Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Trao giải thơ Bách Việt lần thứ nhất

Nhà thơ Phùng Tấn Đông
Thứ bẩy ngày 10 tháng 1 năm 2009 9:02 PM
 Giải thưởng đã thuộc về tập thơ Ma thuật ngón của tác giả Trần Tuấn. 

Tác giả Trần Tuấn sinh năm 1967 hiện là đại diện báo Tiền phong miền Trung tại Đà Nẵng. Anh cũng là một trong hai tác giả  cao tuổi nhất  -có tác phẩm lọt vào chung kết giải thưởng thơ Bách Việt lần thứ 1 . (ngoài ra còn có  Lê Vĩnh Tài sinh năm 1966) 

Điều thú vị là ăm tác giả vào chung khảo cuộc thi Bách Việt lần 1 đều có đại diện cho các thế hệ từ 6X (Lê Vĩnh Tài, Trần Tuấn); 7X( Đỗ Doãn Phương) ; 8X (Nguyễn Thế Hoàng Linh) và 9X (Đỗ Trí Vương) 

Nhà thơ Phùng Tấn Đông phát biểu: năm tác phẩm vào chung khảo thơ Bách Việt lần 1 đều rất đáng đọc, đều “ngang tài ngang sức”, bởi vậy việc buộc phải chọn 1 trong 5 là một công việc “nhẫn tâm” 

Nhân đây, Phongdiep.net xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Phùng Tấn Đông về "Ma thuật ngón". Xin chúc mừng tân khoa của giải thưởng thơ Bách Việt lần thứ nhất - nhà thơ Trần Tuấn. 

Bước vào thế giới ma thuật ngón của Trần Tuấn 

Về tên gọi, tập thơ Ma thuật ngóncủa tác giả Trần Tuấnđem đến ít nhiều nghi hoặc, rằng người đọc rất dễ bị hụt hẫng vì thơ hôm nay đã có khá nhiều tập thơ có tên gọi rất kêu, rất lạ, rốt cũng chỉ là loại “yêu ngôn hoặc chúng” (dùng lời ma mị mê hoặc chúng dân). Đằng nào thì vào đầu thế kỷ XXI này, cả người viết lẫn người đọc đều khá đồng thuận ở điểm - thơ ca là một trò chơi ngôn từ đầy ma lực. Và như thế hẳn kẻ viết Ma thuật ngón phải có lắm ngón nghề...

ngón tay ma thuật đốm lửa

 

ngón tay đốm lửa kiếp trước

ngón tay kiếp trước tàn tro

ngón tay tàn tro ma thuật

ngón tay ma thuật im lặng

(…)

phải mất đi bao nhiêu ngón

phải thêm bao nhiêu ngón

mới đủ một bàn tay

 

Như một kẻ trên đường, thơ Trần Tuấn khao khát một cuộc tạo sinh mới, bằng cách đi tìm những tương hợp mới, những tương hợp giữa thực với siêu thực, hữu thức và vô thức nhằm mở ra một dang dở kêu đòi chắp nối, một cũ càng đòi được thanh tân. Phải vậy chăng mà ở đó có “một nhói trắng” của hoa, “xác của những giấc mơ”, “những ý nghĩ mọc lên”, “những ý nghĩ thở nhẹ”, “những ý nghĩ đi lại trụi trần”, “những cơn buồn ngủ đã chết”, “sự phục sinh những âm thanh” đã mất, “lau một tiếng nói” đã từng... 

đỉnh rỗng tôi người thổi lên ngọn lửa vì rỗng mới thấy sáng vì rỗng mới thấy nóng vì rỗng mới thấy THẤY ngọn lửa reo vi vu như những hạt mầm đang gieo xuống mùa rỗng

tôi đóng nước vẫn chảy tôi đóng gió vẫn vào tôi đóng nhạc vẫn reo tôi đóng mùa vẫn đến tôi đóng đầy càng rỗng tôi tắt lửa vẫn cháy tôi tắt bóng vẫn đổ tôi tắt ngày vẫn sang

 

Đọc Trần Tuấn, có lẽ người đọc ít nhiều chia sẻ nỗi khổ của người viết khi thường trực phải kêu lên “đơn giản tôi là rối rắm, phức tạp, là hỗn độn mờ nhoè...”. Khổ vì phải mang vác bao nhiêu nghĩa vụ bảo tồn với lớp người trước, khổ vì phải đắn đo trước hấp lực cần xác lập một trật tự mới - trật tự phi trật tự của lớp trẻ đương thời. Đọc Ma thuật ngón, vì thế ta thấy khi thì tác giả có vẻ như muốn “giải tác giả”, để sự vật, hiện tượng tự lên tiếng hòng phá vỡ giọng điệu cao đạo cũ, khi thì tác giả buộc phải lộ diện trong lớp áo cũ hòng thoát khỏi nguy cơ đồng nhất hoá bởi sự diễu nhại, sự tái chế văn bản được “phổ cập hoá” trong thời buổi tiêu dùng.
 

lanh canh tiếng ly muỗng đi trên con đường đêm

chiếc xe đẩy người bán cà phê đêm về nhà lúc gần sáng

nhà đâu trong đầu người đẩy xe mơ ngủ

nơi ngã tư gần lụi đèn đường

ụ giao thông ngồi làm nấm mộ

có dăm giấc mơ dừng lại ngồi bên

 

Ma thuật ngón tràn ngập những ý nghĩ mê ngợp làm thành một trải nghiệm xuyên suốt tập thơ như để hoá giải bao nhiêu câu thúc của đời sống thực để cho thi ca triển hạn. Từng ý nghĩ nghiệm sinh ấy có khi như một kinh nghiệm tôn giáo “kiếp trước của lửa hát về kiếp trước của tàn tro - lửa của tàn tro hát về tàn tro của lửa” gợi tưởng đến Hoa nghiêm kinh của nhà Phật với “trùng trùng duyên khởi” hay “đỉnh rỗng” gợi tưởng đến Khải huyền của Kitô giáo. Ma thuật ngón cũng gợi nhớ đến tranh siêu thực của S. Dali với bức Sự dai dẳng của ký ức…

 

tiểu sành là tiểu sành ơi

đầu trời cuối đất về chơi tiểu sành

xác thân thì đã tan tành

còn đem dúm đất mà đành đoạn nhau

 Ma thuật ngón tự thân cũng hàm chứa nhiều hạn chế như có lúc, có nhiều lúc tác giả làm người đọc mệt mỏi khi sa đà vào “triết luận” - tạm liên tưởng đến chữ nhà Phật gọi là “cơ tâm”, rằng có lòng thành nhưng hơi “trình diễn”. Thơ Trần Tuấn không vui, đã đành nhưng một dư vang buồn cho cả tập thì quả “nhọc lòng”. Thơ cũng cần phải hân hoan, phải gọi mời mọi người vui sống chứ.  

Nhà thơ Phùng Tấn Đông 

Nguồn Phongdiep.net