Trang chủ » Truyện

CỬA HÀNG CHIM CẢNH

Hoàng Dzự
Thứ bẩy ngày 13 tháng 6 năm 2009 5:03 PM
 
1. Người ta thường gọi chỗ quán xá của nhà lão Nại là cửa hàng chim cảnh bởi trên cành bàng trước nhà lão có treo hơn chục chiếc lồng chim. Lão Nại nuôi chim nhằm để giải khuây còn thu nhập chính và thường xuyên là từ nghề sửa chữa xe đạp và dịch vụ trà, thuốc, quà bánh cho khách bình dân.
Đám chim cảnh tạp nham có năm bảy giống như iểng, sáo, chào mào, vẹt xanh, gù bông…Bọn chúng tuy không nổi trội dáng vẻ, sắc màu nhưng bù lại đều nói được tiếng người.
Lão Nại không còn nhớ được những chuyến lùng sục tìm mua những con chim cảnh cũng như cách thức công phu rèn luyện chúng, tuy nhiên lão vẫn nhớ con chim đầu tiên là con sáo của lão Hùng, một chiến hữu còn xót lại với lão trong đơn vị đã bị bom Mỹ xoá sổ, mang tới cho con trai lão. Chính nhờ con sáo này mà thằng bé thoát được tình trạng trầm cảm đã phát sinh khi mẹ nó qua đời.
Cũng từ lâu rồi, lão Nại và các con đã gọi tên các con chim theo các câu nói, câu hát mà con chim đó thường hót bằng tiếng người; thay vì gọi bằng con iểng, con sáo, con chào mào…Bố con lão Nại gọi chúng là con “Kính chào quý khách” (hoặc là con “Bẻn mép”), con “Quê hương”, con “Hành quân xa”, con “Hát bên trời tự do”, con “Người ơi, người ở đừng về”…
Lão Nại vào chiến trường miền Nam hơn bảy năm, qua hơn ba mươi trận đánh trên đất Tây Nguyên và dải đất ven biển miền Trung, tiểu đoàn của lão đã mất đi hơn hai phần ba quân số; riêng đại đội chủ công của lão chỉ còn xót lại hai người.
Trở về đời thường ở đất thủ đô, bạn lão là ông Hùng bị vợ bỏ vì thương tật của ông không còn có khả năng cho bà vợ có con.
May mắn hơn bạn, lão Nại được vợ sinh cho hai con, một trai, một gái. Tuy nhiên phúc trời ban cho gia đình lão chẳng trọn vẹn; vợ lão Nại đã ốm chết đột ngột khi đứa con gái mới chớm bảy tuổi, và đau khổ hơn nữa là cả hai con của lão đều phải chịu di chứng của chất độc màu da cam.
Những khi lén nhìn đứa con trai đầu to, lưng gù, rũ rượi trong những cơn thở gấp hoặc ngắm đứa con gái mặt đẹp như thiên thần nhưng đôi chân mềm nhũn tựa dọc mùng qua lửa, lão Nại lại nghiến răng, bụm miệng khóc:
- Ông trời sao lại ác độc thế! Các con tôi có tội gì mà phải chịu kiếp đoạ đầy như vậy! Sau này tôi có chết đi thì có ai nuôi dưỡng chúng!
Những khi có mặt lúc đó, lão Hùng ôm chặt lấy bạn rồi thủ thỉ:
- Đừng khóc nữa! Dù sao đi nữa thì chúng ta vẫn may mắn được trở về, hai đứa con mày vẫn có hiểu biết, vẫn có thể sống được…Hãy nghĩ mà xem, hàng triệu người đã chết, hàng nghìn gia đình sinh con nửa người, nửa ngợm. Riêng tao đây này, có còn gì nữa đâu, sống mà như thể đã chết rồi!
Quả thật, con người đau khổ chỉ có thể khuây khoả, chỉ có thể cắn răng chịu đựng tiếp tục sống khi nghĩ tới những người bất hạnh hơn mình, vẫn phải mơ tưởng và tin rằng sẽ có một ngày xuất hiện phép lạ, giải thoát được nỗi khổ đau cho gia đình mình.
2. Cây bàng trước nhà lão Nại như chiếc ô xanh khổng lồ trùm bóng mát cho cả một đoạn phố. Cũng ở khoảng hè này có bến đỗ của mấy tuyến xe buýt, bởi vậy quán hàng của gia đình lão cũng được đông khách. Tuy bến xe luôn nhộn nhạo, đầy người lên xuống, đi lại nhưng ở đây rất ít khi xảy ra chuyện trộm cướp, đánh chửi nhau. Sự yên bình này cũng là nhờ sự hiện diện của lão Nại. Với hình tướng vạm vỡ, dữ tợn, lại được nhấn đậm mạnh mẽ bởi một chiếc chân gỗ cùng với những vết sẹo nham nhở ngoằn nghèo trên mặt, trên ngực, trên đôi cánh tay… đã buộc mọi người phải đối diện với quá khứ chiến tranh tàn khốc cũng như phải đứng trước một thứ ánh sáng thần thánh soi rọi, khiến con người trở lên trong veo như thuỷ tinh, không còn dám có những ý nghĩ và hành vi xấu xa, độc ác.
Ông tổ trưởng dân phố có thân hình nhỏ thó và một bên mắt bị lé, là người sớm phát hiện và khai thác uy thế “ Lý Ông Trọng” ở khu phố mình. Ông đã hào phóng phong cho ông Nại hàm đại tá dù thừa biết, lão chiến binh này khi ra quân chỉ là thượng sỹ. Hầu như cứ mỗi tối thứ năm và chủ nhật, ông tổ trưởng lại tìm cách mời “đại tá” Nại đi loanh quanh mấy đoạn phố vắng vẻ, có nhiều bóng tối đáng ngờ. Trong những cuộc dạo chơi này, lão Nại như gặp được tri kỷ, như sống lại một thời hào hùng. Được như vậy là bởi ông tổ trưởng dân phố rất trân trọng truyền thống đánh giặc cứu nước của dân tộc, ông tỏ ra rất khâm phục, ngưỡng mộ về sự dũng cảm và tài trí trong những trận đánh ác liệt cũng như trong việc khắc phục vượt qua những gian nan trong cuộc sống ở chiến trường của lão Nại. Cũng bởi thế, không ít câu chuyện của lão cựu chiến binh trong những lần kể sau đã có thêm nhiều phần lung linh, hoành tráng hơn, và không phải là không có những lúc lão Nại nghĩ chắc rằng, mình đã từng là một đại tá chỉ huy cả một sư đoàn.
Một buổi chạng vạng ở cuối ngõ lớn có hai nhóm đầu trọc măt rô, chạm trổ đầy mình đang hung hăng dàn trận quyết sống mãi. Được tin, ông tổ trưởng dân phố xám mặt, ông nhấc vội điện thoại định gọi 113 nhưng rồi lại nhẹ nhàng đặt phôn xuống. Ông tổ trưởng dân phố tìm tới người phụ trách an ninh khu vực nhưng ông hoàn toàn thất  vọng vì người này đã không thể thắng được cơn say rượu, bia trong cuộc liên hoan trước đó. Ông tổ trưởng vội lao đến cửa hàng chim cảnh để gặp lão Nại.
- Thưa lão đại tá ! Tôi vừa mới phát hiện một tổ cò rất lớn ở chạc ba cây sao  đầu ngõ mười ba, xin cụ tới xem, biết đâu có thể đưa bọn cò đó bổ sung cho bộ sưu tập chim cảnh của nhà ta!
Lão Nại vận vội chiếc áo sỹ quan bốn túi (đã mua vài năm trước đó ở cửa hàng” Si đa”)  rồi cầm theo cây sào câu liêm phòng chữa cháy, hăm hở đi theo ông tổ trưởng dân phố. Tới đấu ngõ, lão Nại ngạc nhiên thấy ông tổ trưởng bỗng nhiên nâng giọng nói rõ to với mình:
- Thưa đaị tá! Cụ hãy nhìn lên ngọn cây  sao! Đấy, đấy, chỗ chạc ba đấy! Chưa thấy ạ, xin cụ hãy vào phía ngõ để nhìn rõ hơn. Đấy, chưa thấy ạ, xin lùi vào chút nữa … vâng lùi vào một chút nữa, chếch sang phải một chút…
Theo sự điều khiển của ông  tổ trưởng, lão “đại tá” hộ pháp lềnh khềnh đảo dần tới cuối ngõ, một bên chân gỗ của lão cứ đâm sầm sập trên nền xi măng tựa như tiếng búa đóng cọc móng nhà, chiếc sào câu liêm sơn đỏ vô tình cứ múa lòng vòng trên cao. Liếc nhìn thấy đám quỷ sứ đã lủi hết, ông tổ trưởng dân phố liền hạ giọng êm ru:
-Có lẽ lũ cò đã bỏ đi rồi cụ ạ! Ta chờ dịp khác vậy…Phố mình là đất lành, rồi đàn chim sẽ tìm về đậu thôi…Còn bây giờ, xin mời thủ trưởng quá bộ sang quán bia bên đường, tôi với bố làm vài vại cho mát ruột.
Nhân ngày lễ “Quốc phòng toàn dân” trùng khớp với đợt tổng kết cuối năm, các vị lãnh đạo khu phố kéo tới thăm gia đình lão Nại. Nhiều kiểu ảnh được chụp chung, chụp riêng, nhiều loại quà to, nhỏ với những lời đề tặng khác nhau như: “Kính tặng cựu chiến binh gương mẫu”, “ Kính tặng thương binh gương mẫu”, “ Kính tặng gia đình nạn nhân chất độc màu da cam”, “ Kính tặng gia đình giữ vững truyền thống cách mạng”…Không khí nhộn nhịp bao trùm một đoạn đường phố kéo dài gần hết buổi sáng.
Cuối buổi viếng thăm, ông lãnh đạo cao nhất của khu phố nhẹ nhàng đưa ra lời đề nghị mời lão Nại đảm nhiệm chức tổ phó dân cư phụ trách an ninh.
-Bác là hiện thân của một thời hào hùng, khu phố ta rất tự hào hãnh diện có một người công dân như bác…Nếu có bác đứng bên thì ban lãnh đạo chúng tôi vững vàng như trái núi, không còn kẻ xấu nào dám châm chọc, cản phá!
Lão Nại nhắm nghiền mắt, mấy giọt lệ ứa ra.
Bà hội phụ nữ thì thầm: “ Cụ bị xúc động quá đấy mà!“. Ông tổ trưởng dân phố thì nghĩ thương cảm: “ Bố này thiếu trình độ, nay nhận chức tước thì lo lắm đấy!”. Ông phụ trách mặt trận cũng xót xa: “ Cái gì cũng tiền phong, gương mẫu cả nên lão khó từ chối công việc rát mặt, bỏng tay này”. Tay phụ trách văn nghệ thì nhếch mép thầm nghĩ: “ Lão lại đóng kịch khiêm tốn đây! Chức vớ bẫm, khối thằng tìm cách lo lót mà không xong, lão này chắc chẳng dại gì bỏ qua đâu!”…
Bỗng nhiên lão Nại cất giọng từ tốn, nghiêm trang như một viên đại tá đứng trước sư đoàn:
-Thưa… mấy năm nay xã hội ta phát tài…à…phát triển, các ông, các bà giàu mạnh cả, chẳng có bọn nào dám chống lại đâu!...Xin đừng chiếu cố đưa tôi, một kẻ tàn phế trở thành cán bộ…Việc này sẽ làm xấu đội hình à…à…làm xấu đội ngũ lãnh đạo ở khu phố ta.
3. Đám chim cảnh nhà lão Nại không ít phen gây nên những nhộn nhạo, vui, buồn ở khu phố. Có lần, hơn bảy, tám đứa con gái “sành điệu” diễu qua trước cửa hàng. Chúng rôm rả với nhau những chuyện thầm kín chẳng cần biết tới sự hiện diện của đám người xung quanh. Bất ngờ lũ chim cảnh của lão Nại đua nhau tru tréo:
- “Em còn bé lắm mấy anh ơi!”
- “Không cho chúng nó thoát”…
- “Em là gái dở, rình quanh sân chùa!”
- “Thằng Mỹ mặt mo, mặt dày”
- “Không cho chúng nó thoát! Không cho thoát!”
Bọn con gái hết hồn, bỏ chạy toán loạn, dày dép, sách vở văng tung toé trong tiếng cuời reo của đám đông. Khi tĩnh trí lại, nhóm con gái quay lại nhặt đồ rơi vãi. Nhìn lên cao thấy rõ đàn chim, các cô vội líu lo, cười nói chữa thẹn:
- Ôi! Ôi! Hoá ra là lũ chim nói được tiếng người!
- Đúng là lũ chim ma quái, làm người ta sợ hết hồn!
- Bác phải sửa đền guốc, dép cho bọn cháu đi! Lũ chim cảnh nhà bác gây ra chuyện này đấy!
         Thấy hai con của mình cứ cười vui mãi, lão Nại cũng thủng thẳng lôi dao, kéo, kìm, búa kì cạch sửa chữa guốc dép cho đám con gái suốt cả buổi chiều.
Vào một buổi trưa, có người đàn ông cao lêu nghêu, râu tóc rậm rì mang kính cận, vai đeo túi thổ cẩm sặc sỡ, cứ ngửa mặt vừa cười vừa sổ ra những tràng tiếng Tây, tiếng Tàu với đàn chim. Một chị đồng nát da trắng phốp, mắt lá dăm, ngồi trong quán nước của lão Nại, hỏi với ra:
-  Này! Này! Ông có phải là “Tây ba lô” không?
 
-“Tây” gì?”Ta” chính gốc dòng dõi vua Hùng đây!
- Là “Ta” mà sao có vẻ như chưa bao giờ thấy con chim nói được tiếng người hả?
- Ồ, không đơn giản thế đâu! Đây là một trời phát ngôn tự do, phát ngôn tự do, hiểu không?
- Phát ngôn tự do quái gì! Bọn chúng nhại lại tiếng người chứ có hiểu gì đâu.
- Ừ nhỉ! Cũng có thể như thế thật, nhưng….nhưng dù sao bọn chúng cũng hót.
- Thế ở nhà, ông bị vợ cấm hót hả?
- Có vợ con quái gì đâu mà bị cấm đoán.
- Thôi, ngồi xuống uống nước với bọn em cho vui.
- Em chiêu đãi hả? May quá! Thì ra đời vẫn còn có người tử tế.
- Anh là nhà thơ phải không?
- Em tài thật! Nhưng sao lại biết?
- Ngớ ngẩn, điên điên, khùng khùng!
- Không thế thì làm sao trở thành nhà thơ nhớn được!
- Chắc là phát ngôn bừa bãi nên bị sếp đuổi việc?
- Có làm cơ quan quái nào đâu mà bị đuổi, bị bắt!
- Chúng em cũng thích thơ lắm nhưng thơ bây giờ chán bỏ xừ! Thơ các anh chỉ rặt những thương vay, khóc mướn nhạt hoét, chẳng rung rinh gì cả!
- Đấy là do bọn biên tập báo chí, những bài thơ tình siêu hạng của bọn anh chúng có cho đăng đâu. Văn chương bây giờ toàn là những sản phẩm làng nhàng, phế thải! Có ai tâm huyết sống chết đâu, họ chỉ lo giữ ghế thôi!
- Thôi thế này nhé! Anh chọn những bài thơ hay nhất rồi đưa cho em. Chúng em sẽ lo việc in ấn, phát hành.
- Đừng đùa thế, đau lòng bọn anh lắm! Thơ không thể bán cân được đâu.
- Coi thường nhau quá nhỉ! Anh tưởng bọn này không có mắt xanh, không biết nâng đỡ nhân tài hả? Đấy, vừa qua ở thôn em có người sáng tác được mấy bài vè bảo vệ môi trường, phổ biến phòng chống bệnh mắt hột, bệnh tả rất hay nhưng trưởng thôn chẳng đoái hoài, bọn en liền cho in ấn rồi phát tán tới từng gia đình.
-…
- Đừng nghĩ bọn em chỉ lo kiếm lời, ngay giấy tờ mua về cũng phaỉ qua phân loại cẩn thận, những tờ viết bậy bạ, dù có đóng dấu đỏ, dấu xanh thì chúng em cũng chẳng dám bán cho thợ hàng mã làm đồ thờ cúng. Thế đấy!
- Tin rồi! Cho anh xin địa chỉ, điện thoại.
- Chẳng có địa chỉ, điện thoại gì hết. Có tin nhau thì cứ ra đây gặp gỡ.
- Đến bên trời tự do hả? Ha…ha…ha…
4. Lại có một lần, sau mấy tuần rình rập, lão Nại túm được mấy thằng choai choai thường nép bên tường để dậy lũ chim của lão nói tục, chửi bậy. Đau nhất là con “Quê hương”, nó không còn nhớ hát: “Quê hương là chùm khế ngọt” mà cứ liến láu tru tréo chửi rủa thô tục, độc địa tựa Chí Phèo, mụ Đốp.
Hai thằng quỷ sứ thoạt đầu lo sợ rúm người nhưng sau đó lại trơ trơ như mặt thớt gỗ nghiến.
-Thưa bố, chửi tục, nói bậy là một phần tất yếu của văn hoá. Một mai xã hội ta văn minh không còn biết đến nói tục, chửi bậy thì cũng có nghĩa là cuộc sống mất đi một phần di sản văn hoá truyền thống. Và như vậy là cả bố và chúng con đều có tội với thế hệ mai sau…Vậy thì việc chúng con dạy dỗ lũ chim , lưu giữ và truyền bá những…
Lão Nại vốn là người rất “ yếu” về lý luận và cũng rất ngại tranh luận về những vấn đề cao xa ( ngay từ khi còn đi học phổ thông đã thế rồi) bởi vậy, để sớm chấm dứt cuộc đối thoại mà phần thua tất sẽ về mình, lão liến rút phắt chiếc gậy gỗ táu dưới gầm giường rồi vung lên…quật chết con “ Quê hương” sau khi đã lôi nó ra khỏi lồng.
-Đồ ngu dốt! Đồ phản bội lập trường! Đồ thoái hoá đạo đức!
Lão Nại quát tháo, đập liên hồi vào con chim bé nhỏ. Lão chỉ dừng tay khi nghe tiếng khóc nức nở của đứa con gái:
-Nó có tội tình gì! Nó chỉ nhại theo tiếng người thôi! Sao bố lại nỡ giết nó!
Lão Nại mệt mỏi lê đến bên giường của cô con gái bị liệt hai chân. Một lúc sau lão mới thầm thì:
-Rồi bố sẽ mua cho con gái một con chim khác, đẹp hơn, hót hay hơn…
-Bố mua con chim rừng ấy! Đừng tìm mua thêm loại chim hót tiếng người nữa. Nhà ta ở đây suốt ngày ồn ã tiếng người, tiếng xe, cần phải có tiếng chim tự nhiên để thư giãn.
Tiếng thằng con trai cả bỗng phát ra eo éo:
-Em ngố quá! Chim đã vào thành phố thì làm sao còn hót được tiếng …chim. Một số được chọn để rạch mép, bóc lưỡi để học nói tiếng người, lũ kia thì …A lê hấp! Chui hết vào các “Đaì hoá thân hoàn vũ” của các cửa hàng đặc sản…Còn hót tiếng rừng, tiếng suối gì nữa!
-Ôi! Khủng khiếp quá! Anh cả đừng nói nữa!
Con bé lại oà lên khóc nức nở.
Dỗ dành một lúc khá lâu, con gái lão Nại mới trở lại trạng thái tâm thần ổn định. Lão Nại cố gợi chuyện, hỏi các con yêu thích con chim nào nhất trong bầy chim của gia đình. Đứa con gái bảo thích nhất là con “ Quê hương’’ nhưng nay nó chết rồi nên “ yêu tiếp” đến là con “Đợi đò”. Đứa con trai thì cho biết, nó yêu nhất là con “ Xin Nàng chớ bỏ tôi’’, và nó quay sang hỏi “ Thế còn bố”. Ông bố cười và bảo, bố thích nhất là con... “ Hành quân xa”. Thằng con trai vội méo xệch miệng:
-Ối giời ơi! Đến bây giờ mà bố vẫn còn thích “ Hành quân xa”.
5. Chiếc Vespa to kềnh và bóng lộn như vất thể lạ ngoài hành tinh lướt lên hè và êm ru đỗ trước cửa nhà lão Nại. Ngồi trên chiếc xe trị giá hàng chục nghìn đôla là một thanh niên cao lớn, hồng hào, để ria mép, mang kính mát mắt to. Anh ta khẽ gật đầu chào chủ nhà nhưng thấy lão Nại vẫn ngồi bất động như một pho tượng đá liền xuốg xe rồi đẩy “cỗ máy của con nhà trời” lùi xuống gốc bàng.
-Thưa bác, tôi được biết bác có mấy con chim quý, tôi muốn xin được mua một con để làm quà cho người thân.
-Vâng, tôi có một số chim cảnh nhưng nuôi để chơi thôi, chứ có buôn bán gì đâu.
-Xin thưa để bác thông cảm, cháu cũng là bộ đội, tất nhiên không thể sánh với bác là những người ra sống vào chết ở chiến trường, có công lớn với đất nước. Cháu chỉ chiến đấu trên thường trường nhưng cũng đầy gian lao phức tạp và cũng rất dễ thương vong lắm. Thực tế buộc chúng cháu phải nhạy cảm, tinh tế trong đối nhân  xử thế, và đặc biệt là phải biết săn sóc lãnh đạo thì mới mong được…yên lành và tiến bộ. Sắp tới có tiệc mừng sinh nhật Tổng giám đốc. Tất nhiên là chúng cháu phải lo đủ loại quà cáp, từ phong bì đôla đến đồ mỹ nghệ quý giá…Tuy nhiên mỗi người chúng cháu đều phải tính đến món quà gây ấn tượng đặc biệt với Sếp. Cháu biết bác có con chim biết hát bài “ Người ơi, người ở đừng về”, cháu muốn mua biếu Sếp để thể hiện tấm lòng thành, cầu chúc cho Sếp cứ ở lại, yên vị mãi trên chiếc ghế Tổng giám đốc của mình…
-Tôi có hai con “Người ơi, người ở đừng về”. Nhưng thực tình thì chúng chỉ hót được một vài câu như thế chứ không hót được cả bài đâu…
-Vâng, thưa bác, chim hót được như thế là quý lắm rồi! Hiện nay ca sĩ hàng “xịn” còn không thuộc bài, phải hát nhép nữa là…Bác cứ cho giá đi…
-Hiện nay tôi cũng cần tiền lắm, đứa con gái tôi đang phải nằm viện, tôi lại phải ở đây để kiếm thêm tiền và giúp đỡ đứa con trai cũng bị tật nguyền. Tiền thuốc thang, tiền thuê người trông nom con gái đều gay go cả, tuy nhiên tôi chẳng biết việc buôn bán chim cảnh ra sao…
-Bác không phải vân vi gì hết, cháu xin đưa bác hai triệu, nếu bác thấy chưa được thì cháu đưa thêm.
-Ôi…Thôi, thôi…Tôi chỉ xin như thế thôi! Xin trời chứng giám, tôi chỉ dùng tiền này chữa bệnh cho cháu thôi…Đây tôi xin đưa xuống hai con chim để ông lựa chọn.
Sau khi chọn được con chim ưng ý, anh cán bộ công ty nói với lão Nại:
-Cháu còn phải thửa một lồng sơn son, thiếp vàng, đồng thời cón phải qua thẩm mỹ viện động vật để nâng tầm món quà đặc biệt này.
Người khách lướt xe đi rồi mà lão Nại vẫn đứng như trời trồng. Lão loay hoay xem lại xếp tiền, xem chúng có phải là thật hay giả. Lão lại phân vân tự hỏi: Mua con chim hai chục ngàn đồng, chơi suốt bốn năm , nay lại được hai triệu, vậy có phải là lừa người ta hay không!?
6. Một sớm cuối xuân, có người đàn ông thấp đậm, ôm lồng chim, ngồi xe ôm tìm  tới cửa hàng chim cảnh. Thoàng nhín qua, lão Nại nhận ra ông nghệ nhân ở phố hàng Bạc, người trước đây hai tháng đã tới đây mua con “Hát bên trời tự do” của lão. Ngày ấy, vị nghệ nhân tâm sự rằng, đất nước đã yên bình hơn hai mươi năm mà ông vẫn chưa có dịp vào thăm đất phương Nam, ở trong đó vẫn có những người thân trong dòng họ chờ đợi ông. Thấy lão Nại là người chân thành tiếp chuyện, ông nghệ nhân được dịp dốc bầu tâm sự. Thì ra, ông là một người có tài, không ít đồ mỹ nghệ, vàng bạc, đá quý do ông chế tác đã được nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài mua với giá cao và đưa chúng vào các bộ sưu tập đồ quý của gia đình hoặc được trưng bày ở một số bảo tàng quốc gia. Con người có tài này lại hiền quá mức, ông chỉ cặm cụi lao động chế tác, còn chuyện mua bán, tiền nong thì để vợ toàn quyền quản lý, sử dụng. Vợ ông là một người đàn bà đẹp, bà còn đẹp hơn vì ngày càng giàu có, không phải lo toan bận bịu việc nội trợ, bếp núc, lại được ăn chơi thoải mái. Mở rộng giao du, bà có bạn tình là mấy vị có quyền thế và giàu có, một số “Xuân tóc đỏ” thời hiện đại cũng vây quanh tranh thủ khai thác bà. Đối với bà, ông chồng nghệ nhân tài hoa chỉ còn là chiếc máy in tiền phục vụ cho bà tiêu xài. Đứa con trai, niềm hy vọng của ông một thời loé sáng triển vọng trở thành nghệ nhân trẻ, kế thừa tài trí và tài sản của gia đình và dòng họ cũng đã theo gương mẹ, thoả sức ăn chơi phá phách; nó hành ông còn hơn chuyện đế quốc ,thực dân thống trị hành người dân mất nước.
Ông nghệ nhân chảy hai hàng nước mắt rồi thầm thì:
-Suốt năm năm nay, tôi còn sống được là nhờ nghe các bản nhạc và bài hát của Trịnh Công Sơn! Sao lại có người nhạc sĩ tài hoa đến thế! Những ca từ, những giai điệu của ông cứ thấm vào tâm can người nghe, nó gột sạch những nhỏ nhen tính toán cũng như những xấu xa độc ác để ta vẫn nhớ rằng, mình vẫn còn là một con người…
Cuối cùng ông nghệ nhân phố Hàng Bạc nhẹ nhàng “ thông báo” với lão cựu chiến binh:
-Tôi không thể di miền Nam được nữa, không thể mang con chim này tới tặng nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Nhạc sỹ đã vừa mới ra đi đầu tháng này, còn tôi ung thư gan đã ở thời kỳ cuối rồi!
-Ông trả lại con chim cho tôi ư?
-Không! Tôi muốn mang con chim này lên đoạn đê sông Hồng, bên Hồ Tây, cái chỗ mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ngồi “ Bên trời tự do” để sáng tác bài ca “ Nhớ mùa thu Hà Nội”, chỉ để thả con chim này về trời. Biết đâu con chim bay tới được tới mộ của ông Trịnh và hót cho nhạc sỹ nghe ca khúc do ông sáng tác!...Tôi muốn ông, người chủ cũ của nó, người dạy nó những lời ca ấy sẽ đi cùng tôi lên bờ sông Hồng.
7. Trời về chiều, khí lạnh đã luồn vào các dãy nhà. Đèn đường vừa bật sáng thì ông tổ trưởng tổ dân phố đã xộc vào nhà lão Nại.
-Thưa đại tá, tình hình hết sức cam go…Ồ! Không phải chiến tranh hay động đất gì hết…Xin thông báo để cụ biết, tôi vừa họp xong ở phường là về ngay đây. Tin xấu lắm! Bất lợi lắm! Nhưng trước sau gì thì cũng phải báo cáo với cụ, đó là dịch bệnh gia cầm, vẫn là cái thứ H5N1 chết tiệt đó. Không biết đây có phải là thứ vũ khí bí mật của bọn cực đoan hiếu chiến muốn diệt trừ loài người hay không mà nguy hiểm thế! Nó không chỉ xoá sạch các loài gia cầm, làm mất đi một nguồn chất đạm quý báu mà còn lây lan sang người gây bệnh ác hiểm không sao cứu chữa nổi. Để ngăn chặn sự lây lan gây bệnh của loại vi trùng này người ta chỉ còn cách diệt hết ngan, ngỗng, gà, vịt và tất cả …chim cảnh. Nhiều nước trên thế giới đã phải giết đi hàng triệu triệu con gà, con ngỗng; một số vườn thú quốc gia cũng phải tiêu huỷ hết các loại công, phượng, sếu vàng, sếu đỏ…
-Đừng quá sợ hãi, chuyện đó cũng đã xảy ra cách đây hai năm đấy thôi!
-Không! Thưa không! Cụ ơi, lần này rất khác…không thể đùa với tính mạng của hàng triệu người dân được đâu…
-Tôi sẽ đưa về quê, nhờ người chăm sóc, phòng chống bệnh. hết dịch lại đưa về.
-Thưa bố, không được đâu ạ! Các cửa ngõ nội, ngoại thành đã chốt chặt bởi các đội y tế và công an. Người ta sẽ túm lấy đàn chim của cụ, tiêu huỷ tại chỗ rồi còn phạt rất nặng vì tội đã góp phần làm lan truyền dịch bệnh. Danh dự của cụ lớn lắm, làm sao tôi có thể thờ ơ, không đứng ra bảo vệ!
-Anh biết đấy, bầy chim là niềm an ủi để tôi và các cháu khuây khoả qua ngày. Diệt chúng thì nhà tôi trống rỗng…hay là chỉ giết một số con rồi nhờ anh…
-Nhưng con người còn quý hơn, chẳng nhẽ cụ không lo cho hai em hay sao? Vả lại cả khu phố đều biết cụ có đàn chim; đội y tế và dân phòng sẽ trực tiếp tới đây thu nhận và diệt đàn chim, họ kiểm tra, lập biên bản rõ ràng không thể giấu diếm được đâu.
-Còn có cách nào không?
-Hay là cụ theo gương thầy lang hiệu thuốc “ Thiên Đình”, ông ta có con Hoàng Yến tiếng hót quý lắm, trị giá lên tới ba cây vàng. Cùng quá, ông ta đành phải mổ bụng chim, ngâm tẩm phoocmon rồi cho nhồi bông. Hiện nay ông lang cho bày con chim nhồi bông ấy trong tủ kính, để trước cửa hiệu.
-Chim thì phải hót, phải bay nhảy. Chứ chết rồi thì còn giá trị gì. Nếu thế thì tôi chơi chim sứ, chim săt còn hơn!
-Thôi thì liều, vả lại tôi quý cụ lắm! Tôi và cụ giữ lại hai con, chỉ hai con thôi! Cụ một, tôi một. Cố giấu kín và lo phòng dịch bệnh đấy nhé!
-Cũng chẳng còn cách nào nữa! Thôi cũng đành!
-Gấp lắm rồi! Xin mời cụ chọn trước một con.
-Tiếc đứt ruột! Đối với tôi, con nào cũng quý… thôi thì đành chọn một; tôi giữ lại con... “Hành quân xa”.
-Ha, ha…Tôi biết ngay mà! Bố lại tiếp tục…hành quân xa…ha, ha, ha…
-Thế còn anh? Anh tổ trưởng dân phố, anh chọn con nào?
Dạ, thưa lão đại tá, tôi xin bố con… “ Người ơi, người ở đừng về”.