Trang chủ » Truyện

BỐ TÔI và BÁN NHÀ

Nguyễn Thị Thu Hiền
Thứ ba ngày 9 tháng 3 năm 2010 8:33 PM
TNc: Người viết trẻ Thu Hiền từ Bắc Giang đã gửi cho Trannhuong.com hai truyện ngắn này. Rất cám ơn Thu Hiền và xin giới thiệu với bạn đọc.

BỐ TÔI

Truyện ngắn
 
Năm nay bố tôi bảy mươi  hai tuổi. Hơi  thở yếu ớt của bố, chẳng biết còn được đến  lúc nào. Mỗi lần về thăm quê, nhìn chiếc chiếu bố nằm đã thâm nát một góc, tay chân bố co quắp một mình dưới nhà  ngang, lòng tôi buồn thắt lại.
Tôi không thể bình tĩnh được khi nhìn thấy có tới chục con kiến đang gặm nhấm chân tay của bố. Tôi chợt hiểu, nếu bố khó chịu, cũng không thể tự gãi được. Nhẹ nâng bố ngồi dậy, tôi tắm  gội và cạo râu cho bố. Khi còn khỏe, bố luôn ưa  đầu  tóc gọn gàng,  sạch sẽ.
Ngồi bên cạnh bố, tôi cắt từng chiếc móng tay dài của bố. Nước mắt tôi rơi ướt bàn tay bố. Tôi vội lau khô, vì sợ bố cảm nhận thấy tôi khóc, bố không yên lòng. Tôi hiểu, bao năm nay, bố chưa yên tâm về tôi, vì cuộc sống riêng và hạnh phúc của tôi chưa đến đâu cả.
Trước đây, khi bố còn nói được, mỗi lần về thăm, bố thường đưa tay sờ lên vai và lưng tôi xem tôi đã lớn thế nào? Phút yên lặng ngồi bên bố, tôi hiểu bố muốn hỏi tôi nhiều điều. Tôi muốn bố vui, nên hay tâm sự cùng bố. Bố ạ, cuộc sống của con nay không còn khó khăn như trước. Con đã có công việc ổn định. Còn về tình duyên của con, bố không phải lo, khi nào nó đến thì đến.
Năm mười bốn tuổi, tôi đã yêu đơn phương một người cùng xóm. Tôi si mê và cảm thấy điên đảo nếu mỗi ngày không được nhìn thấy anh ấy. Vì tôi còn quá nhỏ, bố đã ngăn cấm không cho phép tôi gặp anh ấy. Mỗi tối tôi đi chơi, bố thường ngồi thức chờ tôi về. Biết bố không nhìn thấy tôi, mà chỉ phát hiện ra tiếp dép kêu, nên  đi chơi về tôi thường xách dép từ cổng. Nhưng  khi bước vào nhà, tôi không thể dấu bố, vì tiếng kêu ken  két của cánh cửa.
Bố cấm tôi nhiều lần mà tôi vẫn  không nghe. Hôm ấy đi chơi về, bố  đã cầm sẵn một cái gậy to. Vừa vào nhà, tôi đã bị ăn đòn của bố. Bố mắng té  tát Làm thân con gái phải biết giữ gìn, nếu có chuyện gì, thì cả nhà mang tiếng!.
Bố thương tôi còn quá nhỏ. Đêm đêm nằm ngủ, tôi vẫn còn mơ cười nói. Đấy là thời tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ. Sáng sáng, hết bố đến mẹ gọi, mà tôi cũng không thèm dậy. Mẹ chỉ gọi vài câu, là phải đi làm. Bố  đuổi giường này tôi lại chạy sang giường kia ngủ tiếp. Một lần tôi bị ăn đòn, vì ngủ dậy muộn. Có bữa cả nhà ngồi ăn cơm, mẹ mắng tôi Con lớn rồi đấy,  ngủ dậy muộn, các bạn cười  cho. Con học bạn Nhài đấy, từ sáng nó đã cắt hết nửa sào lúa rồi!
Bố và mẹ tôi vốn là công nhân lâm trường miền núi. Năm 1987, bố mẹ  chuyển về quê Bắc Giang sinh sống. Ở đó, tôi bỗng dưng được biết tôi có rất nhiều các anh chị. Có người đã có vợ có chồng. Chị cả  của tôi chỉ kém mẹ tôi một vài tuổi. Đấy là những người con cùng cha khác mẹ.
Hàng ngày, cả nhà đi làm vắng. Tôi và em trai hay sang cổng nhà anh trai  chơi. Nhưng tôi thường bị người đàn bà chừng năm mươi tuổi, cầm gậy ra đuổi đánh. Sau tôi mới biết, đó là mẹ cả của chúng tôi.
Mẹ tôi kể, các anh chị của tôi, ai cũng đủ ăn đủ mặc, thóc  gạo đầy nhà. Ấy mà bố tôi lâm bệnh, không  anh chị nào để ý đến bố. Ngày về Bắc Giang, bố mẹ tôi hai bàn tay trắng. Đồ đạc trong nhà đã ra đi sạch bởi căn bệnh hiểm nghèo của bố! Cả nhà trông vào mẹ tôi đi làm thuê làm mướn. Có khi cả nhà tôi phải nhịn đói vài ngày liền. Tôi mới hiểu ra, mẹ cả và các anh chị lớn thường coi như không có chúng tôi.
Sáng sáng, mẹ đi làm rất sớm. Mẹ đi làm đổi công đến trưa, lấy lon gạo về cho cả nhà cơm cháo qua bữa. Nhưng cũng nhiều trưa, mẹ trở về tay trắng. Tiết trời mưa xuân mới dai dẳng làm sao. Những cơn mưa xuân dài ngày đã làm mái nhà tranh gia đình tôi mục nát. Buổi trưa, mọi nhà đều nhóm lửa, chỉ riêng bếp  nhà tôi lạnh lẽo. Ôi làn  khói bếp nhà hàng xóm thật thơm và ấm áp quá. Lúc mọi nhà chuẩn bị ăn cơm, tôi càng thấy đói. Tôi hay dắt em trai sang nhà  chị gái cả đứng nhìn họ ăn cơm. Đứng mãi, cho tới khi chị ấy đuổi thì tôi dắt em ra ngoài cổng đứng nhìn vào. Ngày cưới anh trai út con mẹ cả, hai chị em tôi đứng bên nhà nhìn sang. Tôi biết, nếu có sang, họ cũng đuổi tôi về thôi. Nhưng kìa, có  mấy đứa  trẻ hàng xóm mà nó còn được vào ăn cỗ. Tôi đánh liều đưa em trai sang. Vừa đặt chăn vào sân, chị gái cầm que ra đuổi. Tôi bị một trận đòn đau,  khiếp sợ.
Năm ấy, những trận đói  kéo dài liên miên, khiến gia đình tôi liêu xiêu. Bố mẹ phải tính đến nước đường cùng, để tôi đưa bố đi xin. Đấy là năm tôi vừa đủ tuổi vào lớp một.  Bố tụi già và gầy đi rất nhanh. Mấy thỏng sau, mẹ tôi  không để bố con tôi đi xin  nữa. Mẹ bảo: ở nhà dù đói, nhưng cả nhà được gần nhau !
Ở nhà, bố tôi không phải mưa nắng. Nhưng cái đói nghèo vẫn đeo đẳng. Kinh tế vẫn là cái vực sâu để gia đình tôi phải leo lên. Lần này, mẹ quyết định cho tôi đi làm thuê. Mẹ bảo : Con đi làm vài tháng! Tôi yên tâm đi làm thuê. Đi vài thỏng thụi, cho nhà đỡ khổ.
Đã một tháng, hai tháng... Rồi một  năm. Tôi về hỏi mẹ  Mẹ cho con ở nhà, mẹ nhé ? Lại câu nói cũ Con cố thêm vài tháng nữa thôi.  Tôi khóc  Con muốn được ở nhà, con nhớ nhà lắm, mẹ ạ ! Ở nhà được dăm hôm, cái đói nghèo vẫn đẩy tôi phải đi làm thuê xa nhà tiếp.
Một năm. Hai năm. Rồi ba năm. Ở nhà có bao chuyện xảy ra. Chị gái tôi đã mười sáu tuổi. Em trai tôi đã lớn. Gia đình tôi đi qua đận đói. Kinh tế gia đình dần dà  khá  lên.  Bố mẹ tôi dự tính sẽ xây nhà ngói, thay thế nếp nhà tranh bao năm  mưa bão từng làm thót tim tôi. Nghèo đói,  những con mắt của thôn xóm khinh rẻ nhìn chúng tôi, đã nhóm lên trong tôi một sự phấn đấu.  Tôi tự nhủ, mình phải cố gắng làm việc kiếm tiền, để được ngẩng mặt trước những lời khinh rẻ ấy. Tôi mơ tới ngày nhà tôi có nhà mới. Khi ấy, hội bạn tôi sẽ không còn khinh thường tôi nữa.
Tôi hồi hộp chờ ngày xây xong nhà. Tôi say sưa ngắm nghía từng viên gạch đầu tiên tạo nền móng ngôi nhà. Mái ngói lợp lên, chị em tôi rủ nhau khênh chõng tre lên nằm, dù nền nhà chưa san và còn sặc sụa mùi vôi vữa.
Ngôi nhà xây xong, bố mẹ tôi  thở phào nhẹ nhõm. Tôi có niềm vui khó tả. Bố nói Từ nay mưa nắng không còn bắt nạt nhà mình nữa rồi!. Chi phí xây nhà phát sinh ngoài dự tính đến sáu triệu đồng. Số tiền quá lớn đối với gia đình tôi. Không đủ trang trải, đành phải vay lãi. Rồi lãi mẹ đẻ lãi con, khiến bố mẹ tôi  nai lưng  trả  nợ.
Giấc mơ và niềm vui nhà mới của tôi chưa đầy một tháng lại tan biến. Ngày ngày, những tiếng quát tháo của người đến đòi nợ. Đêm đêm, tiếng chì chiết của bố mẹ. Tôi tự  thấy mình lại phải xa nhà, đi làm thuê đỡ đần bố mẹ.
Cuộc đời tôi như con thuyền xuôi mãi không dừng, không bến đỗ. Những bữa cơm chan đầy nước mắt. Tôi thèm khát tiếng cười của mấy đứa bạn thân. Tôi nhớ lời âu yếm của mẹ. Tôi nhớ tiếng  gọi như hò đò của bố những buổi sớm tôi ngủ dậy muộn. Nếp  nhà bình yên và ngõ nhỏ có rặng tre trúc, mãi là niềm  khao khát của tôi.
Sau bao năm vất vả lặn lội kiếm sống ở nơi đất khách quê người, tôi như thấy mình cứng cáp, dạn dày hơn. Sáng sáng đạp xe đi làm. Tối về nằm thui thủi một mình trong bốn bức tường ẩm lạnh. Nhiều khi tôi muốn lật tung  cuộc sống của mình. Buồn và nhớ nhà. Nhưng chưa tới kỳ lương,  tôi không thể về thăm quê được.
Tôi đã học nghề và làm nhiều nghề, nhưng công việc vẫn không ổn  định và chẳng đâu vào đâu cả. Có khi tôi phải nằm ở  nhà một tuần hay nửa tháng vì không xin được việc. Năm tôi hai mươi tuổi, tôi xin vào làm ở Công ty hóa mỹ phẩm. Chân ướt chân ráo vào nghề, chưa quen việc, tôi phải quét nhà, lau đồ, cọ nhà vệ sinh như người lao công.
Một sớm tôi vừa tới chỗ làm, thì nhận được điện về nhà ngay, bố cấp cứu bệnh viện. Tôi xin phép cô chủ để về quê. Vẫn dáng vẻ béo ục ịch và bình thản của cô chủ. Tôi thấy cô chủ như không quan tâm gì tới hòan cảnh của tôi. Nhưng tôi vẫn phải nén lòng làm việc, chờ tới chiều cô trả lương. Có tiền lương, tôi đạp xe như bay về thăm bố.
Về tới bệnh viện, tôi sững người vì bố mê man bất tỉnh. Tôi ôm bố, khóc nức nở. Tôi như thấy đôi tay  ấm của bố đang vỗ nhẹ lên vai mình. Đấy là tôi cảm nhận thôi, bố tôi đang mê man có biết gì đâu. Đã ba ngày bố vẫn chưa tỉnh. Tôi không rời bố một bước. Hàng xóm lần lượt lên thăm bố tôi. Nhưng các anh chị con bà mẹ cả chẳng ai tới thăm bố. Tôi vô cùng ấm ức. Sang ngày thứ tư, bố tôi chợt tỉnh. Khi ấy, tôi mới nhìn thấy mấy anh chị đủng đỉnh vào viện. Nhìn dáng vẻ của họ, tôi như phát điên. Tôi đóng sầm cánh cửa phòng bệnh, chạy vào ôm chầm  bố,  khóc không ra tiếng. Mấy anh chị nhìn nhau thở dài trong tiếng nấc của tôi.
Kể từ ngày về quờ sống cùng các anh chị, đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy các anh chị quan tâm đến bố. Tuần sau, bố tôi khoẻ và ra viện. Chị gái lớn mang sang  con gà mái đang đẻ, đề mẹ tôi nuôi lấy trứng cho bố ăn dần. Chị gái thứ ba lấy chồng ở xa, mỗi khi đi chợ về thường mua cho bố tôi tấm bánh. Anh trai ở gần, bê bát cháo, bát mỳ chăm sóc bố. Thấy cảnh ấy, tôi chạnh lòng cảm động. Tôi nhớ lời mẹ tôi dạy Anh em không thể bỏ nhau!. Nhưng tôi vẫn như thấy anh chị  với chúng tôi chỉ bằng mặt, mà chưa bằng lòng. Tuy vậy, tôi thấy bố tôi vui hơn. Tôi  nói đùa với bố mẹ Thôi, thế là phim kết thúc có hậu rồi!.
 Hai năm sau, tai hoạ lại đến với gia đình tôi. Bố tôi bị tai biến mạch máu não. Một mạch máu trong não bố tôi bị đứt vỡ. Mười ngày liền bố nằm mê man không tỉnh. Hơi thở của bố rất yếu. Đêm đêm, tôi tỉnh dậy vài lần cho bố ăn. Vài thìa cháo nhọc nhằn và bao hy vọng. Chị gái tôi nói Chị em mình phải  bình tĩnh lường trước, nếu bố phải đi xa!. Nghe chị gái nói, tôi buồn phát khóc. Nhưng tôi không dám khóc to, sợ  bố biết, bố buồn thêm.
Mười ngày sau, bố tôi tỉnh lại. Tôi vui mừng ôm bố. Bố có nhận ra con không? Bố gật đầu, không nói. Tôi phát hiện  nửa  người bố tôi đã bị liệt. Tôi hiểu, nay bố chỉ còn trái tim đập yếu ớt, đầu óc lúc tỉnh lúc mờ. Tôi đã mất những lời khuyên của bố.
Tôi nhớ, trước kia mỗi lần về thăm nhà, vừa bước vào đầu sân chào bố mẹ, bố
tôi chạy ra đón và bảo Mẹ kìa, con nghé con của nhà ta đã về. Một cảm giác
hạnh phúc ấm lòng sau những lạnh giá tôi nếm trải ngoài xã hội. Tôi nhớ chuyện bố kể những ngày bố còn nhỏ. Mới tròn hai  tuổi, bố đã phải theo bà nội đi làm thuê. Bố còn nhớ mãi buổi sáng mùa hoa gạo nở đỏ sân đình, bố
theo bà nội ra chợ huyện. Bà nội dặn bố ngồi đợi bà. Những tia nắng đầu tiên sau những ngày mưa dầm lê thê, làm bố cười hớn hở. Nhưng rồi bố mòn mỏi đợi, mà bà nội đi mãi không về. Cái bụng đang dần teo lại vì đói. Bố kêu gào
gọi Mẹ oi !. Quá trưa, tiếng khóc của bố  khàn dặc. Một người đàn bà đến đưa cho bố miếng bánh đúc và bế bố vào nhà. Bố vẫn thảm thiết gọi mẹ. Từ ngày ấy, bố sống đời con nuôi và không còn biết tin tức gì của bố mẹ đẻ mình nữa.
Bảy năm sau, bà mẹ nuôi của bố sinh được cậu con trai đầu lòng. Ngày  chào đời, cậu không biết khóc. Cả nhà làm mọi cách, mà cậu vẫn không khóc. Theo tục cổ quê tôi, mọi người gọi bố tụi vào đấm đá thật đau để bố tôi khóc, mong cậu khóc theo. Quả thật, khi ấy cậu mới cất tiếng khóc đầu tiên. Bố tôi thương cậu lắm. Hàng ngày, bố quét sân nhà, giặt quần áo để mẹ nuôi yên tâm chăm sóc cậu. Lòng tủi thân của bố đã trỗi dậy, khi nhìn cậu em được bố mẹ yêu chiều. Mỗi lần ra làm đồng, bố thường nhìn về hướng mặt trời gọi tên bố mẹ.
Năm tháng ấy, chiến tranh liên miên. Cả làng sơ tán tản cư hết. Bố mẹ nuôi dặn bố ở lại nhà trông nom vườn tược. Giặc đến làng đốt phá, bắt trâu bò lợn gà. Bố còn ít tuổi, sợ quá chui vào ngâm mình trong bể nước. Đêm xuống, giặc rút khỏi làng, bố mới dám ra ngoài đồng bắt con cua con ốc về ăn. Ngẫm thấy đời mình chẳng có gì luyến tiếc, có khi ý nghĩ bất cần chợt đến, bố muốn nhảy ra khỏi bể nước, chạy cuồng khắp làng cho giặc Tây bắn chết. Hơn tháng sau, giặc rút khỏi, làng xóm mới lục đục kéo về. Gặp lại bố mẹ nuôi và cậu em, bố tôi mừng khôn xiết. Năm mười bảy tuổi, bố làm đơn tình nguyện đi bộ đội và luôn tâm niệm một điều sẽ tìm lại được bố mẹ và gia đình mình.
Năm ba mươi tuổi, một lần bố gặp người phụ nữ cảm giác tình thân, đã làm bố hy vọng gặp lại người thân.Bây giờ, bố tôi bảy mươi hai tuổi...                                  
Tháng 8 năm 2006 
 

   BÁN  NHÀ
               
Truyện ngắn
 

  Đây rồi! Nguyễn Thị Tuyết Mai và cả số điện thoại của mình nữa chứ. Chữ đậm, rõ nét, in ở góc tờ báo. Báo mới ra, chắc hẳn có nhiều người xem. Đọc thông tin hấp dẫn,  ai có nhu cầu, hẳn muốn đến xem thôi. Mai thở phào, đầu óc mênh mang nửa buồn nửa vui. Chuông điện thoại rung. Số lạ. Mai lấy hơi dài, à, chắc chắn vị khách đầu  tiên  đây. A lô ! Đây có phải số máy của chị Mai không? Dạ vâng ! Vẫn giọng nói người đàn ông đĩnh đạc. Sáng tôi đọc báo và biết chị cần bán một căn nhà. Bây giờ tôi muốn đến xem  có được không? Mai mừng thầm, chẳng nhẽ việc bán nhà lại nhanh chóng  vậy sao? Cuống quá, Mai nói nhịu cả lưỡi. Dạ, giờ cháu đang ở công ty, sáu giờ chiều cháu mới được về, lúc ấy chú đến xem   nhé ?
                Cuộc điện thoại kết thúc. Ông khách  suy luận,  nhà này bán chác kiểu gì? Việc bán nhà là hệ trọng,  sao lại  giao cho con bé giọng non choẹt thế nhỉ ? Thôi thì chiều cứ đến  xem sao. Sáu giờ chiều nó mới đi làm về, có thể đây là chủ nhà thật, chứ không phải  dân môi giới. Từ sáng, ông tìm được vài địa chỉ ưng ý, hỏi thăm   tới nơi, thì lại thấy toàn biển trung tâm nhà đất, nhìn  phát điên. Sao chúng nó đăng báo, lời  lẽ  cứ như chủ nhân thật ?
                  Chiều nhá nhem ,  không nhìn rõ cái cầu thang  bám đầy mạng nhện. Không gian  mùi ẩm mốc. Vài bãi nước đái trẻ con còn võng vãnh giữa lối đi. Mai vội cầm  chổi khua, bụi bay mù mịt. Có điện thoại . A lô, khi sáng chú  hẹn chiều tới đến xem nhà đây. Chú đang đứng ở dưới sân mà không biết lối nào lên nhà cháu? Vâng, cháu xuống ngay đây ! Mai cuống cuồng chạy bổ xuống cầu thang, như thể sợ con mồi tuột mất. Rồi cô hét toáng lên, đây đây, mời chú lên nhà . 
   Người đàn ông to cao bên chiếc ô tô đen bóng theo cô lên cầu thang. Mai bấm bụng,  ông ta sẽ chê cầu thang hẹp và gãy khúc . Nhìn ông ta đi, mai thót tim vài lần. Cô  sợ ông ta cộc đầu vào dầm cầu thang. Hai người đi lặng lẽ như hai tên trộm. Ui, mẹ khỉ, tý nữa thì ngã ! Câu nói đầu tiên được phát ra từ mồm ông ta. Cửa nhà vừa mở, ông ta lao vào ngó nghiêng . Căn nhà chỉ còn chỏng trơ cái giường không  chiếu . Một chốc , cả hai im lặng . Mai hồi hộp quan sát nét mặt ông ta. Nhà thì cũng tạm được, nhưng cầu thang hẹp và tối quá! Giọng nói ồm ồm của ông làm Mai giật bắn người. Thành phần dân sống ở đây như thế nào ? Dạ, đa số là công nhân chú ạ ! Giá cả ít ra cũng phải bớt chứ ? Nhà cháu đang cần bán, nên đăng báo giá thấp để nhanh được việc,  cháu có đòi giá cao đâu ạ ! Ông khách ngồi giằn mông xuống chiếc giường, nhìn Mai từ đầu xuống chân . Chú là giám đốc, chú cần mua cái nhà tầm tầm để đấy, thích thì cho cô bồ về ở. Thế cháu bán đây thì mua về đâu ?  Dạ, trước mắt cháu cháu đi thuê nhà. Thế sao  bán đi ? Vâng, nhà cháu có việc cần tiền ! Thế cháu có người yêu chưa ?  Ừ, xinh thế này mà chưa có người yêu à ? Vậy chú mua cái nhà này và cho cháu ở lại đây nhé ? Mai cười nhạt, không  thèm nói thêm câu gì nữa, vẻ mặt đầy thất vọng. Thôi, kiểu này  lại chẳng  kết quả  rồi. Bao hồi hộp, đợi chờ đã tắt. Ông khách đứng lên. Mai thở dài. Mọi chuyện  không đơn giản như Mai tưởng.
  Tối hôm sau, căn nhà bỗng đông người đến xem. Mai mừng thầm trong bụng. Đông người  xem thế này, may ra có người thiện chí mua đây. Có  hai vợ chồng đưa cả con gái đến xem. Họ ngó trong nhà ngoài nhà. Mai quan sát thấy họ rất thận trọng . Họ còn ghé sang nhà bên hỏi han thêm điều gì nữa. Thôi thế thì lại khó thành rồi. Trò đời đi mua nhà mà cứ hỏi thăm hàng xóm thì đa phần hàng xóm phá đám. Một hy vọng lại cụt ngủn.
   Lại một đôi trai gái bước vào xem. Cô gái nhõng nhẽo. Anh ơi, chỗ này sau mình ngăn  thành chỗ nấu ăn nhé . Phòng ngủ để vừa xinh thôi ! Cô gái quay sang phía Mai. Chị ạ, chúng em sắp lấy nhau, bố mẹ chỉ cho ít tiền đủ mua căn nhà này, chị để cho chúng em nhé ? Thấy mấy người lại vào xem nhà, vẻ mặt cô ta cũng choáng. Mai cố tạo ra  trạng thái bình thường, trong khi lòng dạ cô đang ngùn ngụt  bốc hỏa. Cô sợ nhiều người đến xem mà chẳng ai quyết định, trăm mối tối nằm không, thì Mai thất vọng quá. Lại một cặp nữa vào xem nhà. Chưa chi cô vợ đã kêu lên, ôi nhà thế này mà hai vợ chồng và một đứa con ở là  đẹp quá! Chị cho chúng em suy nghĩ, có gì sáng mai chúng em đến đặt cọc. Mai thúc khéo, vâng, anh chị cứ suy nghĩ đi, nhà em đang cần bán, ai mang tiền  đặt trước, là em bán  thôi.
     Mọi người ra về, Mai nhìn lên bàn thờ. Hôm nay là ngày rằm, lát nữa mình sẽ thắp hương,  hóa vàng để các cụ phù hộ cho bán được nhà . Từ ngoài cửa, lại một người phụ nữ chừng hơn bốn mươi tuổi kéo đứa con nhỏ bước vào. Em ơi, cho chị xem  nhà ! Vâng, mời chị vào ! Không khác gì mấy người đến trước, chị ta đảo mắt quanh nhà. Thế em định bán giá thế  nào ? Dạ, đúng như trên báo đăng đấy ạ ! Chị khách gật gù, vẻ mặt bịn rịn. Nói thật với em nhà chị rất chật, già bốn mét vuông mà hai vợ chồng cùng đứa con, lại còn cả bà mẹ chồng nữa. Hai mắt chị đỏ hoe . Nghe chị kể cũng thương, nhưng Mai chưa hình dung có già bốn mét vuông mà bốn người thì sinh sống ra sao ? Chị khách lại kể, có hôm đi làm về muộn, chồng mắng, mẹ chồng chửi, nhà chật, chị không biết tránh vào đâu, cực lắm em ạ. Xem nhà em chị ưng lắm , nếu em bớt cho chị năm chục triệu thì chị đi vay mượn thêm cũng đủ. Mặt Mai nặng trịch . Chị ta đã dồn mình vào tình thế khó sử, nhưng mình không thể giúp chị ta như vậy được. Chị ạ, em đăng báo thế nào thì bán thế, chứ không thể bán quá rẻ được, chị thông cảm. Ừ, chị biết, nhưng dân tình sống ở đây xem ra cũng lộn nhộn phải không em? Mai im lặng không thanh minh, mặc chị ta nói lan man một hồi. Không thấy Mai tiếp chuyện nữa, chị đứng dậy kéo đứa con về. Đứa bé ngúng nguẩy, nũng nịu. Con không về đâu, con muốn ở lại nhà này cơ ! Đấy, em thấy cháu nó nhìn nhà rộng không muốn về đấy, em cứ suy nghĩ rồi điện thoại lại cho chị .
    Sáng đến công ty, Mai mệt mỏi và hoang mang nói với cô bạn:
- Mày biết không, hôm qua có một bà khách  đến xem nhà mà  cứ dơm dớm nước mắt. Bà ta kể khổ thế này thế nọ, làm tao cũng thương. Lúc ấy tao nghĩ hay bán rẻ cho bà ta.
- Mày bị điên à ? Cô bạn trừng mắt. Nếu khóc mà mua rẻ được vài chục triệu thì tao khóc cả đời. Mà không khéo  lại là cò mồi đấy .
- Không, bà ta còn đưa theo cả đứa con nhỏ, nom cũng không đến nỗi nào.
                -  Số điện thoại của bà ta đâu, tao nghe  thử  giọng  nói xem thế nào ?
              Cô bạn nhoáy nhoáy bấm điện thoại. Nghe vài câu, nó quay sang cười với Mai :
             - Trời ơi, nghe giọng  bà ta ráo hoảnh, chắc chắn là dân cò mồi rồi.
              Mai sững người, ngẫm thấy cuộc sống thật phức tạp. Cô không thể hình dung việc mua bán bình thường vậy, mà con người vẫn cần   nhiều thủ đoạn thế sao ?
               Lại một buổi sáng trước khi đi làm, có cuộc điện thoại lạ gọi tới. Mai không còn cuống cuồng như trước, mà  thở dài. Mai mệt mỏi đưa máy lên nghe. Em ơi, em cần bán nhà phải không? Chị muốn đến xem bây giờ. Vâng, chị đến đi, em đang ở nhà !
              Mấy lần trước, hễ có khách, Mai vội dọn dẹp nhà cửa cho gọn  gàng. Lần này Mai mặc kệ. Vừa hay chị ấy cũng đến nơi. Chị ấy cười với vẻ mặt  hồn hậu . Chị muốn hỏi mua cho thằng em trai, vợ chồng nó bận chưa đến xem được. Vâng, tùy chị,  vừa rồi cũng có mấy người đến xem và họ hẹn mai đến đặt tiền. Chị ưng rồi đấy, em cho chị lui thời gian đến   chiều mai, chỉ cần em nó đến xem qua rồi  đặt tiền ngay. Giờ chị mời em ra quán cà phê, chị em mình  nói chuyện thêm  nhé. Mai thầm nghĩ, mình đang cần bán nhà, chị ta lại có vẻ chân thật, thì mình cứ đi thử xem sao. Người ta có cần mua thật mới mời nhiệt tình như thế.
                Hai người vào  quán cà phê nhỏ đầu phố . Em ngồi đi. Em  uống  gì ? Dạ, cho em cốc trà nóng . Thế em làm việc  gần đây không ? Dạ , cũng gần , có gì chị trao đổi, em  sắp đến giờ đi làm  rồi . Chị ta  nhìn Mai chằm chằm. Này , gặp em chị thấy em có nét gì hiền hiền dễ gần ( Mai thầm nghĩ, mình cũng hay được người khác khen là hiền lành mà ) Chị ta nói tiếp, nhà cửa mua được hay không cũng  là cái duyên. Công việc của em có bận không ? Em mặc cái áo này nó tôn da đấy... Một hồi lâu, vẫn thấy chị ta   đưa đẩy vòng vo, Mai đứng dậy xin lỗi đến cơ quan làm việc. 
  Tối, chị đưa một người đàn ông tới. Chị nói thầm vào tai Mai, đây là cậu em trai  đấy. Vâng, lúc này anh ta là ai cũng không quan trọng bằng sự quyết định cuối cùng có mua nhà hay không. Một câu trả lời cụt ngủn của anh ta: Để xem mấy cái nhà khác xem sao ! Anh ta kéo chị ấy đi thẳng không một câu hứa hẹn. 
    Lúc này, Mai nhận thấy sự việc càng ngày càng mênh mông quá. Chẳng biết bao giờ mới bán được nhà đây ? Một hồi lâu, chị ta điện lại. Em ơi, có gì sáng mai em bớt chút thời gian mở cửa , để chị đưa con em dâu đến xem nhé.? Mai thấy chán nản .  
     Ngày hôm sau lại điện thoại : Chị đưa người đến xem nhà em nhé ? Mọi chuyện lặp lại nhiều lần khiến Mai phát chán và nghi ngờ  chị ta có mục đích gì. Thôi mặc kệ, miễn là mình bán được nhà. Một bà già to béo ục ịch, vừa đi vừa thở, xem qua loa rồi ngồi dằn mạnh cái mông to lớn xuống chiếc giường. Em ơi , giới thiệu với em đây là mẹ chồng của chị. Mai thầm nghĩ, biết đâu chị ta cần mua  thật, nên hết đưa người này người khác  đến xem . Nhưng  nhìn dáng điệu của bà béo, Mai nhận cảm  lại chẳng giải quyết được gì rồi. Mai  quay ra làm mấy việc linh tinh, mặc bà ta khen chê dè bỉu. Bà béo sẵng giọng, này cháu, cái nhà này chỉ đáng giá hơn trăm thôi. Cháu để cho bác cho nhanh, khỏi mất thời gian  làm gì. Mai thấy lộn tiết vì thái độ mất lịch sự của bà ta. Hay bà ta ngỡ mình còn non choẹt nên bắt nạt ? Việc bán nhà là quyền của mình,  bà ta là gì mà hách dịch với mình? Đã vậy lại còn dìm gía  như mua mớ rau. Mai nheo mắt tỏ thái độ không cần thiết. Mai càng phát điên với thái độ quá đà của bà ta. Mày thật là con trẻ, ăn ở phải có  tích đức chứ. Gần nhà bác có người đi mua nhà thiếu có vài chục triệu mà nhà  nọ không bán cho. Không mua được nhà,  sinh ra chơi bời hết sạch tiền, cả nhà tan đàn sẻ nghé. Cháu thấy người bán nhà ấy ăn ở thế có độc ác không chứ? Nếu bán rẻ cho người ta thì người ta làm gì đến nỗi. Ông trời  sẽ quả báo  thôi. Mày còn trẻ, bác  bảo cho mày biết !
    Mai nghĩ bụng, bà dở hơi à? Mình đang phải tiếp một bà điên chắc? Mua bán nhà cửa,  thuận mua vừa bán, sao lại  ép  bán rẻ,  không mua được lại bảo  người bán không có đức? Thôi bác nhé, cháu cần bán  lắm mới đặt giá như vậy, bác mua được thì cháu  ra lộc chút ít , giờ cháu  phải đi làm đây. Mai chuẩn bị xách túi  ra đi. Sau hồi dìm giá không được,  bà ta còn chọc tức  câu vuốt đuôi: Con này chân ngắn, nhưng được cái trắng trẻo, xinh xẻo  thế này mà chưa có chồng à ? 
     Mai  ngẫm lại mọi chuyện mà thêm ngán ngẩm . Thật là nhiều chuyện chẳng giống ai. Chị hôm trước lại xuất hiện trước cửa. Chị ta dõng rượi đưa mấy bà tuổi sồn sồn bốn năm mươi đến cùng. Người nào người nấy váy sống lòe lọet, ví da cầm tay đúng kiểu mấy bà chuyên ngồi lê buôn nước bọt quanh chợ trời. Cả hội  đưa mắt nhìn quanh căn nhà rồi ngồi lỳ trên  giường. Mai nhìn họ mà điên ruột. Chắc  họ  tiếc món hàng béo bở mà chưa lùa  được khách. Chị ta còn giới thiệu , đây là mấy chị  em dâu trong nhà chồng chị. Mai tức sôi người. Chả nhẽ  đến độ này mà chị ta vẫn còn coi mình như con vịt mà lòe  mãi ư ? Hình ảnh ban đầu gặp chị ta và bây giờ thật trái ngược . Mai tự trách mình thật ngờ nghệch, ngu xuẩn, là một con ngốc thực thụ trước bọn họ. Thôi thế là đã rõ, các bà là cò nhà chứ mua bán gì. Thôi thì cò cũng được, miễn là tôi bán được nhà. Còn không thì các người đừng dẫn xác đến làm mất thời gian của tôi nữa .
   Vậy thế này bao giờ mình mới bán được nhà đây? Mình vẫn phải đối đầu  bao chuyện . Mai tự an ủi, bán nhà xong thì mọi chuyện cũng qua đi cả thôi. Có điện thoại gọi tới. Giọng người con gái trẻ, hẹn chiều đến xem nhà. Quá sự chờ đợi, Mai sinh bất cần,  chẳng  nôn nóng và  chẳng  hồi   hộp.   
                                                                                
   Chiều tối đi làm về, vừa lên cầu thang, Mai đã nhận ra người con gái đứng đợi mình. Tay chị  khư khư cầm tờ báo, vẻ rụt rè . Mai dẫn chị vào xem nhà. Ngó nhìn một lúc, người con gái quay ra hỏi: chị bớt cho bao nhiêu so với giá in trên báo  ?  Dạ,  em đang cần bán. Nếu chị thật sự ưng , thì em bớt đúng hai chục  so với giá đã đăng. Chị gật đầu. Mai em sẽ điện thoại cho bố em ở quê ra xem, rồi em đặt tiền cho chị. Em thấy tạm ưng rồi ! Mai hỏi, thế anh nhà chị đâu mà việc mua nhà lại để cho mình chị  đi thế này ?  Em sắp cưới, nhưng việc mua nhà em  quyết là chính ! Thế chị  năm nay  bao  tuổi ? Em sinh năm tám mươi ! Ồ vậy chị hơn em hai  tuổi  đấy !..  Chuyện  đưa đẩy,  Mai thoáng buồn khi nghĩ tới hoàn cảnh của mình bây giờ. Nào có ai hiểu được căn nhà đang bán này là để Mai chia tay người chồng. Đời người  nào được như con thuyền xuôi chèo mát mái. Người này tan vỡ, người kia lại chuẩn bị xum họp. Không hiểu sau khi rời khỏi đây, mình sẽ bắt đầu cuộc sống mới như thế nào ? Mình sẽ thoát khỏi cái vòng vây mà bấy lâu nay mình tự buộc chặt mình vào đó, để rồi hứng trọn bao đau khổ. Bao năm anh ấy sống cận kề , mà mình vẫn thấy cô đơn như kẻ độc thân. Một bầu trời tươi sáng đang chờ đợi mình. Nhưng mình càng thấy bâng quơ và lúng túng.

  5-2008