Trang chủ » Truyện

EM ĐÃ CÓ MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG NHÀ

Trần Nhương
Thứ ba ngày 26 tháng 5 năm 2009 2:16 PM
 
Truyện ngắn

   Không biết duyên do vì đâu tôi lên Đại Lải sáng tác cũng là lúc trại sáng tác của hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại đây. Tôi vốn là người cũng vẽ nên gặp các họa sĩ dễ thân gần. Lúc viết mỏi mệt tôi la cà sang chỗ các bạn . Chúng tôi lập tức quen nhau vì các anh cũng biết tôi đã có triển lãm hội họa. Trong số họa sĩ dự trại có một chị tên Hoa. Chị không còn trẻ nữa, chừng hơn 40 tuổi, bỏ chồng, đã có hai con. Chị cởi mở dễ gần, chưa thân quen nhưng chị đã gọi tôi là cậu. Cậu đang viết gì ? Nhà cậu ở đâu ? Đại khái như vậy, chị gọi như thể bạn bè cùng trang lứa.
   Một lần tôi sang phòng chị thấy chị đang vẽ bức tranh về cầu Long Biên những năm chiến tranh phá hoại. Chị vẽ những nhip cầu gẫy khúc với đường chéo xước nham nhở rất sống động. Cả không gian tranh nhuốm trong màu vàng thư rưng rưng đến nao lòng. Tôi khen những nét xơ bút tạo nên vừa ảo vừa thực. Chị nói em vẽ cây cầu này với nỗi ám ảnh kinh hoàng. Tôi hỏi vì sao, chị bảo đã có lần em định nhảy xuống sông tự tử tại đây. Chi tiết ây khiên tôi tò mò muốn “khai quật” chuyện đời cô gái này để viết cái truyện ngắn. Tôi hỏi sao lại đến nông nỗi thế. Hoa dừng tay bút nhìn tôi như thẩm định người bạn văn chương vừa biết này có đáng tin không. Có lẽ cái gương mặt của tôi làm chị yên tâm.
- Chuyện dài lắm, nếu kể phải mất cả chiều, anh có nghe không ?
- Nghe. Đang bí đao đây. Hoa kể đi.
Hoa kể:
...Năm 20 tuổi thì em yêu một người quê Hải Phòng, anh ấy cùng trường trung cấp kỹ thuật với em. Yêu nhau ba năm rồi mà hai gia đình vẫn chưa gặp nhau làm em sốt ruột. Ngày ấy không như bây giờ, cái gì cũng phải kim chỉ có đầu. Em giục anh ấy mời các cụ lên cho danh chính ngôn thuận. Hai cụ nhà anh ấy lên như một chuyến tham quan nắm bắt tình hình mà không nói một lời nào. Em biết vậy liền cắt đứt ngay với anh ấy. Đúng lúc đó anh ta nhập ngũ. Suốt 32 ngày huấn luyện là 32 lá thư phân trần, thanh minh và thẫm đẫm những lời yêu thương. Rồi anh lên biên giới phía bắc. Những ngày sau đó anh gửi về cho em nào chăn con công, nào phích nước. Em không dùng, cho con em tất. Em quá cực đoan phải không anh. Thế là mối tình đầu của đời con gái đã tuột khỏi tay em. Buồn lắm, em ngơ ngác như vừa mất cái gì đó. Thời gian sau em gặp một người đàn ông đã làm cho đời em như một kẻ nô lệ thời trung cổ.
  Em có cô bạn tên Liên, nó có một người anh trai giải ngũ về hiện làm công nhân thủy điện sông Đà. Hôm ấy em đến nhà tìm Liên, anh ta cũng mới về thăm nhà. Liên đi vắng. Anh ấy mời em ngồi chơi để chờ nó. Chỉ nói chuyện linh tinh trong ít phút, không ngờ anh ấy mê em. Sau đấy anh bỏ việc bên sông Đà và chiều nào cũng đạp xe lên khu vực nhà em lấy cớ đi đánh bóng bàn để gặp em. Thế rồi yêu nhau lúc nào cũng không biết nữa. Khi biết em sắp lấy anh ta, mọi người khuyên em nên suy nghĩ lại vì gia đình anh buôn bán, nổi tiếng ghê gớm trong vùng. Có người còn bảo chỉ dăm bảy tháng là vào cửa trước ra cửa sau. Em nói thẳng với anh ấy điều phân vân đó. Anh ấy bảo việc các cụ cũng có chuyện này chuyện khác nhưng chúng mình lấy nhau rồi riêng tây lo gì.
  Ngày em cưới chồng chàng bộ đội quê Hải Phòng đã gửi đến em lá thư viết bằng máu. Tôi nghiệp anh ấy. Giá như em không tự ái thì có lẽ đời em không đến nỗi khốn nạn.
  Em đã tốt nghiệp trường trung cấp nghệ thuật Việt Bắc, khoa hội họa. Tốt nghiệp em về công tác tại trường trung cấp kỹ thuật luyện kim. Em lại hát hay nên là át chủ bài của đội văn nghệ. Ngày ấy hoạt động văn nghệ sôi nổi lắm, hình như lúc gian khổ thì chính tiếng hát đã cứu cánh cho người lao động. Em thường xuyên đi biểu diễn quanh vùng. Chồng em ghen thu xe đạp của em không cho đi.
- Đấy mày thích đi thì đi bộ.
Em không bỏ công việc được nên đi bộ. Ra đến đường là các chị cùng trường gặp ai người nấy đèo đi. Gã tức quá, một lần em có chửa thằng lớn bốn tháng. Em đang biểu diễn tại khu gang thép thì gã xộc lên sân khấu tát em liền mấy cái. Gã lôi xềnh xệch em về. Xấu hổ, uất lên nghẹt thở. Sau lần ấy em bảo gã hãy buông tha nhau ra. Gã không đồng ý. Bố mẹ em cũng không đồng ý, các cụ bảo đã lấy chồng thì được phận nào hay phận ấy. Vẫn phải chung sống với gã. Gã quản lý tất cả tài sản trong nhà, nhất là tiền bạc hắn không cho em cầm một đồng nào. Mỗi lần đi chợ đáng ra phải chi năm ngàn thì mới tạm cho bữa ăn nhưng hắn chỉ đưa có ba ngàn đồng. Thức ăn kém gã lại kêu. Bà mẹ chồng thấy bữa ăn đạm bạc bảo em sao không mua thức ăn kha khá vào, vợ chồng trẻ ăn uống thế này thì làm gì có sức. Tất cả những khoản tiêu đáng 10 thì bao giờ gã cũng chỉ đưa cho em hai phần. Lấy gã em đã mấy lần bị sẩy, nếu không uống thuốc bắc thì không giữ được thai. Lần chửa thằng lớn, em không có tiền để uống thuốc, xin gã thì gã không cho. Em lên nhà cụ lang Thiêm, em nói rõ là con không có tiền, cụ cho con uống thuốc chịu khi nào có tiền con trả. Cụ lang Thiêm bảo em cô cứ uống để giữ cái thai còn tiền nong bao giờ cô có trả tôi. Em uống thuốc cụ Thiêm đến ba tháng liền.
  Khi gã bắt em nghỉ việc, hai vợ chồng không có công ăn việc làm bàn nhau làm kẹo vừng, kẹo lạc. Hàng ngày em đi bán khắp các làng xóm quanh vùng. Ngày nào bán được em đều nộp tiền cho gã, có gói kẹo ướt em cũng không dám ăn. Kết thúc việc làm kẹo để chuyển sang buôn sơn, không biết gã tính toán thế nào mà bảo em còn thiếu tiền kẹo 4000 đồng. Em biết với gã thì tiền là trên hết, thôi thì về nhà mẹ xin 4000 đồng nộp cho gã.
  Ngày ấy dân trên vùng Thái Nguyên này chưa biết dùng sơn tây nhiều. Em về Hà Nội mua mươi hộp để ngay trước nhà. Em làm thêm việc chữa xe đạp, vá xăm, thay lốp chẳng kém gì đàn ông. Gã tức thấy mấy hộp sợn bày ra gã đá một phát lăn lông lốc ra đường. Ông bố chồng cũng chữa xe đạp bên cạnh bảo em mang sang đây mà bày. Có đến mấy tháng mấy hộp sơn bị bụi bám trắng xóa, chẳng có ma nào mua. Dần dần họ biết dùng, rồi bộ đội mua rất nhiều về sơn doanh trại. Cửa hàng sơn của em đắt hàng bán không kịp. Bắt đầu có vốn liếng nhờ buôn bán sơn và làm quảng cáo. Em vốn học hội họa nên việc kẻ vẽ rất siêu. Một lần em về Hà Nội thấy họ làm biển cơ quan, cửa hàng bằng mi ca ghép chữ nổi rất đẹp. Em lân la ngồi xem rồi thuê họ làm vài cái mang lên Thái bày mẫu. Chỉ vài tháng sau khách hàng đến thuê ầm ầm. Dân mình nó thế, thấy anh kia có biển đẹp thì mình cũng phải có. Thôi thì cơ quan, đơn vị bộ đội, cửa hàng đâu đâu cũng biển mi ca xanh đỏ y sì. Làm không hết việc em phải thuê thêm cả thợ đến phụ. Tiền kiếm được bao nhiêu gã chồng em thu hết.
  Làm vơi việc biển hiệu, biển cơ quan em lại đến các nơi gạ họ vẽ ảnh lãnh tụ, tranh cổ động. Ở khu công nghiệp Công Giang em được cái hợp đồng kếch xù vẽ lãnh tụ trên một pano bằng tôn to như 4 chiếc chiếu. Sơn tốt lại sẵn nên vẽ thoải mái, còn thừa mang bán.
  Lúc này thì vốn liếng của hai vợ chồng đã kha khá. Hồi mới lấy nhau gã chồng em ao ước sau này có ngôi nhà ba tầng thật oách. Em biết gã đã thu về hầu bao nhiều tiền rồi, em bàn với gã xây nhà. Chúng em tính ra còn phải đi vay khoảng 60 triệu nữa là đủ. Em đi vay bà Hội đúng số tiền ấy,
  Mấy tháng sau ngôi nhà mơ ước đã xây xong. Gã chồng em sướng lắm. Bây giờ chúng em chuyển sang buôn đồ điện, ti vi và nhiều thứ hàng gia dụng khác. Em đã có hai mặt con với gã. Năm sáu lần định bỏ nhau mà ông trời vẫn buộc chúng em lại. Nhí nhoáy thế nào mà chửa đẻ với gã được em cũng không biết nữa, có lẽ vì không thể chống lại sự ham muốn của gã.
  Bây giờ kinh tế đã kha khá em muốn đi học đại học mỹ thuật. Đời em khát khao nhất là được vẽ. Nói gần đứt lưỡi thì gã chồng em mới cho đi học tại chức trường Yết Kiêu. Học tại chức thì một năm có mấy tháng tập trung thôi nên em vẫn có thời gian lo việc nhà.
  Em nhớ năm ấy vào đúng dịp ngày Nhà giáo, em bận công việc cùng lớp đi thăm thày giáo. Các bạn nhất định không cho em về nên đành ở lại Hà Nội. Đêm hôm ấy em nóng ruột kinh khủng, linh tính em đoán là có chuyện vì hôm đó là ngày cuối tuần. Bảnh mắt hôm sau gã chông em xồng xộc vào trường. Hắn tát em túi bụi và bắt em về ngay Thái Nguyên. Em xấu hổ quá trước các bạn học. Con người ta có thể chịu đựng được khổ ải, thiếu thốn nhưng bị xúc phạm thì không sao chịu được. Lúc đó em muốn chạy ra đường lao vào một chiếc xe nào đó cho khỏi nỗi nhục nhã này. Nhưng rồi em vẫn phải theo gã lên tầu về nhà. Khi những bánh sắt nghiến trên thanh ray lao qua cầu Long Biên tự nhiên cơn uất của em lại nghẹn lên cổ. Nhìn dòng sông cuồn cuộn dưới kia em định lao ra. Đúng lúc ấy từ trong toa có tiếng trẻ khóc. Cái tiếng khóc của đứa trẻ như bàn tay kéo em lại. Em nghĩ đến hai đứa con em đang đợi mẹ về. Thế là em bỏ ngay ý định lao xuống sông....
  Hoa ngừng kể, cô cầm bút vẽ đặt lên toan kéo một vệt cho màu chảy nơi cô đang vẽ cái lan can cầu Long Biên. Tôi ngồi lặng yên nhìn Hoa. Trên gương mặt cô với đôi mắt to, sáng thể hiện một tính cách quyết liệt. Tôi dự đoán thế nào khi cô về đến nhà gã chồng cô sẽ không để cô yên. Tôi hỏi:
- Chắc về thì em bị một trận đòn nhừ tử.
- Hơn cả một trận đòn. Em kể tiếp đây.
Khi em về đến nhà hai đứa con em ôm lấy mẹ khóc nấc lên. Thằng lớn nói bố sẽ đánh chết mẹ. Gã chồng em lôi hai đứa con bắt ngồi yên một chỗ. Hắn xô em nằm ngửa trên nền nhà, Tay gã lăm lăm một cái xẻng. Bàn chân hộ pháp của gã dẫm lên ngực em. Tay gã dứ dứ lưỡi xẻng vào cổ em. Chỉ một tích tắc có lẽ cái lưỡi xẻng kia sẽ cắm vào cổ họng bé bỏng của mình. Em không sao vùng ra được đành nhắm mắt mặc cho gã muốn làm gì thì làm. Hai đứa con em không nghe lời gã chạy đến nằm đè lên mẹ. Gã vứt cái xẻng ra sân và thở hồng hộc rồi biến đi đâu em cũng không biết nữa.
   Sau lần ấy thì em kiên quyết chia tay với gã. Bố mẹ em đã biết hết chuyện nên không can ngăn nữa. Khi ra toà em xin ra tay không chỉ xin mang theo hai đứa con. Gã bằng lòng vì gã không phải chia bôi tài sản cho em. Em để lại cho gã cả ngôi nhà ba tầng và bao nhiêu hàng hoá đang bán. Tất cả đều do đồng tiền em ki cóp làm ăn bao nhiêu năm. Ba mẹ con em đi thuê nhà và từ đấy em đã thoát khỏi một tên bạo chúa. Không còn một đồng trong tay, em lại lần mò vào các cơ quan, đơn vị xin việc. Cũng may với bàn tay vẽ vời của em nên không đến nỗi chết đói. Hồi ấy việc mừng thọ, tang lễ người ta hay dùng tranh, chữ, trướng để mừng để phúng viếng. Em mua lụa đỏ, xa tanh về vẽ viết để bán. Dần dần có bát ăn bát để, có tiền nuôi hai con ăn học và em vẫn cố theo lớp tại chức. Vài tháng sau ngày chia tay gã, bà Hôi mà em vay tiền đến tìm em đòi nợ. Em bảo sao bà lại đòi cháu, bà Hôi bảo tôi đòi anh ấy thì anh bảo tìm cô Hoa mà đòi, ai vay người ấy trả. Trời ơi, gã chiếm cả ngôi nhà ba tầng mà bây giờ gã bắt em trả nợ. Em biết không thể làm gì được với gã, mà không trả nợ thì bẽ mặt với hàng xóm láng giềng. Em hứa với bà Hội cho thư thả rồi sẽ trả. Thế là em nai lưng ra trả đủ số tiền cho bà Hội.
  Vài năm sau gã bán ngôi nhà mà em kiếm tiền xây dựng để vào Biên Hoà. trước khi đi gã có qua chỗ mẹ con em ở. Gã đưa cho em một triệu nhưng em không nhận. Em bận đi làm nên để gã ở nhà chơi với hai con em. Khi em về thì gã đã đi. Thằng lớn nhà em bảo bố để tiền cho mẹ nhưng con thấy bố rút lại mấy tờ. Tôi kiểm lại tiền thì chỉ thấy có 600 ngàn. Gã bán ngôi nhà hơn 500 triệu mà gã cho con 1 triệu lại rút lại 400 ngàn. Anh thấy gầm trời này có thằng đàn ông nào như thế không.
  Gã vào Biên Hoà mua nhà rồi mở nhà nghỉ. Chắc được độ hơn một năm, gã gọi điện ra bảo em cho con vào chơi. Gã nói nhớ con lắm, chiều gã một lần này thôi. Em hỏi hai con em thì chúng nó thích quá. Nhân mùa hè em cho chúng nó đi chơi cũng phải. Em điện cho gã với điều kiện phải đóng cửa nhà nghỉ trong thời gian mẹ con em ở đấy. Gã đồng ý. Vào đến nơi em nai lưng ra tổng vệ sinh. Anh còn lạ gì nhà nghỉ, cái nơi uế tạp toàn giai trốn chúa, gái chê chồng đến bậy bạ. Em không muốn cho con em nhìn thấy những cảnh ấy nên bắt gã đóng cửa. Được vài ngày đầu vui vẻ, sau đó gã ca cẩm mỗi ngày kiếm mấy triệu mà đóng cửa thế này mất khách lắm. Em bảo tiền bù lại cho anh tôi sẽ chi trả. Nhưng rồi không thể ở thêm được nữa một phần vì gã kêu ca một phần vì gã tưởng em vào đây là thèm khát đàn ông. Gã luôn luôn đe dọa và ép em phải chung chạ. Em không chịu thế là gã lại hiện nguyên hình một tên dê già. Mẹ con em về Bắc. Trước khi đi em đặt vào tay gã 5 triệu đồng và nói đây là số tiền bù lại cho anh những ngày đóng cửa. Em không ngờ bàn tay của gã nắm chặt lấy số tiền ấy cho vào túi áo. Nhìn gương mặt mãn nguyện của gã em kinh tởm và vội vàng lôi hai đứa con chạy vôi ra đường.
 Vài năm sau vào dịp tết thì gã ra. Gã bảo nhớ con quá nên ra ăn tết với mẹ con em. Lúc này em đã đưa hai con về Hà Nội, em mua được ngôi nhà 24 mét vuông. Gã bảo em sẽ mang thằng lớn vào trong đó. Em trả lời toà đã tuyên tôi nuôi con, nếu anh muốn mang con đi phải làm giấy cam đoan và nhất là phải theo ý nguyện của con. Gã hỏi thằng lớn xem ý nó thế nào. Thằng con em khi ấy 12 tuổi, nó trả lời:
- Không, con ở với mẹ, khi nào bố già con sẽ vào chăm nuôi bố.
Trời ơi, em suýt nữa thì khóc to lên. Em sung sướng đến run người vì thằng con em biết nói một câu mà lớn hơn tuổi của nó. Nó giữ trọn được cả tình cảm với mẹ và cha đẻ ra nó. Dù sao gã cũng là bố đẻ của hai đứa con em, em cũng không muốn ngăn cấm tình cảm của các con em với gã. Từ lúc ấy em biết mình đã có người đàn ông trong nhà. Còn với gã, em chỉ coi gã là con đực chứ không phải người đàn ông. Biết không đón được con đi, gã bảo em cho ở đây ăn tết với con. Em thương con em lâu ngày vắng bố nên đồng ý. Gã đưa cho em 1 triệu gọi là để đóng góp khi gã ở đây. Em không nhận, gã để tiền vào ngăn kéo bàn học của thằng lớn. Đêm hôm ấy gã lân la vào giường em đòi ăn nằm. Em ghê tởm gã và kiên quyết từ chối. Sáng sớm hôm sau gã đùng đùng bỏ đi. Gã bảo về Thái Nguyên ngay. Trước khi đi gã đòi em một triệu. em chỉ tay vào ngăn kéo bàn:
- Tiền của anh vẫn để trong ngăn kéo kia.
Gã mở ngăn kéo cầm tiền rồi vội vã biến mất.
  Hoa ngừng kể. Cô nhìn tôi như chờ đợi một câu hỏi. Tôi hỏi:
- Bây giờ gã sông ra sao ?
- Gã bỏ Biên Hòa lại về Thái, nghe nói mới lấy vợ. Thế là lại một người đàn bà bị gã đầy ải.
Hoa cười bảo tôi thôi cậu về viết lách đi để tớ vẽ không mất béng một buổi chiều rồi. Tôi về phòng khóa trái cửa lại, mê mải gõ phím ghi vội câu chuyện mà Hoa vừa kể....
                                            Đại Lải, 24-3-2009