Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“Người tình” Trịnh Công Sơn

Nhà thơ Ngô Minh
Thứ hai ngày 1 tháng 1 năm 1900 12:00 AM

TP - NGƯỜI TÌNH của Trịnh Công Sơn là ai? Có địa chỉ không ? Làm sao Trịnh có được hàng trăm nhạc phẩm tuyệt vời về tình yêu như thế ? Đó là câu hỏi của bạn, của tôi, mỗi khi nghĩ về Trịnh...
 
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các ca sĩ nổi tiếng

1. Bảy năm Trịnh Công Sơn rời xa “cõi tạm”, âm nhạc của anh vẫn vang lên ở mọi ngõ ngách đời sống người Việt. Và có lẽ nhạc Trịnh sẽ sống mãi trong tâm thức Việt.

Trong hơn 600 ca khúc Trịnh Công Sơn gửi lại dâng đời, đa phần là tình ca. Từ ca khúc Ướt mi, Diễm xưa cho đến hàng trăm bản tình ca sau này, Trịnh Công Sơn đã  trở thành nhạc sĩ viết tình ca dâng tặng cho nhiều thế hệ người Việt.

Có thể nói Trịnh Công sơn là người tình của cuộc đời, của con người, của thiên nhiên muôn thuở: Mùa đông cho em nỗi buồn/ Chiều em ra đứng hát kinh đầu sông / Tàn đông con nước kéo lên / Chút tình mới chớm đã viên thành... (Đóa hoa vô thường); hay Chiều nay còn mưa sao em không lại/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau / Bước chân em xin về mau  (Diễm xưa)...

Vậy NGƯỜI TÌNH của Trịnh Công Sơn là ai? Có địa chỉ không ? Làm sao Trịnh có được hàng trăm nhạc phẩm tuyệt vời về tình yêu như thế ? Đó là câu hỏi của bạn, của tôi, mỗi khi nghĩ về Trịnh…

Tôi là người sinh sau, gặp anh Sơn khi Huế giải phóng và cùng ở trong Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên những năm 1976 - 1979. Gần gũi mấy năm, tôi không nghe anh kể chuyện nhiều về những mối tình của mình.

Phong thanh bạn bè kể rằng anh Sơn đã một lần “cưới vợ” đầu những năm 60 của thế kỷ trước. “Người tình” Trịnh Công Sơn khi đó là một người đẹp nổi tiếng ở Sài Gòn có tên là Th.

Hoàng Phủ Ngọc Tường kể: Cô ấy là một người Hoa. Đám cưới sang trọng. Sau đám cưới, phòng “tân hôn” của cô dâu chú rể vẫn ở khách sạn. Bạn bè cũng nghỉ ở đó mai mới về. Đêm, mọi người cứ tưởng Trịnh sẽ có một đêm “động phòng” hạnh phúc, nhưng trong khuya bỗng Trịnh Công Sơn chạy sang xin nằm ngủ với bạn…

Không hiểu thông tin ấy chính xác tới mức nào. Những lần gặp anh tôi không dám hỏi. Theo nhà văn Bửu Ý, người bạn rất thân của Trịnh, chính xác thì Trịnh Công Sơn đã hai lần tính chuyện “cưới vợ”. Cả hai lần đều sau 1975.

Lần thứ nhất là năm 1983, Trịnh Công Sơn chuẩn bị cưới người phụ nữ có tên là C.N.N sống ở Paris, Pháp. Từ Sài Gòn, Trịnh đã gửi thư cho Bửu Ý ngày 30/7/1983  rằng  “Moi sẽ làm đám cưới trong tháng tới. Cố gắng vào thì vui hơn”, nhưng dự định cưới vợ lần ấy của Trịnh đã không thành.  

Năm 1990, Trịnh Công Sơn lại tổ chức  cưới vợ , người phụ nữ này là V.A, lễ cưới đã chuẩn bị xong, cô dâu đã may áo cưới, nhưng đến phút cuối không hiểu tại sao anh lại khước từ hạnh phúc. Ngoài những “người đẹp” C.N.N, V.A, có một cô gái Nhật Bản tên là Michiko yêu Trịnh tha thiết, và Trịnh cũng yêu.

Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường trong cuốn bút ký “Trịnh Công Sơn - Cây đàn lia của Hoàng tử bé” (NXB Trẻ 2005) thì Nhiều thiếu nữ, “fan” của nhạc Trịnh Công Sơn vẫn lui tới với anh hằng ngày, tìm thấy ở anh một tình bạn vong niên thật dễ thông cảm, vừa là một người tình lãng du của mọi lứa tuổi.

Nhiểu bạn gái, trong đó có những người tình cũ của anh, đã trở về thăm anh như thăm lại nỗi cô đơn bẩm sinh khi người ta còn trẻ”. Trong đó có cô gái Nhật Bản Yosshii Michiko, người đã quyết định bỏ ra ba năm học tiếng Việt để nói chuyện được với Trịnh và hiểu được ca từ Trịnh Công Sơn. Và làm luận văn cao học về nhạc nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

Trịnh cũng có những năm tháng yêu một ca sĩ Hà Nội và đã viết những bài hát riêng cho ca sĩ này thể hiện. Trịnh Công Sơn thổ lộ: “Phải cảm ơn H.N vì nàng đã làm cho mình không chỉ tồn tại như một kẻ nhắc vở đến từ quá khứ”.

Nhưng tất cả cuộc tình đều không đi đến kết quả. Nên kết cục Trịnh Công Sơn đã đi vào cõi vĩnh hằng một mình như khi mẹ sinh ra! Nên, trong tình yêu Trịnh mãi mãi vẫn là chàng lãng tử cô độc “Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”…  

2. Đó là những “vị hôn thê chưa cưới”. Còn “người tình” tâm tưởng góp phần làm nên sức lắng đọng bền bỉ của  âm nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ không ai biết hết được ngoài anh ra.

Những năm 1962 - 1964, để tránh đi quân dịch, Trịnh Công Sơn rời Huế thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn, và học trong hai năm. Ở thành phố biển xinh đẹp này, Trịnh đã sáng tác một loạt bản tình ca nổi tiếng như “Biển nhớ”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Nắng thủy tinh”, “Chiều một mình qua phố”, “Dã tràng ca”, “Cát bụi”…, gây kinh ngạc và sự thán phục cho công chúng.

Nhưng không biết “người đẹp” nào đã gieo mầm cho những hứng khởi âm nhạc vô giá này? Chưa tài liệu nào nói tới chuyện này, nhưng tôi tin rằng chắc phải có, vì chuyện “giai nhân gọi tài tử” là chuyện thường tình xưa nay.

Nhưng nếu tính “người tình” tâm hồn của Trịnh Công Sơn phải kể đến Bích Diễm, Khánh Ly. Sau ca khúc “Ướt mi”, đầu thập niên 60 ở Huế, Trịnh Công Sơn đã rung động theo hình ảnh một thiếu nữ mảnh mai, con của một vị giáo sư dạy Pháp văn: Ngô Vũ Bích Diễm.

Hình ảnh này sẽ vương lại mãi trong trái tim ông như một vết thương  thành vết sẹo giữa cuộc đời. Nghe người Huế đồn nhau rằng Diễm xinh đẹp, đài các lắm. Nàng theo bạn bè học sinh “xuống đường” bị cảnh sát bắt giam. Ca khúc nổi tiếng “Diễm xưa” ra đời, một ca khúc đánh dấu đặc biệt trong đời của Trịnh và tồn tại lâu bền.

Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sầu 

 (Diễm xưa)

Diễm xưa đã trở thành một hình dung từ chỉ cái đẹp nhạc Trịnh mà không biết bao nhiêu thương nhân Việt đã lấy để đặt tên cho quán của mình. Hỏi về chuyện Diễm xưa, Trịnh Công Sơn trả lời rằng: “Ngày xưa dường như cả thế hệ tôi là vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, một ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui”.

Trong ca khúc Diễm xưa có đoạn ca từ bất tử: Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động / Làm sao em biết bia đá không đau / Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng / Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Ấy là triết lý cuộc đời, triết lý Thiền mà Trịnh Công Sơn đã phát hiện ra  từ khi còn rất trẻ.

Nhưng phải nói rằng với Trịnh Công Sơn, Khánh Ly mới là Người Tình muôn đời. Dường như toàn bộ tình ca Trịnh là viết riêng dành cho giọng hát Khánh Ly. Nói theo cách của Hoàng Phủ Ngọc Tường  thì “với Sơn, Khánh Ly luôn luôn là giọng hát Người Tình”.

Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn được bổ lên dạy học ở  Bảo Lộc. Và Trịnh đã gặp Khánh Ly với cái tên Lệ Mai ở  phòng trà Tulipe Rouge, Đà Lạt. Thế là “nên duyên”.

Nhạc Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ triết học hiện sinh và tư tưởng Phật học, nhưng lại chọn riêng một  NGƯỜI TÌNH để gửi – đó là Khánh Ly. Trịnh nghe Khánh Ly hát, nhận ra ngay giọng hát của cô ca sĩ này phù hợp với những bản nhạc tâm thức của mình.

Trịnh Công Sơn kể: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly.

Khánh Ly kể lại giai đoạn cơ cực nhưng đầy hạnh phúc ấy: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào, phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết tới ai cả, mà chỉ cảm thấy mình thực là hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi mình được hát những tình khúc của Trịnh…”.

Những ngày tháng cuối năm 1965 đó, bằng cây đàn guitar thùng đơn giản, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đã làm say đắm hàng ngàn khán giả mỗi đêm diễn. Hình như họ sinh ra để có nhau, vì nhau, vì những bản tình ca.

Tác giả Ban Mai trong bài “Trịnh Công Sơn - Tiếng hát con dã tràng” viết: “Trịnh Công Sơn, với dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng trí thức, giọng Huế nhỏ nhẹ, với cuộc sống bất định. Đêm đi hát, khuya về kê ghế bố ngủ với bạn bè ở Quán Văn hay Hội Họa sĩ Trẻ. Bên cạnh đó hình ảnh Khánh Ly, khi hát đi chân đất – nữ hoàng chân đất của một thời – giọng hát da diết diễn tả nỗi trầm thống vô vọng: “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Hai người đi với nhau tạo nên hình ảnh “đôi lứa”, một đôi trai-gái trong tình bạn hồn nhiên, trong sáng. Tạo thành một đôi bạn trẻ, một couple ở đây rất mới, đáp lại ước mơ hiện đại của một thế hệ thanh niên muốn phá vỡ quan niệm nam nữ thụ thụ bất thân còn đè nặng lên xã hội Việt Nam.

Trong dư luận, họ cũng không bị nghi ngờ hay tai tiếng, dù người đời có kẻ thắc mắc, tò mò... Những tâm hồn phóng khoáng và “hiện đại” thì gạt phăng đi loại “tò mò bệnh hoạn ấy”. “Và đặc biệt, Trịnh Công Sơn là người tăm tiếng mà không tai tiếng.

Sơn nói: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn” . Khánh Ly viết: “Một mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”; hay:” Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi”…

Tình cảm, tình yêu thánh thiện của Trịnh Công Sơn - Khánh Ly thời đó như là một biểu tượng  phá vỡ lề thói Nho giáo trói buộc tình cảm nam nữ. Đó chính là Bá Nha-Tử Kỳ thời hiện đại!

Năm 1975, Khánh Ly rời Việt Nam sang định cư ở Mỹ, còn Trịnh thì cương quyết ở lại Việt Nam, vì “Việt Nam là nơi duy nhất tôi có thể sống và sáng tác. Ở nước ngoài, tôi không nghe ra tiếng nhạc trong đầu mình, tôi không nghe được câu thơ tôi viết ra. Tôi thích đi nước ngoài, nhưng nếu ở lâu, tôi sẽ khô cạn và chết mất.

Hơi ấm của dân tộc Việt Nam giống như nước cần thiết cho hoa vậy”. Đau nỗi đau chia ly, Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc:” Em còn nhớ hay em đã quên”, mà ai nghe hát cũng nghĩ là viết tặng Khánh Ly:

Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
Sáng cho em vòm lá me xanh

Trong  hồi ức về Trịnh Công Sơn “Những kỷ niệm còn mãi  trong tôi”, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ kể rằng, trong căn nhà ở  Khu chung cư Nguyễn Trường Tộ, Huế, anh Sơn ngồi, tay cầm cây bút xạ, mũi viết vẫn còn hướng xuống mặt bàn, khuôn mặt anh thảng thốt. Anh viết hai chữ Khánh Ly đầy cả một tấm giấy gần kín mặt bàn. Có lẽ anh Sơn viết rất lâu nên nó mới nhiều đến thế…

Thấy Mỹ Dạ đến anh Sơn cho Dạ xem  tập ảnh chụp Trịnh Công Sơn chụp chung với Khánh Ly. Trong đó có bức Khánh Ly ngồi trong lòng Trịnh Công Sơn, trên hai bắp đùi. Rồi anh Sơn  hỏi: “Dạ có biết ai chụp hình cho tụi mình không? Dạ lắc đầu. Anh Sơn bảo: “Chồng của Khánh Ly đấy”. Đúng là NGƯỜI TÌNH muôn đời của Trịnh Công Sơn.

3. Nhưng đó là những người tình cụ thể, dù rất đẹp vẫn là cái hiện hữu. NGƯỜI TÌNH của Trịnh Công Sơn biểu hiện qua toàn bộ tình ca của anh  ảo diệu hơn nhiều, ám ảnh hơn nhiều.

Trịnh Công Sơn nói: “Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên. Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc”. Anh lại nói: “Tình yêu cứu vãn hư không”.

Tác giả Ban Mai bảo rằng: “Trịnh Công Sơn là người tình của cuộc sống”. Ngược lại Cuộc Sống chính là người tình lớn nhất của Trịnh Công Sơn. Anh Sơn nói: “Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho tới sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết… Có lẽ do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó… Vì thế trong thế giới ca từ Trịnh Công Sơn có rất nhiều chữ phai, tàn phai, chết, lá rụng, như vôi, nhỡ .v.v. ”.

Bao nhiêu năm làm kiếp con người/Để một chiều tóc trắng như vôi…(Cát bụi); Nhỡ mai trong cơn đau vùi/Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau; ôi cát bụi phận này/vết mực nào xoá bỏ không hay (Cát bụi); yêu trăm năm và chết một ngày.v.v.

Và NGƯỜI TÌNH CUỘC SỐNG ấy hiện ra trong  âm nhạc Trịnh bao giờ cũng là những cô gái gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi; Tìm em tôi tìm/mình hạc xương mai/Nụ cười mong manh/Một hồn yếu đuối;  Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay/Cho tay em dài gầy thêm nắng mai.v.v.… Nghĩa là mong manh lắm, dễ vỡ lắm.

Phải thương yêu hết lòng, cưu mang hết lòng mới cứu vớt được. Đó chính là thân phận mong manh, ngắn ngủi của kiếp người cần được cứu rỗi. Đồng thời tình yêu của kiếp người bao giờ cũng là tình phôi pha, tình sầu, tình phụ, tình buồn, tình trôi, tình hư vô…

Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô (Rừng xưa đã khép)

Tuổi buồn em mang đi trong hư vô, ngày qua hững hờ (Tuổi đá buồn)

Dáng em trôi dài, trôi mãi, trôi trên ngàn năm (Ru em từng ngón xuân nồng)

Chết thật tình cờ, chết không hẹn hò, nằm chết như mơ (Tình ca của người mất trí)

Đó là Phúc âm buồn của cõi người luôn mong được sẻ chia, đồng cảm !Trịnh Công Sơn  cho rằng: “Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời”.

Trịnh Công Sơn từng nói: “Âm nhạc như thể là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Và Trịnh đi tìm NGƯỜI TÌNH của mình trong đó. Và chàng đã gặp.

Từ nay tôi đã có người/Có em đi đứng bên đời líu lo/Từ nay tôi đã có tình/Có em yêu dấu lẫy lừng nói thưa/Từ em tôi đã đắp bồi/Có tôi trong dáng em người trước sân… (Đóa hoa vô thường).