Trang chủ » Truyện

XẾ CHIỀU

Khiếu Quang Bảo
Thứ ba ngày 6 tháng 4 năm 2010 3:41 PM
 
Truyện ngắn 
 
       Cặp vợ chồng ấy đã làm cho bao người xúc động. Mùa hè. Chiều nào cũng gặp. Hai vợ chồng dìu nhau đi quanh hồ. Người chồng chừng năm mươi tuổi. Có vẻ bề ngoài cũ kỹ. Thường, người đàn ông này mặc bộ đồ ta, màu xám như lông chuột cống. Một vai khoác chiếc túi vải khâu tay.Trong có chiếc mền cũ cùng với chiếc chai nhựa đựng nước lã hay nước lã đun sôi để nguội. Vai kia vắt chiếc khăn mặt ướt đầm. Mồ hôi trên trán đọng từng hột long lanh. Dọc sống lưng áo sẫm lại vì mồ hôi. Người đàn bà, vợ, chừng tuổi chồng. Mặc bộ đồ ta nhàu nhĩ khó xác định màu, sáng hơn người chồng một chút. Tóc rối bời. Đã búi tó mà vẫn rối. Gương mặt thị khó đăm đăm lấm tấm mồ hôi. Miệng méo xệch về mép phải. Hai cánh tay khòng và cứng. Đôi chân cũng cứng đuỗn. Một chân khi bước đi còng quèo như chân com-pa. Người chồng xốc một bên nách người vợ, dìu đi, nhún nhẩy từng bước một. Nhìn họ, không ai không thầm khen ngợi người chồng tốt kia đang làm một việc rất đáng kính nể, dẫn dắt vợ luyện tập phục hồi chức năng, hệ lụy từ một trận xuất huyết mạch máu não đột quỵ may thay thoát hiểm nhưng để lại di chứng. Cứ khoảng hai chục mét, họ dừng lại. Người chồng kéo khăn mặt trên vai thấm thấm mồ hôi trên gương mặt vợ. Rồi thấm cho cả mặt mình. Đoạn, lôi chai nước từ túi vải ra đưa nghiêng vào miệng vợ. Người vợ ngửa cổ tớp tớp khó khăn. Cái miệng co chéo môi làm nước rớt ra mép thành dòng. Mỗi lần như thế người chồng lấy khăn mặt đỡ nơi mép vợ, vậy là chiếc khăn luôn ướt mát.
       Có thể là khoảng năm chục mét. Cũng có thể là trăm mét, tùy, khi gặp một bờ đá xây bao quanh một cây cổ thụ nào đó, người chồng dìu vợ táp vào nghỉ. Người chồng nhẹ nhàng lựa chiều đặt vợ ngồi xuống, rồi đỡ vợ nằm soải dài trên bệ đá, gối đầu lên chiếc túi vải, chứ không bao giờ nằm trên ghế đá. Quạt cho vợ một lúc, thủng thẳng mà không vội vã, rồi người chồng bắt đầu xoa nắn cho vợ từ đầu, trán, má, cằm, cổ; đến vai, cánh tay, bàn tay; rồi đùi, bắp chân, cổ chân, bàn chân, ngón chân. Gương mặt người vợ sáng lên niềm sung sướng hạnh phúc. Người đàn bà ấy nằm bất động thụ hưởng từng động tác chăm sóc tựa như nó là một phần của cuộc sống. Có lẽ là người đàn bà ấy đã muốn nhếch mép cười mà không cười được, nên nước rãi ứa ra bên mép lệch theo má rớt xuống mặt chiếc túi vải. Người chồng điềm tĩnh trong từng động tác xoa nắn, trên gương mặt bộc lộ một thái độ tình nguyện, vừa nhún vừa day, căn lường vừa đủ để không làm người đàn bà đau. Khoảng mười lăm phút sau, người chồng đỡ vợ dậy, dùng mười ngón tay gãi đầu cho vợ. Sau đó lấy lược chải tóc, búi tó phía sau cho vợ. Họ lại tiếp tục dìu nhau đi như lặp lại những chu kỳ quen thuộc.
       Cặp vợ chồng ấy xốc tay dìu nhau đi quanh bờ hồ như thế ngày ngày vào lúc xế chiều, kể cả khi mưa nhỏ, cái quãng thời gian mà dân thành phố đổ ra đây hóng mát, đi dạo, tập thiền, chuyện tào lao…kín các ghế đá, kè hồ xi măng, thậm chí cả trên thảm cỏ xanh. Bởi thế hình ảnh cặp vợ chồng này trong nhiều người như một hình ảnh quen thuộc nơi đây giống như cây liễu, cây lộc vừng, cây bằng lăng, ki-ốt kem Thủy Tạ, hoặc như chàng trai an ninh Hồ Gươm tay lăm lăm chiếc máy bộ đàm, thậm chí cả những chiếc ghế đá  gãy khuỵ một chân…
       Cặp vợ chồng ấy đi bên nhau mải miết như đi tìm một cái gì đó xa lắc xa lơ khó thấy. Không chuyện trò. Mặt lạnh tanh. Thỉnh thoảng nhìn nhau ra hiệu bằng đôi mắt trầm đục và tự hiểu.
       Đã nửa năm mà không ai biết cặp vợ chồng ấy quê quán ở đâu. Gia cảnh thế nào không ai hay. Và ở thành phố này họ tạm trú ở nơi nào không ai tỏ. Mà đều như vắt chanh chiều chiều dìu vợ quanh bờ hồ tập phục hồi chức năng. Điều có thể khẳng định được đây là một cặp vợ chồng nghèo, nghèo kiết xác. Nhưng điều kỳ bí là họ không ngửa tay xin tiền ai, hay ngả nón chờ bố thí. Cũng chính cái lòng tự trọng của họ mà người người gặp họ cùng xúc động, rủ lòng thương, mà không thể gọi là cho, là giúp họ tiền, biếu họ tiền. Khách nước ngoài dạo quanh hồ gặp họ cũng rút ví biếu họ tiền, trong khi những người đeo bám họ xin họ họ lại không cho. Những khi như thế, người chồng buông nách vợ đưa hai tay khép nép đón nhận, nói lí nhí gì đó, rồi cúi đầu tạ ơn.
       Cặp vợ chồng ấy bỗng trở thành một tấm gương sáng về tình yêu và trách nhiệm. Các quý bà lấy đó làm một điển hình tốt để nhắc nhở các quý ông cần noi theo. Đã có lần vào buổi chiều ngày cuối tuần, một cặp vợ chồng trẻ đi dạo gặp họ đang chăm sóc cho nhau trên bệ đá bao quanh một cây cổ thụ quãng đối diện với siêu thị Intimex, cô vợ trẻ huých vào cánh tay chồng, răn:
       - Anh hãy soi vào tấm gương kia kìa. Em chỉ mong anh có được hai chục phần trăm lòng thương vợ của người đàn ông ấy là em đã mãn nguyện lắm rồi.
       Anh chồng trẻ đứng sững lại:
       - Mong ước bé nhỏ thế thôi ư?
       - Vậy anh có bao nhiêu?
       - Hai trăm phần trăm. Em cứ đột quỵ để lại di chứng đi. Anh mua hẳn một chiếc xe lăn “xịn” chiều chiều đẩy quanh mười vòng hồ. Sướng hơn đi bộ nhiều. Sao nào?
       Cô vợ trẻ đấm vào vai chồng liên hồi “Anh có dở hơi không đấy?”
                                                          *
       Người biết rõ hai người đàn ông và đàn bà này là bà chủ nhà trọ bình dân ở ngoài bãi sông. Thoạt đầu họ không phải là vợ chồng. Người đàn ông ấy quê ở Thanh Hóa. Không thể cậy nhờ được vào vợ chồng đứa con trai bất hiếu, người đàn ông ấy đã giận dỗi bỏ nhà ra đây đi ăn xin. Còn khỏe mạnh mà đi ăn xin không ai cho, còn bị mắng nhiếc là lười lao động. Không thể trách được người thành phố không có lòng thương người. Ông ta xin làm mướn thì không ai thuê. Chả ai dại gì đi thuê một người luống tuổi để lau nhà và ẵm con nhỏ. Nấu nướng pha chế dọn bàn rửa bát cho một quán cơm bình dân cũng khó. Ai dám tin ông là người lương thiện. Ông ta quyết định sắm ba hòn đá mài thô, vừa và mịn, lang thang khắp phố này phố nọ rao mài dao kéo thuê, rạc cẳng cả ngày chỉ được dăm cái. Thời này người ta dùng dao kéo làm bằng thép không rỉ, rất lâu cùn. Mà cùn thì mài bằng máy. Con người bằng thừa.
       Rồi người đàn ông ấy đã gặp người đàn bà ấy cùng thuê trọ ở nhà trọ bình dân ngoài bãi sông. Người đàn bà ấy từ Hưng Yên lên, là đi ăn xin. Một trận phong hàn thoát chết để lại di chứng, miệng méo, đôi chân tay khoèo, quá đủ yếu tố của một người ăn xin. Bà chủ nhà trọ bình dân ngoài bãi sông nảy ra một sáng kiến láu cá, khuyên hai con người này cần dựa vào nhau mà kiếm sống. Người đàn ông còn sức khỏe, chiều chiều dìu người đàn bà tập tễnh quanh bờ hồ giống như đưa vợ tập phục hồi chức năng. Bà chủ nhà trọ bình dân dặn rất cặn kẽ rằng, không được xin tiền. Diễn sao cho xúc động lòng người, đánh thức lòng hảo tâm của mọi người. Kịch bản của bà chủ nhà trọ bình dân ngoài bãi sông là một kịch bản quá hay. Ngày nào cặp vợ chồng giả ấy cũng gom được trên dưới một trăm nghìn đồng. Có ngày còn được nhiều hơn thế. Bà chủ nhà trọ bình dân khuyên hai người cần chi tiêu dành dụm phòng lúc trái nắng trở trời còn thuốc men chữa chạy. Cũng phải.
       Hai cái bất hạnh cộng lại thành cái hạnh phúc. Tiền nhân nói đúng.
       Vào một ngày, bà chủ nhà trọ bình dân lại đề xuất một ý tưởng láu cá tiếp theo: Khuyên hai người nên kết hợp cùng nhau thành vợ thành chồng. Bà dành cho họ căn phòng đầu hồi, có thể tự nấu ăn. Tuổi đã vào lúc xế chiều, dựa vào nhau mà sống. Người này là cái gậy của người kia. Không thể lang thang thế này mãi được. Nửa năm, một năm nữa, dành dụm lưng vốn về quê dựng lấy cái quán nhỏ bán chén nước cái kẹo cái bánh điếu thuốc là đủ ăn, lòng thanh thản. Cứ thế này không ổn. Xét cho cùng vẫn là…dối lừa. Thì ra bà chủ nhà trọ bình dân là một người tốt.
       Trong căn phòng không thắp điện, sáng mờ, người đàn bà dị tật chớp chớp mắt, hai bàn tay đan ngón vào nhau và miết lên đùi, rồi cúi đầu như tín hiệu của lòng ưng thuận. Người đàn ông lại ngước mắt lên nhìn bà chủ nhà trọ bình dân, nói nhỏ nhưng đủ nghe: “Thực tình tôi cũng đã trù tính thế”.
       Trong cõi lòng sâu xa, người đàn ông và người đàn bà ấy ba bốn tháng làm vợ chồng giả, họ đã cảm nhận được cái gì đó ở mỗi bên gần gặn và thân thương như họ đã có trước đây nhưng rồi đã mất. Vợ người đàn ông đã qua đời vì bạo bệnh. Còn chồng người đàn bà thì nát rượu bạo hành gia đình. Tới khi bà lâm bệnh thì bị chồng ruồng bỏ đi biệt tăm, nghe đâu ở tận Mũi Né. Lấy vợ khác. Giờ, cả hai trong họ cùng nhận thấy người kia là chỗ dựa đáng tin cậy của nhau có lẽ sẽ là suốt đời.
       Bà chủ nhà trọ bình dân ngoài bãi sông tuy lắm mưu nhiều kế đối phó sinh tồn, nhưng lại nhân hậu với người khốn khó. Bà vui khi thấy hai người khách trọ đặc biệt này đã chấp nhận thiện ý của bà.
       Bà nhờ người chọn một ngày thật đẹp cho họ để tổ chức lễ cưới. “Chứ sao? Phải gọi là lễ cưới chứ?” Bà công bố với mọi người như thế.
       Gian phòng khách nhà bà chủ nhà nhà trọ bình dân ngoài bãi sông được thu dọn lại và lau chùi sạch sẽ, giải phóng một khoảng sàn rộng đủ cho hơn chục người có thể ngồi bệt trên sàn đá hoa vui quây quần bên ấm chè tươi với vài đĩa bánh kẹo, dăm khay hạt bí, tiệc cưới cho cặp vợ chồng mà sáu tháng qua họ đã là vợ chồng giả. Giờ là thật. Không có họ nhà trai. Cũng không có họ nhà gái. Mà toàn là các chị khách trọ thuê dài hạn ở đây. Họ là những người ở tỉnh xa về thành phố trọ ở nhà trọ này để ngày ngày tiện tỏa đi khắp nơi, người thì làm thuê lau nhà theo giờ, người thì gồng gánh buôn đi bán lại các loại rau quả từ chợ đầu mối tới các nhà mua xỉ dọc phố, từ sáng sớm cho tới lưng lửng khuya. Cả ngày vật lộn mưu sinh chạy tránh công an rượt đuổi giữ phong quang đường phố, để rồi tối tối kéo nhau về đây mang theo số tiền kiếm được cùng đủ các thứ chuyện lượm lặt trong ngày kể nhau nghe và đập vào lưng nhau cười rũ rượi. Để rồi sau đó lăn ra sàn ôm nhau ngủ như chết. Đêm nay là ngày vui của hai người bạn trọ. Mỗi người cùng có một món quà mừng tặng, phong bao giấy đỏ đường hoàng. Người đàn bà dị tật vui mà tủi thân khóc thút thít. Người đàn ông dè dặt nắm tay vợ nâng lên rưng rưng nói lời cảm ơn mọi người. Bà chủ nhà trọ bình dân trao cho cặp vợ chồng tuổi xế chiều này chiếc chìa khóa căn phòng đầu hồi dành cho họ, còn điệu đà buộc vào lỗ chìa sợi dây vải đỏ chót lủng lẳng một con búp bê nhựa màu xanh nõn chuối bé tí. Một cuộc hôn nhân như bao cuộc hôn nhân. Mà cũng chẳng giống một cuộc hôn nhân nào. Nhưng với người đàn ông và người đàn bà ấy lại là một sự đổi đời.
                                                   *
        Một buổi chiều như các buổi chiều, một người rồi nhiều người quanh bờ hồ bỗng nhận ra vợ chồng người đàn bà dị tật và người đàn ông dìu nách vợ đi tập phục hồi chức năng quen thuộc có cái gì đó khang khác: gương mặt họ như sánh lên bớt u sầu. Chiếc túi vải đeo bên vai người đàn ông nay là chiếc túi giả da mới cứng. Chiếc khăn mặt vắt vai sạch trắng thay cho chiếc khăn cũ lúc nào cũng xỉn màu nước dưa. Đôi chân của hai người nay mang giày ba-ta gọn gàng thay cho đôi dép lê lẹt bẹt khua bụi mù lên phía sau. Ở những lúc họ tạm dừng nghỉ, người đàn ông lấy chai nước cho vợ uống, giờ là loại nước “chè xanh không độ” đóng chai được rót ra chiếc cốc nhựa đường hoàng. Uống xong, người đàn bà chép chép miệng thỏa mãn với hương vị ngọt thơm. Xế chiều, ngồi trên bệ đá xây bao quanh gốc cây cổ thụ, người đàn ông lấy hộp xôi có thịt kho tàu bón bằng thìa cho người đàn bà như săn sóc một đứa trẻ.
       Người ta đâu có biết chiếc túi giả da ấy, đôi giày ba-ta ấy, chiếc khăn mặt cùng nhiều đồ lặt vặt khác là quà tặng ngày cưới của những bạn trọ. Bà chủ nhà trọ bình dân ngoài bãi sông còn chỉ đạo họ tự nấu ăn và bồi dưỡng cho nhau, đừng kham khổ quá nhưng cũng đừng vung tay quá trán.
       Họ vẫn tiếp tục đi quanh bờ hồ. Họ vẫn nhận được đồng tiền từ những tấm lòng hảo tâm. Cho tới mùa thu vừa rồi mọi người bỗng thấy vắng bóng họ. Một tháng sau, rồi hai, ba tháng tiếp theo vẫn không thấy họ trở lại. Họ ốm chăng? Hay thành phố dẹp những người lang thang? Qua mùa đông cho tới tháng đầu hè này vẫn không thấy người đàn ông và người đàn bà tật nguyền ấy dìu nhau đi tập phục hồi chức năng.
       Người thành phố hay quan tâm tới những chuyện không đâu. Cũng bởi bấy lâu nay hình ảnh người đàn ông ấy cùng người đàn bà ấy đã trở nên quen thuộc. Giống như cây phượng vĩ trăm tuổi ven hồ gần quán giải khát bát giác bị bão giật trốc rễ đổ ùm xuống nước phải cưa đi để lại một khoảng không gian trống vắng. Mà nhớ. Mà bâng khuâng. Người ta còn bận tâm hơn là liệu cặp vợ chồng khốn khó ấy còn gặp rủi ro gì nữa? Giờ họ ở đâu, đi về đâu? Chỉ có bà chủ nhà trọ bình dân ngoài bãi sông lắm mưu nhiều kế là biết họ đã trở về quê người đàn ông ở Thanh Hóa mở quán bán nước chè chén .
 7 - 2009