Trang chủ » Truyện

HỘ NGHÈO & NHÀ VĂN

Võ Tấn
Thứ tư ngày 25 tháng 11 năm 2009 5:19 PM

 
Truyện ngắn của Võ Tấn

Lần đầu tiên trong đời tui phải chường cái bản mặt “một thằng đàn ông bệnh sĩ”, ngồi bán hàng rau xanh giữa chợ. Thật kinh khủng, tối hôm trước theo sự phân công của vợ, tui ra chợ bán thay vợ một buổi, vợ tui nghỉ ở nhà đón khách, khai báo công tác điều tra dân số ở hộ gia đình. Nghĩ cũng lạ, thường gia đình người ta, đầy đủ cả vợ lẫn chồng thì người đứng tên chủ hộ phải là ông chồng. Còn gia đình tui, bà xã tui được ghi tên chủ hộ. Có lẽ, mấy bác cán bộ Khu phố đúng vì tui sống theo quê vợ.
Lâu nay việc gì có liên quan đến xóm giềng, khu phố đều liên lạc với vợ tui, mà vợ tui cũng gắt lắm, hay “đấu đầu với chính quyền”. Được việc cũng có mà phiền phức cũng nhiều nhưng đâu ra đó, nghĩa vụ không thiếu một cân thì quyền cũng phải chia đều ăn đủ. Còn như tui một thằng đàn ông đàng hoàng làm việc gì chẳng ai thèm quan tâm, tui lại mang cái bệnh sĩ diện, hay nhún nhường thường bị thua thiệt.
 Đêm đó, tui chỉ ngủ được hơn giờ đồng hồ. Trong hơn giờ ấy là những suy diễn không đầu, không cuối vì nếu vợ tui bốc lên, khai báo rằng tui đang viết văn thì chết với bác Khu phố ngay. Hôm trước, tui đi ngang qua nhà bác Khu trưởng, thấy đông bà con đang chạy ra chạy vào, người cười, người mếu thấy ồn ào tui ghé vô nghe ngóng xem chuyện gì, té ra người ta đang lập danh sách “xét tiêu chuẩn hộ nghèo” ở Khu phố. Tui hứng chí chen vô trình bày gia cảnh xin được vào danh sách hộ nghèo. Bác Khu trưởng trừng mắt nhìn tui một chặp lâu rồi nói:
-Anh giỡn chơi có nơi có chỗ, trong khu phố này bao năm nay, anh không lao động ở nhà để vợ nuôi…nhà anh mà nghèo hả?
Ôi, cái bệnh sĩ của tui, lúc đó tự dưng khoá cái miệng tui câm như hến. Tui nghĩ viết văn ở một nơi nào khác thì không nói chi, chớ ở cái xóm làm nông nghiệp thuần tuý nhà quê mà khai báo là mình làm nghề viết văn thì tránh sao được dị nghị. Dù hôm nay có văn minh hơn, xóm vừa được nâng tầm lên Khu phố của thị trấn Mới, tui mà nói ra chắc nhiều người sẽ cười tui cho thúi cái mũi “Đói te tua chưa lo mà bày đặc văn với vẽ”. Tui lặng lẽ rút lui.
*
Chợ hôm nay đông khách, mấy chị bán hàng gần chỗ tui cứ tủm tỉm cười, tui cũng đóng mặt dày chào lại bằng cái cười hơi gượng. Khách đến mua hàng toàn người quen của bà xã, họ tự nhiên thò tay nhặt bó cải, bó rau thơm, lấy trái chanh, trái ớt… rồi đưa tiền lẻ cho tui, ném lại một câu chọc quê “Đủ lời rồi đó anh hai?”. Thật tình tui chả biết có bị lỗ vốn của vợ không nữa. Tui bán thay có một buổi lo gì, hàng rau bán rẻ chút, người mua nhớ sạp hôm sau lại đến giữ được khách. Tui tự cho mình làm cái việc khuyến mại gần hết buổi sáng mà vợ tui vẫn chưa ra tiếp sức.
Gần mười một giờ trưa, vợ tui vội vội vàng vàng chạy chiếc xe đạp cà tàng đến dãy chợ bán rau, mồ hôi mồ kê chảy dọc trên khuôn mặt xương xương của nàng, tôi thấy tội cho vợ quá. Tui chạy tới đỡ lấy chiếc xe và đẩy nhanh vô sau cái sạp bán hàng. Một trận cười nghiêng ngã của mấy chị hàng rau, nụ cười ban hạnh phúc cho vợ chồng tui hay trận cười chế ngạo một ngày bất đắc dĩ của tui, gì gì cũng đáng để nhận lãnh.
Vợ tui xách bị tiền lên, ngó vô, lấy tay trộn trộn mấy đồng bạc cắt:
-Anh bán gần hết rau mà được mấy đồng vầy sao?
Tui ngơ ngác nhìn vợ:
-Toàn người quen của em mua cả mà.
-Ông bị hớ với mấy ả rồi. Vốn gần một trăm ngàn mà bán từ sớm tới giờ được ba mươi mấy ngàn vầy nè. Ông về mà nhịn đói bù vô.
Biết là có chuyện chẳng lành nên tui lãng đi, rồi dắt chiếc xe đạp ra khỏi chợ. Chuồn về luôn.
*
Lần đầu tiên, tui biết được thu nhập cái sạp hàng rau xanh của vợ, vốn chẳng bao nhiêu mà lời cũng chẳng được bao nhiêu. Thế mà hai mươi năm qua, vợ tui sớm khuya chạy chợ nuôi một chồng và bốn đứa con không kêu than trách phận, ngày hai bữa cơm đạm bạc, từ một nguồn thu nhập duy nhất nơi cái sạp rau xanh, nhà tui chả có tất đất cắm dùi.
Bù lại, tui biết trách nhiệm ở nhà, vợ nuôi, tui quán xuyến con cái và mọi việc bếp núc của gia đình. Tui tự nguyện thay vợ đảm trách hàng ngày từng bữa cơm, để vợ tui có thì giờ nghỉ ngơi những lúc đi sớm về muộn. Khoảng thời gian còn lại của riêng mình, tui dành cho những đứa con tinh thần.
Bữa cơm trưa nay, độc nhất chỉ một thứ rau muống vườn, luộc vắt chanh, rau muống xào tỏi chấm nước mắm thắm. Nhà tui bây giờ chỉ còn lại bốn người, tui cho hai đứa nhỏ ăn cơm trước để kịp giờ học buổi chiều. Tui không khi nào ăn trước nếu vợ tui chưa về.
Bữa cơm đặc biệt này, vợ tui ăn rất khoẻ có vẻ món rau muống được tui chế biến cao cấp như nhà hàng nên bà xã thích, hay vì mệt và đói mà nàng tranh thủ nhồi nhét vào cái bao tử cho nó đầy. Không sao miễn là vợ vui. Tui gợi hỏi chuyện khai báo dân số gia đình hồi sáng:
-Em khai báo có chính xác không? Anh sợ…
-Anh sợ gì? Mình có gì mà phải sợ.
-Anh sợ em khai…tùm lum người ta cười.
Vợ tôi cười rất tươi, nói anh yên tâm, kỳ này nhất định em sẽ đề nghị gia đình mình vào “tiêu chuẩn nghèo” mà không những nghèo thường, có khi nghèo nhất Khu phố này đó. Lúc sáng, mấy chú tình nguyện viên đến hỏi em khai tuốt luốt. Lâu nay em cũng như anh cứ chịu thua thiệt nhường nhịn, không dám khai ra cái nghèo của nhà mình. Em nói huỵch toẹc hết, chủ hộ là em, anh và bốn đứa con do em nuôi 20 năm rồi. Hai đứa lớn đang học đại học trong Sài Gòn, hai đứa nhỏ đang học trường thị trấn này. Nhà ở thì bà ngoại cho mượn ở tạm chớ có tiền đâu mua đất làm nhà, tài sản không đất đai cũng không, không bò, không heo, không xe máy…không có gì hết. Cái Ti vi em khai rõ nguồn gốc là do bạn Nhà Thơ dưới phố cho năm ngoái, nó bị hư, em bỏ ra 100 ngàn sửa để coi tạm. Bộ máy Vi tính anh ngồi gõ bài thảo thì mới có ba bốn năm nay, là quà tặng giải thưởng của con gái, nó thi chương trình “Mơ ước của tôi”. Em chỉ cho hai chú ấy thấy cái “Bằng chứng nhận” treo sát tường đó, mấy chú không ghi cái gì có giá trị vào bảng kê khai. Mà em nói có sách mách có chứng, gia đình mình nghèo gần hết đời bố, rõ quá còn gì.
Bữa cơm kéo dài hơn mọi ngày, tui đi lấy cho vợ ly nước lọc, nghĩ bụng vợ khổ quá nhiều nên trút hết nổi lòng. Tui định dẹp dọn cho vợ đi nghỉ nhưng vợ tui hăng lắm, nàng tiếp tục:
-Em nghe hai chú tình nguyện viên nói gia đình mình thuộc diện “ngoài dự đón”. Em thắc mắc. Mấy chú cười cười, nói bất ngờ, bất ngờ quá, khi đến đây chúng em cứ nghĩ gia đình anh chị…khá giả đủ đầy lắm.
Thì 20 năm qua, cả xóm cũ cũng như khi lên phố mới, ở Khu này mấy người làm cán bộ bảo gia đình tui ngoài buôn bán cái sạp rau xanh ngoài chợ, còn có “của kín”. Em nói với mấy chú ấy, anh ngồi viết văn đã hơn 20 năm trong cái xó này chả có đồng xu dính túi, lấy đâu ra của kín. Em làm ngày nào xào ngày nấy, có việc gì cũng phải đi vay, rồi ăn keo kẹt dùm dụm mà trả. Mấy chú nghe cười càng nhiều, sợ gì cái nghèo mà giấu. Người ở đẩu đâu thì biết anh qua truyện đăng báo, còn người dân trong khu phố cho rằng anh lười biếng lao động. Dường như hai chú ấy hiểu, đòi xin cái gì nhỉ…cái danh danh gì đó mà em không nhớ.
-Em ơi. Danh phận gì, là cái tên khác của anh ký nơi tác phẩm.
***

Nếu không có dịp thực hiện chánh sách điều tra dân số năm nay, sẽ không ai để ý cái nghề tui làm, thậm chí trong con mắt của các vị “dân cử” ở Khu phố, cho tui là một thằng đàn ông lười biếng, ăn hại. Điều này, tui không thể nói vì lâu nay tui bỏ ngoài tai mọi lời khinh khi ấy, tui cần mẫn cày trước trang giấy hàng đêm thức trắng.
Cái nghề viết văn đôi khi oái ăm như vậy đó, trách chi người ta không quan tâm tới một người vô danh tiểu tốt như tui. Đến với nghề văn chương, trước hết được tinh thần sống rất thanh thản, được làm những cái có ích mà mình nghĩ ra, vất vả, gian truân lắm tui mới theo nghề. Văn là nghiệp, tui khó nói rõ hay lý giải cho những cái nhìn của người ngoài cuộc. Vì sao tui không từ bỏ được văn chương, đi làm nghề này, nghề nọ như người ta. Viết văn mà nghĩ đến tiền thì khốn, may sao tui sống được tới giờ nhờ có vợ tui thương. Nhưng nói rằng nghèo chả ai tin, ở Khu phố tui càng chẳng có người tin thì đúng phóc, vì họ nhìn vào gia đình tui lặng yên chẳng thấy so đo với người khác, thấy tui suốt ngày lơ mơ, nhàn rỗi chả động tay chân đến công việc nặng nhọc nào hái ra tiền mà cứ phè phè.
Sau đợt bình xét hộ nghèo đợt một, đến cuối năm nay không hiểu vợ tui có khiếu nại gì với bác Khu phố trưởng, mà cái đêm họp lần cuối đưa ra mấy gia đình thuộc diện nghèo, để xét lại lần chót trong danh sách có gia đình tui.
Yêu cầu của bác Khu trưởng, tui phải tới dự họp để trình bày với bà con về cái sự “lười biếng”. Bác Khu trưởng thông qua gia cảnh, nghề nghiệp của từng gia đình, đến lược gia đình tui bác ấy nói:
-Thưa bà con. Ở Khu phố ta hiện nay, có một nhân vật đã vài chục năm nay rung rúc trong nhà, mặc dù chẳng có bệnh tật gì nhưng không thấy lao động. Tôi có hỏi, vợ anh ta nói chồng bà viết văn. Văn chương cái nỗi gì, người ta viết văn thì ở trên thành phố giàu có cả, còn gia đình này cho đến bây giờ nhà không có mà ở. May mắn còn giữ được một gia đình có con hiếu học, trăm thứ gánh nặng cơm áo hằng ngày đều do vợ anh ta lo hết. Vợ anh ta chạy chợ, bán hàng rau xanh nuôi chồng và tới “4 cái tàu há mồn” đang sức ăn. Chúng ta có thể xét cho vào tiêu chuẩn hộ nghèo không? Trong đợt này, cả Khu phố của ta cần giảm tới mức tối thiểu còn 1% nghèo.
Bác Khu trưởng đã giơi thiệu xong, có nhiều người lao xao về tui, vợ tui tính tình bọc trực cái chuyện gì ra chuyện đó, nàng đứng lên nói ngay:
-Gia đình tui không phải như bác Khu trưởng nói. Chồng tui viết văn cũng giống như làm ruộng, chỉ khác nhau cái cày và cây viết. Còn sự giàu nghèo không thể đem so sánh bừa bãi như vậy. Con nhà tui đang có tới hai đứa vào đại học, khó khăn thì gia đình nào ở nông thôn cũng gặp phải. Ở Khu phố ta, tui thấy gia đình tui thuộc diện được hưởng chánh sách hổ trợ của nhà nước. Bà con thương ghét thì cũng xem xét cho đúng thực tại. Chồng tui có làm gì ông Khu trưởng mà ông mắng mỏ khéo.
Tiếng ồn ào rộ lên, tui bị một người hàng xóm kéo tay nói nhỏ vào tai:
-Ông viết văn gì vậy. Văn ông có đổi gạo được không?
Tui cười xả giao:
-Thì cũng có lúc.
Bác Khu trưởng hơi nóng, đứng lên cắt lời:
-Thôi, nói cho đúng theo nguyên tắc(?). Nếu chồng chị làm nghề viết văn thì phải có giấy xác nhận của…Nhà nước! Còn không có giấy tờ gì chứng minh là làm nghề viết văn thì chúng tôi  sẽ đưa chồng chị vào diện “người vô nghề rỗi việc” vì anh ta khoẻ mạnh và còn tuổi lao động.
Trời đất, tui nghe xong thấy trong người lạnh dọc từ lưng lên đầu. Chưa kịp lấy bình tỉnh, bác Khu trưởng gọi tui đứng lên trình bày trước bà con cho rõ.
Tui rất ngại đứng trước đám đông để phân bua hay tranh cãi một việc gì đó làm người khác không vui. Tuy nhiên, công việc của nhà văn là một thứ công việc rất đặc thù. Mỗi tác phẩm viết ra là một tác phẩm độc quyền, không có phiên bản thứ hai, người theo đuổi công việc này phải toàn tâm toàn ý “ liều mình”. Có người nói: văn chương giống như cái chợ. Ai thích thì vào không thích thì thôi. Vào rồi không mua, không bán, thì dạo chơi. Thích thì dạo lâu, không thích thì thoáng qua chút cho vui có sao đâu. Có người vì hoàn cảnh, vì những việc khác hấp dẫn hơn và cũng có khi lực bất tòng tâm mà chia tay với văn chương không một lời từ biệt. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng tui vừa đứng dậy đã thấy bất an, tui đành phải thưa:
-Chuyện hôm nay xét gia đình tui có được vô tiêu chuẩn nghèo hay không, là do lãnh đạo Chính quyền thị trấn và các cán bộ Khu phố cùng bà con chọn. Nó không liên quan gì đến nghề viết văn của tui. Lâu nay, người viết văn thì nhiều mà có mấy người sống được bằng tiền nhuận bút. Nếu vì một nhà văn Khu phố, được ưu tiên xét vào hộ nghèo để hưởng chánh sách xã hội, thì tui e rằng đất nước mình, tất cả Nhà văn đều thuộc diện này hết. Còn bảo tui phải có giấy chứng nhận để được xét thì xin nhường lại cho bà con còn nghèo hơn. Tui cũng chẳng biết ai cấp cả.
*
Tui trình bày xong, xin phép bà con về nhà. Một ý tưởng truyện mới nảy sinh, tui quên ăn cơm tối ngồi gõ đến khuya. Khi cuộc bình chọn tan. Vợ tui về đến nhà, mặt mày nàng cũng tươi tỉnh hơn. Tui đón, chắc bà con lối xóm đã cảm thông cho vợ chồng tui vào tiêu chuẩn nghèo. Hú hồn, tui suýt mất một tập truyện ngắn đem biếu lấy lòng bác Khu trưởng./.