Trang chủ » Truyện

NƯỚC MẮT NGƯỜI CHẾT

Vũ Ngọc Cầm
Thứ ba ngày 10 tháng 11 năm 2009 1:27 PM
 
Người quê bao đời nay truyền tụng lại: “Bố ông quan chết thì ngựa đầy ngõ, ông quan chết cỏ mọc đầy sân”. Họ giải thích rằng ngày xưa các quan chức sang trọng nhất thì đi ngựa chứ làm gì có ô tô như bây giờ. Khi nhà quan có đại sự như bố chết chẳng hạn thì kẻ hầu người hạ, quan xa, nha gần kéo đến. Người xẻ chia nỗi đau với thân chủ cũng có, kẻ tranh thủ cơ hội ngàn vàng ấy để mưu cầu danh lợi về sau cũng có. Đám thủ hạ lăng xăng qua lại nịnh chủ với nhiều đích khác nhau như định nhờ vả, cất nhắc, trục lợi, xin gỡ tội... thì vô thiên lủng. Hiếm có dịp may nào hơn như thế. Vậy là ngựa đến nhà hiếu đầy ngõ. Sau rồi đến khi ông quan nghỉ hưu, già và chết thì chẳng có ma nào ngó ngàng tới. Lúc ấy cái xác chết của ông cũng như trăm vạn cái xác chết khác mà thôi. Thậm chí nó còn mau thối rữa hơn những xác chết khác bởi thời đương chức ông rượu chè, xôi thịt quá nhiều, chuyện đực cái thì vô độ nên cơ bắp lúc về già nhão nhoét. Người ta phải đưa ông ra đồng càng sớm càng tốt. ấy là chưa kể thời làm quan, ông làm những điều thất đức, bất minh, thiên hạ căm ghét nhiều người không thèm đoái hoài đến. Vậy nên, đám tang ông chẳng có con ngựa nào thả ngoài ngõ, và nhà ông cỏ mọc đầy sân là vì như thế.
 Làng Bùi mấy hôm nay chứng kiến đám tang cụ Hào. Cụ Hào sinh được ba người con trai. Ông Hà, con trai trưởng của cụ, sinh ra và lớn lên ở làng Bùi. Được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn, cũng luyện rèn chịu đựng tốt rồi được điều đi công tác ở một tỉnh miền biển xa. Nghe đâu ông cũng leo lên được cái chức quan kha khá. Bà con làng Bùi vốn xa chốn chính trường, không am tường ông làm đến chức gì, chỉ biết rằng mỗi khi ông về quê thì có ô tô rất sang trọng biển số 6688 (lộc lộc phát phát) đưa về đến tận ngõ. Chú lái xe mẫn cán, lăng xăng mở cốp xe lôi ra đủ thứ, nào bao, nào túi và cả hoa nữa để tặng cụ thân sinh ra sếp của mình. Những lúc ấy ông Hà thường đẩy cửa xe, đứng vặn người mấy cái như có vẻ mệt mỏi sau những chuyến đi công cán thường tình, nhưng vẻ mặt ông thì dãn ra  mãn nguyện khoan thai bước vào cổng nhà mình. Cái cổng, mảnh đất mà theo ông thì là nơi chôn rau cắt rốn, nơi mà cái thuở thiếu thời ông thường nghịch ngợm một cách “rất thông minh”. Mỗi khi kể cho đám thuộc hạ là các bậc đàn em nghe chúng thường gật gù vẻ kính phục vị thủ trưởng thần tượng của mình. Ông không quên liếc qua lại xem có gặp người bà con làng xóm nào không. Gặp họ ông sẽ chào hỏi rất lễ phép. Ông muốn thể hiện rằng dù có trở thành quan chức cao cấp ở nơi xa “Triều đình riêng một góc trời” thì về đây ông vẫn rất khiêm nhường. Điều ấy là nét độc đáo, giản dị của các lãnh tụ trong nước và trên thế giới thường làm. Vào những phút ấy lòng ông lâng lâng kiêu hãnh. Vào đến nhà, ông Hà thường đi chậm lại để chú lái xe và mấy cậu trưởng phòng xách đồ vào trước. Đứa vồ lấy ông cụ, đứa bóp chân bóp tay khen cụ khoẻ, rồi hỏi những lời rất chân tình: “Cụ có còn nhớ con không ?”. Những lúc ấy ông cụ đành gật bừa vì bao nhiêu thằng về đây gọi cụ xưng con ngọt xớt, cụ nhớ sao được hết. Có thằng còn kiếm cớ tạt qua khi ông Hà không có nhà rồi dúi cho cụ cái phong bì rất dày gọi là “quà” trên có ghi mấy chữ nét bút dạ rất to: “ Chúng con kính biếu bố ” và chủ yếu đậm nét ở mấy dòng ký tên bên dưới: Hồng Quân, Trần Manh v.v...
 Cụ Hào, người thân sinh ra ông Hà mất vào lúc nửa đêm. Những người thân và bà con làng xóm vẫn sống chung đầm ấm với cụ sau luỹ tre làng đến lo tang lễ với tấm lòng quê hương. Ai cũng kính trọng cụ bởi bao năm  gắn bó cùng bà con, cụ đức độ, khiêm nhường. Có cân kẹo, hộp sữa hội phụ lão chúc thọ hay có chút quà của con cái gửi về cụ đều chia phần cho mấy cụ già không nơi nương tựa, cho các cháu ở những gia đình khó khăn. Mọi người kính trọng cụ còn bởi vì ngay từ thời trai trẻ cụ đã là người đúng mực phải chăng, lại có phúc sinh được cậu con trai là ông Hà bây giờ làm đến quan chức gì đó ở tỉnh xa mà mọi người rất trọng vọng. Ông Hà làm quan cả họ được nhờ. Ông từng gửi một món tiền khá về xây dựng từ đường họ, lại còn lôi được rất nhiều con cháu đi làm ở nơi ông công tác. Thằng em trai “đầu đất” của ông Hà còn nhồi được vào làm đến Phó giám đốc một công ty san núi lấp vịnh bán đất tiền nhiều như lá mít. Thời nay kiếm được công ăn việc làm đâu phải dễ. Khối đứa tốt nghiệp đến hai bằng đại học mà còn chưa xin được việc, phải làm phu hồ cho đám cai xây dựng, gánh vữa đến trầy vai, có thằng còn đi đội than “thổ phỉ” đến sọ đầu... thế mà lũ cháu dòng họ ông Hà từ nhà quê ra, chân đất mắt toét, học hành lại chưa hết phổ thông, vẫn được bố trí những việc khá thơm. Bét nhất cũng là làm văn thư chạy giấy, ngày pha trà rót nước, tối đi hát ka-rao-kê, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Thế nên khi ông cụ nằm xuống, ông Hà chưa về đến nhà, họ hàng đã sắp xếp lo toan đâu vào đấy.
 Công việc tang lễ cho cụ cũng không nặng lắm bởi địa phương đây rất có kinh nghiệm lo tang lễ, cưới xin. Chỉ cần bỏ ra mấy trăm ngàn đồng là Ban dịch vụ tang lễ căng rạp, chuyển bàn ghế, bát đĩa, chè thuốc, làm cỗ đón khách đường xa... Họ lo chi tiết đến cả sợi dây căng khi hạ huyệt, tính đến cả ai là người ghi danh sách, giới thiệu những người đến phúng viếng.
 Ông Hà về. Cả làng Bùi nhộn nhịp hẳn lên. Nhưng điều bất ngờ nhất mà người dân làng Bùi không tính đến là ô tô của các quan khách ở đẩu ở đâu về quá nhiều, không còn chỗ xếp. Xe cứ nối đuôi nhau dài ngót cây số, đường làng hẹp xe không quay được đầu. Lối vào, lối ra đều tắc. Ngày xưa các quan đi ngựa thì thả ngoài ngõ. Chỉ một người Quản Mã điều đoàn ngựa ra bãi cỏ là xong. Bây giờ  ô tô thì không xuống ruộng được. Xe to, xe nhỏ kềnh càng choán hết cả lối đi. Cánh lái xe bây giờ cũng không dễ bảo như đám quản ngựa ngày xưa. Sau khi làm bổn phận bê hoa và phong bì vào viếng chúng lùi xe ra chỗ mát đánh một giấc ngon lành. Có máy điều hoà nhiệt độ mát lạnh và tiếng cát-xét trong xe ru đều đều cho chúng ngủ, ai đó có gọi đến khản tiếng cũng chẳng thể làm cho chúng tỉnh giấc.
          Tang lễ diễn ra. Ông Hà đau xót đứng bên linh cữu bố. Ông thương cụ vô hạn bởi tình cốt nhục chia xa, bởi cái thời bao cấp đói khổ ngày xưa cụ từng nhịn đói nhịn khát, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nuôi ông ăn học lên người như hôm nay. Cụ là người cha rất đỗi yêu quí con, sống mẫu mực với làng xóm, thuỷ chung với bạn bè. Ông Hà là con trưởng, ông đứng đó nén nỗi đau đớn nghẹn ngào vái đáp lễ các đoàn thể, gia đình, cá nhân đến viếng cụ. Đây là phút cuối cùng ông được đứng bên cạnh người cha kính yêu mà vĩnh viễn không bao giờ được gặp lại nữa. Đau thương và bối rối trong tình cảm chộn rộn, có lúc ông rơi vào trạng thái vô cảm. Toàn bộ tâm trí ông lúc này luôn hồi tưởng về hình ảnh người cha lúc còn sống với đôi mắt trìu mến, bao dung của cụ. Ông vái đáp lễ như một phản xạ có điều kiện tự nhiên trong sinh học vậy. Ông không để ý đến phía sau mình có hai chú em ở thành phố nơi ông công tác đã về và đứng cạnh ông tự lúc nào. Chúng cũng đội khăn tang quấn hai vòng và thắt chít gáy như ông. Hai cậu này người ít hơn ông nửa tuổi, người hình như nhiều tuổi hơn ông chút ít. Tuy vậy lúc nào chúng cũng anh anh, em em. Đầu tiên ông hơn ngượng nhưng sau rồi quen đi. Ông gọi chúng bằng các “chú”. Chúng hay giới thiệu với mọi người ở thành phố nơi ông công tác rằng: “ Tôi là anh em kết nghĩa với ông Hà”. Điều này làm tổ chức khi bổ nhiệm công tác không thể không tính đến. Hơn thế nữa, khối kẻ yếu bóng vía chẳng dại gì động vào “anh em” nhà quan, để mặc chúng muốn làm gì thì làm. Cái chú em nhận gầy gầy, gò má cao cao, có cô vợ bầu bĩnh khá xinh đẹp. Có lần ông “anh nhận” còn đưa đi công tác, kết hợp  nghỉ mát ở tận bãi biển Trà Cổ. Cô em không biết bơi nên nhờ ông anh nâng bụng tập bơi dưới nước, lặn ngụp một lúc uống phải mấy hớp nước. Ông Hà phải bế xốc cô em lên dằn ngửa trên cát rồi hà hơi thổi ngạt. Cô em dâu rừng rực tuổi hồi xuân làm như mệt lắm, nũng nịu bắt “ông anh” phải xoa bóp phục hồi chức năng suốt một đêm trong nhà nghỉ. Bây giờ ông cụ mất, cả hai thằng em đều tình nguyện về đội khăn tang theo đúng phong tục con đẻ, có buộc nút chít gáy, đứng túc trực bên linh cữu của cụ, thoạt nhìn mới nghĩa tình làm sao. Chúng nó chân thành thế làm ông cũng dịu vợi nỗi đau. ở đời khi đau khổ mà có chỗ xẻ chia, nỗi đau vợi đi một nửa. Ông Hà vái đáp lễ bao nhiêu cái, hai thằng em cũng chắp tay vái theo bấy nhiêu, hệt như cái bóng của ông. Khi ông đặt tay lên ngực trái để cảm tạ các đoàn đến viếng, cả hai thằng em lập tức lặp lại như người Rô-bốt đã được lập trình sẵn...
                                                                 *
*      *
           Tấm ván thiên trên nắp quan tài chuẩn bị đóng đinh. Theo tục lệ tự ngàn xưa, người hành lễ mở nắp quan tài lần cuối để con cháu nhìn mặt người thân lần chót. Đây là phút giây vô cùng xúc động, bởi từ nay âm dương cách biệt, vĩnh viễn chia xa. Con cháu, thân nhân họ hàng nhoà lệ nhìn người ruột thịt của mình trong tiếng khóc nghẹn ngào, trong đau thương vô hạn. Ông Hà gục xuống bên linh cữu cha mình. Hai cậu em nhanh tay xốc nách ông. Chúng đỡ ông anh bằng đôi tay không kém phần run rẩy và ân tình. Khuôn mặt chúng cũng bầy tỏ đau khổ thật sự mà không một diễn viên tài hoa nào có thể đóng giả tốt hơn thế nếu người nằm đó không phải là cha mình. Ông Hà thì cạn khô dòng lệ, còn nước mắt của hai cậu em kia lại dàn dụa chứa chan.
         Chính trong phút giây ngắn ngủi thiêng liêng ấy một số người bỗng lạnh gáy. Họ rờn rợn khi chợt nhận thấy một giọt lệ ngấn bên khoé mắt phải của cụ Hào trong quan tài. Trời ơi, nước mắt cụ ứa ra từ bao giờ? Có phải nước mắt vĩnh biệt người thân của cụ hay là nước mắt của con cháu rơi xuống?. Phút lộn xộn rối bời và ngập tràn đau thương ấy chưa ai kịp để tâm và lý giải về  nguồn gốc của giọt nước mắt nghĩa tình ấy nữa...
*
*     *
 Đám tang qua đi. Những nghi lễ cuổi cùng đưa người thân về cõi vĩnh hằng rồi cũng đến hồi kết thúc.        
 Nửa năm sau. Cuộc sống vẫn trôi theo dòng chảy của nó. ở nơi xa, hai cậu em của ông Hà nay cũng đã trưởng thành, đạt được những danh vị kha khá, có quyền và có lợi. Đứa thì là phó giám đốc một đơn vị có oai quyền hét ra lửa. Đứa kia thì thành phó chủ tịch một tổ chức sau đại hội Hội đồng nhân dân mấy cấp. Có người dân thành phố tinh đời nhận xét: “Nó nhận anh em với sếp, biết chia miếng ăn, xẻ nỗi đau cùng sếp nên thăng quan tiến chức vù vù. Té ra sếp thì mất bố, còn chúng nó thì được thăng quan ”.             
 Cũng nửa năm sau đó ở làng Bùi. Cuộc sống của dân ở đây vẫn thế. Làng quê cứ êm ả trôi qua những trưa hè rỉ rả tiếng ve sau lũi tre xanh. Vẫn tiếng sáo diều ngân nga trong gió và những cánh cò chớp nắng bay ngang dòng sông. Đêm đêm dân làng Bùi hay tụ hội hóng gió mát dưới trăng thanh và bàn đủ mọi thứ chuyện. Trong những đêm gần đây, không hiểu vì sao người làng Bùi bỗng  nhiên eo xèo, rỉ tai nhau một câu chuyện rất lạ. Mấy cụ ông cụ bà cùng trang lứa với người mới khuất cứ ướm hỏi gần rồi lại hỏi xa cái chuyện hai thằng con về dự đám tang cụ Hào. Một cụ bà bật lên câu hỏi nghi ngờ:
 - Này, các cụ có để ý hai anh con trai hôm túc trực bên linh cữu cụ Hào không?
 - Tôi cũng ngờ ngợ, một cụ ông lên tiếng, nhìn kỹ thì không có nét gì giống anh Hà nhưng nó thắt khăn hai vòng lại chít gáy, dân mình bao đời nay cách chít khăn ấy chỉ giành cho con đẻ đội tang bố mà thôi, hay là...
 - Bậy nào, một cụ bà mắng át đi, cụ Hào đâu phải người đổ đốn như vậy. Đừng nghĩ thế mà vong bội hương hồn người đã khuất. Tôi biết cụ từ thời trẻ, mẫu mực và thuỷ chung lắm. Cụ bà mất khi còn trẻ thế nhưng cụ có đi lại với ai đâu.
 Cụ bà kia vẫn không chịu:
 -  Con chim khi sắp chết hay hót những điều ai oán, con người  khi sắp chết thường mới nói thật hết những bí mật trong đời riêng. Tôi ngờ rằng ông cụ dấm dúi tơ tít ở đâu kiếm được hai thằng con ấy vẫn ém kỹ từ lâu. Lúc biết chắc mình sắp qua đời mới cho gọi nó về chịu tang bố. Điều này thiên hạ đã có khối người.
 Một cụ ông tỏ ra am tường:
 - Lúc đóng quan tài tôi cũng thấy có giọt nước bên khoé mắt ông cụ. Không hiểu giọt nước mắt ấy ứa ra từ tâm linh chưa được siêu thoát của người đã mất hay từ những đứa con lạc loài khóc bố rơi vào...
 
  Địa chỉ liên lạc : Vũ Ngọc Cầm, Nhà A60-TT5, Khu Đô thị mới Văn Quán,  Quận Hà Đông, Hà Nội. Đt : 0913539992 – Nr : 04.22401071