Trang chủ » Truyện

MIỀN QUÊ THAO THIẾT

Trần Quang Vinh
Thứ năm ngày 8 tháng 10 năm 2009 12:49 PM
 Truyện ngắn 
 
         Làng tôi ở vùng ven biển đông bắc heo hút xa xăm. Tuổi thơ của tôi luôn bị ám ảnh  nỗi sợ hãi vu vơ về thân phận bé bỏng mong manh của kiếp người. Tôi còn nhớ, một đêm mùa thu trời se lạnh, mấy anh em đang ngủ say bỗng giật mình bừng tỉnh bởi tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng mõ… rền rĩ liên hồi. Mẹ hốt hoảng bảo có cướp, rồi bế em bé thúc cả nhà chạy ra bờ tre để xuống  chiếc xuồng gỗ nhỏ, dùng sào đẩy ra khu đồng chiêm trũng cách nhà vài trăm mét.  Nghe tiếng hú hét, tiếng chân người chạy thình thịch từ trong xóm vọng ra, chân tay tôi bủn rủn, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập, tè ra quần ướt sũng .
        Sáng hôm sau về nhà mới biết chẳng có giặc cướp nào cả. Chuyện khởi nguồn từ mấy người đi lưới cá đêm thần hồn nát thần tính hò nhau kêu cướp . Thế mà cả làng một phen hoảng loạn .
        Năm quân Pháp rút đi, một trận bão ghê gớm tàn phá quê hương . Nhà cửa đổ nát tan hoang. Cây cối ngả nghiêng bật gốc. Vòng đê ngăn nước mặn bị vỡ nhiều đoạn. Nước thủy triều dâng cao tràn vào làng mạc ruộng đồng, cuốn trôi hàng trăm mạng nguời cùng thóc lúa, trâu bò, gà lợn … dìm xuống biển sâu.      
        Sau trận bão lụt là những tháng mất mùa đói kém triền miên. Nhà tôi gần chục miệng ăn nên cha mẹ cùng mấy người anh lớn đều phải  đi làm thuê trên mạn ngược để lấy khoai sắn mang về ăn độn thay  cơm.  Ngày ấy có khoai sắn nhét đầy bụng đã là phúc lớn. Ví như bác Vệ cạnh nhà nổi tiếng hát hay, đàn nhị giỏi, nhưng lại chẳng biết xoay xở kiếm ăn trong những ngày thất bát, cả nhà phải uống nước cầm hơi. Hôm ở mạn ngược về mẹ tôi bảo, hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Rồi mẹ sai chị gái tôi mang sang cho rổ khoai luộc. Con gái  bác Vệ tên Sẻ, cỡ tuổi chị tôi, vừa nhìn thấy rổ khoai đã sấn sổ lao vào bốc nhai nhồm nhoàm. Đang lúc đói vàng mắt, bác Vệ cáu tiết lôi cô con gái ra góc sân, vốc nắm phân chó khô nhét vào miệng giận dữ bảo, mày là giống tham ăn tục uống, chẳng đáng làm người !... Nghe chị gái tôi kể, mẹ thở dài than, rõ khổ! Nhà ấy chỉ tài đàn hát, không kiếm nổi miếng ăn. Chả trách người đời  nói,  xướng  ca vô loài …
      Rồi đận đói kém cũng qua, làng xóm dần hồi tỉnh. Đêm trăng sáng, nhóm  nhi đồng trong xóm tụ tập trên khoảng sân rộng nhà địa chủ Thiệp mới bị tịch thu, đứng thành vòng tròn vỗ tay tập hát, … dân Liên Xô ca múa trên đồng hoa.   Ngay bên cạnh là đám thanh nữ say sưa nhảy múa, … từng đàn bươm bướm xinh, tung tăng bướm bay lượn…
       Bác Vệ ngồi trên chiếc chõng tre trước cửa nhà kéo nhị véo von, nhẩn nha mấy câu xẩm xoan. Nhà bác thành phần bần nông. Chưa phải cốt cán nhưng cũng được chia đồ đạc, trâu cày, cuộc sống đã no đủ nhàn nhã. Chị Sẻ lớn phổng phao thành cô thiếu nữ xinh xắn, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da trắng như trứng gà bóc, ngực vồng cao. Chị được giao phụ trách thiếu nhi, thường xuyên hội họp hát múa.
       Sau đợt sửa sai nhà tôi xuống thành phần trung nông, nhưng mấy anh em vẫn không ai dám bén mảng tới những nơi tụ tập vui chơi của thiếu nhi trong xóm. Có lần tôi dẫn em  mon men đến cổng nhà địa chủ Thiệp xem chị Sẻ cùng tốp thanh nữ đang múa hát. Vừa lúc ấy gã Ngạnh Chột con bà Thủ cầm bó đóm  soi ếch từ xóm Trại đi tới. Cậy thế thành phần cố nông cốt cán, Ngạnh Chột dứ dứ bó đóm đầy tàn than đỏ vào mặt tôi quát, thằng Cu Nhớn, Cu Bé con nhà  Lý Dự phản động rình nghe cán bộ họp phải không? Tao phải bắt chúng mày giao cho dân quân xử lý! …
        Bị tàn than nóng chọc vào mặt, tôi nổi khùng vung tay gạt mạnh bó đóm, chửi mẹ thằng Ngạnh Chột!
       Hỏng một mắt, lại nhỏ thó, nhưng Ngạnh Chot rất linh lợi giảo hoạt. Một tay gã véo chặt tai tôi, tay kia tóm gáy thằng Cu Bé gằn giọng bảo, phen này tao cho hai dứa mày đi tù mọt gông, con ạ!
      Nghe tiếng quát tháo ầm ĩ, mấy chị đang tập múa trong sân vội chạy ra. Thấy anh em tôi đang bị Ngạnh Chột dùng dây chuối trói lại, chị Sẻ sấn sổ xông vào cởi trói, miệng xa xả mắng, đừng có cậy to xác mà bắt nạt trẻ con! Có giỏi thì bắt gái này!
      Ngạnh Chột  rất mê chị Sẻ, nhưng chị tỏ vẻ kênh kiệu coi thường anh ta. Ở xóm Hồ Bắp Cày này Ngạnh Chột chẳng ngán ai, nhưng trước mặt chị  Sẻ gã lại nhũn nhặn, cười  nhăn nhở bảo, đùa… đùa chút thôi mà! Sẻ, Sẻ…thông… thông cảm … nhá!
      Sau đận ấy cha tôi sợ lắm, các buổi tối ông cấm cửa không cho mấy anh em ra khỏi nhà trong thời kỳ  đấu tố. Còn tôi coi chị Sẻ là ân nhân, vừa khâm phục vừa yêu quí chị.
       Nhà chị Sẻ cách nhà tôi một khoảnh vườn nhỏ trồng chuối hột với đủ loại rau quả tạp nham. Cuối khu vườn là mấy gian lều tuyềnh toàng gồm nhà xí, chuồng lợn, chuồng trâu, che chắn bằng những tấm phên tre cũ nát. Ở vùng quê, nhà xí không chỉ là nơi người ta giải toả những chất uế tạp của sự ăn uống mà còn là kho báu của nhà nông. Bên trong nhà xí chứa đủ các loại phân người, phân lợn, phân trâu bò trộn lẫn lá cây, tro bếp. Chỗ ngồi của người hành sự được kê bằng hai cây gỗ, dài  khoảng sải tay. Trên bức vách cạnh chỗ ngồi treo mấy miếng giẻ rách dùng để chùi … hôi thối đến nhức mũi. Thuở bé chẳng mấy khi tôi chịu ngồi trong nhà xí mà thường chọn khoảnh vườn gần nhà chị Sẻ để trút bầu tâm sự. Chiều hôm ấy tôi chui vào giữa khóm dong riềng, đỏ mặt tía tai gân cổ rặn. Do chứng táo bón bẩm sinh  nên phải ngồi hàng tiếng đồng hồ mỗi lần đại tiện. Vừa tống khứ được một cục tròn to như  trái ổi ra khỏi cơ thể, tôi sảng khoái nhìn lên cây khế ngọt dõi tìm những quả chín cây. Bỗng nghe tiếng người thì thào rồi tiếng cười rinh rích phía sau bụi chuối hột. Tôi dỏng tai lắng nghe.
      - Em, em… cho anh bú tí …! Rồi tiếng quần áo sột soạt. Tiếng người nữ rên hư hử lẫn trong tiếng thở hổn hển .
      Khẽ gạt cây dong riềng bên cạnh tôi ngoái nhìn về phía ấy. Hoá ra là anh Căn với chị Sẻ! Họ đứng ấp vào nhau dưới gốc cây bưởi già. Hình như anh  chị đang chơi trò bú ti (!). Người lớn thật lắm kiểu nghịch ngợm! Hết bú ti lại đến kiểu ngửi mồm nhau. Thoạt đầu chị Sẻ vùng vằng không chịu. Anh Căn bảo, trai gái phố vẫn  làm như thế, thích lắm! Rồi anh ép chặt chị Sẻ vào thân cây, hai tay bóp ti, miệng áp miệng chùn chụt. Chị Sẻ oằn người ôm ngang lưng anh Căn, rên hứ hứ …
       Sợ chị Sẻ bị đau, tôi vội kéo quần đứng bật dậy, la lớn :
       - Không được làm như thế! Chị Sẻ chết mất !
       Hai người vội buông nhau ra. Chị Sẻ lúng túng cài lại ngực áo. Anh Căn trợn mắt nhìn tôi bảo, thằng nhóc! Mày làm gì ở đó !
      Chị Sẻ giơ tay vẫy tôi lại gần. Rồi vuốt nhẹ vào má tôi nói với anh Căn:
- Nó là thằng Cu Nhớn, con chú Lý Dự. Có họ với nhà em đấy!
     Rồi chị mỉm cười  thân mật bảo, anh chị đùa vui thôi, em đừng kể với ai. Tôi chẳng hiểu gì cả, chỉ biết vâng dạ, tiu nghỉu đi về nhà.  Được một đoạn ngoái nhìn lại, thấy hai người vẫn ôm nhau dưới gốc cây. Tại sao chị Sẻ lại chơi với loại người như anh Căn nhỉ? Nghe nói anh là con trai bác Cai Thăng, nhà ở giữa xóm. Bố anh ngày trước đi lính sang Tây. Sau về đi thuyền, chết đuối ở cửa biển Đình Vũ. Mẹ anh lập điện thờ, ngày nào cũng ngồi đồng, mặc áo xanh đỏ vàng, nhảy múa, hát chầu văn. Anh Căn theo người chú lên thành phố cảng lam thợ từ khi còn nhỏ. Hiệp định đình chiến được ký kết, thnh phố cảng trở thnh khu vực quân Pháp tập kết ba trăm ngày. Sợ bị bắt đi Nam nên anh bỏ về quê. Anh Căn thường diện áo sơ mi  kẻ ca rô, quần ống bó, thắt lưng da nhỏ kéo trễ dưới rốn, đội mũ phớt lệch trông rất oách. Khi nói chuyện lời lẽ văn hoa lịch sự nên gái làng nhiều cô mê mệt. Còn  trai làng thì căm lắm, họ chửi thằng cao bồi, dân chèo me chèo sấu ở phố thị. Mấy chị sồn sồn tỏ vẻ dạn dĩ lớn tiếng rêu rao, đây có thừa bướm cũng để đó phơi khô, chứ tạng công tử bột ấy đừng hòng mà tí toáy nhá ( ! ).
     Mỗi lần chị gái tôi xin phép đi chơi, mẹ lại đe nẹt, cấm đàn đúm với con nhà Cai Thăng! Phưỡn bụng ra đấy, khác nào bôi gio trát trấu vào mặt cha mẹ! Mà đâu phải chỉ mẹ tôi, hầu như tất cả các bậc phụ huynh có con gái đến tuổi cập kê đều canh chừng anh Căn. Nếu bác Vệ biết  chị Sẻ để anh Căn làm như thế … chắc chắn sẽ cho một trận đòn nhừ tử.
       Chuyện người lớn thật khó hiểu. Nhưng tôi vẫn yêu quí chị Sẻ, nhanh chóng quên đi những điều phân vân về chị với anh Căn.
       Mấy ngày sau, lúc tôi đi học về đến chỗ lội giữa đồng Rá thì gặp chị Sẻ đang nhảy lên đành đạch. Một con đỉa trâu to như ngón tay cái bám vào bắp chân trắng nõn của chị. Là gái quê, nhưng hễ bị đỉa bám là chị khiếp đảm, la hét giãy giụa. Thấy tôi chị rối rít kêu, gỡ đỉa cứu chị với em ơi! Tôi cũng nhát đỉa nên phải tìm mẩu tre nhỏ để gạt, không dám dùng tay gỡ. Vừa gạt được đầu này, con đỉa lại bám bằng đầu kia, loay hoay mãi tôi vẫn không gỡ nổi.
       Đúng lúc ấy Ngạnh Chột từ dưới cánh đồng đi lên lớn tiếng quát, oắt con lui ra! Để đỉa đấy cho tao! Rồi gã ngồi thụp xuống mân mê bắp chân nõn nường của chị Sẻ ỡm ờ bảo, sợ đỉa sao không nhờ … cõng, đây chỉ mong được cõng đằng ấy suốt đời thôi! Chị Sẻ lừ mắt gắt, có gỡ đỉa cho người ta không thì bảo? Gã nhăn nhở cười, giơ tay vuốt vào đùi non của chị sau mới chịu kéo con đỉa ra, dứ dứ trước mặt khiến chị Sẻ co rúm người sợ hãi .
      Ngạnh Chột tỏ ra khoái chí, thong thả nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, vo tròn con đỉa lại, rồi vung tay ném mạnh xuống ruộng lúa, hãnh diện bảo, đây chẳng biết sợ là gì nhá! Đêm hôm nọ giời mưa, đây soi cá ở gò Mả, gặp ma biến thành người đàn bà thắt cổ treo lơ lửng trên cành si, lưỡi thè dài như chiếc đòn gánh. Đây thủng thẳng đi tới, giơ bó đuốc đốt chiếc lưỡi đỏ lòm của nó. Đằng ấy có tin không? Vừa chạm vào lửa, nó biến mất tăm. Không hiểu sao lúc soi đóm ở mấy thửa ruộng gần đấy, toàn thấy ếch là ếch! Cứ từng đôi nằm úp lưng nhau, con nào con nấy to như chiếc bát sành. Nhưng vừa cúi xuống định bắt thì lại biến thành đôi rắn cạp nong. Rắn đây cũng đếch sợ, cứ tóm cổ đút vào giỏ tuốt. Lúc trở về lại thấy một con chó trắng lẽo đẽo theo sau. Cáu tiết, chờ nó đến gần, tung chân đá cho một phát. Hóa ra chỉ là miếng giẻ rách. Gí bó đuốc vào đốt … bốc cháy đùng đùng. Từ lúc ấy không thấy nó quấy nhiễu trêu chọc gì nữa.
        Nghe lạnh cả sống lưng.
       Chị Sẻ nửa đùa nửa thật bảo, người như anh rắn rết ma quỉ đều phải sợ. Làm vợ anh tha hồ xơi món ếch (!) Dưng mà đêm nào cũng mò mẫm ngoài đồng thế thì chán chết …! Chị bật cười hơ hớ, rồi cầm tay tôi ra về. Được mấy bước chị quay lại bảo, này, có chớp bóng ở sân đình Cốc đấy, biết chưa? Tối nay phim Bạch Mao Nữ của Trung Quốc, còn tối mai phim  chiến đấu của Liên Xô. Anh có dám mua vé cho Sẻ xem phim không?    
      Ngạnh Chột ngẩn người  nhìn Chị Sẻ ú ớ hỏi, thật … thật … chứ ?
      Chị Sẻ cười ngặt nghẽo bảo, nhưng phải qua chỗ lội, sợ đỉa lắm.
      … Sẽ cõng … cõng Sẻ … thật mà! Gã hếch bên mắt còn lành lặn, háo hức săn đón.
      - Không được! Thầy u Sẻ biết thì chết! Rồi chị nhìn đoạn đường ngập nước cười cười bảo, chỗ lội này chừng hai chục bước. Hay là anh chịu khó  lấp đi, khỏe như anh việc này dễ ợt (!)…
      Ngạnh Chột vênh mặt bảo, lấp thì lấp, sợ đếch gì! Loáng cái là xong. Nhưng Sẻ nhớ không được đi xem với thằng cao bồi đấy! Chị  lại cười ngặt nghẽo kéo tay tôi bảo, về thôi em. Để xem tối nay còn phải lội nữa không!
      Lúc rẽ vào ngõ tôi dè dặt hỏi, chị  đi xem phim với anh Ngạnh Chột thật à? Chị dịu dàng bảo, đi chứ. Nhưng cả em cũng đi với chị đấy! Chị sẽ bắt phải mua vé cho em .
      Ăn cơm chiều xong, tôi  đến nhà chị Sẻ, rồi hai chị em cùng đi . Đoạn đường tới đình Cốc mọi ngày vắng vẻ, nhưng hôm ấy rộn rịp hẳn lên. Từng tốp năm bảy người, phần lớn là thanh niên nam nữ hoặc trung niên dẫn theo trẻ em, tay cầm sẵn bó đuốc chưa đốt vừa đi vừa bàn tán sôi nổi về những bộ phim của Liên Xô, Trung Quốc đã xem từ tháng trước.
      Anh Ngạnh Chột đứng chờ chị Sẻ ở đoạn giữa đồng Rá. Chỗ lội lúc này đã được đắp thành bờ đất rộng chừng hai gang tay, bên trên lát bằng những thân cây chuối còn nguyên tàu lá tươi. Chị Sẻ bảo cũng tàm tạm, nhưng vẫn khó đi. Anh Ngạnh Chột cầm tay chị Sẻ, còn chị thì cầm tay tôi, đi nghiêng theo hàng dọc qua bờ đất. Rồi chị Sẻ dắt tôi đi phía trước. Anh Ngạnh Chột bám sát sau lưng. Gần tới đình Cốc, người đông ngàn ngạt. Ở chỗ vào bãi chiếu phim người ta dùng những cây tre to dài chặn lại, chỉ để một lối đi nhỏ để soát vé. Phía trên treo một bóng điện tròn phát ra những tia sáng chói mắt.
        Từ chỗ soát vé vào bãi chiếu phim giữa sân đình khoảng vài trăm thước, ken đặc người, huyên náo xô bồ, chen vai thích cánh. Mấy đứa trẻ kêu oai oái, khóc thét  vì bị đạp phải chân.  Một phụ nữ đanh đá, chua ngoa to tiếng chửi, chém cha thằng mất dạy! Còn giở trò đểu … bà sẽ lấy lưỡi dao lam  cắt phéng, cho tiệt giống mèo mả gà đồng !
       Nóng bức kinh khủng. Tôi bám chặt ngang hông chị Sẻ nhích dần từng bước. Anh Ngạnh Chột xô đẩy phía trước mở đường. Khoảng nửa giờ sau  mới vào được sân bãi, đứng cách tấm phông vải trắng viền xanh đến mấy chục thước. Chị Sẻ bảo, toàn thấy gáy, xem  sao được! Ngạnh Chột vội đi lượm mấy cục đá đặt dưới chân cho chị Sẻ đứng. Chị  cười bảo nhường cho em, chị kiễng chân vẫn xem được. Ngạnh Chột tức giận càu nhàu, nó có phải là em trai Sẻ đâu mà lúc nào cũng nhường, nhường!
       Thời gian chờ đợi kéo dài. Thỉnh thoảng tôi lại ngồi thụp xuống nghỉ cho đỡ mỏi chân. Cuối cùng thì buổi chiếu phim mong chờ mỏi mắt cũng bắt đầu. Tiếng thuyết minh oang oang giới thiệu nội dung phim. Rồi đèn điện phụt tắt, tiếng máy chiếu hình chạy ro ro … Những âm thanh huyên náo trên sân bãi ngưng hẳn. Tất cả chăm chú nhìn lên màn ảnh. Hàng chữ Trung Quốc rối rắm hiện ra đồng thời với tiếng thuyết minh. Dù chưa hiểu mấy về nội dung phim, nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng kỳ lạ, vô cùng hấp dẫn. Bỗng chị Sẻ  chúi người về trước khiến tôi suýt ngã.
-Anh đừng có giở trò bậy bạ! Tôi không thích thế đâu !
     Nghe tiếng chị Sẻ gắt khẽ, tôi ngoái đầu nhìn. Ngạnh Chột đang gãi tai lúng túng, chẳng hiểu đã xảy ra chuyện gì … Trên màn ảnh xuất hiện cảnh Bạch Mao Nữ leo trèo vắt vẻo trên cành cây buông mái tóc dài trắng muốt hoang sơ giữa đại ngàn. Chung quanh nổi lên những tiếng xuýt xoa. Tiếng khóc thút thít thương Bạch Mao Nữ bị áp bức đọa đầy. Tiếng chửi tục tằn, đéo mẹ thằng địa chủ hung ác tàn bạo!… Quá căm thù tên địa chủ, một anh dân quân đứng xem phim cách chỗ tôi chừng chục bước vung tay hô lớn:
      - Đả đảo giai cấp bóc lột! Đả đảo bọn địa chủ chó chết! Rồi anh ta giơ khẩu súng trường  bắn vào tên địa chủ trên màn ảnh. Tiếng súng nổ bất ngờ vang lên nghe thật khủng khiếp. Sân bãi nhốn nháo, xô đẩy, kêu la, hò hét … Nhiều khán giả quá sợ  bỏ dở buổi chiếu phim ra về. Người thuyết minh nói oang oang trên loa, đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Đề nghị đồng bào bình tĩnh ngồi yên tại chỗ. Cảnh giác đề phòng bọn Việt gian phản động phá hoại!
       Chị Sẻ ôm chặt hai vai tôi nhắc khẽ, em nhớ bám sát chị, coi chừng bị lạc. Phải một lúc lâu sân bãi mới tạm thời ổn định. Buổi chiếu phim lại tiếp tục, nhưng sự háo hức ban đầu không còn nữa. Chị Sẻ uể oải ngáp dài bảo, mình về thôi! Xem phim này ghê cả người !
       Ngạnh Chột xuýt xoa, phim như thật! Hay tuyệt cú mèo! Phim Trung Quốc có khác. Mà sao Sẻ lại  không thích nhỉ? Nói vậy nhưng Ngạnh Chột vẫn phải chiều ý chị Sẻ dẫn hai chị em ra về. Đến cổng soát vé đã tháo khoán từ lâu, anh bảo dừng lại chờ, châm lửa thắp bó đóm bằng tre khô để soi đường. Nghạnh Chột cầm bó đóm đi ở phía trước, chậc lưỡi phàn nàn tiếc hai hào rưỡi tiền mua vé xem phim. Chị Sẻ cáu gắt toáng, từ rày đừng có hòng rủ được tôi đi xem! Ngạnh Chột hậm hực bảo, ai chả biết Sẻ chỉ thích đi với thằng cao bồi ! Nói cho mà biết nhá! Cái loại công tử phố thị như nó, chỉ được cái mẽ ngoài, chẳng đẹp tốt gì đâu ! Để rồi xem ! …
      Chiều hôm sau tôi sang chơi nhà chị Sẻ. Lúc ấy chị đang ngồi soi gương, thong thả chải tóc. Tôi mon men đến gần, sờ vào mái tóc dài gần chấm đất của chị hỏi, chị chuẩn bị đi xem phim chiến đấu của Liên Xô à? Chị quay lại vuốt má tôi cười bảo, phim chiến đấu sợ lắm, hôm nay chị trông nhà. Chần chừ một lúc chị nói nhỏ, em sang nhà anh Căn, gặp riêng anh ấy nói rằng, tối nay chị ở nhà một mình… Nhớ đừng để ai biết đấy !
      Nhà anh Căn nằm sâu trong ngõ nhỏ, cây cối rậm rạp xum xuê. Từ bên trong vẳng ra tiếng trống chầu quyện mùi khói nhang lảng vảng thật rùng rợn. Tôi không dám vào nhà mà dứng ở đầu ngõ cất tiếng gọi. Anh Căn từ trong nhà đi ra, tay cầm cần câu với chiếc lọ đựng mồi là mấy con giun đất. Tôi nhắc lại lời chị Sẻ dặn. Anh Căn đưa tôi chiếc cần câu cùng lọ đựng mồi nháy mắt bảo, cho nhóc đấy! Trời mát mẻ thế này, cá rất dễ cắn câu .
      Hoàng hôn xuống. Tiếng sáo diều vi vút rền rĩ  mông lung. Làn khói lam vật vờ âm thầm tan dần trên những mái nhà tranh lụp xụp. Ngồi trên đoạn cầu tre nhỏ ở bến nước trước nhà, tôi lặng lẽ thả câu. Bên kia sông là cánh đồng chạy dài tít tắp về phía con đê ngăn nước mặn, giống như dòng kẻ sẫm vạch ngang chân trời phía tây vàng rộm màu mỡ gà. Cha tôi bảo, vàng gió, đỏ mưa. Không chừng đêm sẽ có giông. Chốn đồng quê giông bão luôn đi kèm với những bất trắc rủi ro. Từng có  ngôi nhà bị vòi rồng lốc xoáy hất tung lên ngọn đa làng. Những con đò lật úp giữa dòng nước xiết. Còn có người bị sét đánh giữa đồng làng trong lúc đang mê mải theo nốt đường cày… Nghĩ đến những điều ấy tôi lại thấy rùng mình sợ hãi.
     Trời tối hẳn. Tiếng giun dế ỉ eo râm ran trên cánh đồng bên kia bến sông. Bỗng nghe tiếng  quát tháo ầm ĩ bên nhà chị Sẻ, tôi vội bỏ cần câu chạy lên khu vườn đứng nấp sau hàng dâm bụt nhìn sang. Trước mặt tôi hiện ra một cảnh tượng thật khủng khiếp. Dưới ánh đèn bão sáng rực, chị Sẻ cùng anh Căn đang bị trói ốp lưng nhau trong trạng thái trần chuồng không mảnh vải che thân. Cạnh đó là tốp dân quân súng ống đầy mình, cắm cúi ghi ghi, chép chép.  Lại có cả Ngạnh Chột (?)… Gã tỏ vẻ hả hê, nhâng nháo hoa chân múa tay chửi, … đéo mẹ thằng cao bồi Việt gian phản động! Bố mày là thành phần đi lính cho Tây, nhá! Mẹ mày là  thành phần đồng cốt mê tín dị đoan, nhá! Đẻ ra mày là thành phần hủ hóa, nhá !...
      Anh Căn quắc mắt nhìn Ngạnh Chột đầy vẻ căm uất. Chị Sẻ cong người rũ rượi khóc ròng. Mái tóc đen dài chảy xuống, vắt qua vòm ngực nõn nường, no tròn như hai trái bưởi cuối thu.
     Khi đã viết xong các giấy tờ biên bản, người ta bắt anh Căn, chị Sẻ điểm chỉ vào đó, rồi   bàn nhau dẫn giải về giam ở trụ sở thôn, sáng hôm sau sẽ đưa lên xã. Gã Ngạnh Chột xúi, đừng cho mặc quần áo! Cứ để vậy giữ nguyên tang chứng! Người dân quân đứng tuổi chần chừ một lúc rồi nói, đã có biên bản, cãi sao được. Thôi, đưa  quần áo cho bọn nó! Để cu cặc vú vê thỗn thện như thế, chướng lắm!
     Nước mắt tôi trào tuôn, thương chị Sẻ vô cùng. Chợt nhớ trụ sở thôn ở ngay nhà địa chủ Thiệp. Tôi phải đến ngay nơi ấy tìm cách cứu chị …
     Lúc tôi trèo qua tường vào sân nhà địa chủ Thiệp thì mấy người dân quân đã chốt cửa phòng giam  để đi xem phim. Nghe tiếng khóc nức nở ở căn nhà ngang, tôi vội mở chốt cửa khẽ khọt bước vào. Trong ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn dầu nhỏ đặt trên ghế đẩu cạnh góc nhà, tôi nhìn thấy anh Căn cùng chị Sẻ bị trói vào chân cột gỗ gần đó. Nhận ra tôi, chị Sẻ gọi, em ơi, cởi trói cho chị với!
     Tôi cặm cụi mở sợi dây thừng, mồ hôi toát đầm đìa. Lúc ấy tôi chẳng còn biết sợ là gì, vừa dùng tay, vừa dùng răng cố gỡ mối thừng… Cuối cùng cũng cởi được sợi dây trói chị Sẻ.
    - Em về nhà ngay! Nhớ đừng kể cho ai biết chuyên này.
    Chị Sẻ xua tay giục tôi về. Còn chị ở lại cởi trói cho anh Căn .
     Ngày hôm sau cả làng bàn tán xôn xao chuyện anh Căn, chị Sẻ hủ hóa, bị Ngạnh Chột theo dõi, đưa dân quân đến bắt quả tang trai trên, gái dưới. Người ta còn bình luận, Ngạnh Chột là tay bắt ếch có nghề. Đang lúc ốp nhau si mê như thế, dẫu ông thiên lôi vác tầm sét đến cũng chẳng coi là cái thá gì .
      Nhưng đôi trai gái đã trốn biệt tăm. Ngồi vá áo ở thềm cửa, mẹ tôi thở dài thườn thượt than rằng, khổ thân cái nhà bác Vệ, chường mặt cho thiên hạ cười chê… Đúng là bia để miệng, tiếng để đời! Con dại thì cái mang !
                                                          
                                               ***
   
      Những năm sau này, không ai biết tin tức gì về chị Sẻ với anh Căn. Cũng có lời đồn, họ đã ra khu mỏ làm công nhân . Chẳng rõ thực hư thế nào.
      Rồi tôi lớn lên, từ giã quê hương lên đường nhập ngũ. Tôi đã trở thành người lính, đã đi qua cuộc chiến tranh ác liệt. Ngày hòa bình chuyển ngành về làm việc ở cơ quan ở tỉnh. Một hôm tôi đang đi xe đạp trên đường phố bỗng  nghe tiếng gọi, cậu Quang! Cậu Quang đó phải không? Tôi sững sờ dừng xe.  Một thiếu phụ sang trọng chăm chăm nhìn tôi rồi reo lên, đúng là cậu Quang thật! Cậu không nhận ra chị ư ? Tôi nhìn chị ngờ ngợ, ấp úng, chị là…chị… chị Sẻ! Chị xúc động cầm tay tôi bảo, em vẫn còn nhớ chị à? Bây giờ chị tên Liên! Nhà ngay gần đây, em vào chơi nhé!
      Tôi theo chị rẽ vào đường phố nhỏ. Hóa ra nhà chị cách cơ quan tôi không xa. Qua câu chuyện chị kể, tôi được biết chồng chị là cán bộ miền Nam tập kết. Chị có hai con, một trai, một gái. Chỉ vào cô gái xinh đẹp trên tấm lịch màu treo trên tường chị bảo, đấy là cháu Nha Trang, con gái thứ hai của chị, làm ở nghành du lịch.
     Tôi ngước nhìn lên, trầm trồ khen, giống hệt chị hồi còn trẻ! Chị buồn rầu bảo, nhớ cha mẹ, nhớ quê hương lắm! Nhưng… từ ngày ấy, chị chưa về quê lần nào.
     Tôi hiểu nỗi niềm của chị. Định hỏi về anh Căn, sau  thấy không tiện nên lại thôi. Còn một chuyện nữa tôi đã không kể cho chị nghe. Chẳng là mấy ngày trước tôi đã gặp anh Nghạnh Chột ở phố huyện. Hôm ấy đi công tác, tôi rẽ vào ăn phở ở một cửa hàng mậu dịch. Gọi là phở nhưng chỉ lèo tèo vài miếng mỡ chài, từng bị gọi đùa là phở không người lái. Lúc ăn gần xong tôi nhìn thấy một người đàn ông chột mắt, gầy gò rách rưới, ngồi chờ vét thức ăn thừa. Trông ông ta quen quen… Ngẫm nghĩ một lúc tôi chợt nhận ra, người đàn ông ấy chính là Ngạnh Chột . Nhưng tại sao anh ta lại đến nông nỗi này nhỉ? Trước khi lên đường tôi đã gọi  nhà hàng mang  cho anh tô phở và cốc sữa nóng. Anh ta cúi xuống ăn lấy ăn để, chẳng cần biết người mua phở  là ai. Có thể anh mắc bệnh tâm thần (?) Tôi buột thở dài,  nhớ về miền quê lam lũ ngày xưa .
  VT -  2009
TQV