Trang chủ » Truyện

CÂY GẠO LÀNG QUỲNH

Trần Nhương
Thứ bẩy ngày 27 tháng 3 năm 2010 2:16 PM
 Saturday, March 27, 2010

Truyện ngắn
 
Có lẽ đến gần 10 năm nay người đàn bà ấy đêm đêm ngồi ở cuối giường để nắm lấy cổ chân chồng. Bà không đêm nào dám ngủ đẫy giấc vì nhỡ nhãng ra chồng bà vùng dậy tìm đến cái chết. Chồng bà, ông Liễm năm nay đã ngoại 60, ốm liệt giường nhiều năm nên ông mấy lần muốn quên sinh cho đỡ khổ vợ con. Câu chuyện về vợ chồng ông Liễm rất nhiều khúc quanh, lên thác xuống ghềnh trong mấy chục năm cay đắng đời người…
 
 @
 
   Hồi còn trẻ Liễm là một người con hiếu thảo trong một gia đình có học tại vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh. Bố Liễm hai vợ, anh là con bà hai nhưng dĩnh ngộ, thông minh nên bố anh muốn cho học hành đến nơi đến chốn. Liễm được vào học trường dòng tại quê nhà. Hồi ấy anh có tham gia hoạt động gì đó làm phật lòng nhà Chúa. Các thày nói với gia đình về chuyện anh tham gia vào tổ chức thanh niên hướng đạo. Để khỏi liên lụy bố anh bèn gửi con vào trường trong Quy Nhơn để mong Liễm tách khỏi đám thanh niên đang có hoạt động chống nhà nước bảo hộ. Cuộc đời Liễm bắt đầu với những con đường như vạch sẵn của số phận.
  Tại Quy Nhơn Liễm gặp một cô gái Sài Gòn tên Hòa. Cô là con nhà gia giáo và giầu có. Cũng không biết vì sao họ lại mê nhau đến trời cũng không gỡ ra được. Đúng vào dịp ấy cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 nổ ra. Hai người dắt nhau chạy về Hương Sơn. Một cô gái đài các Sài Gòn dấn thân theo chàng trai Hà Tĩnh cũng là sự lạ. Thế mới biết tình yêu có sức mạnh thế nào khiến người ta bất chấp những khó khăn chết người. Trở về quê hương với một cô gái trẻ nói giọng miền Nam hòa với giọng xứ Nghệ nên trong nhà lúc nào cũng líu ríu như chim hót. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Bao nhiêu thanh niên háo hức lên đường. Gia đình Liễm trở thành trụ sở của đội du kích xã. Bố Liễm tài trợ, nuôi nấng du kích và được cử làm trưởng ban bảo trợ du kích huyện Hương Sơn. Một hôm Liễm nói với bố mẹ và vợ có ý định lên Việt Bắc kháng chiến. Gia đình không nỡ can ngăn. Vợ anh, cô Hòa biết rằng chồng đi thăm thẳm sẽ rất đơn côi nhưng không nỡ ngăn chồng. Trước khi lên đường Hòa may sắm cho chồng vài bộ quần áo. Không đủ vải, cô lấy cái khăn quàng của mình cắt được hai chiếc quần đùi để Liễm có cái thay đổi. Cuộc chia tay đầy nước mắt của đôi vợ chồng trẻ khiến cho trời đất cũng thương tình hay sao mà mưa như vỡ cây nước. Liễm lên đường cùng trang lứa để lại nơi quê nhà bố mẹ già và người vợ vừa qua tuổi đôi mươi…
Những năm tháng đánh giặc cứ lầm lũi trôi đi. Ở Hương Sơn thi thoảng Hòa nhận được thư chồng. Biết chồng đang ở vùng núi Yên Bái bên kia bến phà Âu Lâu trong một công binh xưởng. Cô mừng thầm trong bụng vì chồng không trực tiếp ra nơi hòn tên mũi đạn.
   Bốn năm sau Hòa xung phong đi dân công phục vụ chiến dịch biên giới. Biết là gian khổ, bom đạn nhưng cô muốn đi để có cơ hội tìm gặp chồng. Cũng rất may hay do sự sắp đặt của ông trời mà đoàn dân công của Hòa về vùng Yên Bái phục vụ. Cuộc phiêu lưu tìm chồng của Hòa bắt đầu. Đơn vị dân công của cô đóng quân tại Văn Trấn trên con đường lên Nghĩa Lộ. Cô xin phép người phụ trách nghỉ mấy ngày đi thăm chồng với một địa chỉ không được rõ ràng cho lắm. Cô hỏi đường nhằm hướng Âu Lâu. Cô nghĩ rằng đến vùng đó hỏi công binh xưởng chắc không khó khăn gì. Đường kháng chiến rậm rịch suốt đêm, bao nhiêu đơn vị hành quân lên Tây Bắc. Hòa manh nha hiểu rằng sắp có đánh lớn gì đó nên dân công, bộ đội cứ nhằm hướng Nghĩa Lộ mà đi. Trong khi đó Hòa ngựợc lại dòng người. Sự cháy bỏng gặp chồng của cô khiến cô không còn biết sợ, biết mệt là gì. Rồi cô cũng đến được bên Âu Lâu. Cô hỏi thăm công binh xưởng 40 nhưng người dân không ai chỉ cho cô. Hồi ấy dân vùng kháng chiến thực hiện 3 không (không nói, không biết, không trông thấy gì) để phòng bọn Việt gian, gián điệp, nên cô càng thất vọng và buồn bã. Cô vào một nhà dân nghỉ nhờ, thấy cô gái nói giọng miền Nam bà chủ nhà cật vấn hỏi cô như có ý kiểm tra. Sau khi biết tình thật, bà cụ chỉ cho cô cái bản cô cần đến. Hòa đi mà lòng vui như sắp gặp chồng. Cô đang ngơ ngác tìm quanh nơi đầu bản Đêu thì bỗng cô nhìn thấy dây phơi quần áo. Cô gần như ngất xỉu khi thấy chiếc quần đùi mà ngày nào cô cắt chiếc khăn may cho chồng. Lạ vậy khi chưa gặp thì háo hức nhưng khi sắp gặp chồng cô lại thấy mình như đứt hơi. Bao nhiêu người tìm nhau qua kỷ vật những trâm cài, lược ngọc, chỉ có đôi vợ chồng Liễm tìm ra nhau nhờ chiếc quần đùi.
  Khỏi phải kể những giây phút họ ở bên nhau. Thủ trưởng công binh xưởng thương đôi vợ chồng trẻ nên xin đơn vị dân công cho Hòa ở lại với chồng. Hòa được nhận vào làm chị nuôi cho đơn vị. Có thể nói đó là một ân sủng vô giá của chiến tranh dành cho đôi vợ chồng trẻ. Một nét thi vị hiếm có trong lúc bom đạn đầy trời…
  Họ cứ sống như thế suốt những năm kháng chiến chống Pháp.Thiếu thốn, sốt rét nhưng Hòa được bên Liễm là một diễm phúc mà cuộc đời dành cho cô.
  Khi kết thúc chiến tranh hòa bình lập lại trên miền Bắc vợ chồng họ hòa vào dòng người đổ về thành phố. Vợ chồng Liễm được về tiếp quản Hải Phòng. Họ được ban quân quản phân công về công tác tài cảng Hải Phòng. Như con sông từ thượng nguồn ùa ra thấy biển cả mênh mông trước mặt, dòng nước náo nức hòa tan trong bát ngát biển trời. Vợ chồng Liễm cũng vậy. Bao nhiêu công việc bộn bề đã cuốn họ vào guồng quay của những người chiến thắng.
 Vào cuối năm 1955 ấy tại quê nhà đang tiến hành cải cách ruộng đất, bố Liễm đã bị quy là địa chủ cường hào gian ác. Một người theo kháng chiến, bảo trợ du kích cả huyện mà bị quy là địa chủ cường hào gian ác thì không biết còn có trời đất gì không. Ngày ấy đội cải cách là ông trời mà trên họ không có ai, họ làm gì là quyền của họ. Hầu hết những cán bộ bị gán cho địa chủ hoặc quốc dân đảng. Không chịu được nỗ oan ức tày trời, bố Liễm đã treo cổ tại cây gạo đầu làng. Cả làng Quỳnh ngơ ngác trước cái chết của ông giáo Lịch. Ông là người được dân làng yêu mến, bao nhiêu con cháu họ đã được ông dạy dỗ tại ngôi trường làng. Đám tang ông chỉ có những người ruột thịt đi đưa còn bà con dù có thương xót ông cũng không dám bộc lộ. Nhiều người trong xóm lén lấy vôi vạch một vệt vào cây trước nhà mình tượng trưng cho việc chít khăn tang chở ông.
  Tin đến với vợ chồng Liễm sau hơn một tháng ngày bố mất. Liễm vật ra ốm nặng, sốt liên miên gần 40 độ. Nhiều lúc nói mê sảng “cây gạo, cây gạo”. Rồi một buổi cả nhà đi vắng, Liễm kiếm được mấy hộp sơn và cái chổi. Anh lấy tấm bạt che nơi đầu nhà và vung bút vẽ như nhập đồng. Không còn biết gì nữa Liễm nhớ đến cây gạo đầu làng Quỳnh của mình và phóng những nét bút ngạo nghễ lên tấm bạt. Bao nhiêu hoa gạo đỏ chi chít trên các cành và kéo vệt những bông hoa rụng xuống như một dòng máu đang chảy từ cành cao xuống đất. Vẽ xong cây gạo ấy, Liễm mang bức tranh vừa vẽ  treo lên ngay trên đầu giường hai vợ chồng. Vào thời gian này hai người đã có với nhau hai con gái. Cô lớn lớp bảy, cô bé học lớp năm. Mẹ con Hòa lúc về nhà thấy Liễm đã tỉnh táo như chưa hề đau ốm gì. Ba mẹ con vây quanh Liễm, người sờ trán, người nắn chân tay xem thực hư ra sao. Quả là Liễm đã khỏi ốm hoàn toàn. Liễm thắp ba nén hương cắm lên bàn thờ làm bằng gỗ ván thùng treo trên vách tôc-xi. Liễm lầm rầm khấn vái, rồi giọng anh to lên như để cả nhà nghe tiếng: “Con lậy Trời, lậy Phật, lạy tổ tông ông bà ông vải, con thề còn sống ngày nào con sẽ không về cái làng Quỳnh ấy nữa. Sau này con chết thì cũng gửi nắm xương nơi đất khách quê người…”
  Mấy mẹ con hoảng hồn về lời thề đó. Trên gương mặt của Liễm có cái gì trông rất ma quái, rất điên dại. Hòa nghĩ lời thề đó đã làm cho chị và lũ con không còn biết quê nội nữa sao. Cái làng Quỳnh mà chị về làm dâu sẽ vĩnh viễn không một lần trở lại nữa sao ?
  Sau lần ấy Liễm khỏe khoắn như chưa từng bị ốm. Anh đến cảng làm việc với tất cả sự hăng say của mình. Vài năm sau Liễm được đề bạt là phó quản đốc phân cảng thuộc cảng Hải Phòng. Cuộc sống của gia đình bé nhỏ ấy cứ trôi đi tần tảo nhưng đầm ấm. Hòa làm ở nhà máy cá hộp Hạ Long. Thời bao cấp khó khăn thì công việc của chị ở nhà máy cá hộp đã cho bữa ăn gia đình luôn có chút cá mua được của nhà máy.
   Ngày cải táng bố Liễm, nhận được điện của ông anh trưởng (con bà cả, bố Liễm hai vợ) nhưng Liễm không về. Anh gửi một ít tiền và một lá thư đầy nước mắt, nhận mình là người con bất hiếu xin gia đình xá tội cho. Hòa khuyên can chồng thế nào cũng không được. Chị nói nếu anh không về thì cho em và các con về nhưng Liễm nhất quyết không cho đi. Liễm là người cực đoan, cố chấp đến kì cục. Một thời ấu trĩ, một thời học theo người khác nên khó tránh khỏi sai lầm. Đời người ai chả có lúc lầm lẫn miễn là biết sai để sửa nữa là một thể chế. Biết làm sao, Liễm là một cá thể mà chỉ anh mới hiểu hết anh, anh là một thế giới của riêng anh…
   Cuộc chiến tranh chống Mỹ nổ ra, Liễm được lệnh tái ngũ. Anh vào một đơn vị hậu cần trên tuyến đường Trường Sơn. Những năm tháng ở rừng trong vùng Mỹ rải chất độc da cam nên sức khỏe của anh suy sụp. Anh được chuyển ngành về lại cơ quan cũ. Lại lăn lộn trên bến cảng bề bộn nhưng không còn như chàng thanh niên ngày nào, Liễm khẳng khiu, khô đét như vị La Hán nhịn ăn mà mặc.
  Rồi sau đó là những ngày ốm đau triền miên Anh đi điều trị hết Việt Tiệp đến Việt Đức mà bệnh tình không giảm. Nhiều lần thương vợ thương con phục dịch mình anh nghĩ nhiều điều dại dột. Vào một đêm mưa gió, Liễm bò dậy, lén ra bàn thờ thắp nén nhang khấn vái rồi đi ra đầu ngõ. Anh buộc sợi dây thừng vào cành cây định treo cổ để không khổ vợ khổ con. Bất ngờ Hòa chạy đi tìm chồng. Khi biết anh có ý định tự tử chị ôm lấy Liễm, sụp xuống van xin:
- Anh ơi sao anh nỡ bỏ mẹ con em. Hay mẹ con em ăn ở có điều gì không phải. Anh đau ốm nhưng vẫn còn đó chồng em, vẫn còn đó bố của chúng nó. Anh chết đi em biết sống làm sao. Anh không thương lũ trẻ con nữa ư ?…
Nghe vợ nói trong giàn giụa nước mắt, Liễm cúi xuống kéo vợ đứng lên. Hai bóng người siêu vẹo trong đêm dắt nhau trở lại căn nhà cấp bốn tuyềnh toàng của mình.
  Từ hôm đó Hòa xin nghỉ công việc một thời gian để luôn luôn có mặt bên chồng. Nhưng ý nghĩ quên sinh của Liễm hình như không thay đổi. Anh tỉ mẩn ghi chép, viết lách gì đó giống như di chúc mà khi nhìn thấy Hòa anh vội giấu đi. Hòa vẫn để ý và linh cảm điều gì sắp ập xuống gia đình nhỏ bé của chị…
  Cơ quan của Liễm thấy anh ốm đau dài ngày tìm cách trợ cấp nhưng cũng chỉ đôi ba lần chứ làm sao có mãi. Mấy anh bên công đoàn gợi ý hay làm chế độ cho Liễm về một cục để có món tiền kha khá thuốc thang. Chị Hòa chấp nhận phương án ấy. Nhân lúc nhà máy Hạ Long giảm biên chế, chị Hòa cũng xin nghỉ hưu theo chế độ khuyến khích. Hai vợ chồng được mấy chục triệu, chị gửi tiết kiệm lấy chút lãi hàng tháng tiêu pha…
  Thời gian cứ trôi đi lặng lẽ. Chị Hòa làm một cái quán nhỏ đầu ngõ bán mớ rau, gói mì tôm kiếm thêm đôi đồng rau hàng ngày. Dù vất vả một chút nhưng chị luôn có mặt bên chồng.
  Trên vách đầu giường bức tranh cây gạo lâu ngày đã ngả màu. Thỉnh thoảng lúc nào người nhúc nhắc được Liễm lại quét bụi, ngắm nghía hồi lâu. Cây gạo hoa vẫn đỏ quanh năm và những bông hoa rụng vẫn kéo theo vệt máu rơi rơi xuống đất…Càng ngày chị Hòa càng thấy Liễm như có ý chuẩn bị cái chết của mình. Đại loại hôm thì Liễm mang quần áo ra chọn lựa, anh chọn ra vài bộ tươm tất nhất còn lại anh bỏ ra ngoài. Hôm thì ngồi thần ra nghĩ ngợi gì đó. Hôm thì cố che lại chỗ tường tốc xi bị thủng, đóng lại cái đinh móc nồi xoong…Hòa linh cảm chồng mình càng trầm uất, càng có định quên sinh. Nhiều đêm anh vùng dậy dặt dẹo bước ra sân tìm kiếm gì đó, Hòa vội chạy ra kéo anh vào..
  Từ đó đêm đêm Hòa không thể ngủ được. Chị ngồi phía cuối giường đặt bàn tay mình nơi cổ chân Liễm. Có thể hơi ấm bàn tay của chị đã làm cho Liễm ngủ yên chăng vì ít thấy anh trằn trọc trở mình. Đôi bàn tay mỏng manh của Hòa rất khó có thể giữ chặt chân Liễm nhưng tấm lòng người vợ là cái neo níu chặt con thuyền đang định ra đi….
  Mỗi lần như thế Hòa lại nhìn vào bức tranh cây gạo cho đỡ buồn ngủ. Ở nơi ấy những bông hoa gạo lóe lên đỏ rực như ngọn đèn canh trên một con tàu nào đó. Và có lúc những bông hoa ấy tứa máu lấp lóa nhảy nhót trước mắt Hòa. Cô lo sợ, hốt hoảng nằm đè lên Liễm, ôm chầm lấy anh như sợ chỉ tích tắc nữa thôi chồng mình tan vào màn đêm với đầy những đốm lửa nhấp nháy như những bông hoa gạo kia…
Đại Lải 3-2010