Trang chủ » Tản văn

THỬ BÀN VỀ CHUYỆN “CHẠY” CHỨC

Ái Văn
Thứ năm ngày 1 tháng 10 năm 2009 10:07 PM
 
         Đã từ lâu, dư luận và cả trong các phát biểu hay báo cáo của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đều nói đến chuyện “chạy” chức thế nhưng, chưa ai biết cái việc chạy chức ấy nó cụ thể như thế nào.
          May quá, vietnam online vừa có bài: “Hải Phòng: Một thành uỷ viên tố việc “chạy” chức”.  vậy, từ bài viết này, tôi cùng bạn đọc thử bàn về việc này xem sao.
Ai “chạy” chức?
          Tuy ông Phạm Văn Huấn không nói ra nhưng chúng ta đều biết, muốn được bầu vào chức chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng sắp tới phải là những người có chức cận kề với nó tức là chức phó chủ tịch, sau đó mới là các chức trưởng các ban ngành. Trưởng các ban ngành thì hiếm lắm. Vậy nhiều phần ông này đang là một trong mấy ông đang giữ chức phó chủ tịch thành phố.
          Liệu ông phó chủ tịch TP Hải Phòng này, hay dù ông nào khác, trước đây có “chạy” chức mà ông đang giữ hay không? Trước nữa thì sao?
Người hám chức không chịu tự “chạy”, sợ lộ, lại đi “nhờ” ông Nguyễn Văn Bình chạy hộ, thực chất họ là “cánh hẩu” với nhau. Ông Bình không chỉ là giám đốc công ty cổ phần thép Việt Tiệp, mà còn là đại biểu Quốc hội của HP. Vậy có bao nhiêu vị đại biểu đương ngồi ghế đã và đang làm cái việc như ông Bình đã làm?
          Hải Phòng có mấy ông phó chủ tịch đấy, mấy ông chạy chức, mấy ông không? Cả nước sáu mươi tư tỉnh thành tương đương, có bao nhiêu ông bà phó chủ tịch tỉnh, trong số đó có bao nhiêu ông bà chạy chức?
          Xưa nay ta cứ nói đến việc chạy chức, giờ mới lộ ra một trường hợp cụ thể, vậy đã là một phong ttrào, một cuộc thi chạy chức thì từ các cấp xã phường thôn xóm, đến huyện, tỉnh, trung ương rồi các ngành nghề... ở đâu mà chẳng có chuyện chạy chức. Cả nước ta, tính đến thời điểm này, có bao nhiêu ông bà đang ung dung yên vị trên chiếc ghế chạy chức của mình?
          Tất cả họ đều là quan chức và người nào cũng muốn lên chức cao hơn.
Tiền ở đâu để “chạy” chức?
          Ông Phạm Văn Huấn cho biết, ông Nguyễn Văn Bình, giám đốc công ty cổ phần thép Việt Tiệp HPS cất công đến tận cơ quan ông đưa chiếc phong bì có số tiền 20 triệu VNĐ và yêu cầu ông bỏ phiếu cho vị quan chức cao cấp của thành phố Hải Phòng để ồng này được làm chủ tịch UBND TP trong khóa tới. Như vậy, để “mua” một lá phiếu của ông Huấn, vị “khát” chức chủ tịch thành phố này đã phải chi ra một số tiền mà so với các vị “đày tớ của nhân dân” thì không lớn, thậm chí chỉ là con muỗi, nhưng so với người nghèo thì nó là quá to. Một ngôi nhà tình nghĩa cho những người mẹ Việt Nam anh hùng, có từ một đến dăm sáu đứa con đã bỏ mình cho Tổ quốc cũng chỉ được các tổ chức xã hội giúp đỡ từ dăm đến mươi mười năm triệu là cùng. Vậy muốn được chức chủ tịch TP, ông quan chức này phải mua bao nhiêu phiếu như thế ? Cộng lại số tiền sẽ là bao nhiêu?
          Ở các nước văn minh, người ta đàng hoàng, công khai tranh cử để được chức. Nếu phải chi tiền thì cũng là tiền túi, hoặc là tiền của đảng phái người ta bỏ ra. Ông quan cao cấp ở HP lại chui lủi “mua” chức, dĩ nhiên, chắc chắn không phải bằng tiền túi của ông rồi. Lương thực tế của ông cứ gọi là dăm bẩy triệu, làm sao có thể ngồi trên cái ghế ấy bằng cách mua mỗi lá phiếu những 20 triệu?
          Vậy đấy là tiền ở đâu? Ta chỉ có thể phỏng đoán, hoặc là ông Nguyễn Văn Bình, do “cánh hẩu” với vị muốn “chạy” chức này mà “bấu véo” vào công quỹ của công ty cổ phần thép lấy 20 triệu giúp bạn, hy vọng bạn lên chức sẽ được hưởng lợi về tiền bạc hoặc chức quyền. Đã có bao nhiêu nhà máy, xí nghiẹp, HTX... ở Hải PHòng đã chi hàng chục triệu như thế này để ông quan nọ được lên chức. Được lên chức chủ tịch thành phố rồi, sẽ có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo cấp dưới, bao nhiêu cán bộ các ban ngành kéo theo được lên lương, lên chức do ông chủ tịch thành phố trả ơn?
          Hải Phòng thế, các tỉnh khác thì sao? Với một bộ máy công quyền có những quan chức như thế, đất nước sẽ đi đến đâu?
Chạy “chức? để làn gì?
          Như trên ta đã tính, để được ngồi vào chiếc ghế chủ tịch UBND thành phố HP, cái ông hám chức kia phải bỏ ra một số tiền khổng lồ mới có. Ông ta cũng như những vị đã, đang và sắp mua chức đều đã tính kỹ cả rồi. Thực tế cũng đã chứng minh, có chức thì có quyền. Có quyền thì có tiền. Số tiền thu được phần lớn là do những việc làm bất chính mà ra. Trong một nhiệm kỳ bốn năm năm, chắc chắn có lãi bội mới dám chi ra như thế. Vả lại, đã có quyền, có tiền thì có bè phái, vây cánh. Đó sẽ là tuyến phòng thủ vững chắc nhất nếu có sa cơ lỡ vận. Chẳng thế mà như vụ án ông Huỳnh Ngọc Sỹ đấy, tội nọ thì được kết án sang tội kia. Cùng dính líu đến vụ này, phía Nhật họ kết án và cho tù kẻ nói đã đưa hối lộ cho ông Sỹ 800 000đô, còn tòa án ta kết tôi ông này cho thê nhà trái phép cùng số tiền 50 triệu. Lại còn bao nhiêu là thư , đơn của các ban ngành gửi đến xin giảm nhẹ cho ông. Ở nước ta, hầu như ở chức vụ nào, từ thấp đến cao, từ ngành này đến ngành khác đều có thể vơ vét của dân làm lợi cho riêng mình được, vậy làm gì cái ghế quyền lực lại chẳng có sức hấp dẫn, thu hút lòng tham của con người đến thế? Tiền bạc và quyền lực, hai thứ ấy thúc đẩy nhau, bổ xung cho nhau, tạo ra một vòng xoáy kinh người hút tuột tất cả những ai tham lam vào cái vòng xoáy khủng khiếp bất tận của nó. Nó hủy hoại mọi giá trị văn hóa, đạo đức, kinh tế, xã hội.
           Nếu không sớm chống lại nó, một ngày kia, khi mở mắt ra, bạn sẽ thấy, đất nước, con người ta chỉ còn là con số không tròn vành vạnh!

  Ái Văn