Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Có một Nguyễn Đình Thi tác giả bài “Quốc ca”

Nguyễn Huy Thắng
Thứ năm ngày 15 tháng 1 năm 2009 8:50 PM
 
 
Trường Bonnal, nay là trường Phổ thông trung học Ngô Quyền, Hải Phòng là một ngôi trường đã đi vào lịch sử. Nói “lịch sử” bởi trường là cái nôi hội tụ những tên tuổi đã đi vào lịch sử, xứng đáng là niềm tự hào không chỉ của riêng trường mà là của cả nước. Thày giáo thì như thày Hoàng Ngọc Phách dạy văn sử, tác giả tiểu thuyết Tố Tâm; thày Nguyễn Hữu Tảo dạy các môn tự nhiên; thày Nguyễn Lân dạy học và viết sách... Học trò thì như đồng chí Nguyễn Văn Linh, về sau trở thành Tổng Bí thư của Đảng; Lưu Văn Lợi, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ; các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Quý, Văn Cao... Nhiều người về sau đã viết về mái trường xưa với niềm vinh dự, tự hào và về những người thày, bạn học của mình với những tình cảm hết sức tốt đẹp. Tôi cũng rất tự hào về trường Bonnal, dù không phải học sinh của trường – niềm tự hào được truyền từ cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, cựu học sinh trường Bonnal hồi đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước. Với tình cảm đó, tôi xin phép được viết về một cựu học sinh khác của trường, một người cũng tên là Thi mà ban đầu, tôi không dám chắc có phải chính là nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, tác giả tiểu thuyết Vỡ bờ, Bài thơ Hắc Hải, bản nhạc Người Hà Nội hay không...
Mới đây, trong một bài viết về nhà văn Nguyễn Đình Thi đăng trên báo Văn nghệ, tôi có nói đại ý, cha tôi lần đầu tiên gặp chú Thi là vào ngày 24-7-1944 ở Hà Nội; hôm ấy, theo như nhật ký của ông, “Nguyễn Đình Thi, trẻ tuổi, thở ra sức khỏe và tự tin, đến chơi tìm Nguyễn Hữu Đang. Không để ý gì đến mình”.
Lần ngược nhật ký của cha mình, tôi cũng biết rằng, từ hơn ba năm trước đó, khi cha tôi còn làm thư ký sở Đoan dưới đất Cảng, ông có nói về một người tên là Thi, cùng hoạt động trong phong trào Hướng đạo. Đoạn nhật ký ấy (7-5-1941) như sau:
“Tối, sáng trăng. Hướng đạo và học sinh họp để nghe anh Thi, ở đoàn Lý Thường Kiệt, dạy hát bài Quốc ca do anh làm, theo điệu Đăng Đàn cung.
Mình hơi thẹn với người trẻ tuổi kia, mới ít tuổi đã có tài. Cách dạy hát của anh ta cũng khéo, đứng giữa anh em quây vòng tròn mà điều khiển.
Bài hát không phải là không hay. Mình cũng cảm lây và thấy có một không khí thiêng liêng khi nghe bao nhiêu người hát, lắm lúc tơ lòng rung động. Mừng thầm cho nước Nam và yêu người tuổi trẻ. Vui nhất là thấy học sinh và thanh niên hăng hái. Trông họ bồng bột trong bộ áo trắng dài cảm thấy cả linh hồn đất nước. Tưởng tượng Thi là Rouget de Lisle(1), và bài ca kia là dấu hiệu của một cuộc phục hưng. Bài ca hùng hồn. Những lúc hát: Đồng bào mau chung sức nhau - nghe rợn người vì mạnh mẽ.
Vậy chép bài ca dưới đây để ghi nhớ một ngày kỷ niệm ít có:
   Sông núi ta còn thắm nhường kia
Chúng ta còn yêu đồng bào
Gương người xưa, lòng ta há phút giây nào phai
Đồng bào! Mau chung sức nhau
Nắm tay ta thề
Yêu thương non nước
Dìu dắt nâng cao nòi giống nước Nam nhà.
Chung sức và chung lòng
Không ngại ngùng ta ra đời
Tin tài ta
Tin chắc nơi ngày mai!”
 Thoạt đầu, tôi đã nghĩ ngay người trẻ tuổi ấy là nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi tương lai. Cũng trẻ tuổi này. Cũng có hơi hướng âm nhạc này. Nhưng nghĩ lại thì lại thấy khó tin: nếu đúng là Nguyễn Đình Thi thì khi ấy “người trẻ tuổi” chưa đầy 17 tuổi. Quá trẻ để làm một cái gì đó như là bài “Quốc ca”! Vả lại, trong nhật ký cha tôi khi ấy cũng như gần một năm sau, khi “người trẻ tuổi” bị bắt, không hề thấy ghi rõ họ, chỉ luôn luôn là Thi mà thôi. 
 Còn điều này nữa. Tuy là bài “Quốc ca”, nhưng tôi vẫn nghĩ đó chỉ là một cách gọi như với một số bài hát khác của các tổ chức Hướng đạo. Hồi ấy rất thiếu bài hát, nên các huynh trưởng Hướng đạo thường phải tự đặt bài hát, hoặc đặt lời theo một điệu nhạc có sẵn nào đó, cho đoàn của mình. Như Thi ở đoàn Lý Thường Kiệt đặt lời bài “Quốc ca” theo điệu Đăng Đàn cung; như cha tôi ở một đoàn khác cũng đặt lời bài hát cho bầy sói (các Hướng đạo sinh nhỏ tuổi) của mình, như nhật ký ngày 22-5-1941 của ông có ghi:
“Định lấy tên bầy là Sào Nam, nhưng nhiều người can nên thôi. Bài ca chính thức mình làm hôm 21, kể cũng thú vị:
Nào trời non nước?
Thờ ơ vườn Chu.
Tìm cành trông hướng
Đường Nam tít mù.
Ôi non sông tre xanh
Lớp mây mù không thấy nhà
Ôi Văn Lang xa xăm
Chí ta bền với sơn hà.
Non quê cha thiêng liêng
Không bao giờ lòng quên.”
 (Về sau, khi đưa đoạn này vào phần đầu bài thơ Chim Việt, cha tôi có ghi chú ở dưới: “N.H.T. - Theo một điệu hát Hướng đạo”.)
 Sự ngờ ngợ của tôi còn tiếp cho đến những dòng nhật ký đầu năm 1942 của cha tôi. Ngày 2-2-1942, ông ghi: “Thi, người đoàn sinh Lý Thường Kiệt, tác giả bài “Quốc ca” vừa mới bị bắt. Không hiểu vì lẽ gì. Vì bài hát chăng? Vì làm chính trị chăng? Thương hại cho chàng thiếu niên, thông minh có thừa, tài trí có thừa! Hiện không biết Thi bị giải đi đâu: màn bí mật nặng nề.
Phục cái can đảm của Thi. Sau những giờ tra tấn, lại hát như thường.”
 Rồi bốn ngày sau, ông lại ghi: “Nghe tin xếp Cậu đánh Thi dữ quá. Ghê tởm mặt tên thanh tra mật thám ấy. Muốn tả nó trong một thiên ghê tởm để muôn đời người thóa mạ.”
 ở cả hai lần này nữa, cha tôi cũng không ghi rõ họ của “người trẻ tuổi”. Vẫn chỉ là Thi, người đoàn Lý Thường Kiệt, tác giả bài Quốc ca. Lúc bấy giờ, ông vẫn đang làm dưới Hải Phòng, và những chi tiết trong nhật ký khiến ta nghĩ đến sự việc xảy ra ở đất Cảng. Những ai đọc bộ tiểu thuyết Cửa biển của Nguyên Hồng hay tiểu thuyết Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi đều thấy nói đến “xếp Cậu” hay “Tây Cậu”, tên mật thám khét tiếng ở Hải Phòng. Còn theo những thông tin chung về nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi mà tôi được biết, thì thường ghi ông hoạt động cách mạng ở Hà Nội. Từ điển Văn học (bộ mới) xuất bản năm 2004, Nhà xuất bản Thế giới, có ghi về ông như sau: “1941. Tham gia phong trào Việt Minh, trong tổ chức học sinh ở Hà Nội. Khi đã làm nghề viết văn, ông tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Do những hoạt động đó, bị Pháp bắt giam tại Hà Nội (1942) và Nam Định (1944)”... Xin dừng phần “trích ngang” lý lịch Nguyễn Đình Thi ở đây, để được nhấn mạnh một chi tiết: Mốc thời gian 1941, 1942 đều ghi ông hoạt động và bị bắt ở Hà Nội, không có câu chữ nào liên quan đến địa bàn Hải Phòng. Điều đó khiến tôi, xin được nhắc lại, đã không nghĩ “người trẻ tuổi” tên là Thi ấy trong nhật ký của cha tôi giai đoạn ông làm việc và hoạt động xã hội dưới Hải Phòng, chính là nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi tương lai.
 Tình cờ, gần đây, xem lại các tài liệu trong lưu trữ của gia đình và cá nhân, tôi để ý đến một bản phô tô có nét chữ quen thuộc. Đó là bản thảo viết tay một bài báo của tác giả Hoàng Hải mà tôi có biết. Bà Hoàng Hải nguyên là chủ một hiệu ảnh nổi tiếng ở Hà Nội mang tên mình, đồng thời là một dịch giả văn học Pháp cũng nổi tiếng không kém. Riêng với tôi, bác vừa là người cùng cơ quan với mẹ tôi (Nhà xuất bản Văn học), vừa là đồng môn với cha tôi: Bác Hoàng Hải là em của nhạc sĩ Hoàng Quý và nhạc sĩ Tô Vũ (Hoàng Phú), cả ba anh em bác đều là học sinh trường Bonnal. Biết tôi là con bố Tưởng, bác có tài liệu gì về trường Bonnal hoặc có liên quan đến cha tôi, đều bảo cho tôi biết... Sau khi bác qua đời, chồng bác là đại tá Trần Sơn có cho tôi thêm một số tài liệu mà ông nghĩ có thể có ích cho công việc báo chí, xuất bản của tôi. Bản phô tô nói trên chắc là trong số đó.
 Tôi nói “chắc là” bởi, cũng xin thú thực, suốt một thời gian dài, không biết do sơ suất thế nào mà đã để lẫn mấy tờ bản thảo ấy trong một tập giấy má lâu không rờ đến. Gần đây, được hôm sắp xếp lại tài liệu, tôi mới mở ra xem và bất ngờ nhận thấy, bài viết ấy có những thông tin vô cùng quan trọng về người mà tôi đang nói đến ở bài viết này – tác giả bài hát “Quốc ca”. Dưới tiêu đề Giải thưởng “Tình bạn tốt”, tác giả Hoàng Hải kể về phong trào học sinh trường Bonnal những năm 30-40 của thế kỷ trước, trong đó có việc gây quỹ lập giải thưởng nói trên cùng nhiều hoạt động công khai và bí mật khác, kể cả hoạt động Việt Minh. Trong số những gương mặt học sinh tiêu biểu, có tham gia vào các hoạt động khác nhau của trường, bác có nhắc đến một người là Nguyễn Đình Thi. Đúng hơn, bác có trích dẫn lời hai bài hát được phổ biến trong trường lúc bấy giờ, đều do Nguyễn Đình Thi đặt lời theo điệu Tây. Xin được dẫn nguyên văn:
  “Cùng trường anh em thân yêu thiết tha mong
  Cùng mến yêu nhau ví trong gia đình.
    (Bài hát ta theo điệu Tây
– Lời Nguyễn Đình Thi)”
  “Đôi cây tiêu điều
  Dăm cây tiêu điều
  Trời mang gió cuốn ắt tan tiêu
  Cùng nhau góp sức, chung phần trong đời,
  lưu tiếng thơm dài, cho nước non.
    (Bài hát Đoàn kết, lời Nguyễn Đình Thi,
theo điệu Tây)”(2)
 Vậy là đã rõ: Thi – “người trẻ tuổi”, tác giả bài “Quốc ca” chính là Nguyễn Đình Thi, người còn đặt lời cho nhiều bài ca khác của học sinh trường Bonnal, như bác Hoàng Hải đã nói rõ. Còn về sự việc xảy ra ở Hà Nội hay Hải Phòng thì có thể là thế này. Trong tiểu sử người ta chỉ ghi những nét chính, rằng quãng thời gian 1941-42 Nguyễn Đình Thi học và hoạt động ở Hà Nội. Nhưng hồi bấy giờ, việc đi lại giữa Hà Nội và Hải Phòng không phải là khó, nhất là với một học sinh, sinh viên như Nguyễn Đình Thi. Nếu ông, khi ấy, có nay ở Hà Nội, mai dưới Hải Phòng âu cũng là chuyện bình thường. Pháp cũng có thể bắt ông ở Hà Nội rồi đưa xuống giam dưới Hải Phòng, hoặc ngược lại... Những tiểu tiết xem ra không mấy quan trọng so với việc chúng ta biết được thêm nhiều điều lý thú và bổ ích về một quãng đường hoạt động sôi nổi đầy tự hào của học sinh trường Bonnal, ngôi trường từng là cái nôi hội tụ nhiều tên tuổi lớn của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Nhân đây, cũng xin được cám ơn bác Hoàng Hải đã giúp cho tôi một tư liệu vô cùng quan trọng để hoàn thành bài viết có cái kết thúc có hậu này...
---------- 
(1) Rouget de Lisle (1760-1836), tác giả bài Marseillaise (1792), sau trở thành Quốc ca Pháp.
(2) Trong bài, tác giả cho biết, đây là bài hát của Đoàn Rồng, một tổ chức của học sinh trường Bonnal (rồng là ngụ ý con rồng cháu Tiên). Đoàn Rồng là đoàn du lịch gồm 10 đội mang các tên như Quang Trung, Lê Chân, Vạn Kiếp, Hoa Lư... Đoàn tổ chức cho anh em đi cắm trại, tham quan các di tích lịch sử, diễn kịch, hát các bài ca yêu nước... qua đó động viên phong trào học sinh nói chung.
Chú thích ảnh:
Nguyễn Đình Thi (trái) và Nguyễn Huy Tưởng những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám 1945.
(2200 từ)