Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Giải mã vì sao không có sách hay và cách khắc phục.

Tôn Ái Nhân
Thứ tư ngày 14 tháng 1 năm 2009 3:24 PM
 
              ( Hay thất trảm đối với nhà văn và cách giải cứu )

                                     Lâu nay nhà vănViệt Nam chúng ta vẫn cứ băn khoăn, day dứt một điều là không có sách hay xứng tầm thời đại. Bạn đọc của chúng ta cũng đòi hỏi như vậy.Và nhân dân ta cũng rất mong muốn các nhà văn Việt Nam có gì để nói với nhân loại như trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự. Để họ có quyền tự hào về nhà văn Việt Nam của họ như đại thi hào Nguyễn Du của thế kỷ trước. Đòi hỏi và mong muốn đó là hoàn toàn chính đáng. Nhiều năm nay, nhiều đại hội và nhiều cuộc hội thảo văn học đã bàn đến vấn đề này, nhưng xem ra kết quả tác phẩm cũng chẳng mấy thăng hoa. Như vậy có phải là nhà vănViệt Nam quá kém cỏi, không có tài hay vì một nguyên nhân sâu xa nào khác? Điều này chúng ta phải tìm cách giải mã đến tận cùng thì m
ới có giải pháp khắc phục được.
Theo tôi, thì có bẩy nguyên nhân chính. Bẩy nguyên nhân ấy nó tác động ghê gớm đối với người cầm bút. Có thể nói không ngoa, đó là bẩy nhát chém vào đầu nhà văn hay nói một cách khác là nhà văn Việt Nam đang bị thất trảm.
*Nguyên nhân thứ nhất: Sản phẩm tinh thần của nhà văn còn bị xem nhẹ, chưa đánh giá đúng với giá trị đích thực của nó. Cái lao động của  nhà văn và tác phẩm của họ   làm ra thành hàng hoá nhưng lại là thứ hàng hoá rẻ mạt nhất trong xã hội ta hiện nay. Vì không có thứ hàng hoá nào trên thế giới này mà nhà phân phối hưởng tới 40-50%  thậm chí tới 60%-70% cả.
Khi nhà văn viết xong tác phẩm phải chạy đôn, chạy đáo đi tìm đầu ra. Nếu là thơ,  thì phải bỏ tiền túi ra in. In xong, nhuận bút chỉ được 10-12 %. Còn trước đây chỉ 6-8%. Trong khi đó “nhà phát hành” chễm chệ ngồi lên lưng nhà văn hưởng tới 40-50%, thậm chí 60%-70%. Hơn thế nữa, họ còn in thêm, in lậu rất nhiều. Sau khi hưởng lợi nhuận chán chê họ còn tiến hành đại hạ giá tác phẩm của nhà văn gần như bầng giấy vụn xót xa thay! Cũng do vậy, mà nhiều đầu nậu sách giầu lên rất nhanh. Còn nhà văn rách mướp vẫn hoàn rách mướp! Mới đây “anh thuế ” thấy bở, cũng nhảy tót lên lưng nhà văn để ăn hôi. Làm cho giá của cuốn sách đội lên cao, gấp hai ba lần giá trị đích thực của nó. Giá cao thì ít người mua. Đó là qui luật tất yếu. Rõ ràng đây là điều hết sức bất công và phi lý. Nhưng nhà văn chả biết kêu ai, vẫn phải cắn răng mà chịu để cố ra được cuốn sách. Thật khốn khổ cho anh nhà văn! Điều này có lẽ ai cũng biết. Xin có một minh chứng:
Năm 2000, Nxb CAND in cuốn tiểu thuyết “Ân xá ” hơn 200tr, sl: 600c của anh Nguyễn Văn Hoan, tiền nhuận bút Nxb trả 600.000đ. Bèo bọt đến thế là cùng. Lĩnh nhuận bút tác giả mời BTV đi uống nước mà BTV ngượng không dám đi. Giữa lúc đó một bài báo trên ANTG và VNCA trả tới 800.000đ có khi một vài triệu. Như thế  ai còn muốn viết truyện làm gì, nếu không vì cái nghiệp! Nhưng cũng có những nhà văn thấy viết văn hàng năm mới được quyển sách mà nhuận bút lại quá tồi tệ nên đã chuyển sang viết báo, viết phim. Cái giá trị lao động sáng tạo của nhà văn Việt Nam hiện nay là rẻ mạt như thế đấy.
Cứ đà này không khéo đất nước ta sẽ bị báo chí hoá nền văn chương mất.  
            Giải pháp vấn đề này, Nhà nước phải có biện pháp đối với việc phân phối, phát hành sách. Đồng thời phải nâng tiền nhuận bút lên đúng với giá trị lao động của nhà văn. Có thế nhà văn mới say mê, tập trung hết trí tuệ và tâm huyết cho sự nghiệp sáng tác.
             *Nguyên thứ hai: Báo chí, truyền hình và những kỹ thuật thông tin hiện đại bùng nổ như một cơn lốc cuốn hút hết độc giả của nhà văn.
- Về báo: Có tới hàng trăm loại báo ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng. Mà tờ nào cũng nhan nhản, đầy rẫy những vụ án: cướp, hiếp, giết, mại dâm... những tội ác bẩn thỉu nhất của con người được phơi ra để kích thích sự tò mò đối với bạn đọc.
- Về tạp chí: Cũng rất nhiều và rất đẹp, không những về hình ảnh mà nội dung cũng rất phong phú. Bởi nó được xáo lại của nước ngoài, nó khai thác cái riêng tư, sâu kín nhất của con người. Như chuyện làm đẹp, làm duyên theo mốt, chuyện phòng the, tình yêu, tình dục và cả vụ án được xào lại để thêm hấp dẫn. Người đọc đã cầm đến là khó bỏ.
- Về truyền hình: Hàng chục kênh, đủ loại chuyên đề cuốn hút. Riêng phim truyện thì ê hề, không tính xuể. Phim hành động, phim tình cảm, phim viễn tưởng, phim quái dị, phim lịch sử của tất cả các nước: ấn, Âu, Tầu, Phi, úc, Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan, Hương Cảng... lúc nào cũng sẵn sàng chiều. Chỉ nháy phím  một cái là được phục vụ vô điều kiện ngay tắp lự.
- Về mạng intenet: Đây mới là cái vô cùng hấp dẫn và  khủng khiếp. vì nó có đủ trò chơi giải trí để cuốn hút mọi tầng lớp, ở mọi lứa tuổi. Có những trò chơi như game, nó làm người ta say mê suốt cả đêm ngày tới mức biến người ta thành nghiện ngập. Và ở đây nó có đủ cái tinh hoa của nhân loại, nhưng nó cũng có vô vàn cái độc hại, xấu xa, ghê tởm  nhất của con người. Những phim sex, truyện sex, truyện loạn luân cực kỳ tởm lợm và ghê rợn, luôn nhảy lên những trang website để ve vãn, mời chào độc giả.
Tất cả những công nghệ giải trí trên nó đã ngốn hết quĩ thời gian của con người. Thế thì độc giả còn đâu thì giờ để đọc sách của các nhà văn nữa. Đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc sách văn học hiện nay ít người mua và bán rất chậm.
Giải pháp vấn đề này: trước hết Nhà nước phải hạn chế những tờ báo không cần thiết. Giảm thời lượng và nhất là nội dung mang tính thương mại hoá như cướp, giết, hiếp... thì ít thôi, mà phải chọn lọc. Các cụ ta nói: “ Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đặy lại ”. Đằng này lại cố bới những cái xấu xa, bẩn thỉu ra để hút khách kiếm tiền. Trong toán học có mệnh đề: “Gần điểm A, thì xa điểm B và ngược lại ”. Nên một khi ta kéo độc giả chúi đầu vào gần những thứ xấu xa, ghê tởm ấy thì tất nhiên họ phải xa cái đẹp đẽ và cao thượng. M. Gorky đã từng nói: “Mỗi khi tôi đọc xong một cuốn sách hay, thì tôi lại thấy gần chân lý và xa thú tính hơn”. Như vậy có nghĩa là bạn đọc chúng ta khi bị ngập ngụa trong cái xấu xa, đồi bại thì sẽ gần thú tính và xa chân lý hơn. Và đương nhiên họ sẽ xa với văn học.
 Để khắc phục điều này, báo chí cũng phải quan tâm dành những trang hướng cho độc giả vươn tới cái đẹp, ham thích và tìm đến với cái thanh tao của văn chương. Báo chí và truyền hình phải dành thời lượng quảng cáo cho văn học. Bởi sách là hàng hoá thì cũng phải cần có quảng cáo để hút bạn đọc, làm bạn đọc biết tới cái hay, cái đẹp và cái thú vị của văn học mà tìm đến. Gần đây trên ti-vi đã có mục điểm sách, nhưng xem ra quảng cáo nhiều cho sách Tây hơn là sách ta và hình như sự lựa chọn giới thiệu cũng chưa phải là tinh lắm. Còn nhiều điều khác nữa...
Việc lâu dài là các nhà lãnh đạo văn hoá phải có kế hoạch giáo dục cho thế hệ trẻ, ngay từ nhỏ đã biết yêu thích văn học và coi văn hoá đọc là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với  cuộc sống. Có như vậy, nền văn học của nước nhà mới phát triển  được.
*Nguyên nhân thứ ba: Những biến động lớn về  đời sống chính trị trên thế giới và những đổi mới ở nước ta đã tác động không nhỏ đối với cuộc sống tinh thần của nhà văn.
Ngay sau khi thành trì XHCN là Liên-xô sụp đổ và các nước Đông Âu tan rã. Một cơn động đất chính trị khủng khiếp đối với toàn nhân loại. Các nhà văn Việt Nam bàng hoàng, sửng sốt. Cái chân trời sáng lạn mà lâu nay cả dân tộc Việt Nam luôn đặt niềm tin
và hy vọng để hướng tới (“Ngồi mơ nước Nga”) đã tối sầm và biến thành mây khói! Cái lý tưởng cao cả  mà chúng ta phụng sự  bỗng trở nên xa vời và mờ ảo.
Niềm tin như bị sét đánh làm chúng ta choáng váng và khủng hoảng. Chúng ta như bị lạc trong rừng rậm, buộc phải mò mẫm để tìm lối ra. Không biết đất nước chúng ta sẽ đi về đâu và đi theo con đường nào vậy? Tiền vận thì rõ rồi, nhưng hậu vận sẽ sao đây? Một câu hỏi lớn về vận nước đặt ra cho cả dân tộc và cho các nhà văn Việt Nam đang tin yêu chế độ.
Sự biến chính trị ấy đã ảnh hưởng và tác động mãnh liệt đến tư tưởng nhà văn. Có nhà văn công an hốt hoảng tới mức sợ nước ta sẽ như Liên-xô thì công an sẽ bị mất lương và có khi còn bị ngược đãi, nên vội vã chào ngành CA đi nơi khác để đề phòng hậu hoạ.
Không những thế, mà cái thực trạng đáng buồn ấy còn làm thay đổi hẳn thế giới quan của nhà văn đối với lịch sử thời đại. Có người bừng tỉnh cho rằng trước đây người ta đã dùng cường lực để nắm dòng chảy của lịch sử nhân loại. Nhưng cuối cùng, quy luật của lịch sử nhân loại vẫn trở về theo dòng chẩy thuận chiều của nó...
Và đất nước chúng ta cũng có những thay đổi lớn. Cái hôm qua ta bảo sai thì hôm nay lại bảo đúng. Cái hôm qua bảo đúng thì hôm nay lại bảo sai. Cái nghịch đảo ấy đã làm nhà văn phải khốn khổ để tìm chân lý. Vậy chân lý ở đâu? Vì có tìm ra chân lý thì tác phẩm của nhà văn mới hướng cho bạn đọc đi tới cái chân, cái mỹ, cái thiện đích thực.
Nhất là những quan niệm lâu nay đã đóng dấu son trong óc nhà văn như về đấu tranh giai cấp, về quan hệ sản xuất, về thù và bạn, về mâu thuẫn xã hội, về chủ và thợ...
Biết bao câu hỏi dồn dập, mới mẻ đặt ra trước mắt nhà văn như nước ta giờ là bạn với tất cả các nước, thế còn kẻ thù không? Nếu còn, thì kẻ thù đó là ai? Hay về quan hệ sản xuất, chủ và thợ với vấn đề bóc lột cũng vậy. Có còn mâu thuẫn để trở thành đối kháng như các nhà kinh điển đã phân tích không? Bởi hiện tại chúng ta đang  mời các nhà tư bản nước ngoài vào đầu tư sản xuất. Và chơi với tư bản thì theo Mác nói: “ Tư bản nó luôn mang trong mình nó máu và nước mắt ”. Vậy khi sang Việt Nam, họ có bỏ những thứ đó ở nhà không? Để lý giải những vấn đề đầy phức tạp và nhậy cảm này thật không dễ, nhất là những ai đã thấm nhuần sâu sắc với đường mòn quan niệm cũ. 
 Mới đây tôi được đi chuyến xuyên Việt cùng với các sĩ quan công an hưu trí. Công an Đồng Nai có dẫn chúng tôi đi thăm khu công nghiệp Biên Hoà. Phải thừa nhận khu công nghiệp này đẹp và hiện đại. Nhưng đây lại là của nhiều nước tư bản, nên chúng tôi chỉ được xem bên ngoài mà không được vào trong. Báo cáo về tình hình khu công nghiệp này, đồng chí phó giám đốc CA cho biết: trong năm qua đã có tới 56 cuộc đình công đòi chủ tăng lương, không tăng giờ và không được ngược đãi công nhân. Đồng chí còn xót xa nói: “Nhiều lúc chúng tôi rất khó xử, vì để công nhân đình công tự phát là sai  luật. Còn dẹp họ thì  lại thấy tội và thương cho bà con lao động của mình khổ quá”.
Nghe xong, hầu hết các sĩ quan đều day dứt. Ông chủ tịch hội hưu trí bức xúc phải thốt lên trong các buổi giao lưu với công an các tỉnh: “Không lẽ cả đời chúng ta chiến đấu để giải phóng cho nhân dân ta khỏi sự áp bức, bóc lột. Mà giờ chúng ta lại để con em họ phải sống như cha anh họ trước đây  sao? Nếu vậy thì thật bất công và phi lý quá”.
Đúng. Rõ ràng bất công và phi lý đã xẩy ra. Nhưng liệu có phép mầu nào để giải quyết mâu thuẫn này. Đâu chỉ có tư bản nước ngoài mà hiện nay còn có những ông chủ mới trong nước đang nổi lên.Vậy liệu có xẩy ra mâu thuẫn giữa chủ và thợ không? Còn nhà văn yêu quí giai cấp công nhân sẽ viết gì về chủ và thợ của thời nay cho đúng đây?    
Mục tiêu của đất nước ta là xoá bỏ bất công và phấn đấu cho một xã hội công bằng. Vậy mà bất công vẫn cứ xẩy ra. Ngày một trầm trọng. Có lần qua phà Bãi Cháy, một cảnh sát biết tôi là nhà văn CA liền đến bắt chuyện và hỏi: “Theo nhà văn thì xã hội ta có công bằng không?”, Tôi trả lời :“Điều đó thì chúng ta đang phấn đấu.”, Anh cảnh sát lại hỏi: “ Xin nhà văn hãy chú ý nhìn trên chuyến phà này thì sẽ thấy ông chủ vừa mới
trong lò ra, người gầy nhom, mặt xanh như đít nhái, có khi tắm chưa sạch còn lem luốc và làm một ngày ba bốn chục là phấn khởi lắm rồi. Còn ông đầy tớ thì béo tốt, mặt đỏ phừng phừng, đi xe ô tô sang trọng, vào khách sạn bốn năm sao chén cái chân gấu một trăm đô và chai rượu ngoại cũng một trăm đô. Nhưng chi tiền chùa. Vậy nhà văn có cho là công bằng không? ”, Tôi trả lời và hỏi luôn: “ Tất nhiên như thế là không công bằng rồi. Nhưng nếu giờ giả sử có biến thì đồng chí đứng về phía ông chủ hay là phía đầy tớ? ”. Anh trả lời ngay: “ Việc này thì còn phải xem sao đã chứ. Đến lúc ấy mới tính anh ạ”.
Đấy, ngay anh cảnh sát là thanh kiếm bảo vệ Đảng, nhưng trước những bất công hàng ngày đang diễn ra đập vào mắt mình đã làm xói mòn niềm tin đối với những gì mà anh ta phụng sự, nên anh vẫn chưa khẳng định được chân lý để bảo vệ đến cùng. Thế thì nhà văn chúng ta trước những bất công xã hội đang nảy sinh ấy sẽ đứng về đâu mà xác định niềm tin và chân lý để viết đây? Mà đã không xác định được thì làm sao nhà văn có thể cầm bút viết nổi những điều mình tâm huyết là viết cho ai, phục vụ ai???
Ngay sự suy nghĩ về Đảng bây giờ cũng khác.Trước đây người ta quan niệm Đảng là ông Mác, ông Lê-nin, là Bác Hồ, là lá cờ thấm máu chiến sĩ, là hồn của núi sông đất nước. Thiêng liêng lắm. Nên biết bao người con ưu tú của dân tộc đã sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng. Nhưng bây giờ, người ta quan niệm về Đảng rất thực tế và cụ thể lắm. Đảng chính là ông ấy, bà ấy, là anh, là tôi, là chúng ta và cả chúng nó - những kẻ lưu manh, cơ hội được cầm cái thẻ đỏ có búa liềm và ảnh Bác Hồ để nhân danh Đảng làm những điều sai trái. Do vậy mà người ta thấy không thiêng như trước nữa. Bởi họ đã nhìn thấy rất rõ sự thật về những đảng viên bằng xương bằng thịt thoái hoá, biến chất tham nhũng ghê gớm nên đã mất niềm tin.
Lịch sử của nước ta có một chính đảng yêu nước, nhưng sau vì để mất niềm tin mà bị xoá sổ hoàn toàn. Đó là Quốc Dân Đảng của ông Nguyễn Thái Học. Năm 45 Vũ Hồng Khanh* để bọn lưu manh cơ hội chui vào đảng, đi cướp của, giết người gây ra Vụ án Ôn Như Hầu làm cho toàn dân phẫn nộ, căm ghét cho đấy là một đảng cướp và tẩy chay không thương tiếc. Chỉ một Vụ án Ôn Như Hầu để dân mất niềm tin thôi mà hoàn toàn mất đi một chính đảng vĩnh viễn. Giữa lúc ấy, thì hiện nay chúng ta có biết bao vụ án gây phẫn nộ. Vậy niềm tin của nhân dân và những nhà văn của chúng ta có còn không? Niềm tin và chân lý. Đó là những điều cốt lõi cho nhà văn sáng tạo và thăng hoa với nó.
Giải pháp vấn đề này, Hội Nhà văn cần mở các lớp học tập và các cuộc hội thảo về chính trị, thời sự cho nhà văn mở rộng tầm nhìn, đồng thời phải có những cuộc đối thoại trực tiếp, thẳng thắn và bình đẳng giữa các nhà chính trị với các nhà văn để tìm chân lý  cuộc sống hiện nay. Có thế, nhà văn mới xác định được chỗ đứng của mình để mà viết.
* Nguyên nhân thứ tư: Những biến động về đời sống văn hoá và đạo đức xã hội đã làm đảo lộn những giá trị tinh thần và quan niệm sống của nhà văn.
Xã hội mà nhà văn chúng ta đang sống là một xã hội có những biến động và phân hoá khủng khiếp về lối sống và quan niệm sống. Nền văn hoá và đạo đức XHCN suốt bao nhiêu năm chúng ta cất công xây dựng chưa kịp định hình thì một nền văn hoá và lối sống ngoại lai ùa tới như vũ bão xoá sạch những gì mà chúng ta đang dở dang xây dựng.
Quan niệm về cuộc sống, về đạo đức, về tình yêu, về cái đẹp cũng hoàn toàn khác. Như chuyện quan hệ nam nữ không chính đáng, trước đây gọi là “hủ hoá” bị cấm đoán và xã hội lên án. Đây là một “tội” đã được ghi vào Điều lệ Đảng hẳn hoi. Bởi thế người ta hại nhau, bẫy nhau cũng nhờ cái tội này. Nhưng nay thì thoải mái. Ai muốn hủ hoá bao nhiêu cũng được! Hay như trước đây con gái lấy Tây bị gọi là me Tây thì cắm mặt mà đi. Nhưng nay lấy Tây lại rất hãnh diện ngẩng cao đầu, cho mình là đẳng cấp thượng lưu. Và những người đẹp, những hoa hậu mới lấy được Tây. Rồi thấy họ giầu có, sang trọng ai mà chẳng nể vì.
Còn quan niệm về cái hay, cái đẹp trong mọi lĩnh vực đều hết sức xô bồ và không cần có chuẩn mực. Như trong âm nhạc lớp trẻ thích hát gào, hát thốc và nhạc giật mới cho là hay. Ăn mặc, đầu tóc thì luôn bắt chước theo mốt của nước ngoài. Con gái phải là những kiểu váy ngắn, áo hai dây hở hang, xăm môi, xăm mắt, nhuộm tóc xanh, vàng, đỏ mới là đẹp. Con trai kiểu tóc phải là chôm chôm, đầu đinh hay trọc lóc mới là sành điệu...
            Riêng lĩnh vực tình yêu và hạnh phúc gia đình quan niệm bây giờ cũng rất khác.
Những tình yêu trong trắng, cao thượng, thuỷ chung với những luân lý đạo đức đẹp truyền thống mà lâu nay văn chương chúng ta vẫn ngợi ca, giờ đang bị một lối sống hưởng thụ hiện đại phá vỡ. Một cô giáo dậy con tôi, hỏi tôi: “Anh là CA có sống hiện đại không?” Tôi hỏi: “ Sống hiện đại là gì? ”. Cô bảo: “Sống hiện đại là kết bạn, đi nhẩy, đi hát karaôkê và đi bích ních vui chơi với nhau”. Tôi trả lời: “Thế thì CA chúng tôi cũng sống được”. Cô lại hỏi: “Thế thủ trưởng anh có sống hiện đại không?” Tôi nói: “Gì chứ kết bạn đi chơi thì được thôi ”. Cô liền bảo: “Vậy hôm nào anh rủ thủ trửơng anh đưa ô-tô đi chơi. Anh với em. Còn thủ trưởng anh với chị gái hay em gái em cũng được. Chúng em giờ sống độc thân, hoàn toàn tự do các anh đừng ngại”. Qua tìm hiểu tôi mới rõ, cô có tới bốn chị em gái đã có chồng con, nhưng ly dị và ly thân cả. Nguyên nhân là cô em út làm cho một hãng nước ngoài nó chuyên tổ chức đi chơi, đi nhẩy thành quen. Và cả bốn chị em đều ùa theo mốt sống hiện đại. Để kiểm chứng, tôi chỉ điểm cho anh bạn tôi là phó TGĐ cũng thích sống hiện đại và có ô-tô kết bạn với cô em. Thế là xong. Giờ lối sống hiện đại bồ bịch như thế nhiều lắm. Nhất là thanh niên và sinh viên. Họ yêu thử, sống vợ chồng thử, nếu hợp thì lấy, không thì thôi. Tình yêu thời @ (a-còng) mà!
          Lối sống buông thả ấy dẫn đến hậu quả hết hết sức nghiêm trọng.Tỷ lệ ly hôn cao. Nạn nạo phá tha bừa bãi và vứt trẻ sơ sinh một cách vô tội vạ. Rất thương tâm! Ly hôn nó còn đẻ ra biết bao thanh thiếu niên hư, vì bố mẹ không ai quan tâm có trách nhiệm. Rõ ràng các cháu có tới hai bố, hai mẹ mà lại hoá không. Thật tội nghiệp! Lối sống này, nó hoàn toàn xa lạ với đạo đức truyền thống của người Việt Nam. Đây là chưa kể đến sự đồi bại mất hết nhân tính trên lãnh vực này. Kể ra nghe rợn cả người. Như vụ ở Thái Nguyên chồng đi cặp bồ, giết vợ rồi mổ lấy dạ con nấu lên nhắm rượu, hay vụ ở Hải Hưng, bố thông dâm với con dâu, giết vợ cho vào nồi ninh. Chuyện này báo chí đã đăng. Đấy, con người giờ nó tàn bạo và dã thú đến cực điểm như thế. Dù nhà văn có tài hư cấu và tưởng tượng đến đâu cũng không dám nghĩ tới. Vậy nhà văn viết gì về tình yêu, hôn nhân và gia đình giữa cái lúc giao thời đầy hỗn mang, hết sức dữ dằn này? Viết không khéo, có khi còn bị họ vứt sách vào sọt rác và cho là nhà văn dở hơi, viết vớ vẩn nữa là đằng  khác.
           Tất cả những cái nhốn nháo ấy ùa đến, làm băng hoại nền luân lý và đạo đức xã hội. Tôi đi thực tế Đồn CA Sầm Sơn lấy tài liệu. Đồng chí công an hỏi cung một cô điếm: “Chị ở đâu? Vì sao lại đến đây làm nghề này?”. Cô điếm thản nhiên trả lời: “Em ở Tĩnh Gia. Em vừa làm xong cái nhà, nhưng thiếu hai cái cánh cửa. Em định đến đây làm ít ngày kiếm đủ tiền mua hai cái cánh cửa rồi về. Chứ em không phải là gái chuyên nghiệp đâu ạ”. Đấy! Bây giờ cái phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam chỉ giá trị bằng hai cái cánh cửa. Xót xa lắm chứ! Nhưng giờ, người ta bất cần nhân phẩm, danh dự. Chỉ cần  tiền và hưởng thụ. Vậy nên mới có những diễn viên sinh hoạt tình dục với bồ, còn ghi hình tung lên mạng, tự lăng xê mình cho cả thế giới biết mà báo chí ta đã đưa tin ầm ĩ. Đồi bại đến thế là cùng. Đạo đức băng hoại một cách thật khủng khiếp và hết sức đau lòng!
             Đồng tiền và lối sống thực dụng, hưởng lạc đang ngự trị và làm xói mòn nền đạo đức của đất nước này. Đây là chưa kể đến những đại gia lắm tiền nhiều của và những loại “đầy tớ” cỡ bự tha hoá luôn móc túi bà mẹ Tổ quốc để ăn chơi trác táng, góp phần vào việc làm cho đạo đức xã hội suy đồi và băng hoại. Điều đó đang dẫn đến nguy cơ đáng sợ nhất là đánh mất bản sắc dân tộc và nề nếp gia phong tốt đẹp lâu đời của người Việt Nam.
Mới đây, tôi được đọc cuốn sổ tay của một nữ sinh 16 tuổi, cháu của một ông tướng bỏ nhà đi làm điếm để lại cuốn sổ đề ở bìa là: “Nhật ký hận đời ”. Trong đó có  đoạn viết cho ông rất thống thiết và đầy nước mắt: “ Ông ơi! Thế là gia đình cháu đã tan nát hết cả rồi. Bố mẹ chia tay, cháu chẳng còn nhà mà về nữa. Ông đi đánh giặc giữ được cả đất nước to lớn vậy mà sao cái gia đình nhỏ bé của cháu ông lại không giữ được cho cháu, hả ông? ”. Câu hỏi day dứt lắm. Nó làm những ai có lương tâm đều phải suy nghĩ về tế bào gia đình của đất nước này. Phải nói là lối sống hiện đại như cơn lốc ập đến làm đổ vỡ,  tan nát và khốn khổ cho biết bao gia đình đang hạnh phúc trở thành vô phúc!
Đấy. Nhà văn chúng ta đang phải đứng trước những thách thức mới của xã hôi. Mà xã hội đó thật ngổn ngang, bề bộn hết sức xô bồ và cũng hết sức dữ dằn, thậm chí còn quái dị, trái hẳn với quy luật tự nhiên của tạo hoá. Như đàn ông yêu đàn ông, đàn bà yêu đàn bà. Rồi sống vợ chồng, sinh hoạt tình dục với nhau. Không những thế, đàn ông còn giải phẫu để thành đàn bà và ngược lại. Nhố nhăng vậy, nhưng xã hội vẫn phải chấp nhận.
            Tất cả những điều đó, nó làm nhà văn ngơ ngác, khó xác định đâu là cái đẹp chân chính để mà thể hiện trong tác phẩm của mình mang hiến dâng cho bạn đọc.
Một điều đáng sợ nữa đối với xã hội chúng ta hiện nay, là con người sống không thật. Người ta không dám sống đích thực là mình. Trong một ngày anh cán bộ luôn phải phân thân thành nhiều con người. Chỉ một vấn đề thôi, nhưng ở cuộc họp Đảng anh nói một khác, về nhà anh nói với vợ con một khác, khi đi tập thể dục ở công viên anh nói một khác và trong cuộc nhậu anh nói một khác. Cái gì đó vô hình bắt anh buộc phải phân thân dối lừa chính mình để mà sống. Đó là sự lưu manh hoá của xã hội đối với con người.
Lối sống giả trá đang xâm thực vào tận ngóc ngách sâu kín nhất của tình cảm con người. Và trên một số lĩnh vực, khoa học hiện đại lại đồng loã giúp họ để lừa dối nhau. Đó là công nghệ giúp bác sĩ vá trinh cho các cô gái không còn trong trắng. Những ca sĩ, diễn viên, người mẫu đi làm điếm cao cấp chán chê đến khi lấy chồng vẫn cứ còn trinh. Nó lạ lùng đến vậy. Công nghệ giải phẫu trò này không phức tạp lắm, nên giá cũng phải chăng. ở Sài Gòn chỉ ba triệu, còn ở Hà Nội thì hơn. Sự dối lừa giờ cũng tinh vi, hiện đại thế đấy.
Trước thực trạng xã hội bị lưu manh hoá như vậy, nhà văn làm sao để không bị dối lừa và không bị bị lưu manh hoá, dám sống thật, viết thật những điều tâm huyết nhất mà mình cho là chân lý đích thực để truyền cảm đến bạn đọc đây? Qủa là không dễ.
Giải pháp về vấn đề mang tính thời đại này, trước hết phải là các nhà lãnh đạo tư tưởng và văn hoá mới có thể hoạch định ra trận tuyến chống lại nền văn hoá ngoại lai xâm thực và giữ gìn bản sắc tốt đẹp của dân tộc. Nếu không, mất bản sắc dân tộc là mất hết!
Còn nhà văn chúng ta trước sự giao thời này, không còn cách nào khác là phải đi  thâm nhập thực tế cuộc sống, lăn mình trong dòng chảy ầm ào, ngầu đục của thời đại để gạn lấy cái trong, tìm ra cái đẹp mà thể hiện. Như nhà văn Kha-li-e-chi Ba-lu (Li Băng) đã nói: “ Khi anh đi vào được trong lòng cuộc sống, anh có thể tìm thấy cái đẹp ở vạn vật, thậm chí anh có thể tìm thấy được cái đẹp ở ngay trong mắt của những người không nhìn thấy cái đẹp bao giờ ”.
*Nguyên nhân thứ năm: Sự áp đặt chân lý và bệnh sùng bái đã làm rào cản đối với sự sáng tạo của nhà văn.
Phải nói là nền văn học Việt Nam suốt một thời gian dài èo ọt, trì trệ, không vút bay lên được, là do sự áp đặt chân lý và bệnh sùng bái trói buộc. Nói cách khác là bị xiềng xích. Rất may, đến thời đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư mới được cởi trói, tháo xiềng. Còn trước đây nhà văn Việt Nam chỉ sáng tác theo hướng đã định sẵn, gọi là nền văn học hiện thực XHCN và coi đấy là chân lý duy nhất đúng. Không có phương pháp nào khác Nếu khác, sẽ bị qui là đi chệch đường lối XHCN, phản lại lợi ích của dân tộc. Rầy rà to.
           Một luận điểm nữa của một quan chức phụ trách văn hoá văn nghệ thời đó cho là chế độ XHCN không có bi kịch. Rõ ràng đây là một luận điểm không có cơ sở thực tiễn. Nhưng lúc đó không có nhà văn nào dám lên tiếng. Mà nhà văn chỉ biết yên lặng, làm theo rồi chỉ quẩn quanh đi viết ngợi ca và những vụ việc để minh hoạ cho đường lối chính sách, chứ  không dám đi sâu viết về thân phận con người. Sợ đụng đến bi kịch.
           Nhưng buồn thay, giữa lúc đó cuộc sống của con người vẫn không ít những bi kịch cứ xẩy ra. Như việc con lôi bố ra đấu tố giữa thanh thiên bạch nhật, làm bố tủi nhục, uất quá thắt cổ tự tử. Hay chuyện ông Nguyễn Văn Phổ, con của nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh, anh nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, bị 17 năm tù oan, tài sản bị tịch thu, vợ bỏ đi tu, con cái không được vào đại học. Đến khi được minh oan, được xác nhận là chiến sĩ tình báo, chưa kịp nhận huân chương thì đã chết! Đọc bài viết khóc cha của con gái ông là cô giáo Nguyễn Thị Hạnh mà tôi ứa nước mắt. Cũng chuyện oan khuất, ba công dân ở Đông Triều bị tù 11năm tù oan. Suốt 11 năm tháng nào cũng viết đơn khiếu nại cho các cơ quan luật pháp. Họ viết tới 1980 lá đơn khiếu nại, mới được minh oan. Tôi còn có thể kể khá nhiều  cuộc đời khổ đau do án oan gây nên. Đấy không phải là những bi kịch đang xảy ra đối với những công dân lương thiện sống dưới chế độ XHCN của chúng ta hay sao? Đương nhiên những thân phận như thế, không ai dám viết. Và viết ra, cũng chẳng NXB nào to gan dám in.
Không chỉ thế, một khi quan chức ngồi ngất ngưởng trên chiếc ghế quyền lực thì lại hay xem xét tư tưởng nhà văn qua các tác phẩm văn chương của họ để phán xét. Mà khi đã phán thì thật là dễ sợ. Những “Vào đời ”,“Cửa mở”, “Phá vây”... bị chịu trận tơi bời mà không có cách chống đỡ. Hay “Con nai đen”, “Rừng trúc”, “Tình rừng”... bị xếp xó mà không được tranh luận để tìm chân lý. Vì chân lý đã thuộc về quyền lực tối cao  rồi. Nhà văn chỉ biết gật mà không biết lắc, thậm chí một số người vì sùng bái hoặc cơ hội còn đánh hôi làm các nhà văn cùng tác phẩm của họ bị điêu đứng và tử nạn. Đau lắm!
Do chân lý đã được xếp đặt sẵn như thế, nên nhà văn chỉ còn biết cần mẫn viết những áng văn chương loại hai để minh hoạ, lý giải cho những chính sách, nghị quyết đã được vạch ra. Và chính sách, nghị quyết nào trên đã vạch ra cũng đều cho là đúng, là sáng cả. Người ta sùng bái Nghị quyết tới mức duy tâm, là tất cả bài diễn văn tổng kết bất cứ ở đâu đều phải mở đầu bằng câu: “Dưới ánh sáng của Nghị quyết”. Nhưng thực tế có những Nghị quyết tối mò đã đưa cả dân tộc lao đao đi vào ngõ cụt như Nghị quyết “Giá lương tiền” chẳng hạn mà vẫn cứ bảo sáng. Hay HTX Nông nghiệp phải tiến lên đại quy mô, Công nghiệp cũng đại qui mô, các tỉnh sáp nhập hai, ba tỉnh thành đại tỉnh. Cái gì cũng đại, nên thời ấy đã nẩy sinh một đội ngũ cán bộ Nhà nước được “Sĩ phu Bắc Hà” tổng kết với chữ “đại” khá ấn tượng và hài hước như sau: “Ăn đại táo, ở đại gia, đi đại xa, làm việc đại khái!”. Xem ra tất cả cái “đại” đến nay đều bị phá sản. Mà cái tiểu qui mô, khoán quản nhỏ lẻ sau này lại ăn. Do vậy mà bất cứ Nghị quyết nào đều phải qua trải nghiệm, sàng sẩy trong cuộc sống mới biết là sáng hay tối. Như Gớt đã dậy: “ Tất cả lý thuyết đều mầu xám. Chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi.”
 Bởi do suốt một thời gian dài bệnh sùng bái và áp đặt chân lý đã làm cho toàn xã hội chúng ta trì trệ, đói nghèo, phải sống trong dối lừa để lương tâm rách nát. Nay con bệnh ấy đã phần nào thuyên giảm.
Bệnh sùng bái và áp đặt chân lý đã làm thui chột óc sáng tạo của nhà văn. Nhà văn chỉ nặc nè với đôi cánh ngỗng chạy quanh cái hàng rào đã quây sẵn để viết ngợi ca, giải thích và minh hoạ Nghị quyết, chứ  không dám bay bổng với đôi cánh thiên thần để vươn tới tầm cao nhân loại. ở điểm này, Mác đã dậy: “Văn học nghệ thuật và triết học không phải để giải thích đời mà là để cách mạng đời.” Nói như Mác, thì mỗi nhà văn phải là một nhà cách mạng và là một nhà tư tưởng đổi mới đời. Nhưng giữa lúc ấy văn chương chúng ta không những không dám cách mạng đời mà còn bị thụ động cuốn theo những cơn lốc mà đời cách mạng. Vậy thì làm sao nhà văn có thể  viết tác phẩm hay được???
Giải pháp vấn đề này, trước hết các nhà lãnh đạo phải triệt để chống bệnh sùng bái và áp đặt chân lý. Lê-nin đã từng dậy: “Riêng lĩnh vược văn học nghệ thuật, không thể lấy đa số để áp đảo thiểu số.” Vậy thì, càng không thể lấy quyền lực để áp đặt chân lý cho các nhà văn được. Phải xoá bỏ những rào cản phi lý đó. Cởi mở với các nhà văn hơn nữa, chấp nhận mọi khuynh hướng mới mà nhà văn dầy công tìm tòi sáng tạo. Cho nhà văn được tự do tư tưởng viết những gì mà trái tim rung động nhất. Những tác phẩm của nhà văn nếu không phạm bốn vùng cấm của LXB, hoặc phản lại lợi ích dân tộc, theo kẻ thù địch chống đối lại Nhà nước ta thì phải được xem xét nghiêm túc, khi cho đó là tác phẩm có vấn đề.
Nhà nước phải có một Hội đồng thẩm định văn chương có uy tín mang tính Hàn lâm để xem xét. Và nhà văn phải được quyền bảo vệ tác phẩm của mình trước Hội đồng ấy một cách bình đẳng. Chứ không nên vội vã tiêu huỷ một cách tuỳ tiện, theo lệnh của ai đó. Vì tiêu huỷ một cuốn sách là giết chết đứa con tinh thần của nhà văn. Mà giết chết một đứa con mang nặng đẻ đau của nhà văn là giết một mạng người! Bởi tác phẩm văn học nó cũng có số phận. Tiểu thuyết của nhà văn nó có hàng trăm số phận của con người đấy. Nên hành quyết nó thì phải có án rõ ràng và đúng tội. Mặt khác, kẻ tử tội cũng có quyền chống án tới cấp có thẩm quyền cao nhất. Đó là luật. Một Nhà nước có luật, thì phải thế. Chứ không nên tồn tại một thứ luật vô hình bất thành văn đối với các tác phẩm.
Hội Nhà văn Việt Nam hiện có nhiều ban bệ. Nhưng cái ban trọng yếu, thiết thực nhất để bảo vệ quyền lợi tác phẩm và tác giả cho các nhà văn thì lại không có. Thật tiếc!
           Theo tôi, Hội Nhà văn nên thành lập một Hội đồng thẩm định văn chương mang chuẩn mực Quốc gia để thẩm định lại những tác phẩm cho là có vấn đề. Bởi Hội Nhà văn mới là cái đỉnh cao trí tuệ văn chương của đất nước này. Theo Mác dậy: “Muồn hiểu nghệ thuật thì phải được giáo dục về nghệ thuật.” Thực chất các nhà văn mới là người được giáo dục đầy đủ về lĩnh vực nghệ thuật và am tường nó hơn ai hết để có thể phán quyết những tác phẩm văn chương một cách công bằng nhất. Có thế, tác phẩm của nhà văn mới không bị tử nạn, bởi những phán quyết phi lý của những vị quan chức, hay một ông tướng nào đó cho mình là am tường văn học. Hơn thế nữa, Hội đồng này cần phải xem xét lại những vụ án văn chương bị hành quyết từ trước đến nay mà không có án. Để trả lại đúng vị trí chân chính của nó và danh dự cho nhà văn. Nếu cần các nhà văn tập hợp cùng Hội đồng kiến nghị đòi công lý. Có thế mới bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho nhà văn và nhà văn mới không bị oan khuất do sự áp đặt sai lệch về tác phẩm của mình. Bởi nhà văn rất cô đơn. Sáng tác cũng cô đơn, khi chịu trận cũng cô đơn trong thầm lặng và điêu đứng lắm. Không ai bảo vệ và tìm chân lý minh oan cho cả.
           *Nguyên nhân thứ sáu: Sự sợ hãi**vô hình đã bóp chết những tác phẩm của nhà văn.
            Thân phận con người là đối tượng của văn học. Nhưng viết về con người có nhiều khổ đau, bi kịch ở trong xã hội chúng ta hiện nay nhà văn phải suy nghĩ, trăn trở lắm.Vì sợ không khéo lại đụng chạm đến chế độ. Như việc viết điếm chẳng hạn, trước đây các cụ Nguyễn Du, Mô-pát-xăng, Tôn-xtôi... đều viết điếm rất hay và để lại những tác phẩm bất hủ cho nhân loại. Nhưng toàn bộ những tác phẩm đó đều là phê phán và lên án chế độ cả.
 Các nhà văn Việt Nam chúng ta hiện nay cũng có thể viết điếm hay được lắm chứ. Bởi điếm của nước ta giờ rất nhiều, có khi đến số hàng triệu. Ra ngõ là gặp điếm. Đủ loại. Cao cấp như diễn viên, ca sĩ, người mẫu...Trung cấp như sinh viên, gái nhà hàng, mát xa, hát karaôkê, vũ trường. Hạ cấp là các loại gái bát nháo đứng đường. Và tất cả các loại điếm ấy đều có những số phận khác nhau. Thậm chí có những cô gái con nhà lành, bị bọn ma cô lừa đem bán đi làm điếm tận xứ người. Số phận bi đát, khốn khổ đến tận cùng của kiếp điếm! Nhưng than ôi, khi viết ra, nhà văn lại sợ khó duyệt, khó in. Vì viết điếm là đụng tới vấn đề bẩn thỉu, nhầy nhụa. Nhất là viết về thân phận con người thì phải đụng chạm đến chế độ. Mà bị qui là lên án chế độ thì thật đáng sợ. Rõ ràng đây là một đề tài hấp dẫn và đầy ắp tư liệu. Nhưng quả viết không dễ chút nào. Vì sự sợ hãi nó đã ám ảnh nhà văn. Nếu không muốn rầy rà, phiền toái thì phải tránh xa nó. Còn biết bao đề tài phải tránh, như cải cách ruộng đất, tôn giáo, các vụ án oan hay cuộc đời các nhà chính khách.
             Trung Quốc có hẳn một cuốn sánh đánh giá công và tội của 54 vị chính khách nổi tiếng từ Mao Trạch Đông trở xuống đến Đặng Tiểu Bình mà không hề có rào cản nào. Họ đề ngay sau bìa bốn câu đó. ở ta, có lẽ nhà văn gan to bằng quả núi cũng không dám viết điều này. Cũng chỉ vì sợ.
            Mà đâu chỉ có nhà văn sợ, mà BT sợ, rồi TBT sợ. Thậm chí anh làm công tác bảo vệ văn hoá nghệ thuật cũng sợ nốt. Sợ vì để lọt một cuốn sách xấu, sẽ bị kiểm điểm kỷ luật. Mà nhà nước trả lương cho họ chỉ để làm việc ấy. Tôi nói điều này, vì lâu nay một số NXB muốn an toàn, phải nhờ đến những người gác cổng văn chương giám định, mới yên tâm. Vì tôi đã từng làm BT trên hai mươi năm ở NXB nên tôi khá rõ những chuyện này.
           Cũng vì sự sợ hãi mà có những cuốn sách đã bị bóp chết ngay từ trong trứng, hoặc bị nắn vuốt, cắt xén không còn nguyên vẹn nữa.
             Năm1996 có hai ông già gần tám mươi tuổi, gầy gò chống gậy dìu nhau đem một bản thảo đến gặp tôi. Trong đó một ông lại là thủ trưởng cũ của tôi. Tôi xúc động lắm. Nhận bản thảo tôi đọc ngay. Đọc xong, tôi thấy thích quá. Vì tác phẩm viết khá hay về cuộc đời của một trí thức đi theo chúa và theo cách mạng. Ông viết rất ngọt, rất nhân hậu và rất thật. Có thể đây là cuộc đời ông và ông đã vắt máu trong chính trái tim mình để mà viết. Nhưng đọc kỹ, ngẫm lại tôi thấy sợ gai cả người. Vì ngay tên của cuốn sách: “Cây thánh giá đỏ” đã không ổn rồi, tôi phải thay luôn là: “Niềm khát vọng”. Rồi trang đầu tác giả viết: “Không biết chúa zê-su tử nạn trên cây thánh giá màu gì? Nhưng tôi thì đang ôm cây thánh giá đỏ! ” Lại không ổn nữa, tôi phải xoá ngay. Cứ thế, tôi đọc và phải cắt xén tất cả những gì gọi là gai góc dù thâm tâm chả muốn chút nào. Vì tác giả uỷ quyền cho tôi, cốt sao cuối đời ra được cuốn sách. Mà tác giả thì nghèo quá. Tôi lên thăm ông ở nhà tập thể UBMTTQ tỉnh Bắc Giang. Ông tiếp tôi trên chiếc giường một với cái chiếu rách mà tôi lặng đi. Cả đời ông đi theo cách mạng để chiến đấu cho tự do độc lập, từng là phóng viên và BTV của báo Công giáo. Ông cũng đã có tập thơ: “Men say” và một số truyện ngắn in từ thời Pháp. Giờ sao vẫn quá nghèo. Thương ông, tôi sửa bản thảo tới mức không sửa được nữa mới thôi, nhưng trình lên TBT vẫn bị lắc vì cuốn tiểu thuyết đụng chạm  tới vấn đề tôn giáo!
Tôi thất vọng, liền tìm sang NXB Thanh Niên, vì trước tôi có tập truyện đưa tới tám NXB ở Hà Nội đều cho là gai góc, không in. Đem sang anh Ngợi in ngay. Và in xong chả sao cả, bởi không có kẻ cơ hội bới lông tìm vết. Nhưng buồn thay, anh Ngợi đã bị điều khỏi NXB Thanh Niên mất rồi! Thế là tác phẩm nằm mốc rêu ở đó. BTV bảo tôi là tác phẩm tốt, nhưng không có đầu ra nên chưa thể in được. 
             Tới nay thì tác giả đã mất bốn năm rồi. Và tác phẩm của ông có lẽ cũng được đào sâu chôn chặt, an bài ở đó. Hay một cuốn tiểu thuyết khác cũng thuộc loại tự  truyện. Anh ở một tỉnh lẻ mang lên cho tôi hôm trước tôi chưa kịp xem, thì hôm sau tôi nhận được công văn ở tỉnh đó gửi lên đề nghị không in, vì bản thảo đề cao cá nhân và bất mãn chế độ. Tôi đọc luôn, thấy tốt mà không hề có vấn đề gì trái với luật XB cả. Tôi liền đưa vào dự thi tiểu thuyết của NXB CA và đề nghị anh Ma Văn Kháng đọc xét giải. Tác phẩm ấy được giải, nhưng NXB cũng không in. Mãi gần đây tác gỉa phải đổi tên và sửa đi nhiều mới được NXB LĐ in. Dư luận về cuốn sách cũng tốt, không có vấn đề gì. Nhưng in được cuốn sách đó, thật gian nan vất vả quá chừng.
Đấy mới chỉ là hai tác phẩm mà tôi trực tiếp làm. Còn bao số phận của những  cuốn tiểu thuyết khác bị lênh đênh chìm nổi và chết non, chết yểu, chết thảm trong yên lặng  như thế nữa!!! Sinh thời nhà văn Vũ Bão kể với tôi bạn anh trước đây có tác phẩm bị một ông tướng phê phán, giờ viết xong anh cất vào ang mà không đưa in. Vì anh bị tên một lần rồi, giờ rất sợ cây cong. Viết để đấy cho con cháu mai sau. Và chính bản thảo: “Rễ bèo chân sóng” của anh Vũ Bão vất lay lắt ở một số NXB lâu rồi cũng chẳng thấy ai in. Anh phải chặt khúc để in đoạn ngắn ở NXB Kim Đồng thì lại được giải. Còn cả cuốn truyện dài thì vẫn đắp chiếu nằm yên đó. Có lẽ nó cũng theo anh về cõi vĩnh hằng!
Tất cả những sự việc trên đều phản ánh một điều là chính sự sợ hãi vô hình đã bóp chết nguồn cảm hứng và sáng tạo của nhà văn. Nên khó có thể có sách hay được. Do vậy mà điều đáng sợ hãi nhất đối với các nhà văn hiện tại lại chính là sự sợ hãi.
Giải pháp vấn đề này thật không dễ. Bởi cùng một lúc, nhà văn, BT, TBT và cả các nhà lãnh đạo tư tưởng phải thoát ra khỏi được cái vòng “kim-cô” vô hình đang treo trên đầu mình thì may ra mới mong được có sách hay.
            Còn nhà văn, phải tự tìm giải pháp cho mình trong sáng tạo, trước thời vận mới.
*Nguyên nhân thứ bẩy: Tác động của lý luận phê bình văn học đối với sáng tác của nhà văn.
Lâu nay người ta vẫn  hay nói lý luận phê bình văn học như ngọn roi quất cho con ngựa sáng tác phi nước đại. Đó cũng có phần đúng. Và tôi cũng không dám lạm bàn đến những thành tựu lớn lao về các công trình mà các nhà lý luận phê bình chúng ta đã đóng góp cho nền văn học Nước nhà. Vì lãnh vực này tôi ít am tường. Nhưng tôi thấy trước đây những ngọn roi quất của các nhà phê bình lại quá ác. Làm cho con ngựa sáng tác không những không phi lên được mà còn gục luôn  tại chỗ. Những con ngựa bị bị tử nạn đó là “Vào đời”, “Sắp cưới”, “Cửa mở”, “Phá vây”...Và những nhà văn sinh ra nó. Có nhà văn suốt thời gian dài điêu đứng, cho tới khi nhắm mắt vẫn chưa được giải oan dẫn đến kết cục thật ai oán là phải giã từ nghiệp cầm bút của mình!
Sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân có một số sáng tác cũng bị liệt vào loại đó. Tôi đến thăm ông, biếu ông cuốn sách, ông cũng cho tôi cuốn “Sông Đà đỏ”. Tôi hỏi ông về tác phẩm “Tình rừng”, thì ông bảo: “Có gì đâu, đấy là mấy tay phê bình nó bới lông tìm vết, suy diễn cho mình là lên án Chính quyền đốt sách.” Rồi ông kể đích danh những nhà phê bình nào đã suy diễn, cố tình cầm bút phang ông.
Bệnh suy diễn, bới lông tìm vết của nhà phê bình đối với sáng tác của nhà văn vào thời ấy thật đáng sợ. Vì nó làm nhà văn tử nạn không phải là ít. Nhưng đến thời mở cửa, sau bài phê bình một chiều, mang tính áp đặt đối với tác phẩm “Cái đêm hôm ấy đêm gì.” bị phản bác gay gắt thì hình như những kẻ cơ hội không còn đất để đánh lén nữa. Các nhà văn viết phê bình đã tĩnh tâm có cái nhìn nhân hậu và sâu lắng hơn đối với người sáng tác.
Đọc các bài viết của các nhà phê bình trên báo, thấy các anh, các chị rất mạnh dạn, thông tuệ và sâu sắc hơn. Những ông, như ông frơt trước đây ta nhìn nhận và nói khác, giờ được các anh, các chị bàn lại đúng đắn hơn. Không một chiều như trước. Hay một số nhà văn khác của thế giới trước đây ta phê phán gay gắt, giờ các bài các anh các chị viết mới xem ra trúng hơn. Nhưng có điều các anh, các chị phê bình vẫn gọi nhiều về văn chương Âu Mỹ, còn văn chương của ta thì lại ít gọi. Nhất là đối với tác phẩm bị đánh giá sai lệch.
Có thể văn chương của ta chưa đạt tới đẳng cấp để anh chị bàn. Nhưng dù vậy, thì vì nền phát triển văn học Việt Nam trong tương lai, các anh chị cũng chiếu cố để ý tới cho. Mỗi tác phẩm ra đời, dù hay dù dở mà các anh chị cho dăm ba lời khen chê thì những người sáng tác chúng tôi biết ơn lắm lắm. Vì nhà văn viết xong một tác phẩm như người vừa may được bộ quần áo mới, muốn được người khác xem hộ và chỉ cho những đường may sai sót và rộng hẹp thế nào để mà sửa. Được thế thì người sáng tác vui vẻ phấn chấn biết chừng nào.
             Thưa toàn thể hội nghị,
Tôi có may mắn được dự Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ nhất ở Tam Đảo. ở hội nghị ấy, những vấn để về sáng tác được đem ra bàn rất thẳng thắn và sôi nổi, thậm chí còn tranh luận gay gắt và nặng lời với nhau. Tuy Hội nghị có kết quả nhất định nhưng dư âm thì lại bị cho là các nhà văn chửi nhau trong Hội nghị. Nghĩ lại buồn!
              Nói về “chửi”, tôi lại nhớ đến nhà văn Đoàn Giỏi. Sinh thời anh dậy tôi: “Em ạ, viết chửi khó lắm, không phải dễ đâu. Anh đọc tác phẩm: “Anh lính và con chó” của nhà văn Tiệp lưu vong sang Anh. Nhà văn này viết cuốn sách ấy là để chửi cộng sản, tức là anh ta chửi cha mình đấy. Nhưng mỗi lần cầm cuốn sách lên đọc, anh lại rơi nước mắt. Bởi anh ta viết chửi tài quá làm mình phải quì xuống mà phục. Cho nên viết chửi phải làm sao cho người ta phục, chứ đừng để người ta khinh.” Tôi thấm thía điều này lắm. Và lại nghĩ tới Hội nghị lý luận phê bình văn học hôm nay. Hội nghị của chúng ta là bàn về văn chương. Vậy thì chúng ta phải làm thế nào, dù tranh luận gay gắt đến đâu cũng đừng để người ta hiểu lầm là các ông nhà văn chửi nhau. Mà dư âm để lại cho mọi người  hiểu phải là các ông nhà văn đang hát cho nhau nghe đấy. Như thế thì Hội nghị mới thực sự thành công mỹ mãn.
Và nhân đây tôi cũng xin chúc Hội nghị lý luận phê bình văn học lần này của chúng ta cũng thành công tốt đẹp.
Chúc sức khỏe của toàn thể các vị đại biểu. Cảm ơn quí vị đã lắng nghe.
                                                                                     
 
 Hà Nội Ngày 1-10 - 2006
 tôn  ái  nhân