Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đại Gia & Nhà Từ Thiện

Huy Đức
Thứ bẩy ngày 24 tháng 1 năm 2009 4:15 AM

“Tấm lòng” là từ vẫn được thường dùng, nhất là những ngày Tết đến. Thật ấm áp khi tình người được khơi gợi. Nhưng, cũng không khỏi chạnh lòng khi ngồi lật lại, thấy trên truyền hình và trên vài tờ báo, có những hình ảnh về không ít phụ nữ, trẻ em, được nói là “nghèo”, tay cầm những gói quà nhỏ bên cạnh những tên tuổi lớn của các đại gia; có tấm hình chụp hàng chục “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” ngồi xếp hàng dài, trước mặt mỗi cụ là một thùng quà, những thùng quà dùng để chụp hình ấy trị giá có khi chỉ có vài chục nghìn đồng bạc. Không chỉ với “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, ngay cả những người ở hoàn cảnh chờ đợi cứu trợ từng đồng, thì việc để họ đỡ một đầu thùng quà, nhà từ thiện đỡ một đầu, cũng không phải là một hình ảnh đẹp trên đài, trên báo.
Cách sử dụng tiền bạc cũng cho thấy ai là người thực sự làm từ thiện. Trong một buổi đấu giá “vì người nghèo”, có “đại gia” đã mua một bức tranh với giá 10 tỷ đồng. Đây không phải là một trường hợp hy hữu, một bức tranh khác cũng đã được mua với giá 9 tỷ đồng và một bức ảnh được mua với giá một triệu đô la Mỹ. Cách làm từ thiện của đại gia Việt Nam đúng là vung tay hơn Bill Gates. Năm 2006 khi sang Việt Nam thăm và làm từ thiện theo “gợi ý” của một nhà lãnh đạo ta, Bill Gates chỉ chi 10 nghìn đô la cho 10 học bổng. Năm 2007, khi trở lại, Bill Gates cũng chỉ chi thêm 245 nghìn đô la cho chương trình tiêm vắc-xin ngừa ung thư tử cung. Theo ông Gates, thì tiêu tiền cũng phải “theo cách làm đúng đắn”.
Thật đáng trân trọng khi những người giàu đưa tiền cho người nghèo. Nhưng, nếu như Bill Gates làm từ thiện vì quỹ riêng của ông có gần 30 tỷ đô la, thì nhiều “đại gia” Việt Nam tung hàng chục tỷ ra trong khi tiền nợ ngân hàng vẫn còn chồng chất. Có những đại gia địa ốc vẫn “làm từ thiện” tiền tỷ ở trong thời điểm thị trường “đóng băng”, ngay cả tiền lãi ngân hàng hàng tháng cũng đang phải khất lần, khất lữa. Không phải ngẫu nhiên mà số tiền làm từ thiện đôi khi lại lệ thuộc rất lớn vào tỷ lệ chức quyền của người đứng ra vận động. Có lẽ cũng cần phải tìm một tên gọi đúng đắn cho những đồng tiền được chi trước hàng triệu khán giả truyền hình và trước mặt các quan chức tham gia.
Quan tâm đến người nghèo là điều cần thiết, không chỉ vì lý do nhân đạo. Nhưng, sử dụng quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị để vận động tiền cho các quỹ từ thiện lại là một vấn đề nên bàn. Một nhà lãnh đạo đứng ra vận động tiền bạc của các nhà doanh nghiệp cho dù chỉ để làm từ thiện cũng không tránh khỏi những ràng buộc cá nhân dẫn đến xung đột quyền lợi trong khi thi hành công vụ. Mặt khác, vai trò của các nhà lãnh đạo ấy là chịu trách nhiệm trước muôn dân, phải hoạch định các chính sách quốc gia sao cho khoảng cách giữa hàng triệu người giàu và hàng chục triệu người nghèo được thu hẹp thay vì chỉ trao quà cho một vài con người cụ thể.
Không phải tất cả các đại gia vung tiền theo cách mà chúng tôi vừa đề cập đều chỉ để mua danh hay để che dấu những vấn đề về tiền bạc cũng như về pháp lý. Có nhiều nhà doanh nghiệp đã âm thầm xây trường học, bệnh viện hàng chục năm qua với số tiền tổng cộng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Và, cũng có nhiều nhà doanh nghiệp muốn làm từ thiện mà không biết chi tiền vào đâu cho hiệu quả. Tỷ phú Mỹ, Warren Buffet dành hơn 30 tỷ để làm từ thiện nhưng ông không mang số tiền ấy cho nhà nước. Ông cũng không cho quỹ của Cựu Tổng thống Bill Clinton. Buffet đã đưa toàn bộ số tiền của mình cho Bill Gates vì ông tin rằng Bill Gates sẽ đưa được những đồng tiền ấy “đi qua những ma trận ngoằn nghoèo tới tay người cần thực sự”.
Muốn có những tổ chức hoạt động xã hội thiết lập được lòng tin để huy động các nhà hảo tâm thì nhà nước, thay vì tự tay làm, chỉ nên tạo điều kiện đầy đủ để đánh thức tinh thần này ở trong xã hội. Từ thiện không đơn giản chỉ là mang một vài thùng mì đến trao cho những người nghèo. Tiền bạc của các nhà hảo tâm có thể giúp lập ra các quỹ nghiên cứu tìm phương cách để những người nghèo ấy thay vì chỉ nhận được một thùng mì, có thể nhận được một hướng đi nhằm thay đổi tương lai chính họ.
Ngoài mục đích từ thiện, các nhà doanh nghiệp còn có thể đầu tư tiền bạc vào các hoạt động xã hội cho các mục tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, không thể xây dựng được danh tiếng cho mình khi lạm dụng hình ảnh người nghèo, những số phận không may mắn ấy. Nếu nhà doanh nghiệp sử dụng tiền bạc vô tội vạ, đặt tình trạng kinh doanh trước các nguy cơ, thì tiền bạc mà xã hội nhận được hôm nay có thể sẽ phải trả giá đắt hơn khi doanh nghiệp ấy nợ nần và phá sản. Nhà doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo ra của cải vật chất và việc làm cũng có nghĩa là đã đóng góp cho xã hội rồi. Cho tiền mà không thực sự bởi tấm lòng thì việc làm ấy không thể nào được coi là từ thiện.
Nguồn: Osin blog