
-Vì rượu mà phí cả tuổi hồi xuân, phải không bá? Dịu dàng, hơ hớ thế kia, bao nhiêu gã rỏ dãi, mà bác Kha lại cầm nhầm chai rượu! Cô Luân cười khục khục, láu lỉnh trêu Miên. Miên ngao ngán: -Làm gì có xuân nữa mà hồi với chả xuân! Giọng nói có vẻ chán chường, khô lạnh. Nhưng thực ra lòng bá xót bời bời. Bà Hạnh thắc thỏm kêu:
-Ngâm trong rượu, đến con rắn cũng kiệt cả xác. Thế mà dạ dày các bố chứa được, như quét xi măng vào thành ruột. Tính ra các bố uống dễ tới hàng phuy rượu. Chẳng khác gì voi uống nước chậu. Của nả, sức lực nào chịu nổi?
-Gớm! Đến cái đoạn bá ly dị, sao giống em thế? Cô Luận quay sang nói với bá Miên: Một lần, em tức quá cũng viết đơn đưa cho hắn nhà em ký. Hắn lè nhè bảo buồn ngủ quá, không đọc ra chữ, để mai dậy tao ký. Sáng hôm sau cơn giận tan đi, em cũng quên mất luôn cả đơn với từ…
-Quái lạ! Nhiều người họ cũng uống, uống lấy vui lấy vẻ, uống để vợ đẹp con khôn, gia đình êm ấm. Mà sao bọn đàn ông chồng chúng ta lại hèn đớn, mê muội đến vậy? Uống để mà dài đời, chứ đâu uống để biến thành con sâu chui vào lòng hũ cho ngắn đời? Mà họ cứ lao đầu vào cõi chết và làm khổ người khác! Bá Miên nén giọng ngậm ngùi: Các bà các chị biết không? Hôm nọ nghe ông giáo Tỉnh người làng Cốc nói mà tôi tủi hổ vô cùng!
-Ông ta nói làm sao mà bá phải tủi?
-Ông ấy bảo: năm ông đàn ông làng mình làm hỏng cuộc đời năm người đàn bà, năm đoá hoa khôi của các làng mang đến!
Năm người đàn bà lặng đi trên ruộng lúa vừa khép lối cấy cuối cùng:
         -Nghĩ đúng quá đi thôi! Chị em mình suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, để cho các ông ấy quanh năm liu khiu.
         Bà Hạnh chua chát:
         -Lúa thì cứ xanh, cứ chín. Còn chị em mình bao giờ vợi đi nỗi khổ? Chao ôi! Năm ông đàn ông! Năm đấng mày râu! Sao các ông nỡ vô tình với cánh đào liễu chúng tôi?