Trang chủ » Truyện

CÓ MỘT DÒNG SÔNG

Trần Ngọc Dương
Chủ nhật ngày 15 tháng 8 năm 2010 7:36 PM
                                                                    
Truyện ngắn
 
Mặc dù tập luận văn được đóng bìa cẩn thận, tôi vẫn quyết định quay về Quảng Ninh, xem lại điều  minh hoạ trong đề tài tốt nghiệp. Khi biết mục đích của chuyến đi , bạn bè cùng phòng bàn tán góp ý:
- Ai nỡ bắt bẻ một ví dụ lấy từ quá khứ.
-Với một dòng sông bé tẹo không có tên  trên bản đồ, việc nó bị tắc nghẽn nay được khơi thông chẳng có tác động gì lớn đến đời sống xã hội.
 Có người khuyên chân thành:
-Luận văn: " Vai trò của luật  môi trường trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần" thiếu gì dẫn chứng từ các phương tiện thông tin đại chúng . Muốn sinh động  có sức thuyết phục cứ lấy ngay nạn hạn hán  lũ lụt ở miền trung mà phân tích , chứng minh. Đề tài đạt điểm ưu là cái chắc. Cần gì phải đi hơn 200 cây số đến tận nơi heo hút ấy, chỉ để xem lại điều chẳng mấy ai thèm quan tâm...
Cũng có đứa trêu chọc:
- Nàng vừa đi chưa đầy tuần, chàng  nhớ phải viết thư  gọi về. ích kỷ quá đi thôi, biết người yêu sắp thi tốt nghiệp chẳng chịu để yên.
Mọi người nói đều đúng cả, nhưng tôi vẫn lẳng lặng chuẩn bị hành trang cho chuyến đi.
**
 Ngồi trên xe, tôi giở phần ví dụ trong chuyên đề ra đọc : "...Trong thời kỳ đầu chuyển đôỉ từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp  sang nền kinh tế  thị trường. Tình hình khai thác than ở Quảng Ninh phát triển rầm rộ đến mức không kiểm soát được. Do có nhiều thành phần kinh tế làm than, gây rối loạn về cung - cầu than trên thị trường. Lao động từ các nơi đổ dồn về đủ các thành phần phức tạp, công tác quản lý hộ khẩu gặp muôn vàn khó khăn. Các tệ nạn xã hội có điều kiện phát triển.
 Xuất phát từ mục đích thu lợi nhuận tối đa trong sản xuất kinh doanh. Một số thành phần kinh tế tham gia khai thác than khi không đầy đủ các yếu tố kỹ thuật công nghệ cần thiết. Một mặt do khai thác bừa bãi , không tuân thủ theo  trình tự kỹ thuật trong sản xuất đã dẫn đến những hậu quả xấu.  Tai nạn lao động liên tiếp xảy ra. Môi trường bị huỷ hoại nghiêm trọng, nhiều héc ta rừng bị phá huỷ, hàng trăm nghìn mét khối đất đá từ các bãi thải theo  dòng chảy trôi xuống đe doạ cả một vùng rộng lớn dân cư sinh sống. Thậm chí lấp đầy cả một dòng sông..."
 ...Con sông ở mọi vùng quê dài ngắn khác nhau, nhưng đều có chung một qui luật "Bên bồi, bên lở" . Từ bao đời nay, nạn lũ lụt luôn gắn liền với những dòng sông. Lũ lụt gây cho con người nhiều tai hoạ khủng khiếp. Nhưng khi nước rút, để lại lớp phù sa màu mỡ. Cây cối đâm chồi nảy lộc, mùa màng bội thu . Còn ở quê  tôi  chính con người làm đảo lộn qui luật trên. Nước đến đâu, đất đá tràn đến đó, lấp kín  mọi chỗ trũng. Khi nước rút, cả một vùng xác sơ trông như con đường Trường Sơn sau nhiều trận bom B52 thời đánh Mỹ. Nguồn nước bị nhiễm a xít đến mức khó mà có một sinh vật nào sống nổi.
Dòng sông  không gầm réo, cũng chẳng thì thầm, nước còn đâu để trăng trôi. Gió thổi, cát bụi mù trời. Đâu  rồi, dòng sông chúng tôi thường ngụp lặn? Cái hốc đá ven bờ, nơi chứng kiến bao kỷ niệm buồn vui, nơi số phận gắn bó hai đứa từ những ngày thơ dại giờ chìm sâu trong đất đá. 
Quên làm sao được mùa hè năm ấy, cái năm nạn trốn ra nước ngoài tràn đến quê tôi như một cơn lốc. Dạo đó, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ dại khờ. Vậy mà đã biết rủ nhau giấu mình vào hốc đá đúng lúc cả hai gia đình xuống tàu vượt biên.
Khi bóng con tàu lầm lũi lẫn vào màn đêm, tôi chợt tỉnh gọi toáng lên:" Mẹ ơi! " và bật dậy định lao theo. Anh vội vàng ôm   ghì lấy, mặc tôi giãy giụa, cào cấu. Dưới chân chúng tôi là dòng sông sâu thăm thẳm đang chảy xiết.
**
Nhà hai đứa ở khu tập thể liền tường nhau, mặt tiền giáp đường quốc lộ , chung các công trình phụ. Lúc tôi chào đời, anh lên ba tuổi, cái tuổi mà người lớn có thể sai vặt được. Khi mẹ tôi nấu bột, bà thường nhờ anh chơi coi chừng tôi té ngã. Mẹ bao giờ cũng nấu nhiều hơn, để phần anh trong soong.
Sau này, chúng tôi mỗi người có thêm một đứa em . Người lớn ít quan tâm chú ý đến,  mặc kệ bọn tôi thoải mái chơi đùa tha thẩn.  Một lần, chúng tôi rủ nhau đi chơi ngược lên phía đầu nguồn. Sông ở đây hẹp, cây cối hai bên bờ rậm rạp um tùm. Nước trong vắt nhìn thấy cả vân của từng viên cuội nhỏ dưới đáy. Từng đàn cá nối đuôi , thi nhau đớp những bông hoa rừng nhỏ li ti trôi trên mặt nước. Tôi rủ anh:
 -Bờ bên kia có bụi hoa móng rồng, chúng mình sang lấy đi.
 Hai đứa qua sông bằng chiếc mảng tre của người thợ sơn tràng, anh dặn tôi:
 -Em ở lại chơi coi mảng, để anh đi lấy.
 Ngồi một mình buồn, tôi lấy sào nghịch chọc đuổi lũ cá. Mải mê đến nỗi đảy mảng trôi ra giữa dòng lúc nào chẳng hay. Tôi loay hoay không biết làm cách chi cho mảng cặp bờ. Đến lúc nó lao nhanh theo dòng chảy tôi mới hét toáng lên gọi anh:
 -Anh ơi!  Mảng trôi rồi!
 -Em ngồi im, đợi anh.
 Anh chạy một đoạn rồi lao xuống nước bơi đuổi theo, lúc bám kịp đuôi mảng đuối sức chững lại giơ tay với. Tôi vội vàng nằm xoài ra, một tay nắm vào đoạn  tre ngang dùng nẹp mảng, tay còn lại đưa cho anh, anh túm chặt. Tôi lấy hết sức kéo anh về phía mình. Chẳng hiểu do tôi lôi hay anh tự trườn lên được. Chúng tôi ngồi cạnh nhau thở dốc từng hồi, mặc cho dòng nước đưa đi. Anh móc túi đưa tôi một bông hoa móng rồng mới he hé nở đang toả hương ngào ngạt. Hồi lâu gặp triều lên, hai dòng nước ngược chiều  tạo thành dòng chảy mới đưa chúng tôi cặp bờ. Anh túm bụi cây gần nhất giữ cho mảng dừng lại. Đợi tôi an toàn trên mặt đất anh mới nhảy lên, bỏ mặc chiếc mảng bồng bềnh theo dòng nước. Đến lúc này cả hai mới run, mới thấy hết mức độ nguy hiểm mà mình vừa trải qua. Chúng tôi nằm ra hốc đá, đầu tiên định nghỉ một tý cho đỡ mệt rồi tìm đường về. Vậy mà ngủ thiếp tới tận chiều hôm. Lúc chúng tôi có mặt ở nhà mới biết cả phố đang nháo nhác phân công nhau đi tìm.  
Hôm hai gia đình thầm thì bàn chuyện vượt biên, chúng tôi nghe lỏm được. Ông nội anh và ông ngoại tôi cương quyết không đi. Chẳng biết người lớn tính toán chi, họ đâu có để ý đến nguyện vọng người già. Không lay chuyển được ý định của các cụ, mọi người vẫn ráo riết chuẩn bị.
Một bận đi học về, gặp anh thập thò ở cửa, tôi kéo tay anh:
-Sao anh không vào nhà?
Thấy chúng tôi, hai ông vội vàng đưa tay dụi mắt. Những giọt nước mắt trên khuôn mặt người già không rớt được xuống, nó thấm vào các nếp nhăn, nỗi đau loang ra nhưng vẫn còn nguyên vẹn
Ông  anh - Một người thợ nguội có đôi bàn tay vàng. Bọn trẻ con cùng phố phát ghen lên khi thấy đồ chơi của chúng tôi do ông làm ra. Còn ông  tôi dạy học từ thời Pháp, trong nhà  có một tủ sách đầy ắp.  Chúng tôi nghịch gì thì nghịch, nhưng cấm đứa nào dám bén mảng đến tủ sách . Đông tây kim cổ ông thuộc làu. Nhiều đêm , nằm cạnh  nghe  ông kể chuyện  hai đứa ngủ khì lúc nào không hay.
Chẳng biết có phải do bố mẹ chúng tôi sinh con một bề  mà ông ngoại  rất quí anh; Còn ông nội có gì cũng để phần tôi. 
 Đồng lương hưu của hai ông không đủ cho chúng tôi ăn học. "Cái khó ló cái khôn" Ông tôi hy sinh tủ sách tìm kiếm thêm đầu truyện mở hiệu cho  thuê. Bên nhà anh, gắn biển sửa chữa xe đạp, xe máy. Ông cháu chúng tôi lần hồi nuôi nhau. Những lúc rảnh rỗi ,hai đứa rủ nhau ra sông, ngồi nép mình trong hốc đá nhìn về hướng con tàu  ngày ấy ra đi.
 Học xong cấp ba, anh không nghe lời ông nội đi thi đaị học mà xin vào mỏ làm. Anh nói:
 -Sau này vừa làm vừa học cũng được.
 Năm ông anh mất, chẳng phải để ông ngoại giục - Tôi mặc đồ chịu tang cùng anh
 Thấy tôi có ý định theo gương anh xin đi làm. Ông ngoại nghiêm khắc:
 - Cháu phải học xong đại học ông chết mới nhắm mắt.
 Tôi ngần ngại:
 - Học ở Hà - Nội tốn kém lắm, ông lấy gì nuôi cháu
 -Cháu không phải băn khoăn về chuyện tiền nong, cứ yên tâm mà học. Lương hưu đủ ông sống, tiền cho thuê sách cũng khá, hàng tháng ông gửi lên cho. Vả lại, ông còn tiền tiết kiệm nữa, cháu đừng lo.
 Anh nhẹ nhàng:
 - Vừa làm vừa học vất vả lắm, nhưng với sức em cũng có thể  kham được. Phải một nỗi, chẳng có lớp tại chức nào trong ngành mỏ phù hợp với nguyện vọng của em - Quay sang ông anh nói tiếp - Ông cứ gửi cả tiền hưu lên cho em, lương của cháu , với thu nhập làm thêm bên nhà cũng đủ  để ông chaú mình phong lưu .
 Anh kế thừa ông nội đôi bàn tay, tính cần cù, cẩn thận, chịu khó, cộng với trí thông minh ham học hỏi của mình. Cửa hàng sửa chữa xe đạp, xe máy  của anh không lúc nào hết việc.
 Năm tôi học xong đại cương, anh bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp kỹ sư mỏ. Cũng đúng năm đó bố mẹ chúng tôi từ Ca Na Đa trở về. Các ông bố bà mẹ ngạc nhiên  khi thấy chúng tôi mang sổ tiết kiệm còn ghi đủ số tiền  họ gửi . Ông cháu tôi ngay từ đợt đầu nhận được giấy báo lĩnh tiền đều thống nhất ý định - Cương quyết không động đến dù chỉ một đồng
 Chúng tôi từ chối thẳng thừng ý định bảo lãnh ra nước ngoài của hai gia đình.
**
 Thư anh gửi cho tôi vẻn vẹn có một dòng  : "Ngày may bọn anh tiến hành nạo vét dòng sông và phủ xanh đồi trọc " Tôi biết để thực hiện được những công việc trên, các doanh nghiệp nhà nước phải bỏ ra hàng tỷ đồng. Có nghĩa là giá thành một tấn than sản xuất sẽ tăng, lợi nhuận kém. Thu nhập của lao động trong đơn vị giảm, đời sống của gia đình những người làm công ăn lương gặp không ít khó khăn. Nhưng xét cho cùng, đây cũng là một hình thức phân phối lại cho tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Tôi phải trở về , trở về bên anh chứng kiến cảnh dòng sông được hồi sinh.
 Mai sau, khi các con tôi cùng bạn bè dạo chơi dưới rừng cây rợp bóng mát, chúng không nhớ chính xác những con số hôm nay chúng ta làm ra: Bóc đi X mét khối đất đá, lấy được Y tấn than, thu được ... tỷ đồng. Nhưng chắc chắn chúng chẳng quên: "Ngày khu rừng được tái sinh." Cũng có thể các con tôi không sinh sống ở cái thị trấn nhỏ bé ven sông này nữa. Mỗi khi nghĩ về quê hương, chúng sẽ kể cho lũ bạn nghe một câu chuyện đã trở thành huyền thoại :" Ở quê tớ có một dòng sông..."