Trang chủ » Truyện

TRONG GIÓ BỤI – Phần 4

Nghiêm lương Thành
Thứ ba ngày 18 tháng 4 năm 2017 2:25 PM

Phần 1: Sướng mày khổ tao

Phần 2: Chuyện cổ tích

Phần 3: Gặp lại người thân


Truyện 

Cùng trên một chuyến đò quê

Ai lên rừng trúc ai về bến mê ?

4. Quả tim vàng cũng không thể phớt lờ thực phẩm, dược phẩm

.

Rồi cái tổ ấm quá muộn mằn ấy cũng có được một thằng cu.

Có con, với vợ chồng Khánh, là cả một kỳ tích. Có cháu, với thày bu Khánh, là ánh dương bừng rạng đằng Đông. Có tiếng trẻ thơ khóc trong nhà, với cả gia đình, là một cuộc đổi đời kỳ diệu. Cả nhà cùng ngây ngất trên đỉnh cao hạnh phúc nhân sinh.

Điều phàn nàn duy nhất đối với Khánh là cô không đủ sữa cho con bú. Đồng lương của hai vợ chồng, đem hoà nhập vào giá cả thị trường, quả là quá khiêm tốn, nhưng giá sữa dù cao thế nào cũng phải dè sẻn chi tiêu để có cho con.

Sữa thời mở cửa thì vô biên về lượng, vô tư về chất, nghĩa là góp phần đắc lực tạo ra ít ra cũng vài ba thế hệ con người mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nói nôm kể “Rap” là: tràn ngập thị trường, hãng hãng đua chen, nhãn này mác nọ, hộp lớn hộp bé, sắc màu lung linh, quảng cáo nghĩa tình, chất này chất khác, thông minh dĩnh ngộ, năng động đam mê, tinh nhanh sáng tạo, thành đạt khỏi chê … Oái oăm là ở chỗ, một bộ phận không nhỏ những công dân đáng kính trong hệ thống phân phối sữa, dù từ hồi đang còn là những chiếc búp trên cành, họ chưa hề được chạm môi vào những thứ sữa này, cũng biết thì thầm bảo nhau: Tất cả vì con cái, tâm lý của người mua sữa cho con nhỏ thường dù đắt mấy cũng cố. Hy sinh đời bố củng cố đời con, miễn sao con mình thông minh cao ráo; con trai thạc tiến sỹ năng động thương chính trường thành đạt, con gái ca hát diễn phim trình khoác thời trang ngôi sao toả sáng.

Sữa ngoại nhập vào xứ Việt hối hả rộn ràng như thực khách Hoa Hạ bước vào nhà hàng hải sản openning, free xực phàn. Thời nay, phàm là khách hàng đều được nhà kinh doanh cóm róm trân trọng dán cho cái nhãn không thể làm nhái: Thượng Đế. Các ông bà chủ nước ta, chỉ sau một ánh mắt đẫm tình lãng mạn tài chính của các doanh nhân, tiến phắt lên địa vị ông giời bà giời ngự trên cao xanh thắm mà không cần truy cứu chất lượng hạnh kiểm, khỏi cần đến sự hỗ trợ hiệu quả của bất cứ loại quy trình và văn bản pháp lý nào. Nhưng, dù có là ông giời bà giời, đố thoát được cái tật phải lòng nhau. Mà, cái giống đã phải lòng nhau, có cho ăn kẹo cũng đố dám không chửa đẻ. Nói như vậy, e đã mắc sai lầm lo răng bò bị trắng. Thế là các hậu duệ nhà giời được sinh ra trong không khí vui vẻ cười nhạo thiên sách sinh đẻ và hoạch hoá gia đình dù thiên sách này mang tính sáng tạo đạt tầm vóc thiên hà. Được cúc cung tận tuỵ, được vì các ông bà giời cùng hậu duệ mà quên mình là niềm vinh dự vinh hạnh vinh quang vinh hiển không dễ gì mà thời nào cũng có khả năng đem lại cho các quý đầy tớ hằng quyết tâm quyết liệt trung thành trung thực trung nghĩa với các thế hệ nhà giời.

Nhưng, thằng bé ăn vào, lâu ngày, trong người ấm ách, đến nỗi cứ ngửi thấy mùi sữa là, y như rằng, nhất định quay ngoắt, ngoảnh mặt đi trốn. Nghe đài, đọc báo chí nhà nước thấy đưa tin về những chất độc được đưa vào sữa; rồi các nhà khoa học phân tích, các nhà lương y chỉ ra những hậu quả tất yếu, hoảng. Liền chuyển sang cho con ăn nước cháo nấu với nước thịt cá ninh rau củ quả.

Dựa trên tiêu chí tiến bộ khoa học công nghệ, khoa học kinh tế chính trị bèn chia hạng bậc trình độ phát triển sản xuất của xã hội loài người ra làm mấy nấc, từ thấp đến cao như thế này: Thô sơ, Thủ công, Cơ khí hoá, Điện khí hoá, Hoá học hoá, Sinh học hoá, IT hoá … Ngày nay nhiều nước văn minh phát triển đã tiến sâu vào giai đoạn Hoá học hoá. Trong giai đoạn này, không thể phủ nhận việc họ đã có quá nhiều thành tựu vô cùng rực rỡ, tươi thắm tư tưởng nhân văn. Tuy vậy, cũng là hoạt động hoá học hoá, nhưng riêng trong mảng ẩm thực, xem ra họ vẫn còn quá yếu kém. Cũng phải, có tìm cả thiên niên kỷ, khắp trên trời dưới đất cũng đố bói đâu ra được một sự việc, một con người nào hoàn chân hoàn thiện hoàn mỹ. Thiên nhiên còn có khiếm khuyết, huống hồ con người ngớ ngẩn thô sơ vụng dại…

Bù lại cho sự yếu kém của cánh những quốc gia văn minh thì đã có Việt Nam - Trung Hoa, núi sông đều dính liền với nhau, cùng xài chung một tiếng gà gáy và có truyền thống môi răng khăng khít yêu thương đùm bọc lâu đời. Hai quốc gia có lịch sử nghèo khó dài đằng đẵng này đã vinh dự được cái khôn thận trọng và trân trọng chọn làm nơi để nó ló ra. Thế là, dưới ánh sáng của cái khôn, huynh đệ hai nhà này liền hồ hởi xếp đội hình hàng một, phớt lờ kết cấu hành binh kinh điển, không cần trung quân nhất thống tổng chỉ huy, anh tiền quân, em hậu quân, phất phần phật đôi ngọn cờ đầu, âm thầm sáng tạo và gặt hái vô số thành tựu tài chính trong cuộc hoá học hoá thực phẩm long trời lở đất nhằm phục vụ đắc lực cho nền ẩm thực đại chúng quý hồ đa xuê xoa mọi nhẽ.

Tưởng đã thoát, nhưng chỉ tránh được vỏ dưa, còn các loại vỏ dừa thì bước ra khỏi ngõ đã thấy chân đụng chân va lốp ca lốp cốp. Thằng cu lại bị ngộ độc. Thì ra rau, thịt, cá, củ, quả cũng đã được bộ môn Kinh tế Hoá học hoá Thực phẩm kịp trìu mến để mắt tới từ bao giờ. May mà nhà còn ít đất vườn. Nghe theo lời khuyên của người bạn là bác sỹ, gia đình liền chủ động chuyển về chế độ công xã nguyên thuỷ, tự túc tự cấp, tự sản tự tiêu trong mảng thực phẩm thường ngày. Xét về khía cạnh tiến bộ xã hội, đây là một bước lùi dài chưa từng thấy trong lịch sử tiến bộ nhân loại. Do đi ngược lại sự vận động của qui luật tiến hoá, hành vi này bị các nhà triết học phái duy vật biện chứng đặt cho cái tên phản động. Ừ thì lùi, thì vất vả, thì phản động, nhưng góp được, dù chỉ một phần nhỏ xíu, công sức vào việc duy trì, bảo tồn nguồn gien Lạc Việt yêu quý thì dẫu trăm thân này có là phản động, nghìn xác này dãi gió dầm sương, các bậc ông bà cha mẹ cũng cam lòng.

Có vẻ ổn. Ổn thì mừng. Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì, không kịp nữa rồi, thằng bé bị tích melamine cyanurate lâu ngày trong người nên bắt đầu có những biểu hiện của chứng suy thận. Kết luận của bệnh viện khiến cả nhà choáng váng.

Cuộc chạy chữa trường kỳ và tốn kém cho con được phát động. Lại thêm ông bà ngoại của thằng cu độ này tuổi cao, cũng mệt mỏi, đau yếu luôn. Tình trạng đó đã đưa cái gia đình này từ top of the world, hạ cánh xuống bottom of the world, đáy cuộc đời. Lâm vào cảnh túng thiếu triền miên, Xứng phải vay mượn thêm từ bạn bè ở Hồng Châu, phải nhận thêm việc làm ngoài giờ, viết lách, dịch tài liệu cho một số dự án đầu tư dân sinh kinh tế. Một nỗ lực mang tính đối phó. Một biện pháp có tên Giật gấu vá vai.

Kinh nghiệm truyền đời cho thấy, giật gấu vá vai chưa bao giờ là biện pháp thoát nghèo. Không thoát được nghèo bởi vẫn chưa dứt được hai chữ loanh quanh. Loanh quanh bởi lấy ngắn làm dài, lấy biện pháp thay cho giải pháp. Gấu nhỏ, vai lớn. Kín vai tất hở rốn. Cái vai áo, xét về khía cạnh cơ học, thường trong tình trạng phải chịu tải trọng động có cường độ cao nên rất chóng sờn rách. Không phải tự dưng mà cả ngàn đời nay, các mụn vá đa sắc đa dạng, tưởng như không dùng vào việc gì được, luôn chọn vai áo của những kẻ không ngừng sáng tạo ra của cải vật chất cho xã hội làm nơi hạ cánh an toàn đầu tiên của chúng.

Trong cái cuộc tồn sinh bất tận này, cũng thấy đến lắm điều lạ. Khi cái phúc đến, nó chỉ đủng đỉnh đến một mình. Nhưng lúc cái hoạ ghé thăm, nó chưa bao giờ quên sốt sắng rủ rê lôi kéo bằng được các loại bè đảng băng nhóm đồng khí của mình, để rồi cùng thần tốc sầm sập kéo đến. Có phải vì thế mà âm nhạc truyền thống của người Việt thường có một tỷ lệ cao những làn điệu mang tiết tấu khoan thai chậm rãi? Mơ ước đấy! Chả trách, cụ Nguyễn Du cũng bảo: Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Buồn.

*

Một lần, từ Hồng Châu về, Xứng đưa cho Khánh một gói giấy báo. Giở ra, Khánh phát hoảng:

“Mình lại vay nữa à?”

“Lần này thì … không” – Xứng lo lắng nhìn vợ.

“Chỗ này là bao nhiêu?”

“Tôi không biết” – Xứng bối rối.

“Thế ở đâu ra hả mình?” – Vẻ thảng thốt hiện rõ trên nét mặt Khánh.

“Trước đây tôi có gọi vốn từ một tổ chức quốc tế, giúp huyện An Nghĩa xây dựng một cái đập thuỷ lợi và hơn chục cây số kênh mương dẫn nước. Do có cái đập và đoạn kênh mương này mà mỗi năm người dân đã làm được hai vụ lúa, một vụ màu, đời sống trong huyện cũng khá dần. Thế là dân họ đem tiền đến cảm ơn, tôi không dám nhận. Bây giờ, biết tin mình đang gặp khó, Hội Nông Dân nơi ấy đem số tiền này đến công đoàn của Sở, nhờ công đoàn chuyển đến cho tôi và nói đây là tấm lòng của dân, để anh chị thêm vào chữa bệnh cho cháu”.

“Nhận của người ta thế thật không phải… Không lẽ đời sống dân ta cứ thế này mãi sao? Rồi cũng có lúc xã hội cũng phải khá lên chứ. Nước lên, thuyền lên. Đem giả lại người ta đi, mình”.

“Nhưng còn con? Còn thày bu?” – Cơ má gật giật, khuôn mặt không còn giữ được nét cân đối thường ngày, giọng Xứng trầm hẳn xuống – “Bệnh thận của con, bệnh phổi của thày, bệnh suy tim của bu liệu có chờ được đến lúc nước lên không hả mình? Mà mình độ này trông cũng xanh xao lắm. Là người đàn ông còn tuổi lao động trong gia đình … tôi thấy đau lắm. Mình ơi, dù thế nào chúng ta cũng nhất định phải sống, mình hiểu cho tôi …”.

Khánh nhìn chồng, trong ánh nhìn có cả niềm yêu thương lẫn nỗi vô vọng.

Kỳ sau: Dòng đời vẫn chảy