Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Gà Hmông xuống phố

Thanh Thảo
Thứ bẩy ngày 10 tháng 1 năm 2009 2:50 PM
Thời kinh tế thị trường, anh có thể ngồi ung dung ở Hà Nội mà vẫn ăn được cơm lam, uống rượu cần, và lai rai…gà H’Mông. Nhà văn Đ.L, người quê khác nhưng gốc…thủ đô, đọc cho tôi nghe bài thơ khá lạ của nhà thơ TTT, mà anh nói sáng tác từ trước cách mạng Tháng Tám: “ Nhà anh có con gà ri/gà ri đi mất anh nghi xóm làng/gà ri năm móng thì thôi/gà ri sáu móng thì đi…cho rồi/”. Tôi cũng là người lơ mơ làm thơ, nhưng bài thơ này tôi nghe lạ, và có vẻ không dễ hiểu. Hỏi nhà văn Đ.L ý nghĩa từng câu thơ, anh cười khà khà: “ Ông đi ăn lẫu gà H’Mông với tôi, khắc biết!”
 
Chúng tôi xuống phố. Quán lẫu trang trí khá bắt mắt, có thang máy hẳn hoi, em gái phục vụ xinh xắn, nói được hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng…lóng. Gọi cái lẫu gà H’Mông, xem chưa hết bản tin thời tiết trên ti-vi, mừng vì trời Hà Nội đang ấm dần lên, đã thấy nhà hàng mang lẫu ra. Gà H’Mông, là gà của bà con người H’Mông nuôi trên núi cao, ít nhất cách mặt nước biển hơn nghìn mét, cách xa thủ đô trên nửa nghìn cây số, sao lại dễ dàng…xuống phố, giống như chúng tôi vậy ? Hỏi em gái phục vụ xinh đẹp, em nói đây là bí mật “nguồn” của nhà hàng. Không phải “nguồn mở” của ông Fraser, dĩ nhiên. Chúng tôi chấp nhận, dù thấy thịt gà này hơi giống gà…ri, như trong thơ của TTT thi sĩ. Cũng chân đen, móng sắc, da chì. Cũng nhỏ con mà rắn thịt. Nếu là gà ri, thì có thể nuôi ở bất cứ đâu, không cứ nuôi trên núi cao sương buốt đá lạnh. Nhưng nếu là gà H’Mông chánh hiệu thì biết lấy “tiêu chí” gì phân biệt với gà ri ? Tôi không dám phiền em gái phục vụ bàn lâu hơn, ngại em xài tiếng…lóng, nhưng thực tình, tôi nửa tin nửa ngờ.
Bây giờ, đến người đôi khi còn giả, nữa là…gà.Lại là một giống gà ít người biết như gà H’Mông. Chúng tôi lặng lẽ ăn. Quả thật, thịt gà này có hương vị hơi đặc biệt. Nó có mùi thơm của lõi ngô, giống ngô trồng trên những hốc đá. Bạn đã ăn món “mèn mén” bao giờ chưa ? Đó là món cháo ngô rất bình thường của người H’Mông, vị đậm, hơi khé một chút, nhưng khi đã ăn quen, người ta cảm thấy trong miệng mình có một mùi thơm thật nhẹ nhưng khó lẫn với bất cứ mùi hương nào khác.
Năm ngoái, hết đi Cao Bằng lại ngược Điện Biên, rồi Lai Châu, tôi chợt nhận ra: con người, đôi khi nghiện một mùi hương, một dư vị gì rất bình thường, một thứ “hương thầm” nào đó, núp trốn từ đâu trên đường đời, bỗng một ngày chúng phát tín hiệu. Và nếu anh bắt được tín hiệu ấy, anh sẽ chợt nhập vào một không gian khác, một thế giới khác. Không hẳn xa lạ, không hề bí hiểm như thơ của thi sĩ TTT, nhưng khiến ta như bị bỏ bùa. Những con gà nghèo của người H’Mông thường định cư trên núi cao, bỗng một ngày được người dưới phố có lẽ đã quá quen đến mức nhàm chán với gà công nghiệp, gà Tam Hoàng Đại Hoàng gì đó phát hiện ra. Và chúng lập tức được trương lên trên những bảng hiệu quảng cáo, trở thành “đặc sản”. Mà đúng chúng là đặc sản thật, vì chúng thật hiếm hoi, thật xa lạ với phố phường. Chúng từ núi xuống. Chúng ngủ với đá, ngày mỗi ngày theo người đi nương. Chúng ăn những hạt ngô còi, những lõi ngô khô xác. Chúng vất vả đến mức không lớn được, da ngăm màu chì, móng chân cùn đi vì bới hoài trên đất đá. Chúng không hề biết mình đáng giá bao nhiêu tiền. Chúng chỉ hơn những con gà công nghiệp ở khoản tự do. Nhưng tự do nhiều khi cũng là tự do…đói, nếu không tự kiếm được cái gì để ăn. Nhưng tôi biết, chúng không bao giờ muốn được xuống phố để an toàn trong những cái…lẫu.