Trang chủ » Tin văn và...

Chân dung Nguyễn Khải

Trần Quốc Tiến
Thứ năm ngày 15 tháng 1 năm 2009 6:11 AM

 Chân dung Nguyễn Khải
 
Mấy tháng sau có bài của Nguyễn Khải in trên báo Lao Động với tiêu đề Mùa Xuân 1994 Trong mắt tôi. Bài chia nhiều kỳ, nhiều mục, về mục Đất Kinh Kỳ, Nguyễn Khải viết về ba nhà văn Hồ Dzếnh, Kim Lân và tôi. Trong phần viết về tôi, ông đã mượn lời của Hồ Dzếnh gọi tôi là “một cái khôn của thiên hạ” đã đặt chân lên Đất Kinh Kỳ để cầu danh. Kính lạy vong hồn bác Nguyễn Khải, bác bảo em đặt chân lên Đất Kinh Kỳ để cầu danh chứ không cầu lợi, em xin chắp tay vái bác ba vái để tạ ơn, bởi cả đời, em không cầu lợi bao giờ. Rồi bác viết: “… Cái đức háo danh ấy cũng đã hun đúc nên nhiều bậc kỳ tài trong thiên hạ. Và những tài danh ấy lại hội tụ về Đất Kinh Kỳ để nhận và phát cái ánh sáng văn hoá ngàn năm của nó”. Sắp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, đọc lại câu văn này của bác viết cách đây đã 15 năm, em nghĩ rằng đó là câu văn hay nhất viết về Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Tuy nhiên đoạn văn bác viết phần sau mới làm em ngây ngất. Sau khi kể về chuyện dân làng “đụng sách ông Tiến”, bác hạ một câu: “…Rồi tiếng để đời đấy, văn bia đấy, cậy quyền, cậy thế, kết bè, kết đảng hà hiếp dân cho nhiều vào, bây giờ bị treo lên trước bàn dân thiên hạ cả trăm năm đã sướng chưa? Hả cho người nghèo quá, cho những người lương thiện quá! Cứ bảo trời không có mắt, hoá ra có đấy mà công minh vô cùng. Con người đã được trời sai viết pho sách bình công luận tội được dân tín nhiệm như ông phó thành hoàng…” Đoạn văn này là ước mơ cả đời cầm bút của em, em mơ những trang viết của mình làm cho người nghèo hả lòng, hả dạ, còn lũ mọt dân thì làm bia xấu trăm năm để cả bàn dân thiên hạ chê cười… Bác đã “đi guốc” vào bụng em nên mới viết được một câu như thế về em. Rồi bác nhận định em là người được trời sai xuống viết pho sách bình công luận tội, ôi, trời ơi, câu này bác làm em gần rụng tim vì sướng có, vì sợ có, bình công luận tội các quần thần xưa nay là đặc quyền của các bậc quân vương, còn em chỉ là phó thường dân, hay nói đúng hơn là “phó nhà văn” mà phải gánh trọng trách ấy ư? Vì sao trời không sai người khác mà lại sai em? Nhiều tiếng xì xào trong văn giới nổi lên, dồn hỏi bác. Hồi cuối năm 1996 cả em và bác cùng được mời lên Hà Nội họp góp ý với trung ương ra Nghị quyết Hai về giáo dục, em ở cạnh phòng bác trong khách sạn Đại La, bác kể rằng người ta hỏi vặn bác là ăn mấy chục cây vàng của gã nông dân kia để viết gã là người được trời sai xuống viết văn? Em hỏi lại bác là bác trả lời thế nào, bác cười nói, tớ trả lời rằng cái thằng Gơ Găng Đê ấy nó keo kiệt lắm, cho đến giờ nó chưa đãi một cốc bia, rồi sau đó bác chốt một câu: Đấy rồi các ông xem, cái thằng này nó lạ lắm… Xin cảm ơn bác về một tứ “lạ”.
Nguyễn Khải là nhà văn đa tài, một nhà chính luận sắc bén, một nhà tư tưởng uyên thâm. Đọc những trang văn của ông sau này càng ngày ta càng giật mình thấy ông truy lùng quá khứ ráo riết để mổ sẻ, mà lấy ngay mình làm trung tâm, buồn tẻ, nuối tiếc, xót thương, hoài nghi, hy vọng, người đời viết tự truyện để khoe, còn ông là để mổ sẻ, để tự chê bai, để hoài nghi những giá trị của văn mình sau một đời lao động cực lực. Biết mình, đánh giá đúng mình xưa nay được coi là khó nhất đối với những ai đã thành danh, đã một thời nổi tiếng. Cái danh mà ta có đây là danh thực, hay là danh hão? Trên đời này danh thực cũng nhiều, mà danh hư, danh hão cũng không ít, có cái danh cho mọi thời, và cũng có cái danh cho nhất thời, với thời này thì danh giá, còn với thời kia thì ngược lại, đó là một thực tế đã được lịch sử kiểm chứng. Nguyễn Khải luôn luôn tự mình nhìn lại mình, tự đánh giá lại mình với một cái nhìn khiêm tốn, trung thực đến khắt khe, bạn đọc yêu mến ông không đồng tình lắm với những câu ông tự hạ mình một cách thái quá, nhưng vẫn tôn trọng ý kiến của ông, rằng biết đâu ông đúng? Con người ta không ai lại dại tự phủ nhận mình, tự tay cầm bút xoá, xoá đi một phần thành quả lao động nhọc nhằn bao năm tháng chắt chiu mới làm nên, nhưng về cuối đời nhìn lại, đứng ở tầm cao mới mà nhìn phải nói lời buồn, cũng là vạn bất đắc dĩ mà thôi. Hãy đọc lại đoạn Nguyễn Khải viết ở cuối tiểu thuyết Thượng đế thì cười: “Những gì bà giúp tôi đều là những giá trị thật, mãi mãi không thay đổi, còn những gì tôi cống hiến cho đời như tôi thường nghĩ, đến lúc này tôi lại phân vân không rõ nó có là giá trị thật như những gì bà đã cho bố con tôi không?” Tự hoài nghi là một đức tính tốt, là một phương pháp để đánh giá cho thật đúng mình, đúng với giá trị mà mình có thể có, nó là một phép thử để tìm ra sự thật, chỉ có thế mới không rơi vào huyễn hoặc, ngộ nhận. Chắc chắn Nguyễn Khải hiểu rất rõ điều đó, và càng cuối đời ông càng tự suy ngẫm, đánh giá lại mình. Thôi thì thật giả, cao thấp thế nào hãy để cho thời gian là vị quan toà công minh nhất nói lời phán xét, nhưng ngay từ bây giờ chúng ta đã có một Nguyễn Khải để yêu quý, kính trọng, tự hào, có những trang văn để chúng ta say mê, có những tư tưởng để chúng ta suy ngẫm, có những lời khuyên về nghiệp văn, về phép sống của người cầm bút để chúng ta học tập và noi theo…
Một nhà văn sau khi qua đời đã để lại được những điều ấy, tôi nghĩ rằng đó là nhà văn lớn!

------
Chú thích: Những đoạn văn trích của Nguyễn Khải lấy ở sách Hà Nội Trong mắt tôi - Nhà xuất bản Hà Nội, 1995, trang 48-55