Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tạ Văn Sỹ - Chàng xe ôm cô đơn

Nguyễn Văn Học
Thứ sáu ngày 16 tháng 1 năm 2009 6:51 AM
Trong số hơn một nghìn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chỉ có Tạ Văn Sỹ làm nghề xe ôm. Anh được gọi là “kẻ khất thực nuôi thơ”. Ít ai biết, đằng sau vẻ mặt có vẻ rắn rỏi đó chất chứa một nỗi cô đơn. Và anh đã nghĩ ra cách giải tỏa nỗi cô đơn đó bằng cách chạy xe máy đi dọc dài đất nước. Và, anh cũng nhận về được nhiều thứ lắm…
 
1. Lúc nào Tạ Văn Sỹ cũng có vẻ tất bật, với vóc hình bụi bặm và lam lũ bên chiếc xe máy Tàu ọc ạch gài chiếc túi nhỏ chỉ đựng cuốn sổ và bộ quần áo. Cứ thế rong ruổi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Anh nói: “Tôi đi để tìm cảm hứng, để vơi đi nỗi cô đơn, nỗi buồn vì ở nhà, vợ con không ủng hộ cho một người làm thơ như tôi. Đi để được giao du bè bạn, để tâm sự và hiểu đời hơn”. Và anh đã đi dọc dài đất nước. Càng đi càng thấy quê hương dài rộng, đẹp và phong phú. Mỗi vùng miền, mỗi tỉnh thành đều có những nét riêng về cảnh sắc, về nếp sinh hoạt đáng nhớ ngoài tình bè bạn, tình người. Từ đó tạo cho anh tâm lý không thấy mệt mỏi, gian khổ trên đường vạn dặm, mà chỉ thấy vui, hứng thú khi “một mình một ngựa... sắt” lang thang. Nếu anh có thấy khổ sở tí chút thì chỉ là lúc giữa đường “con ngựa sắt” dở chứng, phải dắt bộ tìm... thầy (…) chữa thuốc! Anh tâm sự: “Cũng may trời cho cái sức khoẻ “nồi đồng cối đá” nên chịu được hết mọi mệt mỏi nắng mưa để mỗi ngày có thể vượt bốn năm trăm cây số”.
Còn nhớ năm 2004 Tạ Văn Sỹ ra Lạng Sơn vào cuối tháng Chạp (âm lịch), cao hứng phóng luôn lên đỉnh Mẫu Sơn hy vọng gặp tuyết rơi xem thử. Năm đó không có tuyết rơi, chỉ có chàng thi sĩ gồng mình chống chọi với màn sương lạnh mịt mù và gió núi ràn rạt để lên đến tận đỉnh. Đến nơi, chân anh không còn làm được theo ý chủ để gạt cái cần chống xe và hai tay nắm chặt ghi-đông không mở ra được nữa vì tất cả đã tê cứng. Cố gắng mãi, lúc lâu sau mới cựa quậy được. Sau này về Kon Tum, anh sợ mãi cái lạnh Mẫu Sơn.
Khi tôi tỏ ý thắc mắc về chuyện anh làm xe ôm thì được biết, đó là cách để anh né bớt cái không khí không thông cảm của gia đình. Anh chọn nó để được đi đó đi đây (theo yêu cầu của khách), (…) có cái để mà viết báo, có thu nhập nuôi con. Anh bảo kỷ niệm của việc hành nghề xe ôm và những chuyến lãng du thì nhiều, kể không hết. Anh quý nhất là các khách xe ôm ở Kon Tum vì họ đọc thơ mà biết anh nên luôn ưu tiên gọi chở.
Không khách gọi thì đọc sách báo, viết lách. Bạn bè văn nghệ yêu mến anh rủ đi uống cà phê hay đi nhậu thì anh thường từ chối, (…) sợ mất lượt khách. Vì thế, nhà văn Trung Trung Đỉnh và nhà văn Bùi Bình Thi, mỗi người đã phải trả một cuốc xe ôm 2 km của anh với giá kỷ lục 100.000 đồng (cách đây khoảng dăm năm) chỉ vì muốn… rủ anh cùng đi chơi! Nhà thơ quá cố Thu Bồn mỗi lần lên Kon Tum đều “bao trọn gói” ngày xe của anh để rủ anh đi uống rượu! (Anh có bài thơ “Uống rượu với Thu Bồn” rất cảm động khi Thu Bồn mất). Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn một lần vào Tây nguyên cũng gọi anh nhờ làm tài xế kiêm hướng dẫn viên để đi thăm lại chiến trường xưa cách thị xã Kon Tum trên trăm cây số. Một lần, có cô sinh viên khoa Văn Đại học Huế đã lặn lội lên Kon Tum, đến bến xe thồ hỏi thăm anh. (…) Cô gái kinh hãi trợn tròn mắt khi gặp mặt nhà thơ. Cô kinh hãi là phải, bởi trong suy nghĩ của cô, tác giả của những câu thơ tài hoa mà cô từng đọc phải là một người nho nhã thư sinh,(…) ai ngờ lại là một gã đàn ông xù xì thô ráp!
Vật lộn mưu sinh nhưng chưa một phút nào Tạ Văn Sỹ nguôi nỗi niềm thơ. Bạn bè yêu thơ và yêu anh (…) gọi anh là nhà thơ xe thồ. (Nhà thơ Trần Ninh Hồ có hẳn một bài thơ đề tặng anh - nhà thơ xe ôm in trên báo Người Hà Nội số Tết năm 2006). Anh không buồn với cách gọi ấy, bởi vì anh tự cảm thấy đó là cái duyên thơ, là cái duyên phận của mình.

2. Tạ Văn Sỹ sinh ra ở làng Thuận Truyền đất Tây Sơn - Bình Định. Làng Thuận Truyền là nơi phát tích môn phái võ Bình Định mà tiêu biểu là võ sư Hồ Ngạnh vang tiếng một thời. Anh nhận là mình sinh ra trên đất võ mà lại... làm văn, giống như cái nhã danh “Đất võ trời văn” mà ngày nay người ta hay dùng để nói về vùng đất Bình Định quê anh. Cả họ tộc từ xưa đến giờ cũng không ai biết làm văn chương (…). Cũng như bao đứa trẻ sinh ra ở nông thôn, anh cũng chăn bò, tát cá, bắn chim... khắp đồng sâu gò cạn ở quê, cũng dự những hội lễ đình làng, cũng được theo mẹ đi chợ phiên chợ huyện... Từ ngày bố mẹ ra thị thành làm “dân nghèo thành thị” thì đầu tắt mặt tối bươn chải ngược xuôi nuôi con. Vì là con đầu nên anh phải thay bố mẹ làm tất tần tật mọi việc nhà và chăm sóc đàn em năm sáu đứa. Nghe kẻng tan trường là vội vù về nhà cơm nước, giặt giũ, tắm rửa cho em út...Anh nhớ lại: “Tôi không hề được hoặc dám đi chơi một giây phút nào. Do vậy tuổi thiếu thời tôi có một kỷ niệm sâu sắc nhất là dường như... không có được một kỷ niệm gì sâu sắc giữa chốn thị thành!”.
Ngày nhỏ, anh đọc hết thơ của lớp phong trào Thơ mới, thì nảy ra ý thích làm thơ (…). Bắt đầu viết năm 13 tuổi, đến 15 tuổi có thơ được đăng trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn. Do ảnh hưởng tư tưởng và tinh thần của phong trào đấu tranh trong học sinh, sinh viên miền Nam thời ấy nên năm 1972 bị động viên, Tạ Văn Sỹ quyết định trốn quân dịch, anh làm giấy tờ giả với tên mới và đi học lại lớp 12 vào năm 1975. Cũng đúng năm ấy, do mấy câu thơ in trong tập san của trường Bồ Đề - Pleiku (nay là tỉnh Gia Lai): -“Quê em nằm dưới bóng Trường Sơn/ Đợi những bước chân người xuống núi/ Quê em nhìn ra biển cả trùng dương/ Chờ những bước chân người vượt sóng/ Về quê em khơi mầm mạch sống/ Trương cờ che bóng rợp quê hương...” Tạ Văn Sỹ liền bị Ban giám hiệu gọi lên văn phòng bảo là bài thơ ấy ca ngợi cộng sản rồi đuổi học. Tình cờ, ngày anh bị đuổi học cũng là ngày bộ đội tiến vào giải phóng hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Vừa giải phóng, Tạ Văn Sỹ thi tuyển vào học khóa Trung học Sư phạm cấp tốc của tỉnh. Cuối năm 1976, sau khi thi tốt nghiệp đạt loại xuất sắc, chuẩn bị đi nhận nhiệm sở, Tạ Văn Sỹ bị Ban giám hiệu gọi lên cho biết anh không được đi dạy vì bài thơ “Nhớ người yêu cũ” mà anh viết tặng bạn gái có “vấn đề”. (Cái “vấn đề” ấy là nhớ người yêu cũ hay… nhớ chế độ cũ?!). Từ đó anh chuyển sang làm đủ nghề. Đến năm 1995, sau một thời gian tích cóp, đủ mua một chiếc xe máy “cà tàng”, anh bắt đầu bước vào nghề “xe ôm” kiếm kế mưu sinh.
Lấy vợ và sinh con, Tạ Văn Sỹ có cả một đàn con và hàng trăm nỗi lo. Và nỗi cô đơn trong gia đình anh đã tự biết cách giải tỏa, để cái hồn thơ sống mãi, trẻ mãi. Vợ con vẫn phải chăm, mà thơ không thể bỏ. Dung hòa được hai chuyện đó quả là khó. Anh vẫn là một người chồng (…) người cha có trách nhiệm và một tín đồ thơ nồng nhiệt. Nhiều lần hứng chí, Tạ Văn Sỹ lại một mình một “ngựa sắt” đi xuyên Việt thăm bạn văn, thưởng lãm thắng cảnh đất nước mà anh gọi là “đi thực tế sáng tác”. Đi đến đâu anh cũng đều có bạn có bè và có…thơ! Khi nào kẹt tiền lộ phí thì anh lại chìa ra vài bài thơ hoặc bài viết cho tạp chí văn nghệ nào đó thì các bạn văn lại tạm ứng trước nhuận bút để Tạ Văn Sỹ tiếp tục xuyên Việt “tiếu ngạo giang hồ”. Thỉnh thoảng gặp những cảm xúc mạnh và mới lạ Tạ Văn Sỹ cũng rất dễ có thơ liền. Ví dụ có lần đi nghe hát ca trù ở Hà Nội, đêm về anh có ngay bài thơ tặng người nghệ sĩ có giọng ca mê hoặc, hoặc như lần khác ra Hà Nội tham gia trại viết, gặp một bạn thơ nữ trẻ cùng trại có nhan sắc thuộc hàng “quốc sắc thiên hương” anh cũng động lòng có ngay một bài thơ về Hà Nội rất mượt mà đề tặng luôn người đẹp…
Bây giờ đã cứng tuổi, thơ anh không còn bay bổng như xưa mà đằm sâu suy nghiệm cõi nhân sinh: -“Đời ba đâu biết cúi luồn/ Quỳ đây làm ngựa cho con vui đùa/ Với đời ba trật đường đua/ Với con - yên chí ba chưa mỏi chồn” hoặc: -“Hồn tôi như địa chất/ Tầng tầng trầm tích xưa/ Suốt đời tôi khai quật/ Tìm nỗi buồn ban sơ...”. Tạ Văn Sỹ đã in 3 tập thơ “Mặt đất”, “Cõi người” và “Trời xa”. Kẻ lắm tiền háo danh muốn mượn thơ để trang điểm, kẻ ngộ nhận tài năng đùa với thơ trong nỗi niềm tự huyễn, người trí thức ngẫu hứng dùng thơ để tiêu dao, còn với Tạ Văn Sỹ, anh sẵn sàng đau khổ vì thơ, sống chết với thơ.
3.Có 2 lần Tạ Văn Sỹ dự thi thơ và đều đoạt giải. Một lần vào năm 1999, anh bạn thơ Trần Đình Nam ở Kon Tum thấy tập san Áo trắng mở cuộc thi thơ Tứ tuyệt bèn bảo Sỹ tham gia, anh trả lời không. Thế là Nam tự ý lấy mấy bài của Sỹ gửi đi. Kết quả Tạ Văn Sỹ được giải B với bài “Nhớ”: “Anh nhớ em âm thầm mà nóng bỏng/ Nửa muốn dạo vòng nửa lại ngồi yên/ Giống như kẻ đi thuyền trên biển sóng/ Đứng chỗ nào cũng cứ thấy chao nghiêng!”. Lần thứ hai là năm 2002. Báo Văn nghệ Trẻ mở cuộc thi thơ Lục bát kéo dài 2 năm. Đến thời hạn cuối cùng cũng là thời gian giáp Tết, Tạ Văn Sỹ đang muốn kiếm thêm ít tiền, sực nhớ ra cuộc thi sắp mãn hạn và nghĩ rằng thơ dự thi bao giờ cũng đăng cả chùm, nghĩa là nếu được chọn in thì sẽ được nhiều nhuận bút của nhiều bài một lúc, bèn gửi. (Chỉ nghĩ nhuận bút thôi chứ mong gì được giải! Mà thực tế anh cũng không nhận khoản nhuận bút của 3 bài thơ được chọn in ấy vì anh đã để luôn cho cô bạn nhỏ đang học đại học ở Hà Nội làm lộ phí về quê ăn Tết với mẹ già!). Chùm bài của anh được in vào số cuối cuộc thi. Không ngờ anh lại được giải C. Chuyện Tạ Văn Sỹ được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng là đặc biệt. Trong lúc hàng bao nhiêu người nộp đơn năm lần bảy lượt, thậm chí cả tiền bạc để lo chuyện vào hội, Tạ Văn Sỹ bước qua cánh cửa hẹp của “ngôi đền thiêng văn chương” nhẹ như không:
Buổi chiều, Hội Nhà văn Việt Nam họp xét kết nạp hội viên mới cho năm ấy thì buổi sáng anh tình cờ đến Hội thăm chơi mấy người quen biết nhân chuyến đi dự trại viết ở Tam Đảo. Gặp anh, Chánh văn phòng Hội bảo nộp đơn, anh viết vội lá đơn rồi cũng vội vã đi. Ít tháng sau, người ta thấy tên của Tạ Văn Sỹ trong danh sách kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam.
Những ngày tháng này, dù cuộc sống còn trầy trật, nhưng nỗi cô đơn của Tạ Văn Sỹ dường như đã được nhiều người hiểu thấu. Từ đó anh thanh thản làm thơ, nhưng vẫn không quên trách nhiệm với gia đình. Các con anh cũng đã trưởng thành. Và thế là, chàng thi sĩ đất Kon Tum mặc nhiên tự tại: -“Bây giờ dành thời gian để viết thơ tình/ E có kẻ sẽ cho là phí phạm/ Và có kẻ sẽ cho là lãng mạn/ Nếu bình tâm ngồi đọc thơ tình/ Xin chớ nhầm khi căng óc mưu sinh/ Để quên mất trái tim mình thơ mộng/ Tôi tất bật với ê chề cuộc sống/ Vẫn thấy dư thanh thản viết thơ tình”.
Lúc này, khi tôi đang ngồi viết về anh, thì có thể Tạ Văn Sỹ đang say với một tứ thơ, hoặc đang trên đường đi của một hành trình đầy nắng gió nào đó. Và thi thoảng, Tạ Văn Sỹ lại gọi điện với cái cười sảng khoái: “Mình vừa có cái mới, Học ơi”. Hóa ra, cái mới đó là những vần thơ anh vừa kịp viết lên sổ tay hay những ý tưởng cho một bài viết nào đó còn nóng hôi hổi.